Đảng bộ huyện Như Thanh (Thanh Hóa): Đoàn kết phấn đấu đổi mới phương thức lãnh đạo, xoá tình trạng “trắng” chi bộ đảng

Như Thanh là huyện miền núi nằm ở phía tây nam của tỉnh Thanh Hoá, có 9 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó chủ yếu là người Kinh, Thái, Mường và Thổ. Do đặc thù của địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa, dân cư phân bố không đều, địa hình rộng, giao thông khó khăn. Đặc biệt đời sống kinh tế, văn hoá cũng như trình độ dân trí vùng đồng bào dân tộc còn hạn chế... Những nguyên nhân trên đã dẫn đến tình trạng “trắng” chi bộ đảng ở một số thôn, bản trong nhiều năm liền.


Trước tình hình trên, thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XX, giai đoạn 2005 - 2010, cùng với triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã đặt công tác xây dựng, phát triển Đảng và hệ thống chính trị là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện. Để biến quyết tâm thành hiện thực, năm 2007, Huyện uỷ đã thông qua Nghị quyết chuyên đề “Nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức chi bộ đảng, đảng viên”. Theo đó, tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể như: công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; công tác tổ chức cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng, công tác chỉ đạo, điều hành của cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp; công tác dân vận.


Được sự chỉ đạo sâu sát của Huyện uỷ, từ giữa năm 2007, nội dung làm việc, thảo luận tại các kỳ sinh hoạt đảng, cũng như hội nghị các chi bộ đảng địa phương đã có sự đổi mới cơ bản. Theo đó, nội dung mỗi kỳ sinh hoạt đều hướng về việc cụ thể hoá các nghị quyết của Đảng, nhưng được vận dụng linh hoạt vào các vấn đề cấp thiết, quan trọng của mỗi địa phương như: công tác xoá đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xoá nhà tranh tre dột nát cho hộ khó khăn... Nhờ đó đã tạo nên bước chuyển biến tích cực, nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng đối với quần chúng nhân dân.


Bên cạnh đó, các chi bộ cũng rất quan tâm công tác xây dựng và phát triển Đảng, nhất là các tổ chức cơ sở đảng ở vùng sâu, vùng xa, nơi địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc ít người. Tại những địa bàn này, do điều kiện kinh tế khó khăn nên phần lớn thanh niên đến tuổi lao động đều xa quê đi học hoặc làm thuê kiếm sống. Trước thực trạng trên, các chi bộ, đảng bộ cơ sở đã phân công cán bộ, đảng viên trực tiếp sâu sát, theo dõi, giúp đỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của lớp trẻ, tạo điều kiện cho họ phấn đấu... Cùng với đó, Huyện uỷ tăng cường 70 cán bộ từ cấp phó phòng trở lên về nằm vùng tại những địa bàn khó khăn, trực tiếp chỉ đạo, cùng địa phương tháo gỡ vướng mắc; Đồng thời cho phát hành cuốn “Thông tin nội bộ” định kỳ tháng/số để thông tin nhanh về các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ trọng tâm trong tháng của tỉnh, huyện và phổ biến, biểu dương những nhân tố mới, mô hình mới tại địa phương. Nhờ đó, sau 3 năm triển khai, đến nay tình trạng “trắng” chi bộ đảng trên địa bàn huyện đã không còn. Điển hình như chi bộ 13 xã Xuân Du, 20 năm không kết nạp được một đảng viên mới nào, đến nay đã được tăng cường cả về số lượng lẫn chất lượng bởi sự bổ sung của những đảng viên trẻ có học thức và nhiệt huyết. Qua 5 năm 2005 - 2010, tổng số đảng viên toàn huyện đã tăng từ 2.979 lên 3.519 đồng chí. Theo đó số chi bộ dưới đảng bộ cũng tăng từ 282 chi bộ lên 316 chi bộ.


Cũng nhằm mục tiêu đổi mới và tăng cường sức chiến đấu của Đảng, trong nhiệm kỳ vừa qua, Huyện uỷ Như Thanh đã tập trung thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, nhất là trong các lĩnh vực được xem là “nóng” như tài chính, ngân sách, đất đai, xây dựng cơ bản... Theo đó, đã thực hiện 22 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 43 tổ chức cơ sở đảng, 53 chi bộ, 128 lượt đảng viên có dấu hiệu vi phạm, giám sát 63 lượt tổ chức đảng, 148 đồng chí thuộc diện Thường vụ Huyện uỷ quản lý. Kết quả đã xử lý kỷ luật 131 đảng viên vi phạm, khiển trách 41 đảng viên, cảnh cáo 60 đảng viên, cách chức 8 đảng viên, khai trừ 22 trường hợp. Về tập thể, khiển trách 7 ban thường vụ đảng uỷ và giải thể 1 chi bộ. Do thực hiện nghiêm túc, triệt để công tác kỷ luật đảng cũng như giải quyết tốt công tác khiếu nại, tố cáo, tình trạng mất đoàn kết, yếu kém kéo dài ở một số chi bộ, đảng bộ như Phúc Đường, Cán Khê... đã được khắc phục hoàn toàn.



Nhờ đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng tại địa phương, cùng với sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, trong nhiệm kỳ qua, huyện Như Thanh đã tạo nên bước chuyển biến nhanh chóng trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Mức tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2005 - 2010 của huyện đã đạt 17,8%/năm. Tổng giá trị các ngành sản xuất chính từ 201 tỷ đồng (2005) tăng lên 660 tỷ đồng năm 2010. Thu nhập bình quân đầu người từ 3,5 triệu đồng/năm (2005) lên 10,5 triệu đồng/năm. Đáng chú ý, cơ cấu kinh tế của huyện trong những năm gần đây đã có bước chuyển dịch tích cực theo nhu cầu của nền kinh tế thị trường. Nhờ sự phát triển của hệ thống hạ tầng cơ sở, nhất là giao thông cũng như các chính sách hỗ trợ, khuyến khích của huyện, bà con nông dân, trong đó có cả đồng bào dân tộc ít người đã dần làm quen với việc lựa chọn những cây, con có giá trị kinh tế cao, đầu ra ổn định như cây mía đường, cao su, ong mật, lợn rừng, nhím... vào sản xuất, chăn nuôi, tạo việc làm tăng thu nhập. Đặc biệt nhiều hộ nhờ được vay vốn, tạo cơ chế phù hợp, đã đầu tư phát triển kinh tế trang trại, mở rộng sản xuất, nhiều hộ đã có mức thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.


Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Văn Tuấn, Bí thư huyện uỷ Như Thanh phấn khởi cho biết: Phát huy những thành quả đã đạt được, đồng thời thi đua lập thành tích chào mừng thành công của Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII và Đại hội Đảng toàn quốc sắp tới, Đảng bộ, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện đang nỗ lực đoàn kết, phấn đấu hơn nữa, nhằm hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch mà đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã đề ra.


Nguyên Xim – Nguyên Lan

Nguồn: Báo Điện tử ĐCSVN

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất