Thứ nhất, đề cao cảnh giác, chủ động xây dựng lực lượng phòng không nhân dân rộng khắp và đủ mạnh để đánh thắng đế quốc Mỹ.
Hội nghị Giơ - ne - vơ kết thúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta nhận định âm mưu, thủ đoạn của chủ nghĩa đế quốc mà đứng đầu là đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai sẽ sớm xâm lược nước ta. Do vậy, chúng ta nhất định phải nêu cao cảnh giác, chuẩn bị sẵn tinh thần và lực lượng để đối phó với âm mưu thủ đoạn đó. Ngày trở về Thủ đô Hà Nội mừng chiến thắng, Người đã nhận định: Hà Nội mà không có lực lượng phòng không mạnh thì như nhà không có nóc. Sự thật đó thể hiện trong tư tưởng của Người hết sức chủ động, nhạy bén, đi trước một bước và đã chỉ đạo quân và dân ta tích cực nghiên cứu, chủ động làm tốt mọi công tác chuẩn bị từ rất sớm.
Tại Hội nghị Bộ Chính trị ngày 21-2-1957 thông qua Kế hoạch xây dựng quân đội và củng cố quốc phòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định chủ trương xây dựng một quân đội cách mạng, chính quy, từng bước hiện đại, trong đó có lực lượng phòng không nhân dân mạnh mẽ và rộng khắp. Kết luận Hội nghị, Người nhấn mạnh yêu cầu lập kế hoạch phòng không nhân dân và chỉ rõ cần thiết phải cử nhiều cán bộ đi học chuẩn bị cho không quân. Trực tiếp chỉ thị Bộ Tổng Tham mưu chọn người đi học, chuẩn bị khung cán bộ cho các lực lượng bộ đội cao xạ, tên lửa, ra-đa làm nòng cốt để huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi.
Với bút danh “Chiến sĩ”, Bác đã viết vệt bài đăng trên tờ Quân đội nhân dân như: “Tên lửa bắn máy bay”; “Mấy nhược điểm của tên lửa Rắn đuôi kêu của Mỹ”; “Chiến tranh bằng điện tử trên không”…, giới thiệu những tài liệu về phòng không nhân dân để tham khảo, mở mang tri thức khoa học kỹ thuật quân sự phòng không, không quân cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thấy rõ những ưu, nhược điểm của không quân Mỹ và vạch rõ những phương hướng tổ chức, chuẩn bị lực lượng, trang bị vũ khí trong điều kiện, khả năng kinh tế của đất nước, tranh thủ sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của bạn bè quốc tế về trang bị, vũ khí, cố vấn,… ,tổ chức huấn luyện chu đáo và nhất là ý thức cảnh giác cao độ trước âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù. Chủ động nghiên cứu địch, trong đó có máy bay B.52 - lực lượng không quân chiến lược, át chủ bài của Mỹ khi đó.
Từ những chỉ đạo của Người, về mặt tổ chức lực lượng phòng không, chúng ta tiến bộ nhanh chóng, mạnh mẽ. Năm 1958, ta đã lập được Cục Hàng không, Cục Không quân. Năm 1962, khi giao nhiệm vụ cho lực lượng Phòng không - Không quân, Bác đã hỏi Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân: Chú đã biết gì về B.52 chưa? Sau đó Bác lại nói: Nếu chú biết bây giờ cũng chưa làm gì được nó, vì nó bay cao, bay nhanh. Ý của Bác là ta đã có lực lượng, có phương tiện chống chiến tranh phá hoại của máy bay B.52, nhưng hiểu về nó, nhất là âm mưu, thủ đoạn đánh phá, tìm được nhược điểm để khắc chế, tiêu diệt… thì đòi hỏi phải nghiên cứu, chuẩn bị.
Năm 1964, ta đã xây dựng sân bay Nội Bài, thành lập Bộ tư lệnh Phòng không - Không quân, tổ chức chỉ huy các lực lượng phòng không nòng cốt như cao xạ, tên lửa, ra-đa và lực lượng không quân chiến lược kết hợp chặt chẽ mạng lưới phòng không ba thứ quân rộng khắp trong nhân dân. Huy động đào hầm, hào trú tránh, đánh trả và sẵn sàng cơ động, sơ tán khi cần thiết. Mạng lưới phòng không bộ đội chủ lực, địa phương và dân quân tự vệ được thiết kế bố trí trong thế trận chiến tranh nhân dân, sẵn sàng nhả lưới lửa bủa vây lực lượng không quân địch khi chúng tiến công ra miền Bắc.
Năm 1965, đế quốc Mỹ đưa quân ồ ạt vào miền Nam Việt Nam tiến hành chiến tranh cục bộ và bắt đầu sử dụng máy bay ném bom chiến lược B.52, Bác khẳng định: Dù đế quốc Mỹ có lắm súng nhiều tiền. Dù chúng có B.57, B.52 hay “bê” gì đi nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng.
Với những nhận định và chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng Phòng không - Không quân của ta phát triển nhanh chóng, các tổ chức phòng không nhân dân được thành lập ở khắp các địa phương, động viên nhân dân đào hầm trú tránh đánh trả, sơ tán con người, cơ sở vật chất, kho tàng khi cần thiết và huy động tối đa nhân lực, vật lực phục vụ chiến đấu. Mặt khác, chủ động nghiên cứu cách đánh, nghệ thuật tác chiến và đánh bại từng đợt leo thang của đế quốc Mỹ trong chiến tranh phá hoại miền Bắc ngay từ trận đầu. Đó là cơ sở vững chắc tạo tiền đề sức mạnh tổng hợp to lớn đập tan cuộc tập kích đường không với quy mô lớn chưa từng có trên bầu trời Hà Nội cuối năm 1972.
Thứ hai, luôn luôn giữ vững tính chủ động trong mọi tình huống, sẵn sàng đối phó chiến tranh từ xa, bảo vệ Tổ quốc.
Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh thấy rõ một điểm nổi bật về tính chủ động, sáng tạo. Tư tưởng ấy trở thành nguyên tắc căn bản, xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Thực tế, Người đã dày công nghiên cứu, đúc kết từ truyền thống của dân tộc Việt Nam, kế thừa phát triển tư tưởng “cách mạng không ngừng” của chủ nghĩa Mác - Lênin và từ thực tiễn đấu tranh giành chính quyền, kháng chiến chống Pháp để chỉ đạo chuẩn bị đối phó có hiệu quả với chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Tư tưởng chủ động chuẩn bị chống chiến tranh từ xa, chủ động trong mọi tình huống chiến tranh trước hết là không sợ Mỹ, dám đánh Mỹ và quyết đánh thắng xâm lược Mỹ, đuổi đế quốc Mỹ cút khỏi Việt Nam; tư tưởng chuẩn bị nhân lực, vật lực, tài lực chống lại một cuộc chiến tranh phá hoại ác liệt nhất chưa từng có mà đế quốc Mỹ có thể tiến hành; tư tưởng chủ động chuẩn bị các phương án tác chiến trong chiến tranh nhân dân, chủ động tiến công địch ngay cả khi phòng ngự. Toàn dân tộc vào trận tuyến, không một phút lơ là mất cảnh giác trước mọi âm mưu thủ đoạn của địch.
Người cho rằng: Bất kỳ hòa bình hoặc chiến tranh, ta cũng phải nắm vững thế chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước. Có như thế mới hạn chế tối đa tổn thất do địch gây ra và ta cũng phát huy được hiệu quả chiến đấu cao. Nhận định địch có thể gây chiến tranh phá hoại bằng vũ khí tối tân máy bay chiến lược B.52, Người chỉ rõ: Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B.52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua.
Quán triệt tư tưởng chủ động tiến công địch của Người, lực lượng Phòng không - Không quân của ta phối hợp với các lực lượng trinh sát, tình báo chiến lược tích cực chuẩn bị mọi mặt; chủ động nghiên cứu thực tiễn chiến trường, nghiên cứu nắm vững tính năng kĩ - chiến thuật, âm mưu thủ đoạn của đế quốc Mỹ và cách đánh trả hiệu quả ngay khi chúng đánh phá miền Bắc. Thực tế, khi không quân Mỹ đưa máy bay ném bom chiến lược B.52 đánh đèo Mụ Giạ (trên đường Trường Sơn), chúng ta đã trực tiếp nghiên cứu, nắm thủ đoạn địch. Với phương châm vừa đánh vừa nghiên cứu qua một số trận đánh B.52 trên bầu trời Quảng Bình, Quảng Trị… ta rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu như: nhận dạng tín hiệu máy bay chiến lược B.52 trên màn hiện sóng ra-đa, sử dụng và khắc phục, chế áp các loại nhiễu của địch; phòng tránh, đánh trả quyết liệt, chính xác, hiệu quả. Trên cơ sở đó, ta chủ động xây dựng các phương án, tình huống, các tưởng định có ý nghĩa chiến thuật, chiến lược…
Thực tiễn cho thấy, cuối năm 1972, đế quốc Mỹ ồ ạt tấn công miền Bắc mà trọng tâm là Hà Nội, Hải Phòng và một số địa bàn chiến lược khác bằng máy bay chiến lược B.52. Quân và dân ta đã anh dũng chủ động tiến công địch, giành thắng lợi to lớn. Viết nên một “Điện Biên Phủ trên không”.
Thứ ba, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tính thông minh, quả cảm, sáng tạo, cách đánh tài giỏi, hiệu quả.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm huy động sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trở thành lực lượng to lớn làm cách mạng. Mặt khác, trên cơ sở trực tiếp tổ chức, giáo dục, rèn luyện, lãnh đạo quân đội và các lực lượng vũ trang nhân dân, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, huy động, lựa chọn, bồi dưỡng, sử dụng những con người tài giỏi, thông minh, quả cảm, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Tại Hội nghị bốn bên về Hiệp định Pa - ri năm 1968, đế quốc Mỹ liên tục gây sức ép trên bàn đàm phán kết hợp với liên tục phá hoại miền Bắc. Đặc biệt, công hàm gửi Chính phủ ta ngày 18-12-1972 của Mỹ, một mặt vờ nối lại đàm phán nhưng thực chất là ngay trong đêm 18-12-1972, Mỹ ồ ạt sử dụng máy bay chiến lược B.52 xuất phát từ đảo Guam (Phi-líp-pin) đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và nhiều căn cứ của ta. Những nhận định của Hồ Chí Minh về chiến cuộc, về chuẩn bị con người, vũ khí, phương án tác chiến chiến lược là hết sức nhạy bén, chủ động.
Tư tưởng phải có một lối đánh rất tài giỏi Người đã nêu lên và lý giải một cách cặkn kẽ trong tác phẩm “Cách đánh du kích” từ thời kháng chiến chống Pháp, được phát huy cao độ trong giai đoạn chống Mỹ, nhất là đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại bằng vũ khí trang bị hiện đại. Người nhiều lần yêu cầu lực lượng Phòng không - Không quân thường xuyên tích cực nghiên cứu địch, bám nắm địch, hiểu rõ âm mưu thủ đoạn của địch, nhận định, đánh giá được ưu, nhược của mỗi vũ khí trang bị, phương tiện chiến tranh gây tội ác. Đặc biệt là bộ đội chủ lực không quân, ra-đa, tên lửa, pháo cao xạ… tích cực luyện tập chu đáo các tình huống, làm chủ vũ khí trang bị hiện có, sáng tạo trong cách đánh, tận dụng vũ khí địch… để hễ có địch là đánh. Đánh khéo, đánh gan, đánh mạnh, đánh dai, đánh thắng giặc. Lối đánh rất tài giỏi trong câu nói của Người chính là thể hiện cách đánh thông minh, sáng tạo, gan dạ, quả cảm. Ta đã chuẩn bị tốt cả lực, thế, thời và ngay cả trong từng trận đánh, cách phòng tránh, đánh trả; có các tưởng định sớm và được luyện tập công phu, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể của các lực lượng phối thuộc nhưng trong đó lực lượng chủ yếu luôn giữ vai trò quyết định mỗi trận đánh. Lấy kết quả đó làm cơ sở cổ vũ cho toàn lực lượng chiến đấu. Nắm chắc âm mưu thủ đoạn, nhất là những điểm hạn chế chí mạng của “con ma”, “thần sấm” thì nhất định thành công.
Thực tiễn trận quyết chiến chiến lược tập kích đường không bằng máy bay B.52 của đế quốc Mỹ đã vấp phải sự phản kích quyết liệt của ta. Giành thế chủ động trong các tình huống, phòng ngự tích cực, bảo đảm ít tổn thất và giành hiệu suất chiến đấu cao. Trong thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, quân dân miền Bắc đã hết sức sáng tạo trong bố trí, sử dụng lực lượng. Bộ đội ra-đa phát huy hết khả năng chống nhiễu và luôn “vạch nhiễu tìm thù”, chủ động phát hiện địch từ sớm. Bộ đội tên lửa có cải tiến trang bị vũ khí và là lực lượng nòng cốt tiêu diệt các loại máy bay B.52 ở độ cao nhất kết hợp với tác chiến của các loại máy bay tiêm kích, vừa chặn đường, vừa chiến đấu và giành thắng lợi to lớn. Ở tầm thấp, các loại súng pháo cao xạ, các loại súng bộ binh tham gia đánh địch và gây khó khăn, hoảng loạn, hoang mang cực độ cho kẻ thù. Lực lượng dân quân, du kích ở các xí nghiệp, các làng xã chiến đấu đều ghi công lớn trong tham gia chiến đấu, truy bắt, dẫn giải tù hàng binh… làm cho địch khiếp đảm.
Trận “Điện Biên Phủ trên không” là một minh chứng cho chí khí quật cường, sự thông minh quả cảm, quyết chiến đấu đến cùng của quân và dân ta, cũng là biểu hiện sinh động tư tưởng chiến tranh nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhớ ơn Người, trong những ngày này khi cả nước kỷ niệm 45 năm chiến thắng B.52 trên bầu trời Hà Nội, chúng ta càng nhớ thương Bác, ra sức học tập rèn luyện, làm chủ vũ khí trang bị, tận dụng một cách tích cực trong cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ tư vào huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân, bảo vệ môi trường hòa bình để phát triển đất nước, giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc thiêng liêng.
Ths Nguyễn Minh Đức và Đỗ Thanh Phong
Trường Đại học Nguyễn Huệ