Sáng 3-7, tại TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị - Hành Chính quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ với công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng - Giá trị lý luận và thực tiễn” nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ.
Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương dự và phát biểu tại hội thảo. Các đồng chí: Trần Văn Túy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh; GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành Chính quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì Hội thảo.
Báo cáo đề dẫn hội thảo, đồng chí Trần Văn Túy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh khẳng định: Hội thảo diễn ra trong không khí cả nước đang tích cực học tập, quán triệt thực hiện Nghị quyết Trung ương Đảng 4 (khoá XI) Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay và tiếp tục đẩy mạnh việc học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 03- CT/TW của Bộ Chính trị. Việc khẳng định những đóng góp lớn lao đối với Đảng, cách mạng Việt Nam và tôn vinh đồng chí Nguyễn Văn Cừ, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, cách mạng Việt Nam, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, là việc làm có ý nghĩa thiết thực nhằm bồi dưỡng truyền thống cách mạng, lý tưởng, đạo đức và lối sống trong sáng, giản dị cho cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau…
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Đinh Thế Huynh chỉ rõ: Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ là một nhà lý luận xuất sắc của Đảng. Dù chỉ học tập lý luận Mác - Lê-nin qua tài liệu, qua sự truyền đạt của các "giáo sư đỏ" trong nhà tù đế quốc, nhưng với trí tuệ mẫn tiệp, ham học hỏi và kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đồng chí đã đúc rút từ những bài học thành công và thất bại trong thực tiễn đấu tranh cách mạng để tổng kết, khái quát thành lý luận; lấy lý luận soi rọi vào thực tiễn. Quan điểm của đồng chí về chủ trương, đường lối, phương pháp cách mạng rất phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển, tiến lên giành thắng lợi trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 và các giai đoạn cách mạng tiếp theo. Đặc biệt, mặc dù trải qua hơn bảy thập kỷ, nhưng tinh thần tự phê bình và phê bình trong Đảng của Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ vẫn giữ nguyên giá trị lý luận và thực tiễn.
62 tham luận tham gia hội thảo của các nhà lãnh đạo, nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo quản lý và đại diện dòng họ, quê hương đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã làm rõ các nội dung: Tấm gương tiêu biểu tự học tập, giác ngộ chủ nghĩa cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ; Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ với sự chỉ đạo thay đổi chiến lược cách mạng; Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, nhà lý luận xuất sắc của Đảng ta. Ở nhiều góc độ khác nhau, bằng những lý giải khoa học, các tham luận đã làm rõ các nhân tố tác động đến sự hình thành tư tưởng yêu nước, ý chí cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ; những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đối với cách mạng giải phóng dân tộc và công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là tinh thần tự phê bình và phê bình trong Đảng. Các tham luận đều khẳng định và thống nhất nhận thức: Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã, đang và sẽ được tiếp tục nghiên cứu để làm cho "pho lịch sử bằng vàng" của Đảng ta ngày càng thêm phong phú...
Kết luận Hội thảo, GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Trên cơ sở phân tích và minh chứng từ thực tiễn lịch sử, Hội thảo đã khẳng định, tinh thần “Tự chỉ trích” của đồng chí Nguyễn Văn Cừ không chỉ thể hiện trí tuệ của một lãnh tụ tài năng, nhà lý luận xuất sắc của Đảng, mà với tính chiến đấu cao, những quan điểm đúng đắn, sâu sắc về tự phê bình và phê bình, đã góp phần quan trọng vào việc uốn nắn những sai lầm trong Đảng; tăng cường đoàn kết thống nhất trong nội bộ đảng, chuẩn bị toàn diện cho Đảng ta lãnh đạo thắng lợi cách mạng nước ta ở giai đoạn tiếp theo. Bài học về tự phê bình và phê bình trong Đảng theo tinh thần “Tự chỉ trích” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị sâu sắc.
Hồng Phúc (tổng hợp)