Bác Hồ với Nghệ An
Bác Hồ cùng các cháu thiếu nhi Làng Sen, xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An đi thăm quê nhà.

Sinh thời, Nghệ An - nơi chôn rau cắt rốn luôn neo giữ trong tâm khảm Chủ tịch Hồ Chí Minh tình cảm máu thịt, thiêng liêng“Quê hương nghĩa trọng tình cao/ Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”. Xa quê từ năm 1906 cho đến khi trở thành người đứng đầu Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ được về thăm quê 2 lần. Để vơi nỗi nhớ, trọn vẹn niềm thương và bày tỏ những kỳ vọng thiết tha, Người đã gửi gắm qua những bức thư, bài viết gửi về quê nhà. Từ năm 1930 đến khi về cõi vĩnh hằng, Bác có 9 bài báo, 31 bức thư, 10 bài nói chuyện, 3 bức điện, 2 lần về thăm, 1 lời đề tựa nói về quê hương, trực tiếp trò chuyện thân tình với nhân dân, cán bộ, đảng viên Nghệ An. Người không quên căn dặn các cán bộ, đảng viên tỉnh nhà luôn phải coi trọng công tác xây dựng Đảng. Đặc biệt, một số bức thư đã kịp thời chỉ đạo công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ và yêu cầu đối với cán bộ, đảng viên. Những căn dặn đó là tài sản tinh thần có ý nghĩa quan trọng đối với sự lãnh đạo của Đảng bộ Nghệ An khi đó và vẫn vẹn nguyên giá trị hôm nay.

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Nghệ An muôn vàn khó khăn. Do nhiều năm bị địch khủng bố, phá hoại, hệ thống tổ chức đảng ở Nghệ An chưa được khôi phục. Trung ương Đảng và Xứ ủy Trung kỳ đã cử cán bộ về giúp khôi phục lại các cấp bộ đảng. Nhờ vậy, ngày 2-10-1945, Hội nghị thành lập Đảng bộ đã được tổ chức ở Vinh. Hội nghị đã cử ra BCH Đảng bộ lâm thời và quyết định những vấn đề quan trọng: khẩn trương xây dựng chi bộ đảng; mỗi cấp bộ phải cử ra một bộ phận làm công tác đảng, sinh hoạt độc lập với Mặt trận Việt Minh và chính quyền; tổ chức việc lập quỹ đảng; khôi phục lại hệ thống giao thông liên lạc giữa các cấp; đổi tên Báo “Kháng địch” thành Báo “Tiến lên”. Ngày 17-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà”. Bức thư mở đầu bằng lời tâm sự chứa chan tình cảm: “... Tôi không dùng danh nghĩa Chủ tịch của Chính phủ, nhưng chỉ lấy danh nghĩa của một người đồng chí già mà viết để san sẻ ít nhiều kinh nghiệm với các đồng chí”. Bác nêu nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám “Vì sao có cuộc thắng lợi đó? Một phần vì tình hình quốc tế thuận tiện cho ta. Nhất là vì lực lượng của cuộc toàn dân đoàn kết... Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”. Vì vậy, Người khẳng định: “...Chúng ta cố mà theo cho đúng sách của Chính phủ, thì nhất định chúng ta vượt qua hết thảy những sự khó khăn đó”. Và Người yêu cầu: “chính sách của Chính phủ là: Củng cố sự đoàn kết toàn dân/ Sửa đổi những khuyết điểm khắp các phương diện”. Những khuyết điểm mà Người chỉ ra là: “Khuynh hướng chật hẹp và bao biện. Việc gì cũng do Việt Minh làm, không biết đem những người có danh vọng hoặc có tài cán ở địa phương vào giúp việc. Lạm dụng hình phạt. Những kẻ phản quốc có chứng cớ rõ ràng phải trừng trị. Nhưng không nên đào bới những chuyện cũ ra làm án mới. Đối với những người không nguy hiểm lắm, thì nên dùng chính sách cảm hóa, khoan dung, không nên bắt bớ lung tung, không nên tịch thu vô lý, làm cho dân hoảng sợ. Kỷ luật không đủ nghiêm. Để cho kẻ giả mạo Chính phủ hoặc Việt Minh ức hiếp dân, xoáy tiền dân, lấy đồ đạc của dân, làm cho dân oán. Đề phòng hủ hóa. Cán bộ ta nhiều người cúc cung tận tụy hết sức trung thành với nhiệm vụ, với Chính phủ, với quốc dân. Nhưng cũng có những người hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành, độc đoán, hoặc là chí công dinh tư. Thậm chí dùng pháp công để báo thù tư, làm cho dân oán đến Chính phủ và Đoàn thể. Những khuyết điểm trên, nhỏ thì làm cho dân chúng hoang mang, lớn thì làm cho nền đoàn kết lay động”. Và đặc biệt, yêu cầu của Người như lời kêu gọi cán bộ, đảng viên Nghệ An: “Chúng ta phải lập tức sửa đổi ngay/ Chúng ta không sợ có khuyết điểm/ Chúng ta chỉ sợ không có quyết tâm sửa đổi/ Chúng ta phải lấy lòng "chí công vô tư"/ Chúng ta phải hiểu rõ và theo đúng chính sách của Chính phủ thì những khuyết điểm nói trên sẽ dễ sửa đổi và sự toàn dân đoàn kết sẽ càng vững vàng”[1]. Bức thư thẳng thắn, chân tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem đến nguồn sinh lực mới cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, tạo thuận lợi cho việc đoàn kết, nhất trí trong Đảng bộ và chính quyền. Đảng bộ Nghệ An tiến hành Đại hội lần thứ III (ngày 3-11-1945). Đại hội chỉ ra các biện pháp trong công tác xây dựng Đảng: kịch liệt chống tư tưởng cô độc, hẹp hòi, cầu toàn, gây xích mích trong nội bộ. Vạch trần mọi luận điệu của bọn Tờ-rốt-xkít và các loại phản động khác đang tuyên truyền xuyên tạc, bôi nhọ Đảng Cộng sản và Chính phủ mới, kích động chia rẽ trong quần chúng. Để phòng tránh hành động tả khuynh và hữu khuynh, tất cả đảng viên cũ, mới đều phải được phân công rõ ràng và giao công tác cụ thể; mỗi phủ, huyện mỗi tháng phải phát triển cho được 10 đồng chí và sau 2 tháng, các phủ, huyện phải có BCH Đảng bộ lâm thời. 

Trong những ngày đầu giữ gìn và phát triển lực lượng của cuộc kháng chiến chống Pháp, Nghệ An lọt giữa vòng vây tứ phía của thực dân Pháp. Ủy ban kháng chiến Trung Bộ dời cơ quan ra Nghệ An. Nghệ An trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa cho cả Khu IV và Trung Bộ. Khu ủy IV đã họp nhận định khả năng Pháp tấn công Nghệ Tĩnh là rất rõ, hợp nhất Ủy ban hành chính cấp khu, tỉnh, huyện, xã với Ủy ban kháng chiến thành Ủy ban kháng chiến hành chính. Tiếp đó, Ban chỉ đạo tác chiến và Ban kiểm soát bố phòng ở các cấp được thành lập. Các huyện được phân thành các liên huyện và mỗi liên huyện có một ban cán sự của Đảng chỉ đạo. Ngày 1-3-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho “Các đồng chí Trung Bộ”. Trong thư, Người chỉ rõ:“Trong lúc dân tộc đang ở trên ngã tư đường, chết hay sống, mất hay còn, mỗi một đồng chí và toàn cả Đoàn thể[2] phải đem tất cả tinh thần và lực lượng ra để đưa toàn dân quay về một hướng, nhằm vào một đích: Đánh đuổi thực dân Pháp, làm cho nước được thống nhất và độc lập. Vì vậy, mỗi một đồng chí và toàn cả Đoàn thể phải: Sáng suốt, khôn khéo/ Cẩn thận, kiên quyết/ Siêng năng, nhất trí”. Người căn dặn “ta phải kiên quyết tẩy sạch những khuyết điểm sau: Địa phương chủ nghĩa: Chỉ chăm chú lợi ích của địa phương mình mà không nhìn đến lợi ích của toàn bộ... Óc bè phái: Ai hẩu với mình thì dù nói không đúng cũng nghe, tài không có cũng dùng. Ai không thân với mình thì dù họ có tài cũng tìm cách dìm họ xuống, họ nói phải mấy cũng không nghe... Cô độc hẹp hòi: Chúng ta phải nhớ rằng, người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người sửa chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tuỳ chỗ mà dùng được... Ham chuộng hình thức: Việc gì không xét đến cái kết quả thiết thực cần kíp, chỉ chăm bề hình thức bên ngoài, chỉ muốn phô trương cho oai... Làm hình thức như thế, kết quả chỉ làm cho dân oán. Ích kỷ, kiêu ngạo. v.v. Thậm chí có nơi, có những đồng chí có óc địa vị, cố tranh làm cho được uỷ viên này, chủ tịch kia. Còn những đồng chí chỉ lo ăn ngon, mặc đẹp, lo phát tài, lo chiếm của công làm của tư, đạo đức cách mạng thế nào, dư luận chê bai thế nào cũng mặc. Có những đồng chí còn giữ thói "một người làm nên cả họ được nhờ", đem bà con bằng hữu vào chức này việc kia, làm được, làm không được mặc kệ. Hỏng việc đã có Đoàn thể chịu, cốt cho bà con, bạn hữu có địa vị là được. Có nơi, các đồng chí chẳng những không phê bình giúp nhau sửa đổi, mà lại che đậy cho nhau, tha thứ cho nhau, giấu cả Đoàn thể. Thành thử càng ngày càng hủ hoá, càng hỏng việc. Còn những đồng chí hay có tính kiêu ngạo, tự mãn, tự túc, cho mình là cựu đồng chí, cựu chính trị phạm thì giỏi hơn ai hết, ai cũng không bằng mình. Vẫn biết nhà pha đế quốc là một trường huấn luyện. Nhưng công tác thực tế là một trường thi; vả lại, nếu cựu chính trị phạm là giỏi hơn hết, thì những đồng chí không có "hân hạnh" ở tù, những đồng chí mới đều vô tài vô dụng cả sao. Mỗi một đồng chí ta phải có thái độ khiêm tốn, càng cao, càng giỏi, càng khiêm tốn, phải có lòng cầu tiến bộ. Phải nhớ câu nói của ông thầy chúng ta: "Phải học thêm, phải học mãi". Tự mãn, tự túc là bó mình lại, không cho mình tiến bộ thêm. Vẫn biết các đồng chí Trung Bộ nói chung thì có nhiều ưu điểm như: nhẫn nại, chịu khó, kiên quyết, tháo vát, nhiều sáng kiến. Đó là những tính rất quý báu. Nó làm căn bản cho những tính tốt khác phát triển. Nhưng trong thời kỳ khó khăn nặng nề này, chỉ có những ưu điểm ấy thôi cũng chưa đủ”. Người khẳng định “các đồng chí cần phải đem căn bản tốt đó mà kiên quyết khắc phục cho những khuyết điểm vừa kể trên, thì chúng ta mới chắc đi đến hoàn toàn thắng lợi. Các đồng chí là phải làm cho được những điều này: Đoàn thể phải quân sự hoá, tư tưởng và hành động phải tuyệt đối nhất trí. Đoàn thể là đạo quân tiền phong. Nếu lúc xung phong mà người nói thế này, kẻ muốn thế khác, kèn thổi ngược, trống đánh xuôi thì còn mong gì thắng trận. Chẳng những Đoàn thể ta phải nhất trí mà Quân, Dân, Chính cũng phải nhất trí. Trong các cơ quan chỉ huy, chọn người phải đích đáng, quyền hạn phải phân minh, liên lạc phải mật thiết, hợp tác phải chặt chẽ, phải tuyệt đối tránh các lỗi lạm quyền, bao biện, xung đột, phù diện và suy tỵ, không phụ trách. Phải giữ vững những giao thông liên lạc giữa các tỉnh, các khu và giữa Trung Bộ với Nam Bộ, Bắc Bộ. Giao thông là mạch máu của mọi việc. Giao thông tắc thì việc gì cũng khó. Giao thông tốt thì việc gì cũng dễ dàng. Mong các đồng chí đem toàn bộ tinh thần cách mệnh mà khắc phục khuyết điểm, phát triển các ưu điểm, đồng tâm hiệp lực, đoàn kết nội bộ, mở rộng hàng ngũ, chấn chỉnh công tác để lãnh đạo toàn dân hăng hái vào trận kháng chiến đi đến thắng lợi vẻ vang”[3]. Ngay sau đó, Đảng bộ Nghệ An đã tổ chức một đợt học tập Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tiến hành tự phê bình và phê bình sâu rộng nhằm củng cố khối đoàn kết, nhất trí trong nội bộ, thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương kháng chiến của Đảng. Ngày 6-1-1948, tại xóm Vĩnh Yên, xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, Đại hội đại biểu lần thứ V của Đảng bộ Nghệ An khai mạc. Đại hội đã kiểm điểm công tác xây dựng Đảng và mọi mặt công tác qua một năm kháng chiến, tập trung bàn 2 vấn đề trọng tâm: Tích cực chuẩn bị lực lượng để kháng chiến trường kỳ, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu xâm chiếm Nghệ An của thực dân Pháp; Đẩy mạnh việc phát triển và củng cố tổ chức đảng, xây dựng khối đoàn kết, nhất trí, tập trung lãnh đạo kháng chiến thắng lợi. Sau Đại hội, Tỉnh ủy đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, các cấp bộ đảng đã giải quyết tốt hiện tượng mất đoàn kết kéo dài ở một số nơi. Những tư tưởng cô độc, hẹp hòi, kiêu ngạo, bè phái, cục bộ, địa phương được phê phán mạnh và giảm dần. Sức thuyết phục của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua Thư đã góp phần quan trọng trong công tác xây dựng Đảng ở Nghệ An.

Những năm 1950, khi cuộc kháng chiến chống Pháp của ta bước vào giai đoạn quan trọng, chuyển từ phòng ngự sang cầm cự. Nghệ An lúc đó là vùng tự do và nhiệm vụ là “ra sức xây dựng lực lượng, bảo vệ hậu phương, tổng động viên sức người, sức của, cung ứng cho tiền tuyến”. Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, Nhân dân trong tỉnh đã tham gia vào việc xây dựng quỹ “Đỡ đầu dân quân, nuôi dưỡng bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực”... Song do tư tưởng nóng vội nên có nơi, có lúc huy động sức người, sức của quá khả năng hiện có của quần chúng, ảnh hướng tới sản xuất và tích lũy lực lượng, xây dựng hậu phương... Những thiếu sót đó nhiều khi đã gây nên tình trạng gay cấn, căng thẳng ở nông thôn, ảnh hưởng không tốt đến chính sách đoàn kết kháng chiến của Đảng và Chính phủ. Vì vậy, Bác đã gửi Thư gửi Đồng bào Liên khu IV. Trong Thư, Bác khen ngợi: "Đồng bào mọi nơi đã cố gắng và đang cố gắng làm tròn nhiệm vụ người công dân với Tổ quốc. Phần đông cán bộ thì tận tụy, biết gần gũi dân, đoàn kết dân, học hỏi dân, và lãnh đạo dân thi đua làm mọi công việc kháng chiến”. Tuy nhiên, Bác đã thẳng thắn chỉ rõ:“Nhưng tiếc rằng ở một vài nơi, cán bộ làm sai chỉ thị của Chính phủ và đường lối của Đoàn thể. Họ xa rời nhân dân, không hiểu biết nhân dân. Làm việc thì chỉ dùng mệnh lệnh, chứ không biết tuyên truyền cổ động, giải thích cho mọi đồng bào hiểu rõ và vui vẻ xung phong làm. Thậm chí họ dùng những cách ép uổng, cưỡng bức, bắt bớ dân”. Bác đã tự phê bình và nhận lỗi:“Dù Chính phủ đã ra lệnh trừng trị những cán bộ đó, tôi phải thật thà xin lỗi những đồng bào vì những cán bộ sai lầm mà bị oan ức. Tôi thật thà tự phê bình khuyết điểm của tôi - là giáo dục và lựa chọn cán bộ chưa được chu đáo”. Đồng thời, Bác chỉ rõ: “Từ nay các cán bộ đều biết phê bình và tự phê bình, đều cố gắng sửa đổi lối làm việc, theo đúng đường lối của Chính phủ và Đoàn thể, hợp với lòng dân. Cán bộ cấp trên phải luôn luôn đôn đốc và kiểm tra công việc cán bộ cấp dưới. Nhân dân thì giúp Chính phủ và Đoàn thể kiểm tra công việc và hành vi của các cán bộ. Như vậy, thì chúng ta tránh khỏi nhiều khuyết điểm, phát triển được nhiều ưu điểm, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ tổng động viên để chuyển mạnh sang tổng phản công, kháng chiến sẽ mau đến ngày thắng lợi hoàn toàn”[4]. Ngày 31-10-1950, Liên khu ủy IV đã chỉ thị cho toàn Đảng bộ Nghệ An tiến hành đợt kiểm điểm sửa đổi công tác vận động quần chúng theo thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhân dân phấn khởi vì được dịp giải đáp hết thắc mắc của mình với cán bộ. Nhờ tinh thần thẳng thắn tự phê bình và phê bình của Trung ương Đảng, của Liên khu IV và của Đảng bộ, mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng được củng cố ngày càng chặt chẽ, mật thiết. Những sai lầm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên được uốn nắn, nhất là tư tưởng chủ quan, tác phong mệnh lệnh, quan liêu, không đi sâu, đi sát quần chúng. Những gia đình bị thiệt hại do cán bộ làm sai chính sách được trả lại tài sản. Ý thức trách nhiệm của các cấp bộ đảng đối với việc bảo đảm quyền lợi của nhân dân được nâng cao.

Ngày 14-6-1957, Nghệ An được đón Bác về thăm. Trong dịp này, Người có buổi nói chuyện với hơn 3.000 đại biểu Quân, Dân, Chính, Đảng của Nghệ An và Quân khu IV cùng cán bộ, đảng viên ở thị xã Vinh. Người khen ngợi những thành tích của Nghệ An trong kháng chiến và trong hòa bình, đồng thời phê bình những khuyết điểm của đảng viên, cán bộ, quần chúng. Đặc biệt, Người dặn dò:“Trong kháng chiến, trong cách mạng, nhờ đoàn kết mà chúng ta đã thắng lợi. Trong hòa bình, chúng ta nhất định phải đoàn kết để giành lấy thắng lợi mới lớn lao hơn. Đoàn kết lương - giáo, đoàn kết Bắc Nam, đoàn kết đồng bào thiểu số và đồng bào Kinh, đoàn kết quân - dân”[5]. Với những lời chỉ bảo ân cần của Bác là nguồn động viên to lớn tiếp thêm sức mạnh để Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà tiếp tục đoàn kết, nỗ lực thi đua hoàn thành kế hoạch 3 năm hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế và phát triển văn hóa.

Năm 1961, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An vinh dự được đón Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai. Làm việc với Tỉnh ủy Nghệ An, Bác nhắc nhở:“Phải tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, trước hết là sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy. Các cấp bộ Đảng cần phải thấy hết khả năng của địa phương, nhận rõ trách nhiệm đối với đời sống nhân dân và đối với kế hoạch công nghiệp hóa của miền Bắc nước ta để cố gắng hơn nữa phát triển kinh tế, trước hết là phát triển nông nghiệp, nhằm tự túc lương thực và cung cấp nhiều nguyên liệu cho công nghiệp”[6]. Điều mong mỏi thiết tha của Bác là: “Đồng bào và cán bộ cần phải có quyết tâm phấn đấu xây dựng tỉnh ta thành một trong tỉnh khá nhất ở miền Bắc. Làm được như thế là tỉnh ta góp phần xứng đáng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm cơ sở vững mạnh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà”[7]. Những lời khen ngợi, động viên, nhắc nhở, phê bình của Bác đối với Đảng bộ và Quân, Dân tỉnh nhà là vô cùng quý giá. Hình ảnh và những lời chỉ bảo ân cần của Người mãi mãi in sâu trong tâm trí và có sức cổ vũ, động viên, giáo dục rất lớn đối với cán bộ, đảng viên và Nhân dân Nghệ An.

Ngày 21-7-1969 (43 ngày trước lúc đi xai) Bác đã gửi thư cho Đảng bộ Nghệ An. Người tiếp tục khen ngợi những thành tích mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đạt được:“Tôi vui mừng nhận thấy đồng bào, chiến sỹ, cán bộ, đảng viên, đoàn viên tỉnh ta đã chiến đấu và phục vụ chiến đấu tốt... Đời sống nhân dân nói chung ổn định. Như thế là có tiến bộ, nhưng phải cố gắng nhiều, vì kinh tế của Nghệ An tiến còn chậm. Tôi cũng vui mừng nhận thấy cán bộ các cấp, các ngành trong tỉnh đã bước đầu sửa chữa tệ quan liêu, mệnh lệnh, cố gắng đi sát nhân dân để tổ chức vận động nhân dân thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước”. Đặc biệt, Người chỉ rõ: “Sắp tới phải làm gì? 1- Tích cực thực hiện dân chủ với nhân dân hơn nữa. Trong hợp tác xã nông nghiệp, mọi việc sản xuất, phân phối, quản lý kinh tế, bầu cử các cơ quan phụ trách đều phải để cho nhân dân bàn bạc kỹ và tự mình quyết định một cách thật sự dân chủ. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên cần thường xuyên tự phê bình trước nhân dân, khuyến khích nhân dân phê bình. Khiêm tốn lắng nghe ý kiến của nhân dân để phát huy những việc tốt, sửa chữa những việc sai, làm công tác tốt hơn. Phải tổ chức những lớp huấn luyện ngắn ngày, thiết thực cho các đảng viên, đoàn viên mới. Nhân dân ta rất yêu mến Đảng ta. Phải khuyến khích nhân dân góp phần xây dựng Đảng như: góp ý kiến với chi bộ trong việc tuyển chọn người vào Đảng, tuyển chọn cán bộ lãnh đạo. Làm được như thế, mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân sẽ càng thêm mật thiết. Sắp tới, nên chọn thời gian thích hợp để cho các xã viên hợp tác xã nông nghiệp thảo luận Bản điều lệ của hợp tác xã, cùng nhau bàn bạc nhằm thực hiện tốt Bản điều lệ đó. Ở các nhà máy, các công trường, nông trường, lâm trường, các cửa hàng, các cơ quan cũng cần phát động cán bộ, công nhân bàn bạc dân chủ việc cải tiến quản lý kinh tế, cải tiến lề lối làm việc của đơn vị mình để làm cho sản xuất và công tác mau tiến bộ. 2- Khôi phục và phát triển kinh tế là một nhiệm vụ rất quan trọng và cấp thiết, các đồng chí phải cố gắng làm cho tốt. Nông nghiệp trong tỉnh phải làm ra nhiều lương thực, thực phẩm để nâng cao đời sống nhân dân và đáp ứng yêu cầu của Nhà nước; phải đẩy mạnh chăn nuôi và trồng các cây công nghiệp để có nhiều nguyên liệu cho công nghiệp và hàng hóa cho xuất khẩu. Trước mắt, phải ra sức chống hạn, cố gắng cấy lúa đúng thời vụ. Nghệ An có rừng, có biển. Dân ta có câu: “Rừng vàng, biển bạc”. Cần làm tốt hơn nữa việc khai thác gỗ và các loại lâm sản; có kế hoạch trồng cây và bảo vệ rừng; nhanh chóng khôi phục và phát triển nghề đánh cá, phát triển nghề muối. Để làm tốt việc định canh, định cư cho đồng bào miền núi, cần chỉ đạo chặt chẽ và có cán bộ tốt người dân tộc để vận động nhân dân. Công nghiệp và thủ công nghiệp phải sản xuất nhiều công cụ làm đất, tưới tát, vận chuyển v.v..., phải cung cấp nhiều hàng tiêu dùng tốt và rẻ cho nhân dân. Phải quản lý tốt để tăng năng suất lao động và phải chống các tệ lãng phí, tham ô. 3- Hết sức chăm lo đời sống nhân dân: Phải ra sức phát triển sản xuất và thực hành tiết kiệm, lại phải phân phối cho công bằng hợp lý, từng bước cải thiện việc ăn, mặc, ở, học, phục vụ sức khỏe và giải trí của nhân dân. Đặc biệt chú trọng các vùng bị chiến tranh tàn phá, các cháu mồ côi, các cụ già yếu và gia đình các liệt sỹ, thương binh, bộ đội, thanh niên xung phong. Trên miền Bắc nước ta, rất nhiều xã và hợp tác xã đã có thành tích khá về mặt này, như xã Nhân Trạch (tỉnh Quảng Bình), xã Đình Cao (tỉnh Hải Hưng). Tỉnh ủy nên phái cán bộ đến những nơi ấy học kinh nghiệm về làm cho tốt. 4- Một điều phải luôn luôn nhớ là: Cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đang ở vào thời kỳ quyết liệt. Đế quốc Mỹ đã bị thua đau, nhưng còn rất ngoan cố. Quân và dân ta phải luôn luôn đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, giữ vững công tác phòng không sơ tán, củng cố hầm hào. Cố gắng góp nhiều công sức hơn nữa để cùng quân và dân cả nước đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược. Nghệ An là một tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, có nhân dân cần cù lao động và rất cách mạng. Rất mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”[8]. Bức thư đã trở thành tài liệu quý giá vô hạn đối với Đảng bộ và quân dân toàn tỉnh. Ngày 6-8-1969, Tỉnh ủy ra Nghị quyết: “Phát động Đảng bộ, quân dân toàn tỉnh học tập và thi đua làm theo thư Bác”. 

Thực hiện những lời căn dặn của Bác, Đảng bộ Nghệ An luôn xem công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt trong toàn bộ hoạt động của mình, tập trung thực hiện thường xuyên, liên tục công tác tự phê bình và phê bình để xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ nhằm không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng được các cấp ủy ở Nghệ An lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đồng bộ. Đã xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên gương mẫu, nêu cao ý thức phục vụ, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng. 

Những ngày tháng 5 này, kỷ niệm 130 Ngày sinh của Bác, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân Nghệ An càng khắc ghi những lời dạy của Người. Những lời căn dặn của Bác sẽ mãi còn nguyên giá trị đối với nhiều thế hệ cách mạng, thôi thúc Đảng bộ Nghệ An không ngừng rèn luyện, kết hợp tốt hai nhiệm vụ “xây” và “chống” trong Đảng, phấn đấu để Nghệ An trở thành “một trong những tỉnh khá nhất miền Bắc” như mong ước của Người.

          


[1][3][4], [8] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.18; tập 5, tr.93; tập 6, tr.396; tập 14, tr.594.

[2] Đoàn thể là Đảng. Vì lúc đó Đảng ta tuyên bố tự giải tán, song thực chất là rút vào hoạt động bí mật.

[5][6], [7] “Bác Hồ với quê hương Nghệ An” Nxb Nghệ An, 1997, trang 63, tr. 86-87, tr. 88.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất