Tưng bừng các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

* Khánh thành và gắn biển công trình tượng đài Thánh Gióng. Sáng 5-10, tại khu Đền Sóc, Phù Linh, Sóc Sơn, Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và UBND TP. Hà Nội đã tổ chức Lễ khánh thành tượng đài Thánh Gióng. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến dự và gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu tại buổi lễ (ảnh: TL)

Để tưởng nhớ và tôn vinh công lao của cha ông ta đã có công dựng nước, giữ nước và chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Thành phố Hà Nội đã quyết định triển khai xây dựng Tượng đài Thánh Gióng. Đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật, quy mô lớn được xây dựng ngay tại khu vực lịch sử, huyền thoại đã thể hiện đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam và thể hiện lòng từ bi hỷ xả của Phật giáo Việt Nam. Tượng đài có chiều cao tới đỉnh là 14,02m, đường cong của tượng là 20m, mô phỏng hình ảnh vị Thánh trẻ tuổi tay mang tre ngà, thúc ngựa hướng về trời xanh. Tượng đài được đúc bằng đồng nguyên chất theo phương pháp thủ công, tổng trọng lượng khoảng 85 tấn và chia làm 5 thớt để đúc. Thớt đồng đầu tiên đúc phần người và ngựa tượng Thánh Gióng. Thớt cuối cùng đúc phần đế tượng, có trọng lượng lớn nhất, nặng trên 25 tấn. Sau khi việc đúc tượng được hoàn thành, Tượng Thánh Gióng đã được rước lên đỉnh núi Đá Chông để lắp dựng vào ngày 19-5. Ngày 26-9 vừa qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức các nghi thức tâm linh như: Khai quang yên vị, Hô thần nhập tượng Đức Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương và cầu nguyện quốc thái dân an.

Phát biểu tại lễ khánh thành, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã chia sẻ với đồng bào 3 điều tâm đắc, đó là: Tâm đắc về lòng yêu nước của Thánh Gióng; tâm đắc về sức mạnh của Thánh Gióng; và hơn nữa là Thánh Gióng có công lao và tài năng lớn nhưng không màng chức vụ, danh lợi, không đòi hỏi phong chức, phong tước, đánh giặc xong, thanh thản về trời để sống một cuộc đời vui thú điền viên, một cuộc đời thanh thản. Ngài ra đi khi nước nhà bình yên, khi giặc ngoại xâm không còn nữa, điều đó đáng cho tất cả chúng ta phải học tập. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng nhấn mạnh: Tượng đài này xây dựng để trước hết chúng ta tỏ lòng thành kính với một vị Thánh đã có công với dân với nước và chúng ta tỏ lòng biết ơn tổ tiên nguồn cội đã có công dựng nước, giữ nước. Tượng đài cũng đồng thời nhắc nhở chúng ta phải biết giữ gìn những thành quả của ông cha ta để lại, phải bảo vệ, giữ gìn từng tấc đất của tổ tiên.  Đó là máu xương, là hồn thiêng sông núi, chúng ta phải truyền lại cho muôn đời con cháu mai sau để họ thấm nhuần tinh thần này, để họ giữ vững đất nước tổ tiên, giữ vững được độc lập, tự do của Tổ quốc và hơn thế nữa, chúng ta quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam XHCN đàng hoàng hơn, to đẹp hơn trong thời đại mới như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước.


* Gắn biển và chứng nhận kỷ lục thế giới cho Con đường Gốm sứ.
Sáng 5-10, UBND TP. Hà Nội và công ty TNHH nghệ thuật Tân Hà Nội tổ chức lễ khánh thành và gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cho công trình nghệ thuật công cộng "Con đường gốm sứ ven sông Hồng", đồng thời đón nhận kỷ lục Guinness thế giới về bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất thế giới.

 Cắt băng khánh thành công trình "Con đường gốm sứ" (ảnh: TL)
 

Con đường gốm sứ ven sông Hồng là sáng kiến của nhà báo - họa sỹ Nguyễn Thu Thủy. Mục tiêu của dự án là làm đẹp một không gian công cộng bằng chất liệu gốm sứ truyền thống qua phong cách thể hiện của các nghệ sĩ đương đại và bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Gần 4 năm triển khai thực hiện (3-2007 - 10-2010), dự án Con đường gốm sứ ven sông Hồng đã thu hút sự tham gia của 20 họa sĩ Việt Nam, 15 họa sĩ quốc tế đến từ 10 nước (Đan Mạch, Pháp, Tây Ban Nha, Italia, Anh, Mỹ, Argentina, New Zealand…), 500 em thiếu nhi Việt Nam và quốc tế, 50 sinh viên mỹ thuật và hơn 100 nghệ nhân và thợ thủ công từ nhiều địa danh và làng gốm truyền thống Bát Tràng, Phù Lãng, Chu Đậu, Bình Dương, Vĩnh Long, Bàu Trúc…Đến nay, Con đường gốm sứ ven sông Hồng đã hoàn thành với độ dài tổng cộng 3,85km, tổng diện tích đạt 6.950m2. Các đoạn tranh ghép gốm sứ rực rỡ màu sắc, đa dạng về phong cách sáng tác và chủ đề thể hiện, kéo dài từ cửa khẩu An Dương trên đường Yên Phụ, dọc theo các phố Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải và Trần Khánh Dư, đến cửa khẩu Vạn Kiếp.

Với ý nghĩa và giá trị thiết thực, đại diện tổ chức Kỷ lục Thế giới Guinness đã chính thức công nhận và trao bằng chứng nhận kỷ lục bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất thế giới cho đoạn tranh “Hoa văn Việt Nam trong dòng chảy lịch sử”. Đoạn tranh này có chiều dài 810m, tổng diện tích hơn 1.570,2m2.

*Nghề gốm Bát Tràng - cổ truyền và hiện đại là chủ đề của Triển lãm chiều 5-10, tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội. Triển lãm nhằm giới thiệu về lịch sử, quá trình hình thành và phát triển của làng nghề Bát Tràng từ thế kỷ XIV - XV đến nay. Triển lãm nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa, nghệ thuật, các nghệ nhân, thợ thủ công Bát Tràng thông qua các sản phẩm tinh xảo, độc đáo.


Một gian hàng trưng bày đồ gốm (ảnh: Bảo Minh)


Triển lãm diễn ra với lịch trình phong phú, từ Lễ rước tổ nghề (diễn ra tại Đình Bát Tràng sáng 5-10-2010), đến các hoạt động với chủ đề “Huyền thoại gốm” (diễn ra trong ngày 6-10-2010) để giới thiệu quy trình sản xuất đồ gốm của các nghệ nhân làng Bát Tràng, tôn vinh các nghệ nhân, các điển hình trong việc gìn giữ nghề truyền thống với chủ đề “Hoa của đất” diễn ra tại Bảo tàng gốm sứ Bát Tràng trong ngày 7-10-2010… Cùng với các hoạt động mang tính truyền thống, các hoạt động của làng gốm Bát Tràng thời hiện đại với các chủ đề “Hội nhập” và “Lan tỏa” nhằm giới thiệu các sản phẩm đặc sắc của làng nghề Bát Tràng tới khách tham quan, du lịch trong và ngoài nước. Ngoài các hoạt động, các buổi hội thảo còn tổ chức chấm chọn các gian hàng trưng bày đẹp.

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất