Trong 10 năm tới, vùng ĐBSCL có thời cơ phát triển nhanh hơn để rút ngắn khoảng cách so với các vùng, miền khác, xứng đáng là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, một vùng kinh tế giàu tiềm lực, năng động về sản xuất kinh tế hàng hóa, nhất là về nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch.
Ngày 14-7, tại TP.Cần Thơ, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2001-2010”. Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ chỉ đạo Hội nghị.
Trong 10 năm qua, kinh tế các tỉnh vùng ĐBSCL phát triển nhanh và chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, hiệu quả sản xuất được nâng cao, tổ chức huy động tốt các nguồn lực đầu tư; môi trường đầu tư được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân toàn vùng giai đoạn 2001-2010 đạt 11,7%/năm. Môi trường đầu tư vùng ĐBSCL được cải thiện, chỉ số năng cạnh tranh (PCI) của các tỉnh, thành trong vùng đều nằm trong nhóm khá, tốt và rất tốt.
Những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng ĐBSCL nổi bật là: Nông, lâm, ngư nghiệp phát triển toàn diện, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, phát huy lợi thế sản phẩm chủ lực của vùng (lúa gạo, thủy sản, trái cây), thể hiện vai trò trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản của cả nước. Giá trị sản xuất toàn ngành tăng từ 56.292 tỉ đồng (năm 2001) lên 101.000 tỉ đồng (năm 2010), tăng trưởng bình quân giai đoạn 2001-2010 đạt 6,9%/năm; hiệu quả thu nhập trên mỗi ha đất sản xuất nông nghiệp trong vùng tăng từ 20,2 triệu đồng/ha (năm 2000) lên gần 38 triệu đồng/ha (năm 2010). Sản xuất lúa, trái cây, nuôi trồng thủy sản có nhiều tiến bộ rõ nét, phát huy thế mạnh, là ngành kinh tế mũi nhọn của vùng, đã hình thành một số mô hình tập trung chuyên canh lúa, cây ăn trái và thủy sản, áp dụng công nghệ cao, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, tăng lợi thế cạnh tranh trên thương trường.
Công nghiệp được chú trọng phát triển, đi dần vào khai thác các thế mạnh của vùng về công nghiệp chế biến nông sản, bước đầu tập trung đầu tư phát huy lợi thế về công nghiệp dầu khí, năng lượng, nhiệt điện và cơ khí. Giá trị sản xuất công nghiệp vùng ĐBSCL tăng liên tục trong các năm, đến năm 2010 đạt 156 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân giai đoạn 2001-2010 là 18,8%/năm, làm thay đổi quy mô và chất lượng sản xuất.
Thương mại, dịch vụ, du lịch, thông tin và truyền thông có bước phát triển, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ và đời sống nhân dân.
Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng có nhiều cố gắng, hạ tầng giao thông có nhiều chuyển biến, gắn kết với thủy lợi; toàn vùng cơ bản hoàn thành mục tiêu xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ, các đô thị được đầu tư, nâng cấp. Hạ tầng giao thông, thủy lợi có bước phát triển, gắn kết giao thông liên vùng, góp phần làm thay đổi nhanh diện mạo đô thị, nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bước đầu đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển và an sinh xã hội.
Giáo dục - đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, Chăm được cải thiện.
Trong 10 năm qua, các đảng bộ tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã thường xuyên quan tâm xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh, kiện toàn hệ thống chính trị vững mạnh, thực hiện các chính sách dân tộc, tôn giáo,
Tuy nhiên, kinh tế trong vùng phát triển chưa thực sự bền vững, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp, yếu tố rủi ro còn cao, chưa tương xứng tiềm năng của vùng, một số nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết 21 chưa đạt được. Giáo dục - đào tạo, dạy nghề, văn hóa - xã hội còn nhiều hạn chế, yếu kém so với các vùng, miền khác. Xây dựng hệ thống chính trị còn những hạn chế, yếu kém chậm được khắc phục.
Phát biểu Tổng kết Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị được ban hành kịp thời, định hướng rõ, đánh giá đúng đặc điểm, vị trí quan trọng, tiềm năng, lợi thế và những khó khăn của vùng, làm cơ sở cho các địa phương, bộ, ngành ưu tiên mục tiêu, tập trung tổ chức thực hiện. Đảng và Nhà nước đã dành sự quan tâm chỉ đạo, điều hành năng động, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm; Chính phủ thể chế hoá và cụ thể hóa nhiều chủ trương, giải pháp có hiệu quả, trực tiếp và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Các cấp ủy, chính quyền địa phương nhận thức rõ hơn về giải pháp khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương mình và toàn vùng; chủ động, tích cực trong việc tổ chức thực hiện các quyết định, mục tiêu chương trình của Trung ương vào địa phương và tập trung giải quyết được những vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp bách mang tính đột phá, nhất là xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, chăm lo các vấn đề an sinh và đời sống cho đồng bào dân tộc Khmer, đồng bào Chăm.
Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Định hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2011-2020 được xây dựng sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, có Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2011-2020, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có những diễn biến phức tạp. Trong 10 năm tới, vùng ĐBSCL có thời cơ phát triển nhanh hơn để rút ngắn khoảng cách so với các vùng, miền khác, xứng đáng là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, một vùng kinh tế giàu tiềm lực, năng động về sản xuất kinh tế hàng hóa, nhất là về nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch. Toàn vùng cần nỗ lực phấn đấu với tốc độ nhanh, mạnh, hiệu quả cao hơn, để đạt được mục tiêu phương hướng đề ra: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011-2020 của vùng ĐBSCL đạt 12-13%; tỷ trọng nông, lâm, ngư ngiệp trong GDP giảm xuống còn 30-31%, công nghiệp xây dựng tăng lên 35-36%, khu vực dịch vụ 33-34%. Thu nhập GDP bình quân đầu người phấn đấu đến năm 2015 đạt khoảng 50 triệu đồng (tương đương 2.130 USD) và đạt khoảng 70 triệu đồng (tương đương 3.200 USD) vào năm 2020. Muốn vậy các địa phương phải nhanh chóng khắc phục những mặt còn yếu kém, những trì trệ nội tại, quán triệt mục tiêu, nhiệm vụ, sáng tạo cách nghĩ, cách làn, tìm những giải pháp để vươn lên. Những khâu đột phá của vùng được xác định trong 10 năm tới là: Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội như giao thông, thuỷ lợi, giáo dục đào tạo, y tế, dạy nghề và xây dựng nông thôn mới kết hợp với phát triển hợp lý các đô thị trung tâm và các khu công nghiệp đã được qui hoạch.
Tin, ảnh: Bùi Văn Bồng