Tuyên Quang - Thủ đô Khu giải phóng - Thủ đô kháng chiến
Đại hội Đảng lần thứ II diễn ra từ ngày 11 đến 19-2-1951, tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang.


Thủ đô Khu giải phóng - Thủ đô kháng chiến

Tuyên Quang là vùng đất hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, với truyền thống yêu nước nồng nàn, đoàn kết một lòng chống giặc ngoại xâm, Tuyên Quang đã có những đóng góp to lớn trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, Tuyên Quang đã trở thành địa danh thân thuộc và thiêng liêng đối với đồng bào cả nước. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Tuyên Quang từng được coi là Thủ đô Khu giải phóng, là nơi Trung ương Đảng, Bác Hồ đã ở và làm việc, lãnh đạo cách mạng Việt Nam, là nơi gắn liền với sự kiện trọng đại quyết định vận mệnh của dân tộc - Tổng khởi nghĩa. Trong các ngày từ 13 đến 15-8-1945, tại khu rừng Nà Nưa, xã Tân Trào, Hội nghị toàn quốc của Đảng đã quyết định thành lập Ủy ban Khởi nghĩa, ra Quân lệnh số 1 - Lệnh Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc; trong 2 ngày từ 16 đến 17-8-1945, Quốc dân Đại hội Tân Trào họp tại đình Tân Trào, nhất trí tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa, thành lập Uỷ ban giải phóng dân tộc (tức Chính phủ lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, quy định quốc kỳ, quốc ca. Ngày 19-8-1945, thi hành mệnh lệnh của Đảng, đáp lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, hơn 20 triệu người dân Việt Nam đã nhất tề đứng dậy làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám, đưa dân tộc ta tiến vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Tháng 12-1946, chỉ hơn một năm sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, thực dân Pháp được sự tiếp tay của đồng minh đã huỷ bỏ các hiệp định đã ký trước đó và quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. “Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta đã nhân nhượng…” và “Dù phải hy sinh tất cả, chúng ta nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn quốc bước vào cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được. Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta lại bước vào cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Thực hiện phương châm tiêu thổ kháng chiến, khắp nơi trên cả nước thực hiện vườn không nhà trống, các đội du kích được thành lập. Tại Hà Nội, quân và dân Thủ đô đã chiến đấu kiên cường với quân Pháp, kìm chân chúng trên từng con đường, ngõ phố tạo điều kiện thuận lợi để Trung ương Đảng, Chính phủ và các cơ quan, ban ngành, các bộ rời lên Chiến khu. Một lần nữa Tuyên Quang lại vinh dự trở thành Thủ đô kháng chiến, nơi làm việc của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Chính phủ, là nơi bố trí triển khai các cơ quan Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Việt Minh, Liên Việt; 11/12 bộ và hầu hết các ban, ngành, cơ quan Đảng và Chính phủ, các cơ sở trọng yếu như: Nha Ngân khố Trung ương, Nhà máy in tiền Khánh Thi, Nhà máy sản xuất vũ khí TK1, Nha Liên lạc, Đài tiếng nói Việt Nam… đã đặt trụ sở làm việc tại đây.

Thủ đô kháng chiến với Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng.

Năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta bước sang giai đoạn phát triển mới, thế và lực của ta đã lớn mạnh về mọi mặt, dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ thế phòng ngự, cầm cự, quân và dân ta chuyển sang tổng phản công trên khắp các mặt trận, lực lượng quân Pháp bị căng kéo, bị thiệt hại nặng nề và rơi vào thế yếu. Trong lúc đó, tình hình các nước trên thế giới, tình hình cách mạng Lào và Cămpuchia có nhiều chuyển biến lớn, tạo nên thời cơ mới cho cách mạng Việt Nam. Những diễn biến quan trọng đó đòi hỏi Đảng ta phải nhanh chóng hoàn chỉnh và bổ sung đường lối cách mạng, kiện toàn và củng cố Đảng về mặt tổ chức, kịp thời đề ra những sách lược quyết định nhằm đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi. Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng vào tháng 2-1951, lấy Thủ đô kháng chiến Tuyên Quang làm nơi tổ chức Đại hội.

Để chuẩn bị mọi mặt cho việc tổ chức Đại hội, ngay từ năm 1950, các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, mặt trận đã di chuyển từ huyện Sơn Dương lên huyện Chiêm Hoá. Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh và Văn phòng Tổng Bí thư, Văn phòng Trung ương Đảng, đồng chí Phạm Văn Đồng và Văn phòng Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ, đồng chí Lê Văn Lương và Ban Tổ chức Trung ương, đồng chí Hoàng Quốc Việt và Ban dân vận Trung ương, đồng chí Xuân Thuỷ và Mặt trận Liên Việt, đồng chí Tố Hữu và Ban Tuyên huấn Trung ương, Báo Cứu Quốc, đoàn cán bộ cách mạng Lào, đoàn chuyên gia Trung Quốc… ở và làm việc tại xã Kiên Đài. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng và Ban Kinh tế-tài chính Trung ương ở và làm việc tại xã Vinh Quang. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Chính phủ đã cùng với các cơ quan tham mưu giúp việc tiến hành biên soạn, chỉnh sửa các văn kiện quan trọng của Đại hội Đảng như: Báo cáo chính trị, Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng.. .

Công việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho Đại hội được tiến hành trong điều kiện hết sức khó khăn, đòi hỏi phải giữ bí mật tuyệt đối. Địa điểm được lựa chọn làm nơi tổ chức đại hội là khu rừng Nà Loáng thuộc thôn Phú An, xã Vinh Quang (nay là thôn Bó Củng, xã Kim Bình, huyện Chiêm Hoá). Việc thiết kế và tổ chức thi công các công trình trong khu vực Đại hội được giao cho hai kiến trúc sư là Hoàng Như Tiếp và Bạch Di phụ trách. Theo chỉ đạo của Hồ Chủ tịch, khu vực tiến hành Đại hội phải bảo đảm “Trên trời nhìn xuống không thấy gì, dưới đất bốn mặt nhìn vào cũng không thấy gì”. Việc hoàn thành các công trình phục vụ Đại hội có thể ví như một kỳ tích, dưới sự điều hành của Ban chỉ đạo và hai kiến trúc sư tài danh, công việc tiến hành xây dựng cơ sở vật chất của Đại hội được tiến hành từ tháng 7-1950, hoàn thành vào tháng 1-1951 với gần 30 ngôi nhà và một hội trường lớn với kiến trúc giản tiện và trang nhã bao gồm: Hội trường, khu nhà ở của các đại biểu trong nước, đại biểu quốc tế, nhà khách, nhà làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đài tưởng niệm liệt sĩ, nhà bếp, nhà ăn, khu vực triển lãm tranh ảnh, nhà làm việc của bộ phận nhiếp ảnh, trạm xá, nhà của bộ phận phục vụ, bảo vệ, nhà đặt máy phát điện, hệ thống đường đi, hầm hào phòng chống máy bay, hệ thống cấp nước… Hội trường Đại hội được thiết kế theo kiểu nhà đất vùng đồng bằng với các cột bằng gỗ mít, có tận dụng các cây rừng tự nhiên để chịu lực và nguỵ trang, đảm bảo bí mật, có phần gác lửng dành cho các phóng viên, tuy chỉ làm bằng gỗ, tre, nứa, lá giản dị, song vẫn trang trọng. Trong hội trường, bàn ghế được đóng bằng gỗ xẻ, xếp theo hình rẻ quạt, hội trường có phần khán đài cao dành cho Đoàn Chủ tịch Đại hội. Nhà ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo, các đại biểu dự đại hội được làm theo kiểu nhà sàn, hoặc nửa sàn nửa đất của đồng bào miền núi, theo độ dốc của địa hình, có cầu thang lên xuống và lan can. Khu vực nhà bếp có ống dẫn khói ra xa, có hệ thống dẫn nước bằng tre… Toàn bộ nhà cửa hầm hào, đường đi lại đều được làm dưới tán cây rừng kín đáo, bí mật, nhưng vẫn thoáng đãng, vừa giản dị, gần gũi, nhưng không kém phần khoa học, hiện đại, phù hợp với phong cảnh rừng núi chiến khu.

Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đóng vai trò là lực lượng chính trong công tác bảo đảm và chuẩn bị cho Đại hội, đã huy động 1 vạn dân công và hơn 7.000 công chuyên môn để khai thác, vận chuyển vật liệu, tham gia xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm hậu cần, làm giao thông liên lạc đưa đón đại biểu, phục vụ và bảo vệ đại hội. Vật liệu được khai thác tại địa phương gồm hàng trăm cây mít, 1 vạn cây mai, 10 vạn cây nứa, 8 vạn lá cọ, 5 ngàn thước vuông gỗ xẻ, vận chuyển 3.000 khối đất để làm nền nhà và đường đi, đào hầm hào tránh máy bay trong khu vực Đại hội. Toàn bộ vật liệu làm nhà được khai thác và làm tại các khu rừng cách xa nơi đại hội, sau đó được vận chuyển về lắp ghép tại Nà Loáng. Tỉnh đã huy động nguồn lực từ nhân dân để bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm phục vụ cho số nhân công làm việc trong suốt quá trình xây dựng cơ sở vật chất cũng như thời gian đại hội. Nhân dân xã Kim Bình và các xã lân cận còn đóng góp công sức rất lớn trong việc xây dựng các trận địa phòng không được đặt trên các đỉnh núi bao quanh khu vực đại hội, đào công sự, hầm hào, vận chuyển vũ khí đạn dược lên trận địa… Lực lượng dân quân tự vệ xã trực tiếp làm nhiệm vụ kiểm soát tại các trạm bảo vệ vòng ngoài, góp phần bảo đảm an toàn tuyệt đối trong suốt thời gian diễn ra đại hội.

Thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng - Bước tiến trọng đại của lịch sử cách mạng Việt Nam.

Từ cuối tháng 1-1951, các đoàn đại biểu đã tập trung về khu vực đại hội. Do bị địch phong toả gắt gao đoàn đại biểu miền Nam phải đi tàu biển vòng qua Thái Lan, sau đó đi bộ mấy tháng ròng mới đến được Tuyên Quang. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng được tổ chức từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951. Dự đại hội có 158 đại biểu chính thức, 53 đại biểu dự khuyết thay mặt cho 766.349 đảng viên của các Đảng bộ Việt Nam, Lào, Cămpuchia. Ngoài các đoàn đại biểu Cămpuchia, Lào, Liên khu Việt Bắc, Liên khu III, Liên khu V, Nam Bộ, Tổng cục Chính trị… được bầu cử ở cơ sở, còn có các đại biểu do Trung ương triệu tập. Trong số các đại biểu đến dự đại hội có 39 đồng chí là công nhân (chiếm 20%); nông dân có 43 đồng chí (chiếm 22,5%), có 9 đại biểu nữ, 44 đại biểu quân sự, 35 cán bộ chính quyền, 37 cán bộ mặt trận và dân vận, 75 cán bộ làm công tác đảng. Có 19 đại biểu vào Đảng từ khi đảng mới thành lập, 1 đại biểu ít tuổi đảng nhất (8 tháng). Đại biểu cao tuổi nhất 62 tuổi và đại biểu trẻ nhất mới 22 tuổi. Dự đại hội có đại biểu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Cộng sản Xiêm, đoàn cố vấn Trung Quốc.

Sau phát biểu khai mạc Đại hội của đồng chí Tôn Đức Thắng (đại biểu cao tuổi nhất), Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu đặt vòng hoa tưởng niệm các liệt sĩ tại đài Tưởng niệm Liệt sĩ. Từ ngày 11 đến 19-2-1951 Đại hội đã nghe và thảo luận:

Báo cáo chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày.

Báo cáo “Hoàn thành giải phóng dân tộc, phát triển dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội” do đồng chí Hoàng Quốc Việt trình bày.

Báo cáo “Mấy vấn đề cốt yếu bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân Việt nam” do đồng chí Lê Văn Hiến trình bày.

Báo cáo “Xây dựng quân đội nhân dân hoàn thành chiến tranh giải phóng” do đồng chí Võ Nguyên Giáp trình bày.

Báo cáo “Về kinh tế-tài chính” do đồng chí Nguyễn Lương Bằng trình bày.

Báo cáo “Văn nghệ nhân dân Việt nam” do đồng chí Tố Hữu trình bày.

Báo cáo về Thi đua Ái quốc do đồng chí Tôn Đức Thắng trình bày.

Đại hội nhất trí thông qua Tuyên ngôn, Chính cương, Điều lệ Đảng Lao động Việt Nam, Nghị quyết về Báo cáo chính trị, Nghị quyết về quân sự, Nghị quyết về công tác dân vận và mặt trận, Nghị quyết về tờ báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng.

Ngày 18-12-1951, Đại hội tiến hành bầu Ban Chấp hành Trung ương khoá II gồm 29 đồng chí (19 đồng chí chính thức, 10 dự khuyết).

Ban Chấp hành Trung ương bầu đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng, đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư Đảng và cử ra Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương. Đại hội quyết định đưa Đảng ta ra hoạt động công khai lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Đối với Lào, Cămpuchia, Đại hội quyết định tổ chức ở mỗi nước một đảng cách mạng phù hợp với đặc điểm của từng nước. Đại hội nhấn mạnh nhiệm vụ của Đảng là:

- Xây dựng một Đảng Lao động Việt nam rất mạnh mẽ.

- Đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

- Xây dựng Việt Nam dân chủ mới.

- Góp sức vào việc gìn giữ dân chủ thế giới và hoà bình lâu dài.

Đại hội lần thứ II của Đảng bế mạc vào sáng  ngày 19-2-1951.

Kể từ ngày thành lập, đây là đại hội đầu tiên được tổ chức trong nước, và là đại hội duy nhất cho đến nay được tổ chức tại một địa phương ngoài thủ đô Hà Nội. Dự đại hội có đủ đảng viên 3 miền Bắc-Trung -Nam, ở trong nước và ở nước ngoài, đảng viên hoạt động ở vùng tự do, vùng tạm chiếm. Lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương mới được bầu hợp thức trong Đại hội, theo đúng Điều lệ Đảng. Đại hội đã quyết định những vấn đề quan hệ đến tư tưởng, hành động của hơn 76 vạn đảng viên và vận mệnh của hơn 25 triệu nhân dân 3 nước Việt Nam, Lào, Cămpuchia.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình lãnh đạo và trưởng thành của Đảng ta. Đường lối do Đại hội vạch ra đã đáp ứng yêu cầu trước mắt của cuộc kháng chiến và yêu cầu lâu dài của cách mạng. Chủ trương từ một Đảng Cộng sản Đông Dương phát triển thành 3 đảng Mác-Lênin của 3 nước Việt Nam, Lào, Cămpuchia là phù hợp với yêu cầu phát triển của cách mạng, phù hợp với đặc điểm tình hình xã hội và nguyện vọng của nhân dân 3 nước. Đảng ta từ bí mật trở lại hoạt động công khai lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam, đảm nhận sứ mệnh lịch sử trọng đại vừa tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân ta, vừa có nghĩa vụ giúp đỡ cách mạng Lào, Cămpuchia đấu tranh giành thắng lợi.

Trong lịch sử đấu tranh anh dũng và vẻ vang của Đảng ta, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II là mốc son quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của Đảng về mọi mặt. Đại hội đã tổng kết một bước quan trọng lý luận cách mạng Việt Nam, thổi vào cuộc kháng chiến một nguồn sinh lực mới. Đường lối đúng đắn mà Đại hội vạch ra chính là sự bổ sung, phát triển Cương lĩnh cách mạng đầu tiên của Đảng; đồng thời chuẩn bị mọi điều kiện để đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đến thắng lợi hoàn toàn, đặt cơ sở cho việc hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc và kiến thiết nước nhà. Thực hiện đường lối cách mạng được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II đề ra, Đảng ta đã lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp ở nước ta, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong cách mạng Tháng Tám và suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang luôn làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng: Xây dựng và chiến đấu bảo vệ tuyệt đối an toàn Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến, các cơ quan đầu não của Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng trong cách mạng giải phóng dân tộc.

 

Trần Thiết

 

Các số liệu đáng quan tâm:

1. Tỉnh Tuyên Quang có diện tích tự nhiên 5.870 km2; dân số 72,5 vạn người; có 22 dân tộc. Tỉnh có 5 huyện, 1 thành phố; 141 xã, phường, thị trấn, 2.081 thôn, bản; có 37 xã đặc biệt khó khăn. Đảng bộ tỉnh có 10 đảng bộ trực thuộc; 485 tổ chức cơ sở đảng; 3.283 chi bộ thuộc đảng uỷ cơ sở; 40.024 đảng viên.

2. Tuyên Quang cũng là nơi Bác Hồ đã sống và làm việc trong thời gian gần 6 năm. Nhiều địa điểm đã được chọn làm nơi ở và làm việc của Bác như: Làng Sảo, Lũng Tẩu (huyện Sơn Dương), Kiên Đài, Kim Bình (huyện Chiêm Hoá), Kim Quan (huyện Yên Sơn)… Trong đó có những địa điểm Bác ở đến 3 lần như Lán Hang Bòng (xã Tân Trào, huyện Sơn Dương).

3. Khi nghiên cứu về Tuyên Quang cũng như trong những lần về thăm và làm việc tại Tuyên Quang, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta: Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải; Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa… đều đánh giá cao tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng và khẳng định những thành tích của đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang trong kháng chiến chống thực dân Pháp và sử dụng tên gọi Tuyên Quang là Thủ đô kháng chiến.

4. Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng Đảng bộ, nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực: GDP năm 2010 tăng 15,2%; bình quân 5 năm 2006-2010 tăng 13,53%. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 702 USD; từ năm 2006-2010 đã thu hút 32 dự án công nghiệp với tổng số vốn đầu tư trên 11.800 tỷ đồng; sản xuất công nghiệp tăng 21,2% hàng năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp và thuỷ sản tăng trung bình 8,1%/năm; bảo đảm được an ninh lương thực. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 64%. Tổng thu ngân sách năm 2010 đạt 822 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 14,8%.

5. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 15, nhiệm kỳ 2010-2015 xác định chủ đề: “Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới, sớm đưa Tuyên Quang thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển”, với phương châm “Ổn định hài hoà, tập trung đột phá, khai thác tiềm năng, hội nhập phát triển” và tinh thần hành động “Dân chủ, kỷ cương, đoàn kết, năng động, sáng tạo, tập trung, quyết liệt”. Đại hội xác định tập trung vào 4 lĩnh vực đột phá: Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống giao thông; phát triển công nghhiệp; phát triển kinh tế du lịch; phát triển nâng cao chất lượng nguồn lực. Mục tiêu chủ yếu phấn đấu đến năm 2015 của tỉnh là: Tốc độ tăng bình quân GDP trên 14%/năm; GDP đầu người đạt 1.300 USD; Giá trị sản xuất công nghiệp trên 6.500 tỷ đồng; Thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.400 tỷ đồng; Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới bình quân 3-4%/năm. Phấn đấu 70% tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh; trên 90% đảng viên đủ tư cách hoàn thành nhiệm vụ, trong đó 60% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất