Làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh, Tổng Bí thư vui mừng nhận thấy sau bốn năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Kết luận số 71-KL/TW của Ban Bí thư, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Hà Giang đã nỗ lực phấn đấu và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Mặc dù điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn, hiểu biết của người dân còn hạn chế, tập tục canh tác lạc hậu, nhưng Hà Giang vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng GDP khá, bình quân giai đoạn 2011-2013 đạt 10,35%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thương mại dịch vụ chiếm 36,3%, công nghiệp xây dựng chiếm 25,9%, nông lâm nghiệp thủy sản chiếm 37,8%; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 15 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 29,96%. Năm 2013 giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đã đạt gần 3.200 tỷ đồng, gấp 2 lần so với năm 2010 và tăng 58,3% so với mục tiêu nghị quyết đề ra. Những năm qua, du lịch Hà Giang tăng trưởng mạnh nhờ gắn với phát huy nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và lợi thế Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Tám tháng năm 2014 tỉnh đã thu hút hơn 410.000 lượt du khách, gần bằng tổng số du khách đến Hà Giang trong cả năm 2013. Có được kết quả đó là nhờ tỉnh Hà Giang đã tập trung thực hiện tốt các định hướng đột phá chiến lược của tỉnh, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế kỹ thuật. Đến nay, 100% số xã có đường giao thông đến trung tâm xã, có trường học, trạm y tế và trụ sở được xây dựng kiên cố.
Hệ thống thủy lợi, công trình thủy nông, hệ thống cấp nước sinh hoạt, nhất là các hồ treo trên địa bàn bốn huyện vùng cao phía Bắc được quan tâm triển khai thực hiện, đến nay đã đầu tư hoàn thành 77 hồ, từng bước đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt và tưới tiêu cho nhân dân... Bộ mặt nông thôn, thành thị không ngừng đổi mới, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giao lưu biên giới diễn ra ổn định.
Tổng Bí thư hoan nghênh Hà Giang đã thường xuyên quan tâm thực hiện tốt công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương được quán triệt, triển khai sâu rộng đến cơ sở, cụ thể hóa thành các chuyên đề, đề án, chương trình hành động cụ thể, tạo những bước đổi mới, đột phá rõ nét, góp phần xây dựng, củng cố vững mạnh hệ thống chính trị tại cơ sở.
Đến nay, toàn tỉnh có 930 tổ chức cơ sở đảng, với tổng số hơn 58.000 đảng viên. Tỉnh đã hoàn thành “xóa thôn bản trắng chi bộ,” đồng thời quan tâm đào tạo , luân chuyển cán bộ, thu hút nguồn lực trí thức trẻ.
Ghi nhận, biểu dương những kết quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã đạt được, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chia sẻ những khó khăn của tỉnh do điều kiện tự nhiên, nguồn lực hạn chế, quy mô kinh tế nhỏ, tăng trưởng kinh tế chậm, thu nhập bình quân còn thấp... Tuy nhiên, Hà Giang cũng đã tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm quý và luôn trăn trở, tìm tòi hướng phát triển, đoàn kết, quyết tâm vượt khó vươn lên.
Tổng Bí thư lưu ý, từ nay đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI chỉ còn hơn một năm, Hà Giang cần tập trung thực hiện quyết liệt các chỉ tiêu nhiệm vụ đã đề ra, thực hiện các chủ trương, biện pháp đã có, phong cách chỉ đạo phải quyết liệt, kiểm tra đôn đốc thường xuyên, tháo gỡ khó khăn kịp thời, thực hiện đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu nhiệm vụ; đồng thời Hà Giang phải chuẩn bị thật tốt cho Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI, theo đúng quy trình và bảo đảm chất lượng.
Tổng Bí thư lưu ý Hà Giang cần tiếp tục tổng kết, bổ sung, hoàn thiện các chủ trương, phương hướng phát triển của tỉnh, trên cơ sở kế thừa những kết quả đã đạt được, tranh thủ ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Tổng Bí thư khẳng định công nghiệp hóa, hiện đại hóa đối với Hà Giang chính là phát triển thật tốt nông nghiệp và lâm nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, đưa công nghệ tiên tiến và giống mới vào sản xuất, tìm hướng xuất khẩu gắn với chế biến, thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển mạnh các cây trồng truyền thống đã trở thành đặc sản như cây cam Bắc Quang, cây chè Hà Giang, đồng thời mở hướng phát triển cây dược liệu, cây cao su, trên cơ sở hiệu quả thực tế.
Tổng Bí thư lưu ý Hà Giang tập trung phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp khai khoáng, công nghiệp chế biến, cần chú ý đến chất lượng phát triển, ứng dụng công nghệ hiện đại, giữ gìn và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, Hà Giang cần khai thác tiềm năng kinh tế biên mậu, tăng cường giao lưu thương mại với các tỉnh giáp biên như Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc. Du lịch sẽ là một hướng đi hiệu quả của Hà Giang nếu quảng bá tốt, có cơ sở hạ tầng dịch vụ tốt và nguồn nhân lực chất lượng tốt.
Tổng Bí thư chỉ rõ nhân dịp chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng các cấp, Hà Giang cần tập trung chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Đây là một cơ hội tốt để củng cố lại tổ chức đảng, chứ không chỉ lo công tác nhân sự. Nhân sự là một việc, mặc dù rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định, nhưng bên cạnh đó cần củng cố tổ chức đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, chống cho được hiện tượng suy thoái biến chất, chống cho được tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Cùng với bàn bạc, đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển của địa phương, tỉnh cần củng cố tổ chức, siết lại các nguyên tắc tổ chức thực hiện, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Nhân kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với Hà Giang - nơi Bác Hồ lên thăm, cần thực hiện tốt tám điều Bác Hồ dạy, tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh, tập trung làm tốt công tác xây dựng đảng.
Về công tác chuẩn bị nhân sự, Tổng Bí thư nhấn mạnh cần thực hiện đúng quy trình, hướng dẫn, vận dụng vào điều kiện cụ thể, chọn người cho đúng, bố trí cho trúng chỗ, để phát huy được vai trò, năng lực của cán bộ.
Tổng Bí thư mong muốn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đoàn kết phấn đấu, xóa đói giảm nghèo bền vững, phát huy tiềm năng thế mạnh, xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp, không thua kém các tỉnh bạn trong khu vực.
Trước đó, sáng cùng ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm Công ty cổ phần thương mại phát triển nông lâm nghiệp Bình Minh 3, một thành viên Công ty Cổ phần Thương mại Công nghệ Bình Minh, nằm trên địa bàn xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Đến nay, Công ty Cổ phần Thương mại Công nghệ Bình Minh đã phát triển, bảo tồn và di thực trên 100 loại giống cây ở các tiểu khí hậu từ độ cao 700-2.200m, trong đó có nhiều thảo dược quý hiếm đang sinh trưởng và phát triển tốt. Công ty cũng đã khởi công xây dựng nhà máy sơ chế và chế biến dược liệu tại xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, thu hút hàng trăm công nhân là đồng bào các dân tộc tham gia dự án với mức lương trung bình 3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, Công ty còn phối hợp với huyện Quản Bạ thành lập năm hợp tác xã, đang tập trung xuống giống vụ dược liệu 2014-2015, đáp ứng đơn hàng của các đối tác Nhật Bản, Đài Loan.
Nói chuyện thân mật với cán bộ, công nhân viên Công ty, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vui mừng trước những kết quả bước đầu trong hoạt động sản xuất của Công ty, coi đây là hướng đi mới, phù hợp với điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu của địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tổng Bí thư mong rằng Hà Giang tiếp tục quan tâm, có những bước đi và giải pháp cụ thể nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương để phát triển sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống của bà con các dân tộc trên địa bàn.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, tặng quà gia đình đồng chí Vàng Páng Sèng, Bí thư Chi bộ thôn Bó Lách; gia đình ông Trần Văn Đức là gia đình sản xuất giỏi tại xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.
Cũng trong buổi sáng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm Khu công nghiệp Bình Vàng, nằm trên địa bàn huyện Vị Xuyên. Khu công nghiệp Bình Vàng hiện có 12 dự án được cấp phép đầu tư, tổng vốn đăng ký gần 5000 tỷ đồng. Trong đó, dự án Nhà máy sản xuất tinh quặng viên của Công ty cổ phần đầu tư khoáng sản An Thông đi vào hoạt động từ tháng 10/2013, đã dần ổn định sản xuất và bước đầu đóng góp cho ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động với mức thu nhập 4,5 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến năm 2014, Công ty sản xuất 240.000 tấn quặng viên, đóng góp cho ngân sách 30 tỷ đồng.
Chiều cùng ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, làm việc với Ban quản lý Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, nằm trên địa bàn huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
Nguồn: TTXVN