Cơ sở lý luận và thực tiễn của chiến lược quốc gia về nhân tài trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH
Đồng chí Hồ Đức Việt, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương - Chủ nhiệm đề tài, chủ trì Hội nghị
Sáng 30-3-2011, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch nghiên cứu đề tài: Cơ sở lý luận và thực tiễn của chiến lược quốc gia về nhân tài trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH.

Dự Hội nghị có đồng chí Hồ Đức Việt, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ nhiệm đề tài; đại diện lãnh đạo các đơn vị phối hợp thực hiện: Ban Tuyên giáo TƯ, Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam và các nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo, quản lý…

Khai mạc Hội nghị, đồng chí Hồ Đức Việt khẳng định, vấn đề nhân tài từ lâu được coi là một tài sản quý, nguồn lực quan trọng để phát triển các tổ chức, quốc gia. Ngay từ khi thành lập Nước, Đảng và Nhà nước ta đã có chính sách thu hút những trí thức, những nhà khoa học, doanh nhân giỏi tham gia vào chính phủ để gánh vác những công việc nặng nề, phức tạp sau cách mạng. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, Đảng và Nhà nước rất quan tâm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài. Tuy nhiên, công tác nhân tài cũng còn hạn chế, bất cập như quy trình đánh giá, tuyển chọn và sử dụng cán bộ còn nhiều mặt yếu, chưa phát huy đầy đủ dân chủ và còn hạn chế về tính công khai, minh bạch… Đồng chí Hồ Đức Việt đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến bổ sung làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn của vấn đề nghiên cứu; cách tiếp cận và những phương pháp cần sử dụng khi nghiên cứu đề tài; những định hướng cơ bản của Chiến lược Quốc gia về nhân tài...

Đồng chí Lê Minh Thông - Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Ban Tổ chức Trung ương đã báo cáo rõ cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu của đề tài. Mục tiêu của đề tài là  nghiên cứu các căn cứ lý luận và thực tiễn về nhân tài làm cơ sở để xây dựng Chiến lược Quốc gia về nhân tài trong điều kiện đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước hiện nay. Nhiệm vụ của đề tài nhằm  nghiên cứu, hệ thống hoá các vấn đề lý luận và thực tiễn về nhân tài và chiến lược nhân tài; đánh giá thực trạng về nhân tài; xây dựng, đề xuất các quan điểm về nhân tài, các định hướng, chủ trương, đường lối của Đảng về chính sách, cơ chế, biện pháp phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài. Phạm vi nghiên cứu của đề tài tập trung vào 3 lĩnh vực: lãnh đạo, quản lý; khoa học, công nghệ; sản xuất, kinh doanh. Nội dung nghiên cứu của đề tài thực hiện trong khuôn khổ 15 nhóm vấn đề.

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu khẳng định đây là một đề tài mang tính cấp thiết khách quan hiện nay cần tập trung sức lực, trí tuệ thực hiện. Nhiều đại biểu góp ý về mục đích, mục tiêu, phạm vi, nhiệm vụ, thời gian thực hiện của đề tài. Có ý kiến lưu ý cần làm rõ các khái niệm công cụ về vấn đề nhân tài để triển khai nghiên cứu; cần đưa làm đối tượng nghiên cứu các doanh nhân - những con người có tài năng thực sự, nhân tài về lĩnh vực văn hoá, văn nghệ; chú ý đến phương pháp luận; nên sử dụng nhiều phương pháp trong nghiên cứu; quan tâm nghiên cứu về thực hiện chính sách, môi trường  xã hội trong lĩnh vực sử dụng nhân tài…

Kết luận Hội nghị, đồng chí Hồ Đức Việt chỉ đạo: Trong tháng 4, Ban Chủ nhiệm đề tài sẽ cụ thể hoá nội dung, phương pháp, cách thức triển khai và cố gắng hoàn thành đề tài theo đúng tiến độ vào cuối năm 2012 hoặc đầu năm 2013 để làm cơ sở đưa ra được những định hướng cơ bản về Chiến lược Quốc gia về nhân tài của Đảng và Nhà nước ta.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất