Phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí từ gốc tức là loại trừ “căn nguyên” sinh ra các tệ nạn này. Sinh thời, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc phòng, chống các tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí, đặc biệt là việc “phòng” - tức loại trừ ngay từ căn nguyên sinh ra chúng, trong điều kiện khi Đảng đã trở thành đảng cầm quyền.
Theo Hồ Chí Minh, căn nguyên sinh ra các tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí chính là do sự tha hóa quyền lực (quyền hạn) được trao của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong bộ máy nhà nước. Hơn nữa, sự tha hóa quyền lực của đội ngũ này là do thiếu cơ chế kiểm soát. Mặc dù Hồ Chí Minh không nói đến từ “tham nhũng”, chỉ nói đến “tham ô”, nhưng cũng cần phải hiểu rằng, tham ô là một cách diễn đạt dễ hiểu của tham nhũng. Chính những kẻ tham nhũng đã lợi dụng “cái ô” quyền lực được trao để nhũng nhiễu, vòi vĩnh nhân dân hay những người dưới quyền đòi ăn “của đút”, ăn “hối lộ”. Theo Hồ Chí Minh, “chống tham ô, lãng phí, quan liêu là dân chủ”(1). Do vậy, có thể thấy rằng, thực hành dân chủ, xây dựng cơ chế kiểm soát sự tha hóa quyền lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong bộ máy nhà nước được coi là giải pháp phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí có hiệu quả. Đó cũng chính là các biện pháp thực hiện phòng, chống các tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí từ gốc.
Hồ Chí Minh cho rằng, phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí từ gốc tức là phải thiết lập một bộ máy nhà nước sao cho những người có quyền hành trong bộ máy đó không thể và không dám phạm vào các tệ nạn đó. Bộ máy nhà nước như vậy phải là một thiết chế tuân theo những tiêu chí chung của nhà nước pháp quyền.
Ngay từ những năm tháng đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã đề cập đến, đồng thời muốn có một thiết chế nhà nước như vậy ở Việt Nam. Hồ Chí Minh đã đề nghị với nhà cầm quyền nước Pháp về điều đó trong "Bản yêu sách của người dân An Nam" khi đang hoạt động ở Pháp. Sau này, khi Đảng đã trở thành đảng cầm quyền, với tư cách là người đứng đầu nhà nước, Hồ Chí Minh đã tổ chức bộ máy theo hướng nhà nước pháp quyền trong bản Hiến pháp năm 1946. Trong đó, cơ cấu tổ chức quyền lực của bộ máy nhà nước bao gồm các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp tương đối độc lập về mặt tổ chức, thể hiện sự phân quyền theo chiều ngang khá rõ.
Trong bộ máy nhà nước này, Đảng được coi là lực lượng “cầm quyền” chứ không phải là lực lượng “lãnh đạo Nhà nước”. Đảng cầm quyền chủ yếu thông qua sự lãnh đạo, quản lý (chỉ đạo, điều hành) trực tiếp của đội ngũ đảng viên giữ các vị trí chủ chốt trong bộ máy nhà nước. Đội ngũ đảng viên thực hiện vai trò lãnh đạo, quản lý trong bộ máy nhà nước đều phải do nhân dân bầu ra trực tiếp hoặc gián tiếp. Đảng cầm quyền như vậy cũng tức là nhân dân cầm quyền, bởi nhân dân là “ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy”(2).
Do vậy, đây có thể được coi là một phương pháp để kiểm soát được quyền lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong bộ máy nhà nước khỏi bị tha hóa. Hồ Chí Minh đã thiết lập một số ban Thanh tra, Tòa án thể hiện tính độc lập như “Ban Thanh tra đặc biệt”, “Tòa án đặc biệt”. Chẳng hạn, Sắc lệnh số 261/SL ngày 28-3-1956 về việc thành lập Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ, trong đó quy định rõ nhiệm vụ của Ban này là “thanh tra việc thực hiện kế hoạch nhà nước, việc sử dụng, bảo quản tài sản nhà nước, chống phá hoại, tham ô và lãng phí”. Hồ Chí Minh còn lưu ý cả việc bảo đảm yếu tố độc lập của các tổ chức xã hội - tổ chức có thể giám sát, kiểm soát sự tha hóa của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tổ chức bộ máy của Đảng và Nhà nước. Hồ Chí Minh nêu rõ sự cần thiết về tính độc lập của các tổ chức đó như sau: “Nông hội chưa biểu hiện hết tính chất độc lập của nó. Nông hội phải nêu rõ vai trò của mình để thu hút quần chúng. Nhưng lề lối tổ chức Nông hội chưa tốt, hầu hết mọi công việc đều do đảng viên bao biện, các đồng chí này không biết chọn lấy cán bộ ở trong hàng ngũ nông dân..."(3).
Hiện nay, tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí ở nước ta được nhìn nhận là vấn đề nổi cộm, trở thành các điểm nóng, gây nhiều bức xúc trong xã hội. Đảng ta đã nêu rõ: “Quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, gây bức xúc xã hội”(4). Mặc dù Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp khắc phục nhưng tình trạng này chưa có chiều hướng suy giảm. Có thể thấy, những biện pháp phòng, chống các tệ nạn này trong những năm qua ở nước ta dường như mới chủ yếu được thực hiện từ “ngọn” với các hình thức như: tăng cường chỉnh đốn Đảng bằng việc đẩy mạnh phê bình và tự phê bình; đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thi hành pháp luật nghiêm minh, trừng trị kẻ tham nhũng hay kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng... Thực tế cho thấy, với các biện pháp như vậy hiệu quả chua cao. Bởi chúng chỉ tương tự như các biện pháp cắt đi các “ngọn”, “cành” của các tệ nạn đó. Các biện pháp đó chỉ có thể hạn chế được một cách tức thời, tức “chống” là chính chứ chưa phải là các biện pháp “phòng” để hạn chế về lâu dài.
Do vậy, để phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí có hiệu quả, giải pháp thiết thực nhất hiện nay chính là phải được thực hiện từ gốc như Hồ Chí Minh đã từng chỉ ra. Nghĩa là, cần phải tiếp tục thực hiện đổi mới chính trị mà cụ thể là đổi mới thể chế về mặt nhà nước và xã hội đồng thời với đổi mới kinh tế.
Việt Nam đã và đang đổi mới mạnh mẽ về mặt kinh tế, đang xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo hướng hiện đại gắn với CNH, HĐH và phát triển kinh tế tri thức. Tuy nhiên, đổi mới trong lĩnh vực chính trị, xã hội còn có mặt chưa tương xứng với đổi mới kinh tế. Thể chế chính trị, xã hội còn không ít những khiếm khuyết. Đó là nhà nước pháp quyền chưa được xây dựng hoàn thiện theo các tiêu chí của Liên hợp quốc. Tính minh bạch, cơ chế kiểm soát sự tha hóa quyền lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước còn chưa đáp ứng với các mục tiêu đặt ra về dân chủ trong nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.
Do vậy, theo chúng tôi, việc tập trung xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền cần phải được coi là giải pháp quan trọng hiện nay. Đây cần phải được coi như các giải pháp để loại trừ tận gốc - căn nguyên sinh ra các tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Thực tế trên thế giới cũng cho thấy, ở các quốc gia có nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự được xây dựng hoàn chỉnh đều có mức độ thấp về tình trạng tham nhũng, lãng phí. Mới đây, cuối năm 2014, Tổ chức minh bạch thế giới đã xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của nước ta đứng thứ 119/175 quốc gia, đạt 3/10 điểm (thang điểm 10 dành cho quốc gia có chỉ số cảm nhận tham nhũng thấp), đứng sau hơn một trăm quốc gia có điểm số cao hơn(5).
Trong giai đoạn hiện nay, việc thực hiện đồng bộ sự phát triển nền kinh tế thị trường theo hướng hiện đại, xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân cần được coi là trụ cột trong các giải pháp để vừa phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí có hiệu quả, vừa nâng cao được uy tín của Đảng, giữ vững vai trò lãnh đạo và vị thế cầm quyền, đồng thời, vừa tạo ra nền tảng vững chắc cho yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia. Do vậy, Đảng và Nhà nước cần tăng cường hơn nữa việc nghiên cứu, tiếp thu các phương pháp, cách thức, kinh nghiệm phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự ở các quốc gia phát triển trên thế giới để áp dụng vào điều kiện cụ thể ở nước ta, nhằm đẩy lùi tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí đưa đất nước phát triển tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”(6) như Hiến pháp năm 2013 đã xác định.
…………….
(1) Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, tập 4, tr. 494. (2) Sđd, tập 7, tr. 218-219. (3) Sđd, tập 3, tr. 564. (4) ĐCSVN (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội, tr.172. (5) http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/210034/vn-giu-nguyen-thu-hang-chi-so-cam-nhan-tham-nhung.html. (6) Điều 3, Hiến pháp Việt Nam năm 2013.
PGS, TS. Nguyễn Hữu Đổng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh