Năm nay, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) kỷ niệm 40 năm thành lập. Vì vậy Hội nghị thường niên WEF 2010, diễn ra từ 27 đến 30-1 đã thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà lãnh đạo, học giả và doanh nghiệp lớn nhất trên thế giới với số lượng đại biểu tham dự Hội nghị đông nhất từ trước đến nay (lên tới 2.500 đại biểu trong đó có hơn 30 vị đứng đầu Nhà nước, Chính phủ, tổ chức quốc tế như Tổng thống Pháp, Tổng thống Mexico, Thủ tướng Canada, Tổng thống Hàn Quốc, Phó Thủ tướng Thường trực Trung Quốc, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc...).
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đã vượt qua thời điểm tồi tệ nhất, Hội nghị năm nay lựa chọn chủ đề Cải thiện thực trạng thế giới: Cùng suy nghĩ lại, Tái thiết và tái xây dựng nhằm củng cố các nền kinh tế, giảm bớt các nguy cơ toàn cầu, đảm bảo phát triển bền vững, tăng cường an ninh, tạo ra một khuôn khổ các giá trị, xây dựng các thể chế hiệu quả.
Những phát biểu, đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch ASEAN 2010 về những vấn đề có tầm ảnh hưởng toàn thế giới như tái định hình nền quản trị toàn cầu, đảm bảo an ninh lương thực thế giới… đã gây được ấn tượng sâu sắc tại WEF, diễn đàn kinh tế uy tín bậc nhất thế giới này.
Chia sẻ kinh nghiệm cùng thế giới
Đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2010, đồng thời là chủ nhà của Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á năm 2010, sự tham gia của Việt Nam được đặc biệt quan tâm tại Hội nghị WEF Davos năm nay.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và phát biểu tại bốn phiên toàn thể quan trọng của Hội nghị về các chủ đề: Tái thiết tăng trưởng kinh tế dài hạn, Tái định hình nền quản trị toàn cầu, An ninh lương thực và Cộng đồng Đông Á.
Tại các phiên thảo luận này, Thủ tướng đã chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam như là một điểm sáng trong đối phó và khắc phục tác động của khủng hoảng của các nước đang phát triển. Về các vấn đề quản trị toàn cầu, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng đã cùng với Thủ tướng Canada, Thủ tướng Tây Ban Nha, Tổng thống Hàn Quốc, Tổng thống Nam Phi, Tổng thống Mexico là nước Chủ tịch các định chế lớn như G20, G8, EU thảo luận về sự cần thiết phải thúc đẩy quá trình dân chủ hóa trong quản trị toàn cầu và dành cho các nước đang phát triển vai trò lớn hơn trong các vấn đề quốc tế.
Từ kinh nghiệm của một nền kinh tế trong đó nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, sản lượng xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới, Thủ tướng đã chia sẻ với Hội nghị những đề xuất, ý tưởng nhằm đảm bảo an ninh lương thực trên toàn cầu. Trong đó, nhấn mạnh vai trò của định chế toàn cầu trong việc đảm bảo sự hoạt động lành mạnh của cung và cầu lương thực trên thế giới và việc sớm loại bỏ, cắt giảm tối đa mọi hàng rào quan thuế, phi quan thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm, nhằm tạo điều kiện khuyến khích các nước sản xuất và xuất khẩu lương thực – thực phẩm mở rộng sản xuất, cung cấp ngày một nhiều hơn các sản phẩm có chất lượng, đồng thời giúp hạ thấp giá cả, cho phép các nước nghèo, thiếu đói, có thể mua nhiều hơn lương thực đáp ứng nhu cầu trong nước.
Tại phiên thảo luận về Cộng đồng Đông Á, các đại biểu cho rằng khu vực Đông Á cần tiếp tục tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực trong đó tập trung thúc đẩy hợp tác về kinh tế, tài chính, thương mại và đầu tư thông qua các khuôn khổ song phương và đa phương trong khu vực cũng như với các nước đối tác.
Là Chủ tịch ASEAN 2010, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam sẽ cùng các nước ASEAN và các nước đối tác triển khai các tầm nhìn nhằm xây dựng cộng đồng ASEAN có sự liên kết chặt chẽ với các nước đối tác, trong đó cùng hợp tác để giải quyết các vấn đề tồn tại do lịch sử để lại như vấn đề biển Đông trên nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Luật Biển năm 1982 và Quy tắc ứng xử biển Đông (DOC).
Thủ tướng cũng đã chủ trì hai hoạt động riêng dành cho Việt Nam bao gồm: Cuộc đối thoại với hơn 20 CEO hàng đầu thế giới và buổi họp báo về Việt Nam. Tại các hoạt động này, Thủ tướng đã giới thiệu về kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh các nhân tố tạo nên sự hấp dẫn của kinh tế và môi trường đầu tư Việt Nam; đồng thời chia sẻ với các đại biểu về mục tiêu, tầm nhìn của Việt Nam với vai trò Chủ tịch ASEAN 2010 và nước chủ nhà của Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á 2010, thể hiện vị thế ngày càng nâng cao của Việt Nam trên trường quốc tế.
Các đại biểu bày tỏ ấn tượng với tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn khó khăn vừa qua và đánh giá cao vai trò của Chính phủ trong điều hành nền kinh tế cũng như thúc đẩy cải cách nhằm tạo khả năng thích ứng khá tốt của nền kinh tế và tin tưởng vào triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.
Tăng cường hợp tác song phương và đa phương
Nhân dịp tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Tổng thống Thụy Sỹ, Thủ tướng Bỉ, Phó Thủ tướng Thường trực Trung Quốc, Hoàng tử Anh trao đổi các giải pháp nhằm thúc đẩy quan hệ song phương với các nước trên nhiều lĩnh vực.
Lãnh đạo các nước đều đánh giá cao quan hệ hợp tác với Việt Nam và mong muốn hai bên cần hợp tác chặt chẽ thực hiện các giải pháp đưa quan hệ đi vào chiều sâu, thực chất.
Hoàng tử Anh Andrew đã đề cập nhiều biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hợp tác về thương mại, đầu tư, giáo dục, trong đó có việc xây dựng một trường đại học Anh tại Việt Nam. Ngoài ra, Thủ tướng cũng tiếp nhiều Chủ tịch và Tổng Giám đốc các Tập đoàn hàng đầu thế giới đang quan tâm và mong muốn đầu tư tại Việt Nam trên các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, dịch vụ bán lẻ, tài chính ngân hàng, viễn thông.
Tại Geneva, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các buổi làm việc với Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc kiêm Giám đốc Liên Hợp Quốc tại Geneva, Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổng Giám đốc Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhằm tăng cường hợp tác với các tổ chức chuyên môn của Liên Hợp Quốc đồng thời thể hiện sự chủ động và tích cực của Việt Nam trên các vấn đề toàn cầu.
Thủ tướng cũng đã có buổi làm việc với Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy và các Phó Tổng Giám đốc và có buổi trao đổi với Phó Tổng Giám đốc WTO và các chuyên gia cao cấp về triển vọng Vòng đàm phán Doha và tác động lên hệ thống thương mại toàn cầu, đến các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thăm Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007. Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy đánh giá cao việc thực hiện các cam kết WTO của Việt Nam và coi Việt Nam là một điển hình thành công trong WTO; mong muốn Việt Nam sẽ tích cực tham gia Vòng đàm phán Doha không chỉ như một nền kinh tế đang phát triển mà còn với tư cách Chủ tịch ASEAN trong năm 2010.
(Nguồn: Chinhphu.vn)