Bác Hồ với phụ nữ và công tác phụ nữ ở Nghệ An

Phan Thanh Đoài Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Nghệ An

Bác Hồ gặp mặt đại biểu phụ nữ các dân tộc tỉnh Hà Giang về thăm Hà Nội, ngày 25-11-1965.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò, vị thế và khả năng cách mạng của phụ nữ. Theo Người, lực lượng phụ nữ là bộ phận không thể tách rời của cách mạng, một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm mọi thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Người chỉ rõ: “An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công(1). Người quan niệm: “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội một nửa(2).

Tư tưởng nhân văn của Bác về phụ nữ có được là do Bác thấu hiểu tình cảnh, thân phận của phụ nữ dưới chế độ phong kiến, thực dân. Người nêu phụ nữ cần được giải phóng về chính trị, xã hội và tính tự ti, phụ thuộc; giải phóng phụ nữ nhằm phát triển năng lực cá nhân phụ nữ, huy động phụ nữ tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo nhiều cơ hội cho phụ nữ vươn lên, thật sự bình đẳng với nam giới. Người chỉ rõ: “Chúng ta làm cách mạng là để tranh lấy quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau(3).

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm lần thứ 36 Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam (19-10-1966), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc đến truyền thống yêu nước đầy tự hào của người phụ nữ Việt Nam: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc, cứu dân cho đến ngày nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do đó ta có câu tục ngữ rất hùng hồn: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh””(4).

Tháng 5-1968, trong đoạn viết bổ sung vào Di chúc viết năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết về công việc mà Người cho rằng phải làm đầu tiên ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hoàn toàn thắng lợi, trong đó không quên nhắc tới phụ nữ: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”(5).

Với Phụ nữ Nghệ An, trong Thư gửi đồng bào tỉnh Nghệ An (tháng 8 năm 1949), Bác viết: "Tôi rất vui lòng rằng xã nào cũng có phụ nữ tham gia Hội đồng nhân dân. Phụ nữ phải tham gia chính quyền nhiều hơn và thiết thực hơn nữa, 64 xã, tức là một phần ba trong tỉnh đã làm được: đoàn kết chặt chẽ, chính quyền củng cố, dân quân vững vàng thì hai phần ba kia phải thi đua làm được như thế"(6). Trong bài nói chuyện với cán bộ và đồng bào tỉnh Nghệ An (sáng ngày 9-12-1961), Người dặn dò: "Tỉnh ta có hơn 61 vạn phụ nữ, tức là một nửa số dân. Phụ nữ là một lực lượng lớn trong công cuộc xây dựng Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy vậy, so với nam giới thì địa vị của phụ nữ trong xã hội còn quá thấp kém. Thí dụ: Ở Hội đồng nhân dân các xã, phụ nữ chỉ được 15% tổng số đại biểu. Ở các cấp Đảng ủy và Chi ủy có 5 phần trăm là nữ đồng chí. Chúng ta phải có phương pháp đào tạo và giúp đỡ để nâng cao hơn nữa địa vị của phụ nữ”(7).

Nghệ An quan tâm công tác phụ nữ và phụ nữ theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Khắc sâu và vận dụng sáng tạo những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp ở Nghệ An tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị - xã hội trong công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Chất lượng tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của các cấp hội phụ nữ trong toàn tỉnh được đổi mới, thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ; nâng cao vị thế, phát huy tiềm năng, thế mạnh, sức sáng tạo của phụ nữ, xây dựng tổ chức hội phụ nữ vững mạnh, từng bước phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ. Các tầng lớp phụ nữ và tổ chức Hội đã góp phần quan trọng trong thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; quốc phòng, an ninh của tỉnh.

Công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc được các cấp Hội tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện bằng nhiều hoạt động, diễn đàn ý nghĩa với hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, giáo dục tiền hôn nhân, nuôi dạy con, tuyên truyền chính sách dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Công tác tư vấn, hòa giải về hôn nhân và gia đình được coi trọng, 95 mô hình “Dịch vụ hỗ trợ phụ nữ và gia đình” được thành lập. Phối hợp với tổ chức Hagar quốc tế tại Việt Nam triển khai dự án “Nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức người dân để cải thiện việc tiếp cận dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng bởi bạo lực giới”. Các hoạt động hỗ trợ xây dựng người phụ nữ phát triển toàn diện; xây dựng hình ảnh người phụ nữ Nghệ An “Có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, nâng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu” được các cấp Hội thực hiện khá toàn diện và mang lại hiệu quả thiết thực; xây dựng được 3 mô hình phụ nữ “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” tại 2 huyện Nghĩa Đàn, Tân Kỳ và thị xã Hoàng Mai. Trong nhiệm kỳ 2021-2026, phát động phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Nghệ An thời đại mới: có kiến thức, đạo đức, sức khỏe và khát vọng vươn lên, có trách nhiệm với gia đình, Tổ quốc”. Công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, tránh thai an toàn cho phụ nữ và nam giới được đẩy mạnh; nâng cao nhận thức của nam giới trong việc thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình; nâng cao nhận thức của người dân về chất lượng giống nòi, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, sàng lọc sinh sản; tập trung tổ chức các cuộc truyền thông ở những khu vực có nguy cơ mất cân bằng giới tính.

Giai đoạn 2017-2021 đã có 3.115 công trình, phần việc được các cấp hội phụ nữ tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện; 56 mô hình hộ liền kề nhà sạch, vườn đẹp; 738 chi hội “5 không - 3 sạch”; 1.560 con đường nở hoa, tuyến đường kiểu mẫu, 5.410 hộ gia đình được các cấp Hội giúp đạt 8 tiêu chí “5 không - 3 sạch” góp phần thiết thực xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh; xây dựng 3.033 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó có 647 mô hình về phát triển kinh tế, 1.078 mô hình về văn hóa - xã hội, 590 mô hình về  bảo đảm quốc phòng, an ninh, 746 mô hình về xây dựng hệ thống chính trị.

Công tác cán bộ nữ được quan tâm, các cấp Hội tổ chức 155 cuộc tập huấn bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho 4.982 nữ ứng cử viên đại biểu HĐND các cấp; Hội LHPN tỉnh phối hợp với Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Quỹ châu Á tổ chức tập huấn cho 35 nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp và một số cán bộ hội phụ nữ. Trong nhiệm kỳ có 28 lượt cán bộ thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý được quy hoạch các chức danh chủ chốt Hội LHPN tỉnh; 12 lượt cán bộ thuộc diện BTV Hội LHPN tỉnh quản lý được quy hoạch vào vị trí phù hợp; có 15 đồng chí chủ tịch, 6 phó chủ tịch hội phụ nữ huyện, thành phố, thị xã, 116 đồng chí chủ tịch hội phụ nữ cơ sở được đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển sang các cơ quan đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội. Cán bộ nữ trúng cử cấp ủy tại đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đạt tỷ lệ khá cao. Có 4 nữ/13 đại biểu Quốc hội (chiếm 30,77%, bằng nhiệm kỳ 2016-2021, trong đó có 1 lãnh đạo Hội LHPN tỉnh); nữ tham gia HĐND tỉnh: 23/83 chị, chiếm 27,71% (tăng 0,21% so với nhiệm kỳ 2016-2021), trong đó có 4 cán bộ hội phụ nữ tham gia (2 cán bộ Hội LHPN tỉnh, 1 lãnh đạo Hội LHPN huyện; 1 lãnh đạo Hội LHPN cấp xã); nữ tham gia HĐND cấp huyện: 230/736, chiếm 31,25% (tăng 12,65% so với nhiệm kỳ 2016-2021; nữ tham gia HĐND cấp xã: 3.264/10.890, chiếm 29,97% (tăng 1,77% so với nhiệm kỳ 2016-2021).

Tỷ lệ cơ quan đảng, tổ chức chính trị - xã hội các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ giai đoạn 2016-2020: Cấp tỉnh đạt tỷ lệ 90%, cấp huyện đạt 97%, cấp xã đạt 86%; các sở, ban, ngành, UBND cấp tỉnh đạt tỷ lệ 42,3%; cơ quan HĐND, UBND, cấp huyện đạt tỷ lệ 66,7%; cấp xã đạt tỷ lệ 33,3%. Tỷ lệ nữ cán bộ, công chức có trình độ thạc sĩ giai đoạn 2016-2020 đạt 43,98%; tỷ lệ nữ có trình độ tiến sĩ đạt 29,02%, vượt 16% so với kế hoạch.

Tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các cấp Hội với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”, quan tâm tập hợp thu hút phụ nữ dân tộc thiểu số, tôn giáo tham gia tổ chức Hội; tập trung hướng mạnh về cơ sở. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý hội viên trong tình hình mới; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giúp phụ nữ cải thiện đời sống vật chất, nâng cao đời sống tinh thần, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tự tin thể hiện bản thân trong sinh hoạt tại cộng đồng. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã xây dựng, nhân rộng được 1.200 mô hình tập hợp hội viên; đã tập hợp thu hút thêm 40.832 hội viên mới. Tổng số hội viên toàn tỉnh đến nay là 476.868 (chiếm tỷ lệ 72,32%). Bồi dưỡng, giới thiệu 1.820 hội viên ưu tú cho Đảng, kết nạp được 1.560 đảng viên, trong đó có 17 hội viên có đạo, 196 hội viên là người dân tộc thiểu số.

Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp và nhân dân tỉnh Nghệ An luôn tin tưởng sâu sắc, kỳ vọng to lớn và tạo mọi điều kiện thuận lợi để chăm lo, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng và phát huy vị thế, vai trò, tầm quan trọng của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước.

-----

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2011, tập 56, tr.289. (2) Sđd, tập 3, tr.523. (3) Sđd, tập 15, tr.260. (4) Sđd, tập 12, tr.148. (5) Sđd, tập 12, tr.509-510. (6), (7) Một số bức thư, bài viết, bài nói, câu chuyện kể về Bác Hồ với phụ nữ Việt Nam và quốc tế (phần 2), Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất