Báo chí vì sự phát triển bền vững của vùng dân tộc và miền núi

Đó là chủ đề Hội thảo do Báo Dân tộc và Phát triển - Báo Tuyên Quang - Ban Dân tộc Tuyên Quang phối hợp tổ chức tại tỉnh Tuyên Quang vào sáng ngày 21-8-2014. Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang, lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh Tuyên Quang; lãnh đạo ban dân tộc các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang... một số cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương, cùng đông đảo các cộng tác viên của Báo Dân tộc và Phát triển tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

Trong báo cáo Đề dẫn, đồng chí Hoàng Xuân Định, Tổng Biên tập Báo Dân tộc và Phát triển khẳng định: Thông tin, tuyên truyền thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, lâu dài và quan trọng. Thực tế cho thấy, khi đồng bào biết, nắm chắc thông tin, am hiểu chính sách dân tộc, trên cơ sở phát huy tốt nội lực, tiềm năng của địa phương, gia đình và cộng đồng, với sự đầu tư, hỗ trợ của Chính phủ sẽ tạo nên sức mạnh, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, xoá đói, giảm nghèo bền vững, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội. Cùng với định hướng dư luận xã hội, việc thông tin, tuyên truyền cần phải thực hiện được tính hiệu quả, sự phản biện cùng những vấn đề đặt ra trong tư duy, nhận thức quá trình xây dựng, triển khai, thực hiện chính sách dân tộc từ thực tiễn và đời sống… Bởi vậy, Báo Dân tộc và Phát triển cũng như các cơ quan báo chí khác luôn trăn trở làm thế nào để hóa thân vào chính sách dân tộc để sáng tạo ra những tác phẩm báo chí vì cho đồng bào, vì đồng bào, thiết thực góp phần cùng đồng bào các dân tộc xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững vùng dân tộc và miền núi.

Tại hội thảo, các ý kiến đều cho rằng, những năm qua, Báo Dân tộc và Phát triển và các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương các tỉnh miền núi phía Bắc như: Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Hà Giang… đã nỗ lực tuyên truyền đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là chính sách dân tộc góp phần nâng cao nhận thức cho đồng bào, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, báo chí đã tích cực đấu tranh chống tiêu cực; phản ánh kịp thời, khách quan, trung thực quá trình triển khai, những kết quả đạt được cũng như hạn chế trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các chính sách dân tộc… Các đại biểu cho rằng, thông tin được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hết sức quan trọng và cần thiết, bởi đó là cẩm nang, tài liệu quan trọng giúp đồng bào học hỏi, áp dụng trong cuộc sống và sản xuất... Các đại biểu cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm tuyên truyền và đề xuất một số cơ chế, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tuyên truyền như: viết cho đồng bào DTTS cần dễ đọc, dễ nhớ, ngắn gọn, ngôn ngữ trong sáng, mạch lạc, có nhiều hình ảnh đẹp để minh họa; phản ánh kịp thời, tôn vinh và đề cao những tấm gương điển hình tiên tiến, phê phán và cảnh báo những tiêu cực trong xã hộị. Đặc biệt, báo chí phải phản ánh trung thực, khách quan.

Với chủ đề này, nhiều năm qua, Tạp chí Xây dựng Đảng đã bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước có kế hoạch tuyên truyền cụ thể, phù hợp trong từng thời điểm như tuyên truyền về công tác xây dựng đảng, điều hành của chính quyền, hoạt động của hệ thống chính trị tại các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong phát triển kinh tế bền vững tại địa phương; tuyên truyền về tấm gương đảng viên là người dân tộc thiểu số vươn lên làm giàu… Còn với chủ trương, chính sách đưa 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 64 huyện nghèo thuộc 20 tỉnh thì Tạp chí Xây dựng Đảng đã tích cực, chủ động tuyên truyền  trên cả tạp chí in và điện tử. Trên trang xaydungdang.org.vn đã cập nhật thường xuyên các thông tin từ khi dự án bắt đầu triển khai đến quá trình thực hiện và kết quả đạt được. Có những bài viết đã đi sâu phản ánh cách làm, kinh nghiệm của một số địa phương. Có bài viết về tấm gương đội viên dự án tiêu biểu trong dám nghĩ, dám làm khi thực hiện nhiệm vụ. Trên Tạp chí Xây dựng Đảng in có bài viết chuyên đề chuyên sâu về việc đưa 600 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch UBND xã tại 64 huyện nghèo. Bài viết đã phản ánh kết quả đạt; phân tích nguyên nhân và rút ra cách làm, bài học kinh nghiệm từ mỗi địa phương…

Với sự tích cực, chủ động của các cơ quan báo chí đã và đang tiếp tục góp phần vào công cuộc phát triển bền vững ở vùng dân tộc thiểu số.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất