Tháng12-2006, Ban Chấp
hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên ban hành Đề án số 05-ĐA/TU về “Nâng cao năng lực lãnh đạo
và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ở xã, phường, thị trấn”, thành lập Ban
Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch triển khai nghiên cứu, học tập và tổ chức thực hiện
tại các huyện, thị, thành ủy; chọn 14 đảng bộ xã, phường, thị trấn làm điểm chỉ đạo của tỉnh trước khi nhân ra diện rộng. Qua 4 năm triển khai thực hiện,
công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở Thái Nguyên đã đạt được những kết quả
tích cực.
1.
Về xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng đảng
viên
Các cấp ủy đảng đã triển khai
thực hiện với nhiều giải pháp cụ thể, như: Đổi mới nội dung, hình thức tuyên
truyền, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của
Nhà nước; đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy; triển khai đồng bộ các khâu trong
công tác cán bộ; thực hiện tốt công tác tạo nguồn và phát triển đảng viên; củng
cố cơ sở đảng yếu kém, khắc phục tình trạng xóm “trắng” đảng viên, chi bộ ghép…
Kết quả đánh giá, xếp loại tổ
chức cơ sở đảng: Năm 2006: 132/180 (73,33%) đảng bộ xã, phường, thị trấn đạt
tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh. Năm 2007: 136/180 (75,56%). Năm 2008, thực hiện
hướng dẫn mới của Ban Tổ chức Trung ương, 125/180 (69,44%) đảng bộ xã, phường,
thị trấn đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Năm
2009 và 2010 là 171/180 (95%). Trong 4 năm thực hiện có trên 20% đảng bộ
xã, phường, thị trấn đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu; trên 75% chi bộ trực
thuộc đảng ủy xã, phường, thị trấn đạt trong sạch, vững mạnh; 67% đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó 14%
đảng viên đủ tư cách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
2.
Về đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, hoàn thiện mô hình tổ chức đảng,
làm tốt công tác phát triển đảng viên mới
Vấn đề nâng cao chất lượng sinh
hoạt chi bộ ở Đảng bộ Thái Nguyên đã được quan tâm hơn, nội dung sinh hoạt chi
bộ cụ thể, thiết thực, giải quyết kịp thời các nhiệm vụ trọng tâm, các vấn đề bức
xúc ở địa phương, đơn vị. Vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, bí thư, phó bí thư
chi bộ trong việc duy trì, chuẩn bị nội dung sinh hoạt được tăng cường. Ý thức
trách nhiệm trong việc thảo luận và quyết định các công việc của chi bộ cũng
như ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình trong
sinh hoạt đảng của đảng viên được nâng lên. Việc phân công nhiệm vụ cho cán bộ,
đảng viên được duy trì nghiêm túc.
Hoàn thành việc sắp xếp các chi
bộ đảng gắn với xóm, tổ dân phố và đồng bộ với các tổ chức chính quyền, các
đoàn thể quần chúng trên địa bàn.
Tính đến cuối năm 2010, toàn tỉnh Thái Nguyên
có 3.536 chi bộ, tăng 480 chi bộ so với năm 2006; trong đó 2.323 xóm, tổ dân phố
có chi bộ độc lập (đạt 89,95%); có 165 (91,67%) chi bộ cơ quan cấp xã trong tổng
số 180 xã, phường, thị trấn được thành lập. Vẫn còn 304 xóm, tổ dân phố chưa có chi bộ, còn sinh hoạt
ghép (so với năm 2006 đã giảm 397 xóm, tổ dân phố chưa có chi bộ).
Công tác kết nạp đảng viên được
các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm. Hằng năm, các đảng bộ xã, phường,
thị trấn kết nạp được trên 1.700 đảng viên,
đạt tỷ lệ 4% so với tổng số đảng viên trong khối, đạt 85% so với chỉ tiêu Đề án.
Tính đến cuối năm 2010, toàn tỉnh còn 4 xóm, tổ dân phố chưa có đảng viên (giảm
18 xóm, tổ dân phố so với năm 2006).
3.
Về xây dựng đội ngũ cán bộ, cấp ủy viên cơ sở
Các cấp ủy, tổ chức đảng đã triển
khai thực hiện tốt các khâu của công tác cán bộ. Đội ngũ công chức cấp xã tăng
cả về số lượng lẫn chất lượng; cơ cấu về độ tuổi, giới tính, dân tộc từng bước
được điều chỉnh hợp lý hơn. Sau khi thực hiện Đề án, tổng số cán bộ, công chức cấp
xã là 3.485 người (tăng 411 người), trong đó nữ là 642 đạt18,42% (tăng 2,32%); 1.767
người đạt trình độ chuyên môn trung cấp trở lên, bằng 50,7% (tăng 21,45%, riêng đại
học tăng 4,58%); trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên là 1.819 người, bằng 50,2% (tăng 13,13%); 1.661 người được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, tin học.
Qua đại hội đảng bộ cấp cơ sở nhiệm
kỳ 2010-2015, chất lượng đội ngũ cấp ủy viên được nâng lên so với nhiệm kỳ trước:
Số cấp ủy viên mới tham gia lần đầu đạt 42,45%; cấp ủy viên nữ: 21,22% (vượt 3,01%
so với chỉ tiêu Đề án); cấp ủy viên có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên:
71,45% (tăng 37,1% so với trước khi thực hiện Đề án). Ủy viên ban thường vụ có
trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên: 77,87%; số ủy viên ban thường vụ có
trình độ lý luận từ trung cấp trở lên: 92,06%.
Có 331/529 (62,57%) bí thư, chủ
tịch HĐND, chủ tịch UBND cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên (tăng
26,34% so với trước khi thực hiện Đề án). Trong đó, 88/529 trình độ cao đẳng và
đại học; 521/529(98,49%) trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên (chỉ tiêu
Đề án đến năm 2015, 100% cán bộ chủ chốt có trình độ lý luận chính trị từ trung
cấp trở lên).
Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có
1.138 công chức cấp xã của 5 chức danh (Văn phòng-Thống kê, Tài chính-Kế toán,
Tư pháp-Hộ tịch, Địa chính-Xây dựng, Văn hóa-Xã hội). Trong đó, cán bộ có trình
độ chuyên môn từ trung cấp trở lên chiếm tỷ lệ 79,09% (đạt chỉ tiêu Đề án và đạt
chuẩn về chuyên môn theo quy định của Bộ Nội vụ).
4.
Trẻ hóa đội ngũ cán bộ công chức, thực hiện chế độ đối với cán bộ ở cơ sở
Để lựa chọn cán bộ có đủ phẩm
chất, năng lực, bổ sung cho đội ngũ cán bộ cơ sở, các xã, phường, thị trấn ở
Thái Nguyên đã tiến hành tuyển chọn và ký hợp đồng lao động với 348 người có
trình độ đại học chính quy. Qua theo dõi, hằng năm có trên 80% cán bộ hợp đồng
được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đến nay đã có 109/348 cán bộ hợp đồng được
tuyển dụng vào công chức và 6 cán bộ hợp đồng được bầu giữ chức danh chuyên
trách cấp xã.
Ngoài việc giải quyết kịp thời
chế độ chính sách theo quy định chung, tỉnh đã có chính sách đối với cán bộ không chuyên trách
ở cơ sở, có 13.618 cán bộ cơ sở được hưởng mức phụ cấp mới; bổ sung thêm 4
chức danh cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp
không chuyên trách (Chủ nhiệm UBKT đảng ủy, Trưởng ban Tuyên giáo, cán bộ Lao động
thương binh và xã hội, cán bộ Kế hoạch-Giao thông-Thủy lợi-Nông, lâm nghiệp).
Bên cạnh kết quả đạt được, còn một số hạn chế, yếu
kém cần khắc phục:
Một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra (tỷ lệ tổ
chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, tỷ lệ đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt
nhiệm vụ); năng lực vận dụng, cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của
Đảng và các nghị quyết của cấp ủy cấp trên ở nhiều cấp ủy cơ sở còn yếu; phương
thức lãnh đạo ở một số đảng bộ xã còn hạn chế; công tác phát triển đảng viên còn
gặp khó khăn; công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, luân chuyển cán bộ cơ sở
còn nhiều hạn chế; việc trẻ hóa đội ngũ cán bộ còn chậm; trình độ chuyên môn của nhiều
cán bộ chưa đạt chuẩn.
Lan Phương (tổng hợp)