Xuân quê hương 2010, khơi dậy tình yêu sâu nặng của con cháu Lạc Hồng

Tối 6-2, tức 23 Tết ông Công, ông Táo, Đêm Văn hoá Việt điểm cao trào trong chương trình Xuân quê hương 2010 dành cho kiều bào, mở đầu chuỗi sự kiện kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội đã diễn ra tưng bừng và ấm cúng tại Công viên Thiên Đường Bảo Sơn.

Đến dự có Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo... cùng đại diện các ban ngành TƯ và Hà Nội. Đặc biệt có hơn 1000 đại biểu kiều bào trở về từ khắp nơi trên thế giới cùng hàng nghìn đại biểu trong nước tham dự.

 

Những năm qua, Xuân Quê hương đã trở thành một hoạt động có tính xã hội rộng rãi vào dịp năm mới, khơi dậy tình yêu sâu nặng của con cháu Lạc Hồng đang sống và làm việc ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới hướng về Tổ quốc. Xuân Quê hương đã góp phần tích cực tuyên truyền, khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, là điểm hẹn để kiều bào ta chung vui với đồng bào trong nước và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống cao đẹp của dân tộc Việt Nam.

 

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thay mặt lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nhiệt liệt chào mừng các đại biểu Việt kiều trở về ăn Tết truyền thống của dân tộc.

 

Thứ trưởng đánh giá: Mặc dù trong năm 2009, kiều bào ta ở nước ngoài gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng tới cuộc sống trong cộng đồng Việt kiều, nhiều dự định làm ăn của bà con chưa thực hiện được, tuy nhiên cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vẫn tiếp tục phát triển, văn hoá truyền thống vẫn tiếp tục được giữ gìn và phát huy, nhiều hội đoàn xuất hiện, tham gia tích cực vào các công tác từ thiện nhân đạo, ủng hộ quỹ vì người nghèo, nạn nhân chất độc, tri ân các liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng…

 

Đến dự và tiến hành nghi lễ thả cá chép, chúc Tết kiều bào, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hoan nghênh Uỷ ban về Người Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức buổi gặp mặt đầm ấm, tươi vui, đồng thời nhiệt liệt chào mừng các đại biểu Việt kiều và đông đảo khách quý tham dự buổi lễ.

Chủ tịch nước vui mừng nhận thấy, ngày càng nhiều bà con Việt kiều trong năm qua đã trở về nước làm ăn, sản xuất kinh doanh, đầu tư trên tất cả các lĩnh vực: văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo, làm từ thiện… Điều đó cho thấy môi trường đầu tư trong nước ngày càng thuận lợi. Đồng bào ta ở nước ngoài cũng ngày càng cảm nhận tình yêu thương, trọng thị từ trong nước, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó của đồng bào trong và ngoài nước.

 

Chủ tịch nước nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn trân trọng những đóng góp dù lớn, dù nhỏ của bà con Việt kiều. Kiều bào là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, vì vậy Đảng và Nhà nước luôn có những cơ chế, chính sách thông thoáng, tạo điều kiện cho bà con trở về quê hương đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Tại buổi gặp mặt, các đại biểu kiều bào bày tỏ xúc động và phấn khởi khi được về thăm quê hương, được Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước cũng như nhân dân tiếp đón nồng hậu, chân tình. Các đại biểu khẳng định, dù ở đâu, họ vẫn mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, luôn hướng về Tổ quốc và mong muốn được đóng góp công sức của mình trong việc xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày càng văn minh giàu đẹp.

 

Sự kiện cùng Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và UBND thành phố Hà Nội dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long Hà Nội chiều ngày 6-2 đã để lại một ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi đại biểu Việt kiều.

 

Bà  Nguyễn Nga - kiều bào tại Pháp đã rời xa quê hương gần 30 năm, ngày càng cảm nhận sâu sắc hai tiếng đồng bào. Bà cho rằng, tất cả người Việt Nam ở khắp năm châu bốn bể luôn gắn bó vì cùng được sinh ra chung một bọc và dù ở bất cứ nơi nào cũng phải quay về để làm việc gì đó đóng góp cho quê hương, đất nước. Bà chia sẻ: "Tôi sinh ra trong chiến tranh, vì thế tôi cảm thấy mình vô cùng hạnh phúc được sống trong cảnh hòa bình của đất nước. Chính từ suy nghĩ đó, tôi nghĩ mình không những phải làm gì cho đất nước mà còn phải phổ biến văn hoá của Việt Nam, niềm tự hào của dân tộc mình cho bạn bè quốc tế biết đến".

16 năm qua, cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, Giáo sư Nguyễn Trọng Lượng, Việt kiều Canađa, lại về quê ăn Tết cổ truyền mặc dù ông đã bước vào tuổi 80. Lần đầu tiên được thắp hương tại điện Kính Thiên, ông không khỏi rưng rưng cảm động: "Chúng tôi im lặng và thành kính thắp hương tưởng nhớ tổ tiên, nhưng trong lòng ai cũng có những suy nghĩ, trăn trở, làm thế nào để cùng động viên, làm ăn sinh sống và phát triển hơn nữa tại nước sở tại, cùng nhau làm rạng danh non sông đất nước. Đó cũng là vinh dự và trách nhiệm tiếp nối truyền thống hào hùng của tiên tổ".

 

Ông cũng nhận xét: "Mỗi năm trở về quê hương lại thấy đất nước mình có nhiều đổi thay cả về cảnh vật và con người, kinh tế đã có bước phát triển vượt bậc. Đặc biệt những thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho kiều bào về nước cũng nhanh, gọn hơn trước. Những chính sách “mở cửa” cho kiều bào giúp chúng tôi có điều kiện được trở về quê hương nghỉ ngơi trong những năm cuối đời".

 

(Nguồn: Báo Nhân Dân)

 

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất