Đảng bộ Duy Xuyên - 80 năm, một chặng đường...

Cách đây 80 năm (30-4-1930 - 30-4-2010) Chi bộ đảng đầu tiên của huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) được thành lập trên một chiếc thuyền chài đậu trên sông Bà Rén cạnh làng Tân Mỹ Đông (nay là thôn Phước Mỹ I, thị trấn Nam Phước). Ngay sau khi ra đời, tổ chức tiền thân của Đảng bộ huyện đã lãnh đạo các tầng lớp nhân dân địa phương đấu tranh chống thực dân phong kiến và tích cực tham gia phong trào cách mạng...

Quá khứ hào hùng

Lúc mới hình thành, chi bộ đảng đầu tiên của huyện Duy Xuyên chỉ có 5 đảng viên là những thanh niên sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng. Qua 3 tháng hoạt động, tổ chức tiền thân của Đảng bộ huyện đã kết nạp thêm 24 đảng viên mới. Tuy bị thực dân phong kiến “đặt ngoài vòng pháp luật” và ra sức truy nã gắt gao nhưng các đảng viên trong chi bộ vẫn khôn khéo vận động quần chúng nhân dân đứng lên chống sưu cao thuế nặng, đấu tranh đòi chia lại ruộng đất, quyên góp ủng hộ phong trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh. Càng thử thách tôi luyện, chi bộ đảng đầu tiên của huyện Duy Xuyên càng trưởng thành, lớn mạnh. Các tổ chức đoàn thể do chi bộ đảng thành lập và lãnh đạo đã tập hợp quần chúng nhân dân trở thành lực lượng đối kháng với chế độ thực dân phong kiến. Chi bộ đảng không ngừng phát triển đảng viên mới ở khắp nơi trong huyện. Và 15 năm sau, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quần chúng nhân dân đã nhất tề đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền tại địa phương với thắng lợi vang dội vào mùa thu cách mạng 1945.

9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược đất nước ta lần thứ hai (1946 - 1954), nhân dân Duy Xuyên hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, tích cực tham gia “Tuần lễ vàng”, “Tuần lễ đồng”, đóng góp sức người sức của cho sự nghiệp cách mạng. Chiến thắng Điện Biên phủ “chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ - 1954, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Đất nước ta tạm thời bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc. Kẻ thù hèn hạ đã gây ra vụ thảm sát dã man tại đập Vĩnh Trinh, giết hại 37 cán bộ, đảng viên trung kiên vào cuối 1955. Không nhụt chí, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, nhân dân Duy Xuyên bất chấp hy sinh gian khổ, quyết “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Với thế trận lòng dân vững chắc và lối đánh du kích “lấy ít địch nhiều” phát triển sâu rộng khắp nơi, cán bộ và nhân dân Duy Xuyên đã cùng với lực lượng vũ trang huyện bẻ gãy hàng trăm trận càn quét quy mô lớn của Mỹ-ngụy. Những địa danh như Văn Quật, Xuyên Thanh, Lệ Bắc, Hòn Bằng, Kiểm Lâm, An Hòa, Đức Dục... gắn với những chiến công hiển hách đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng. Mùa xuân 1975, quân và dân Duy Xuyên đã cùng với bộ đội chủ lực tiến công các đồn bốt trên địa bàn và giành thắng lợi hoàn toàn vào ngày 28-3. Cùng với cả tỉnh, Duy Xuyên bước sang trang sử mới.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cán bộ và nhân dân Duy Xuyên đóng góp nhiều sức người sức của cho sự nghiệp cách mạng, ngoan cường đứng lên đánh giặc giữ làng, lập nên những chiến công vang dội. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc đó, Duy Xuyên hai lần được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Cuộc sống đơm hoa

Từ chỗ chỉ có một chi bộ với 5 đảng viên, đến nay Đảng bộ Duy Xuyên có trên 2.800 đảng viên sinh hoạt tại 61 chi, đảng bộ cơ sở. Đó là những hạt nhân lãnh đạo nhân dân địa phương tích cực chung tay góp sức xây dựng quê hương trên con đường đổi mới và hội nhập.

Là “vành đai trắng” trong chiến tranh nên sau ngày hòa bình thống nhất đất nước, hầu hết làng mạc ở Duy Xuyên đều hoang tàn đổ nát. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, cán bộ và nhân dân Duy Xuyên đã chung tay góp sức xây dựng cuộc sống mới. Lúc bấy giờ cấp trên phải cứu trợ cả ngàn tấn gạo để giải quyết cái ăn nhằm tạo điều kiện cho nhân dân khai hoang phục hóa, xây dựng lại nhà cửa để ổn định cuộc sống. Và sau 35 năm chung tay góp sức dựng xây, Duy Xuyên đã đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực, tạo nên diện mạo mới với bước phát triển ngày càng vững chắc... Liên tục trong nhiều năm nay, kinh tế - xã hội của huyện luôn đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm trên 10%. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới hiện nay chỉ còn 17%.

Những năm gần đây, huyện Duy Xuyên huy động mọi nguồn lực cho việc phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn. Nhờ vậy, hệ thống kênh mương thủy lợi được xây dựng cơ bản và đồng bộ, đảm bảo chủ động nguồn nước tưới cho 4 nghìn héc ta đất gieo trồng. Hệ thống đường giao thông nông thôn cũng được bê tông hóa trên 400km. Xác định công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) là thế mạnh, Đảng bộ huyện tập trung phát triển kinh tế - xã hội theo cơ cấu CN-TTCN, du lịch - dịch vụ và nông - lâm nghiệp, trong đó CN-TTCN chiếm vai trò quan trọng. Nhờ vậy, năm 2009, tổng giá trị sản xuất CN-TTCN đạt trên 835 tỷ đồng. Ở lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng đạt những kết quả đáng mừng. Hệ thống điện - đường - trường - trạm khá hoàn chỉnh. Đặc biệt là về giáo dục, 100% xã, thị trấn đã hoàn thành việc phổ cập THCS, một số địa phương đã hoàn thành việc phổ cập THPT.

Nhìn lại và đi tới, với những lợi thế sẵn có, Đảng bộ Duy Xuyên tiếp tục coi trọng công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tiếp tục lãnh đạo phát triển CN-TTCN, đa dạng hóa ngành nghề, khai thác tiềm năng du lịch, nhất là du lịch sinh thái. Duy Xuyên có Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, hằng năm thu hút gần 200 nghìn du khách... Hy vọng trong tương lai không xa, Duy Xuyên sẽ khai thác các lợi thế để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp...

(Nguồn: Báo Quảng Nam)

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất