Với những chủ trương đúng đắn của Đảng và sự quyết tâm của các cấp chính quyền trong những năm vừa qua, việc tinh gọn đầu mối tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế thông qua việc mở rộng, tăng quy mô đơn vị hành chính ở các đô thị đã bước đầu đạt được những kết quả khích lệ, đáp ứng được yêu cầu phát triển đô thị, tinh gọn bộ máy hành chính, tinh giản biên chế. Tuy nhiên, theo Tổng Bí thư Tô Lâm, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, cơ bản vẫn theo mô hình được thiết kế từ hàng chục năm trước, nhiều vấn đề không còn phù hợp với điều kiện mới là trái với quy luật phát triển([1]).
Đặc biệt là khi Đảng ta đề ra mục tiêu phấn đấu trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025. Yêu cầu phát triển, mở rộng các đô thị ở nước ta đang dần dần trở thành xu thế tất yếu.
Trước yêu cầu phát triển, mở rộng của các đô thị và dự báo tình hình trong thời gian tới, Nghị quyết Trung ương sáu (khóa XII) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã đề ra nhiệm vụ giải pháp: “khuyến khích sáp nhập, tăng quy mô các đơn vị hành chính các cấp ở những nơi có đủ điều kiện để nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tăng cường các nguồn lực của địa phương”. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 30-1-2023 về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 để đề ra các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cũng như lộ trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Với những chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tiễn và sự chủ động, tích cực của một số cấp ủy, chính quyền địa phương, trong những năm qua, nhiều địa phương đã thực hiện tinh gọn đầu mối cấp huyện, cấp xã và tinh giản biên chế thông qua việc mở rộng, tăng quy mô các thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố mang lại nhiều kết quả thiết thực.
Năm 2020, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện Nghị quyết số 827/NQ-UBTVQH14 ngày 17-12-2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV về sáp nhập toàn bộ huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long. Sau khi sáp nhập, thành phố Hạ Long có 1.119,12 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 300.267 người, tăng 843,54 km2 diện tích tự nhiên, tăng 51.003 người, có 33 đơn vị hành chính gồm 21 phường và 12 xã.
Thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh được thành lập theo Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 ngày 9-12-2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV trên cơ sở sáp nhập toàn bộ 3 quận gồm: Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức. Sau khi sát nhập, thành phố Thủ Đức có 211,56 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.013.795 triệu người, có 34 phường.
Năm 2021, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thực hiện việc mở rộng thành phố Huế theo Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14 ngày 27-4-2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV theo hướng điều chỉnh toàn bộ địa giới hành chính, dân số của 13 xã, phường, thị trấn thuộc thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và huyện Phú Vang vào thành phố Huế. Sau mở rộng, thành phố Huế có 265,99 km2 diện tích tự nhiên (tăng gấp 4 lần trước đây) với quy mô dân số 652.572 người; có 36 đơn vị hành chính gồm 29 phường và 07 xã.
Thành phố Hạ Long, thành phố Thủ Đức và thành phố Huế là ba đô thị điển hình trên toàn quốc trong thời gian qua thực hiện việc sáp nhập, tăng quy mô đơn vị hành chính cấp huyện để tinh gọn đầu mối cấp huyện, cấp xã. Sau khi sáp nhập, các đô thị đã hoạt động ổn định, bảo đảm thực hiện đầy đủ, có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân ổn định, không phát sinh khiếu nại, tố cáo do việc sắp xếp đơn vị hành chính; được đa số nhân dân đồng thuận; tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã tinh gọn hơn, nâng cao chất lượng, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; giảm chi ngân sách nhà nước; góp phần mở rộng không gian phát triển, tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển. Hiện nay, nhiều địa phương cũng đang nghiên cứu mở rộng, tăng quy mô các đô thị để tinh gọn bộ máy cấp huyện, cấp xã như: Tỉnh Nghệ An nghiên cứu mở rộng thành phố Vinh theo hướng sáp nhập với thị xã Cửa Lò và 4 xã của huyện Nghi Lộc; tỉnh Thanh Hóa nghiên cứu mở rộng thành phố Thanh Hóa theo hướng sáp nhập với huyện Đông Sơn...
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Để đạt được những kết quả như vậy, các cấp ủy, chính quyền đã sáng tạo, nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, điển hình như:
Thứ nhất, một số cấp ủy, chính quyền địa phương đã thực hiện có hiệu quả việc đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số, nâng cao năng lực quản lý, điều hành xã hội của chính quyền ở đô thị; coi đây là nhân tố then chốt trong việc nâng cao năng lực quản lý và điều hành xã hội, nâng cao hiệu quả giải quyết các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Những thành tựu đạt được của việc đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số gắn với cải cách hành chính ở nước ta trong thời gian qua là một trong những yếu tố góp phần thực hiện thành công việc mở rộng, tăng quy mô đơn vị hành chính ở các đô thị. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã được khai trương vào tháng 12 năm 2019, kết nối với cổng dịch vụ công các bộ, ngành, địa phương phục vụ người dân đăng ký thủ tục hành chính mọi lúc, mọi nơi, không phân biệt địa giới hành chính và có thể nhận kết quả tại nhà qua đường bưu điện. Sau 4 năm vận hành, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 4.591 dịch vụ công trực tuyến trong tổng số 6.349 TTHC (chiếm 72,3%); có hơn 3,2 tỷ lượt truy cập tìm hiểu thông tin và thực hiện dịch vụ; hơn 273 triệu hồ sơ TTHC đồng bộ, công khai quá trình giải quyết (năm 2023 tăng hơn 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2022); 36,8 triệu hồ sơ TTHC trực tuyến và 21,2 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến từ Cổng (năm 2023 tăng hơn 2,58 lần so với cùng kỳ năm 2022); trung bình mỗi ngày tiếp nhận hơn 106 nghìn hồ sơ trực tuyến, 50 nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến. Như vậy, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã trở thành điểm "Một cửa số" của quốc gia phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử([2]). Một số cơ sở dữ liệu tạo nền tảng đã được xây dựng, như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về bảo hiểm, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu giáo dục,... đã vận hành chính thức. Tỷ lệ triển khai hệ thống một cửa điện tử gia tăng từ năm 2017, đến năm 2022 đã đạt 96,6% đối với các Ủy ban nhân dân các tỉnh và 98,4% đối với quận, huyện trên cả nước([3]). Trong các năm gần đây, Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh và thành phố Hồ Chí Minh đều được xếp hạng cao so với các tỉnh, thành phố của cả nước về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (Viet Nam ICT Index)([4]). Chỉ số cải cách hành chính của ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có sự tăng trưởng tích cực, giá trị trung bình đạt mức trên 80% trong 5 năm liên tiếp; năm 2023 cả 63/63 tỉnh, thành phố đều đạt kết quả trên 80%; các địa phương có nhiều nỗ lực, chủ động, sáng tạo chỉ đạo tổ chức triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính một cách toàn diện, bám sát thực tiễn và hiệu quả; phương pháp chỉ đạo điều hành cải cách thủ tục hành chính có nhiều đổi mới tích cực, nhiều mô hình cải cách thủ tục hành chính được thí điểm triển khai có hiệu quả tại địa phương([5]).Quá trình phát triển Chính phủ điện tử ở các địa phương đã nâng cao chất lượng phục vụ người dân, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, điều hành xã hội của bộ máy chính quyền.
Thứ hai, nhìn chung việc mở rộng, tăng quy mô đơn vị hành chính ở các đô thị đã phát huy sự tham gia, đóng góp trí tuệ, công sức, cũng như sự hưởng ứng, tương tác của nhân dân trong công tác quản lý nhà nước, điều hành xã hội.
Một số chính quyền địa phương ở đô thị đã triển khai ứng dụng (app) trên điện thoại hoặc sử dụng các mạng xã hội trên in-tơ-nét để tương tác, xử lý phản ảnh, kiến nghị, đề xuất của nhân dân như thành phố Hạ Long, thành phố Huế, thành phố Thủ Đức... Thông qua mạng xã hội và các nền tảng ứng dụng trên điện thoại thông minh, nhiều người dân đã thực hiện thủ tục hành chính, đăng bài, bình luận, góp ý, hiến kế, cung cấp thông tin, tương tác, chia sẻ, phản hồi các chủ trương, chính sách, hướng dẫn, quy định... của các cấp chính quyền. Thông tin được truyền tải, phổ biến nhanh nhất, rộng nhất đến nhân dân và ý kiến, phản hồi của nhân dân cũng được các cấp chính quyền tiếp nhận nhanh nhất, trung thực nhất, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quả lý nhà nước và điều hành xã hội. Nhiều vấn đề đã được giải quyết triệt để do cơ chế thông tin cũng như phối hợp các cơ quan liên quan, với dữ liệu số, công nghệ số, quy trình số và đặc biệt là công khai và đẩy mạnh tương tác nhằm tăng cường vai trò giám sát, tham gia ý kiến của người dân. Giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua đã chứng minh rõ nhất việc nhân dân và các cấp chính quyền sử dụng sức mạnh của mạng xã hội, các nền tảng ứng dụng điện thoại trong việc tuyên truyền, hướng dẫn, tham gia ý kiến, phản hồi và tiếp nhận thông tin. Việc triển khai ứng dụng (app) trên điện thoại hoặc sử dụng mạng xã hội trên in-tơ-nét đã thu hút sự tương tác tích cực cũng như phát huy được sự tham gia, đóng góp trí tuệ của người dân vào quá trình quản lý nhà nước, điều hành xã hội, cùng hướng tới xây dựng xã hội phồn vinh, dân chủ, công bằng, văn minh, trật tự, kỷ cương, an toàn, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
Thứ ba, năng lực quản lý nhà nước, điều hành xã hội của chính quyền ở các đô thị đã được nâng lên, đã đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển nhanh chóng ở các đô thị. Với những việc làm thiết thực, cụ thể, phương pháp chỉ đạo, điều hành được đổi mới mạnh mẽ theo hướng sâu sát, cụ thể, quy định cụ thể trách nhiệm của tập thể, cá nhân, rõ quy trình, thủ tục; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nên hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, điều hành của chính quyền ở các đô thị đã không ngừng được nâng lên, phục vụ ngày càng tốt hơn người dân và doanh nghiệp. Ý thức, trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, chất lượng phục vụ nhân dân và doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có những bước chuyển biến mạnh mẽ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành của chính quyền. Điển hình là thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Naic) có tổng diện tích là 263,6 km2, quy mô dân số là 1,119 triệu người([6]), đạt mật độ 4.245 người/km2; có 30 xã, phường. Thành phố Biên Hòa tương đương với nội thành của thành phố Đà Nẵng (có 6 quận, 45 phường) về diện tích nội thành, quy mô dân số và mật độ dân số ở thành thị. Thành phố Biên Hòa có diện tích tương đương 50% diện tích nội thành của thành phố Cần Thơ (có 5 quận, 42 phường), nhưng quy mô dân số bằng 124% và mật độ dân số bằng 200% ở thành thị của thành phố Cần Thơ([7]). Hiện nay, thành phố Biên Hòa đang hướng đến mục tiêu chuyển đổi mô hình phát triển thành phố Biên Hòa từ “đô thị công nghiệp” sang mô hình “đô thị dịch vụ”, “đô thị hài hòa, đô thị đáng sống”; trở thành một thành phố thịnh vượng, năng động, có sức cạnh tranh cao trên bình diện vùng, quốc gia và quốc tế…
vẫn còn những hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc mở rộng, tăng quy mô đơn vị hành chính ở các đô thị vẫn còn một số hạn chế như:
Thứ nhất, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền địa phương về tinh gọn đầu mối và tinh giản biên chế thông qua việc mở rộng, tăng quy mô đơn vị hành chính còn hạn chế, kết quả thực hiện chưa đồng đều giữa các địa phương. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương mới tập trung vào việc sáp nhập đơn vị hành chính để đáp ứng đủ các tiêu chuẩn còn thiếu của đô thị; chưa quan tâm, chủ động nghiên cứu tăng quy mô đối với các đơn vị hành chính đã đạt chuẩn theo quy định để đáp ứng yêu cầu phát triển của đô thị, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Chính sách, quy định đặc thù đối với các đô thị mới mở rộng chưa kịp thời, đồng bộ, chưa kết nối đầy đủ với hệ thống chính sách, pháp luật có liên quan.
Thứ hai, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực hiện có hiệu quả việc đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước, điều hành xã hội của chính quyền ở đô thị; coi đây là nhân tố then chốt trong việc nâng cao năng lực quản lý nhà nước và điều hành xã hội, dẫn đến quá tải trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, làm chậm tiến trình mở rộng, tăng quy mô đơn vị hành chính ở đô thị. Đồng thời, chưa chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân tiếp cận, đăng ký dịch vụ công qua in-tơ-net.
Báo cáo Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2021 (SIPAS 2021), Bộ Nội vụ nhận định: Hiện nay, rất ít người dân và các tổ chức sử dụng hình thức tiếp cận thông tin về dịch vụ công qua mạng in-tơ-nét (chưa đến 10%), điều này cho thấy người dân chưa có thói quen sử dụng máy tính/thiết bị điện tử hoặc không có khả năng tiếp cận máy tính, mạng internet, không biết sử dụng máy tính trong khi thực hiện dịch vụ công, tương tác với chính quyền... gây quá tải công việc cho công chức, góp phần tạo cơ hội cho sự phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực của công chức trong quá trình cung ứng dịch vụ công.
Thứ ba, nhìn chung việc mở rộng, tăng quy mô đơn vị hành chính ở các đô thị chưa song hành với việc phát huy tối đa sự tham gia, đóng góp trí tuệ, công sức, cũng như sự hưởng ứng, tương tác của nhân dân trong công tác quản lý nhà nước, điều hành xã hội.
Giải pháp trong thời gian tới
Trong những năm tới, tốc độ đô thị hóa gia tăng nhanh chóng đòi hỏi các đô thị phải mở rộng không gian, mở rộng quy mô và đặc biệt là cởi nút thắt của việc giới hạn địa giới hành chính không tương xứng với quy mô và sự phát triển của đô thị, góp phần đẩy mạnh tinh gọn đầu mối tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Để đáp ứng xu thế tất yếu của việc mở rộng không gian, mở rộng quy mô của các đô thị ở nước ta, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức trong cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp, tạo sự thống nhất, quyết định hành động trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội về việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 30-1-2023 về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; Kết luận số 50-KL/TW ngày 28-2-2023 của Bộ Chính trị “về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Đặc biệt là nhận thức sâu sắc về bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả([8]). Nhân rộng các cách làm hay, sáng tạo và kịp thời biểu dương, khen thưởng những địa phương chủ động, sáng tạo thực hiện có hiệu quả để nhân rộng, lan tỏa cũng như phê bình, nhắc nhở, rút kinh nghiệm những nơi có tình trạng chậm chễ.
Hai là, đẩy mạnh việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan về tổ chức bộ máy, chức năng và hoạt động của chính quyền đô thị để tạo hành lang pháp lý bảo đảm cho chính quyền đô thị hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Khác với nông thôn, đô thị là một cộng đồng lãnh thổ có dân cư tập trung cao, là một chỉnh thể kinh tế - xã hội thống nhất, ràng buộc chặt chẽ và phụ thuộc trực tiếp vào nhau, nên bộ máy chính quyền đô thị phải mang tính tập trung, thống nhất, vận hành thông suốt, nhanh nhạy, không cần thiết khâu trung gian như ở nông thôn. Vì vậy, vấn đề thiết kế và tổ chức mô hình chính quyền đô thị cần tập trung nghiên cứu và sớm hoàn thiện để giải quyết những khó khăn trong hoạt động, phát triển, phù hợp với đặc điểm riêng của đô thị; phát huy được tính năng động, đa dạng và thế mạnh trong sự phát triển kinh tế - xã hội ở đô thị. Mô hình chính quyền đô thị cần hướng tới chính quyền tự quản đối với những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân ở cơ sở. Việc giải quyết những vấn đề có liên quan đến nhân dân, cần có sự tham gia trực tiếp của người dân, nhất là ở cấp cơ sở theo đúng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và phù hợp với Hiến pháp và pháp luật. Xây dựng chương trình phát triển đô thị đồng thời với việc lập hoặc điều chỉnh quy hoạch đô thị, bảo đảm kết nối và phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Xác định rõ mối quan hệ giữa chính quyền trung ương với chính quyền địa phương ở đô thị, khẳng định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị trong việc quyết định và tổ chức thực hiện những chính sách, pháp luật trong phạm vi được phân cấp, phân quyền theo quy định tại Khoản 2, Điều 112, Hiến pháp năm 2013: “Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương”. Thực hiện đúng nguyên tắc: việc gì, ở cấp nào có điều kiện và khả năng thực hiện tốt nhất thì phân giao đầy đủ quyền hạn và bảo đảm những điều kiện cần thiết cho cấp đó giải quyết, khi chưa thực hiện việc phân cấp, phân quyền ngay được thì có thể thực hiện việc ủy quyền theo quy định tại Khoản 3, Điều 112, Hiến pháp năm 2013: “Trong trường hợp cần thiết, chính quyền địa phương được giao thực hiện một số nhiệm vụ của cơ quan nhà nước cấp trên với các điều kiện bảo đảm thực hiện nhiệm vụ đó”. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cần bảo đảm tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị tương xứng. Cấp được phân cấp, phân quyền, được ủy quyền phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về các quyết định của mình, không được đùn đẩy, xin ý kiến, ỷ lại vào cấp trên những công việc đã được phân cấp, phân quyền. Cấp trên tăng cường kiểm tra, giám sát nhưng không can thiệp, bao biện, làm thay cấp dưới.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số, xã hội số, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có hiệu quả với mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và điều hành xã hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân tiếp cận, sử dụng dịch vụ công thông qua Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia và các cổng dịch vụ công của các bộ ngành, địa phương; sử dụng các ứng dụng điện thoại để đăng ký thủ tục hành chính, tương tác, chia sẻ, phản hồi các chủ trương, chính sách, hướng dẫn, quy định... của các cơ quan nhà nước.
Bốn là, có chiến lược tập trung nâng cao năng lực quản lý nhà nước, điều hành xã hội của chính quyền đô thị để đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh chóng ở các đô thị. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực với tính chuyên nghiệp cao, đồng thời siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phục vụ nhân dân, doanh nghiệp và quản lý nhà nước, điều hành xã hội của chính quyền đô thị.
Năm là, tập trung đẩy mạnh thu hút, phát huy sự tham gia của nhân dân vào hoạt động quản lý nhà nước và điều hành xã hội của các cấp chính quyền ở đô thị để thực hiện chủ trương: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu” mà Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nêu([9]).
Sáu là, tập trung đẩy mạnh thực hiện chủ trương “hạn chế tổ chức trung gian([10])” mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ, thông qua việc tiếp tục đẩy mạnh việc mở rộng, tăng quy mô hành chính ở các đô thị, nhất là sáp nhập các quận ở thành phố trực thuộc Trung ương (tương tự như thành phố Thủ Đức) tương ứng với diện tích, quy mô dân số, mật độ dân số... của các đô thị lớn thuộc tỉnh hiện nay như thành phố Biên Hòa để khắc phục sự “chia cắt về địa bàn([11])”, đáp ứng yêu cầu mở rộng không gian và phát triển của các đô thị. Coi đây là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong việc tinh gọn đầu mối tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế.
([1]) Bài viết Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả của Tổng Bí thư Tô Lâm tại https://www.xaydungdang.org.vn/van-kien-tu-lieu/bai-viet-cua-tong-bi-thu-to-lam-tinh-gon-manh-hieu-nang-hieu-luc-hieu-qua-22014
[2] https://vpcp.chinhphu.vn/phat-huy-vai-tro-mot-cua-so-cua-cong-dich-vu-cong-quoc-gia-115231229194859537.htm
[3] Trang 21, Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (Viet Nam ICT Index) năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông.
[4] Trang 49, trang 50, Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (Viet Nam ICT Index) năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông.
[5] Trang 161, Báo cáo chỉ số cải cách hành chính các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX) năm 2023, Bộ Nội vụ.
[6] https://baoxaydung.com.vn/phat-trien-thanh-pho-bien-hoa-tinh-dong-nai-theo-huong-hien-dai-xanh-thong-minh-339705.html
[7] Số liệu thống kê năm 2021 từ Tổng cục Thống kê.
([8]) https://www.xaydungdang.org.vn/van-kien-tu-lieu/bai-viet-cua-tong-bi-thu-to-lam-tinh-gon-manh-hieu-nang-hieu-luc-hieu-qua-22014
([9]) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 27, 28
([10]) Bài viết Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả của Tổng Bí thư Tô Lâm tại https://www.xaydungdang.org.vn/van-kien-tu-lieu/bai-viet-cua-tong-bi-thu-to-lam-tinh-gon-manh-hieu-nang-hieu-luc-hieu-qua-22014
([11]) Bài viết Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả của Tổng Bí thư Tô Lâm
Nguyễn Anh Duyên
Phó Vụ trưởng Vụ TCCB, Ban Kinh tế Trung ương