|
Lãnh đạo phòng Công nghệ thông tin Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn báo cáo trong buổi thẩm định bệnh án điện tử do Bộ Y tế chủ trì.
|
Một trong những minh chứng rõ nét cho sự chuyển mình trong Ngành Y tế là Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Xanh Pôn (Hà Nội) với những thành tựu trong chuyển đổi số. Tại đây, việc ứng dụng công nghệ số thực sự đã mang đến những thay đổi vượt bậc, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế dễ dàng hơn, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe toàn diện.
Hướng tới nền y tế số
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ và không ngừng thay đổi mọi lĩnh vực của đời sống, chuyển đổi số đã trở thành một chiến lược quan trọng không thể thiếu trong quá trình phát triển của đất nước. Đảng và Nhà nước ta đã xác định đẩy mạnh chuyển đổi số là một chủ trương chiến lược, cấp bách, mang tính chất lâu dài và có ý nghĩa sâu rộng trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Y tế là một trong những lĩnh vực then chốt, có ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, đòi hỏi phải được ưu tiên trong quá trình chuyển đổi số, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện sức khỏe cộng đồng và xây dựng một nền y tế hiện đại, văn minh.
Với quyết tâm đó, ngày 3-2-2023 Ban Cán sự đảng Bộ Y tế đã ban hành Nghị quyết số 157-NQ/BCSĐ về chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết đặt ra hai mục tiêu chính: nâng cao hiệu quả quản lý và hoạt động chuyên môn, nhằm bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia; chuyển đổi công tác quản lý, điều hành của Bộ Y tế và các đơn vị trong Ngành Y tế lên môi trường số, bảo đảm an ninh và an toàn thông tin.
Trước yêu cầu mới, tập thể Đảng ủy, Ban Giám đốc, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế của BVĐK Xanh Pôn đã nhanh chóng bắt nhịp với công cuộc chuyển đổi số, quyết tâm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Thực hiện chủ trương của Đảng ủy Bệnh viện (BV), ngày 15-3-2022, BVĐK Xanh Pôn đã xây dựng Kế hoạch số 505/KH-BVĐKXP về việc triển khai sử dụng căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng VNeID để khám, chữa bệnh BHYT. Đây cũng là bước cụ thể hóa việc thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, từ tháng 10-2023 BV Xanh Pôn triển khai hệ thống ki-ốt thông minh tự phục vụ tiếp đón người bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng VNeID, nhận diện người bệnh bằng khuôn mặt. Hình ảnh người dân xếp hàng dài chờ đợi trước quầy đăng ký khám bệnh đã dần được xóa bỏ. Thay vào đó, các ki-ốt thông minh đặt ngay từ cổng BV cho phép người dân tự đăng ký khám bệnh một cách nhanh chóng và dễ dàng. Hệ thống này cung cấp nhiều lựa chọn dịch vụ phù hợp, từ khám BHYT đúng tuyến, trái tuyến đến các dịch vụ khám tự nguyện. Chỉ với một vài thao tác đơn giản trên màn hình, người bệnh đã hoàn tất thủ tục mà không cần giấy tờ phức tạp hay mất nhiều thời gian chờ đợi.
Sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong khám, chữa bệnh BHYT giúp người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh chóng, giảm tải các thủ tục hành chính, tiết kiệm được chi phí cấp phát, quản lý thẻ BHYT và chống lạm dụng, trục lợi quỹ khám, chữa bệnh BHYT. Người bệnh được tiếp đón nhanh hơn, việc triển khai tin nhắn hẹn khám và ứng dụng theo dõi kết quả xét nghiệm cũng thuận tiện cho người bệnh theo dõi. Bên cạnh đó, triển khai áp dụng thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử góp phần tích cực vào việc đổi mới các tính năng phần mềm quản lý công nghệ thông tin, quy trình khám, chữa bệnh tại BV để phù hợp với các chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Chu đáo đến từng bệnh nhân, BV Xanh Pôn còn cử nhân viên y tế túc trực tại các ki-ốt thông minh để hỗ trợ những bệnh nhân cao tuổi. Bà Vũ Thị Hòa, 78 tuổi, người dân quận Đống Đa (Hà Nội) đến khám bệnh đã không giấu được sự hài lòng khi kể về trải nghiệm của mình: “Trước đây mỗi lần đi khám, tôi phải dậy từ rất sớm đến BV chờ đợi lấy số thứ tự khám. Nhưng giờ chỉ cần mang theo căn cước công dân, tôi có thể tự đăng ký khám ngay tại ki-ốt, chỉ mất chưa đến một phút đã có phiếu khám với đầy đủ thông tin. Rất tiện lợi và hiện đại!”. Cùng chung niềm vui, ông Đỗ Văn Soát, 65 tuổi, sống tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia sẻ: “Ban đầu tôi hơi lúng túng với công nghệ mới, nhưng nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình của nhân viên y tế, tôi đã nhanh chóng sử dụng thành thạo ki-ốt thông minh. Giờ đây, tôi không còn phải xếp hàng chờ đợi nữa, mà có thể dùng căn cước công dân để đăng ký khám và nhận diện khuôn mặt. Mọi thứ diễn ra nhanh gọn và minh bạch”. Những chia sẻ của bà Hòa, ông Soát chính là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của chuyển đổi số y tế. Không chỉ người cao tuổi mà cả những bệnh nhân bận rộn, quỹ thời gian eo hẹp đều cảm nhận được sự tiện lợi mà công nghệ mang lại.
Trung bình mỗi ngày, BVĐK Xanh Pôn tiếp đón khoảng 1.600 bệnh nhân qua các ki-ốt thông minh, quy trình tiếp đón từ 6 bước giảm xuống còn 2 bước, thời gian tiếp đón khoảng 10 giây, trong khi trước đây phải mất 5-15 phút. Xét về hiệu quả kinh tế, mỗi ki-ốt dự kiến thay một nhân viên hướng dẫn, tiết kiệm cho BV khoảng 52,8 triệu đồng/năm. BV bố trí trung bình 5 quầy đón tiếp dự tính tiết kiệm khoảng 265 triệu đồng/năm. Hiệu quả về kinh tế, giảm giấy tờ, giảm thủ tục hành chính, bớt phiền hà và giảm thời gian chờ đợi, được quan tâm, chăm sóc chu đáo hơn - đó là những điều mà người bệnh cảm nhận rõ nhất trước những thay đổi của BVĐK Xanh Pôn khi thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh.
Lợi ích kép cho Bệnh viện và nhân dân
Không chỉ dừng lại ở khâu đón tiếp, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin đã được triển khai trong toàn bộ quá trình khám, chữa bệnh và nhiều lĩnh vực của BVĐK Xanh Pôn. Công nghệ thông tin đã và đang được đưa vào hỗ trợ bác sĩ trong điều trị những ca bệnh nặng. Hiện BV đang triển khai đưa trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ bác sĩ trong chẩn đoán hình ảnh, giúp các bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn tổn thương cũng như bệnh lý của người bệnh. Đến nay, BV đã đạt được những kết quả nổi bật trong chuyển đổi số như: triển khai hệ thống ki-ốt thông minh tự phục vụ đón tiếp người bệnh; triển khai hồ sơ bệnh án điện tử thay thế hồ sơ giấy; liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh tại BV tới Sổ sức khỏe điện tử TP. Hà Nội; thanh toán không dùng tiền mặt; số hóa và thực hiện ký số trong giải quyết các thủ tục hành chính, áp dụng AI trong khám chữa bệnh, triển khai App BVĐK Xanh Pôn; App Điều dưỡng…
Mỗi ngày, BV tiếp đón khoảng 2.000 đến 3.000 lượt bệnh nhân khám, chữa bệnh ngoại trú và quản lý khoảng 1.000 bệnh nhân nội trú. Bên cạnh đó, BV hiện đang quản lý hơn 6.000 bệnh nhân tăng huyết áp, khoảng 3.000 bệnh nhân đái tháo đường, 1.000 bệnh nhân viêm gan B, 1.500 bệnh nhân hen và nhiều bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính khác. Với việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, thông tin bệnh nhân được lưu trữ một cách chi tiết và có hệ thống, điều này giúp các bác sĩ quản lý bệnh nhân tốt hơn, đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác để có hướng điều trị phù hợp.
Tiến sĩ, bác sĩ Lương Đức Dũng, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp BVĐK Xanh Pôn cho biết: “Chuyển đổi số đã giúp các y, bác sĩ dễ dàng tiếp cận được các kiến thức khoa học mới, kỹ thuật mới, giảm thiểu các nguy cơ sai sót ảnh hưởng đến an toàn của người bệnh, kết nối dễ dàng với tuyến trên để hội chẩn và tư vấn; giảm tải thủ tục hành chính, giấy tờ trong BV. Các nền tảng công nghệ số cũng giúp tăng hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành của Ban Giám đốc, giúp đưa ra các quyết định chính xác, kịp thời cũng như triển khai hiệu quả hoạt động giám sát sự tuân thủ các quy trình, các phác đồ điều trị của nhân viên y tế. Thời gian tới, BV Xanh Pôn sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hướng tới xây dựng BV thông minh để phục vụ người dân ngày một tốt hơn”.
Với mục tiêu “Lấy người bệnh làm trung tâm cho sự chăm sóc và điều trị”, cùng với việc thực hiện chiến lược 1-2-3: “Người bệnh là người thân; Truyền thống trăm năm, Tiên phong công nghệ; Ba trụ cột chuyên môn cao, Dịch vụ tốt, Văn hóa Hà Nội”, đánh giá của người bệnh khi đến khám, chữa bệnh tại BV luôn đạt tỷ lệ hài lòng cao. Tiến sĩ, bác sĩ Lương Đức Dũng cho biết: “Từ khi áp dụng chuyển đổi số, tỷ lệ hài lòng của bệnh nhân tại BVĐK Xanh Pôn tăng mạnh, trung bình đạt 95%. Đây không chỉ là con số thống kê mà còn là động lực để BV tiếp tục cải tiến và hoàn thiện dịch vụ. Những phản hồi tích cực từ người bệnh đã khẳng định rằng, chuyển đổi số không chỉ là giải pháp công nghệ mà còn là bước tiến lớn trong việc nâng cao trải nghiệm và chất lượng chăm sóc y tế”.
Có thể thấy, chuyển đổi số trong y tế, như những gì BVĐK Xanh Pôn đã và đang triển khai không chỉ giúp cải tiến quy trình làm việc mà còn mở ra những cơ hội to lớn trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm của bệnh nhân. Mô hình này không chỉ phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ mà còn là một minh chứng cho sức mạnh của y tế số trong việc tạo dựng một môi trường chăm sóc sức khỏe hiện đại và thông minh. Công nghệ không chỉ hỗ trợ công tác quản lý, điều hành mà còn là yếu tố then chốt trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Các công nghệ như ki-ốt thông minh, hồ sơ bệnh án điện tử và trí tuệ nhân tạo đã và đang giúp BV tiết kiệm thời gian, giảm thiểu sai sót và quan trọng nhất là đem lại sự hài lòng cho bệnh nhân.
Bước đi của BVĐK Xanh Pôn chính là khởi đầu cho một nền y tế thông minh, nơi mọi thông tin bệnh nhân được kết nối và chia sẻ trong môi trường số, mang lại sự thuận tiện, tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa quy trình điều trị. Trong tương lai, các cơ sở y tế sẽ không chỉ đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh truyền thống mà còn cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, trực tuyến, từ xa, giúp người dân dễ dàng tiếp cận và duy trì sức khỏe của mình. Chuyển đổi số trong y tế là một quá trình không ngừng phát triển, và mục tiêu cuối cùng là xây dựng một hệ thống y tế Việt Nam hiện đại, hiệu quả và phục vụ người dân một cách tốt nhất.
Hà Hùng