Theo đó, cơ quan soạn thảo là Sở Nội vụ đề xuất, đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (hợp đồng lao động theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP ngày 30-12-2022 của Chính phủ) cấp huyện, cấp xã tinh giản biên chế thuộc diện dôi dư khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nghỉ công tác, ngoài chế độ, chính sách tinh giản biên chế được hưởng theo quy định của pháp luật hiện hành được hỗ trợ thêm như sau:
3 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi đối với trường hợp nghỉ hưu trước tuổi; 1 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội đối với trường hợp thôi việc ngay; 1 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã đang hưởng chế độ hưu trí.
Còn đối với người hoạt động không chuyên trách, ủy viên thường trực mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ủy viên thường vụ các đoàn thể cấp xã dôi dư khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nghỉ công tác, ngoài chế độ, chính sách được hưởng theo quy định của pháp luật hiện hành, được đề xuất hỗ trợ thêm như sau:
Người hoạt động không chuyên trách cấp xã được hỗ trợ một lần theo thời gian công tác, cụ thể: mỗi năm công tác bằng 1 tháng phụ cấp hiện hưởng (hỗ trợ tối đa không quá 15 tháng).
Ủy viên thường trực mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ủy viên thường vụ các đoàn thể cấp xã được hỗ trợ một lần với số tiền 2.500.000 đồng/người.
Các chính sách trên được đề xuất không áp dụng cho đối tượng đã có thông báo nghỉ hưu; cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm, nghỉ hưu theo quy định tại Nghị định số 26/2015/NĐ-CP.
Cơ quan xây dựng dự thảo đang đề xuất 4 nguyên tắc thực hiện, theo đó trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh thì chỉ được hỗ trợ theo chức danh có mức hỗ trợ cao nhất.
Thời gian hỗ trợ được tính tròn theo nguyên tắc đủ 1 tháng đến đủ 6 tháng được tính 1/2 năm; từ trên 6 tháng đến 12 tháng được tính 1 năm.
Thời gian công tác để tính hỗ trợ là tổng thời gian công tác nếu gián đoạn thì được cộng dồn.
Tiền lương hiện hưởng bao gồm: mức lương chức vụ hoặc mức lương theo ngạch, bậc; các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, mức chênh lệch bảo lưu lương, phụ cấp công tác đảng (nếu có).
Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Nghệ An thực hiện sắp xếp 92 đơn vị hành chính cấp xã (65 đơn vị không đủ tiêu chuẩn và 27 đơn vị đủ tiêu chuẩn liền kề) thành 44 đơn vị (trong đó 43 đơn vị thành lập mới và 1 đơn vị hành chính điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và dân số).
Ngoài ra, Nghệ An sẽ tiến hành mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị Vinh thông qua sáp nhập toàn bộ thị xã Cửa Lò và 4 xã của huyện Nghi Lộc (Nghi Xuân, Nghi Thái, Phúc Thọ, Nghi Phong).
Theo thống kê, chỉ riêng đội ngũ cán bộ, công chức của xã, phường, thị trấn thuộc diện sắp xếp, liền kề là 1.712 người (cán bộ 885 người, công chức 827 người). Theo quy định, dự kiến sẽ bố trí được 913 cán bộ, công chức (cán bộ là 514 người, công chức là 399 người) ở 43 đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp. Như vậy, sau khi bố trí cán bộ, công chức ở các xã mới theo quy định còn dôi dư 799 người (cán bộ 374 người, công chức 425 người).
Nguồn: baonghean.vn