Chiều 5-4-2013, Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương đã tổ chức nghiệm thu đề tài “Tổ chức và hoạt động của các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc tỉnh ủy, thành ủy - Thực trạng và giải pháp” do TS. Nguyễn Văn Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức - Điều lệ, Ban Tổ chức Trung ương làm Chủ nhiệm. GS, TS. Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương làm Chủ tịch hội đồng.
Trong hệ thống tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam, các cơ quan giúp việc nói chung, cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương nói riêng luôn chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng, là nhân tố góp phần quyết định vào sự lãnh đạo toàn diện, hiệu quả của cấp ủy đảng. Thời gian qua, về tổ chức và hoạt động, bên cạnh những ưu điểm cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, trong đó, hạn chế nhất là chưa được tổng kết thực tiễn toàn diện và chuyên sâu; việc nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu về khoa học tổ chức vào thực tiễn tổ chức chưa đúng mức.
Xuất phát từ yêu cầu đó, trên cơ sở hệ thống hóa các lý thuyết khoa học tổ chức, làm rõ các khái niệm cơ bản, quá trình hình thành và phát triển của các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc cấp ủy đảng qua các thời kỳ trong lịch sử Đảng ta, Đề tài tập trung đánh giá khách quan và khá xác đáng thực trạng tổ chức bộ máy và thực trạng hoạt động của các cơ quan này trong thời gian qua. Từ đó, chỉ ra các nguyên nhân của thực trạng này.
Đề tài đưa ra sáu quan điểm mang ý nghĩa chỉ đạo đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan này; cùng với đó là đề xuất sáu nhóm giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng tổ chức, hiệu quả công tác:
Một là, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng về vai trò, chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu kiện toàn, nâng cao chất lượng các cơ quan tham mưu của Đảng.
Hai là, hoàn thiện về thể chế.
Ba là, xây dựng quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế của Ban Nội chính, Ban Kinh tế các tỉnh ủy, thành ủy phù hợp với tình hình mới.
Bốn là, tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, lề lối làm việc, tạo cơ chế thúc đẩy sự phối hợp, tham gia của các chuyên gia giỏi vào hoạt động của các cơ quan tham mưu của Đảng.
Năm là, rà soát, sắp xếp, bố trí đúng, đủ về cán bộ; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực mọi mặt cho đội ngũ cán bộ, công chức.
Sáu là, xây dựng hệ thống chính sách phù hợp với các cơ quan tham mưu của Đảng.
Đề tài được hội đồng khoa học nghiệm thu xếp loại khá.
Tin, ảnh: Hà Thư