Đồng thuận xã hội là sự nhất trí cao trong tư tưởng, hành động tạo nên sức mạnh thực hiện mục đích, lí tưởng chung. Sự đồng thuận xã hội chính là nền tảng của đại đoàn kết toàn dân tộc, là yếu tố căn bản ổn định xã hội và phát triển đất nước. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đồng thuận xã hội và đại đoàn kết toàn dân tộc vừa là nét đẹp truyền thống văn hóa Việt Nam, vừa là động lực chủ yếu, nhân tố quyết định thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Kế thừa truyền thống, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo toàn dân giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ cũng như công cuộc đổi mới đất nước hiện nay. Đảng ta luôn khẳng định: “Đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng là đường lối chiến lược nhất quán của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi vững chắc của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”1.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò của đại đoàn kết dân tộc Người khẳng định: Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nhấn chìm tất cả bè lũ cướp nước và bè lũ bán nước. Người nói đến đại đoàn kết cũng chính là nói đến đồng thuận xã hội, dù trong bối cảnh nào, với bất cứ đối tượng nào, Người cũng tìm được điểm tương đồng để kêu gọi toàn dân đoàn kết với nhau vì mục tiêu chung. Ngay cả với những người Việt Nam lầm đường lạc lối, Người vẫn coi là “cùng dòng dõi của tổ tiên ta, đều mang dòng máu con Lạc cháu Hồng, nên phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ”2. Với các tầng lớp nhân dân, Người kêu gọi đoàn kết tất cả những người thật sự yêu Tổ quốc, yêu hòa bình, không phân biệt họ thuộc đảng phái, tôn giáo, tầng lớp nào và trong quá khứ họ đã hợp tác với phe nào. “Chúng ta phải xóa bỏ hết thành kiến, cần phải thật thà đoàn kết với nhau, giúp đỡ lẫn nhau để cùng tiến bộ, để cùng phục vụ nhân dân”3
Để xây dựng sự đồng thuận xã hội, Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác tuyên truyền vận động, giáo dục để các giai cấp, tầng lớp tự nguyện thống nhất với nhau. Người nói: “Phải đi đúng đường lối quần chúng, biến những nghị quyết của Đảng thành quyết tâm của quần chúng, không được quan liêu, mệnh lệnh và gò ép nhân dân”4. Với Người, đồng thuận không có nghĩa là không còn đấu tranh, mà vẫn phải đấu tranh với tất cả tính phức tạp, uyển chuyển của nó. Trong Báo cáo tại Hội nghị Trung ương 3 (Khóa II), Người đã phê bình tình trạng thiên về đoàn kết một chiều, kém đấu tranh, giúp đỡ, phê bình, giáo dục. Người còn nhắc nhở cán bộ, đảng viên: chống khuynh hướng đoàn kết một chiều, đoàn kết mà không có đấu tranh đúng mức. Vậy là cần đấu tranh chống cả sự đồng thuận theo kiểu “bằng mặt mà không bằng lòng”, đó là sự đồng thuận một cách hình thức, không bền vững cần phải loại bỏ.
Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh, trong quá trình đổi mới, Đảng ta luôn tập hợp lực lượng phù hợp với thực tế phát triển của đất nước và thời đại nhằm phục vụ cho mục tiêu chung. Nghị quyết số 07 năm 1993 của Bộ Chính trị về tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã đưa ra mục tiêu chung là: Giữ vững độc lập, thống nhất, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, phấn đấu sớm thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Đại hội VIII và Đại hội IX, Đảng ta tiếp tục kế thừa, phát triển tư tưởng về đồng thuận xã hội. Nghị quyết Đại hội IX bổ sung vào mục tiêu chung nội dung: “dân chủ”, coi dân chủ là một mục tiêu quan trọng mà chúng ta phải phấn đấu trong quá trình xây dựng đất nước. Đặc biệt để đưa tư tưởng đó vào cuộc sống, Hội nghị Trung ương 7 (khóa IX) ra Nghị quyết về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nghị quyết này chính thức đặt vấn đề xây dựng sự đồng thuận xã hội. Đại hội XI khẳng định: “Lấy mục tiêu giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; xóa bỏ mọi mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần giai cấp. Tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích của dân tộc”6. Nghị quyết chỉ rõ: “Cần đề cao truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, một yếu tố quan trọng để đạt được sự đồng thuận xã hội”7.
Thực hiện đồng thuận xã hội dựa trên những cơ sở lí luận, tư tưởng và điều kiện thực tiễn của đất nước. Thực hiện đồng thuận xã hội chính là giải quyết mâu thuẫn giữa những mặt đối lập, giữa sự bất đồng, khác biệt. Đấu tranh ở đây không phải là bằng bạo lực, mà bằng hiệp thương, thảo luận, để đi đến sự thống nhất, tạo điều kiện cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước thu được nhiều thắng lợi. Về tư tưởng, dân tộc ta vốn là một dân tộc có truyền thống đồng thuận, khoan dung. Vì thế, thực hiện đồng thuận xã hội là nhằm phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc lên tầm cao mới.
Hiện nay, tuy còn sự khác biệt về kinh tế, văn hóa, dân tộc, tín ngưỡng… nhưng đều có những điểm tương đồng về lợi ích và mục tiêu chung. Xây dựng sự đồng thuận xã hội cũng là nguyện vọng tha thiết của nhân dân. Với bản tính nhân nghĩa, khoan dung và hòa bình, nhân dân ta bao giờ cũng muốn tìm đến sự đồng tình, nhất trí để cùng chung sống yên bình chứ không muốn sự chia rẽ, xung đột. Người dân hiểu rằng, đất nước mình còn nghèo và còn nhiều khó khăn, thử thách trên con đường phát triển. Vì thế, nếu không đồng tình, đồng sức thì không thể tập hợp được mọi nguồn sức mạnh để đứng vững và phát triển. Với tinh thần đó, việc xây dựng sự đồng thuận xã hội không phải chỉ dừng lại ở một khái niệm chính trị, mà là phương thức tập hợp lực lượng có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chỉ với phương thức tập hợp đó mới tạo ra nguồn lực vững chắc để chiến thắng trong cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, đánh bại các thế lực thù địch. Do vậy, đồng thuận xã hội còn là một chiến lược cách mạng của Đảng.
Trong thực tế, tình trạng phân hóa xã hội, sự chênh lệch, bất bình đẳng trong hưởng thụ phúc lợi xã hội giữa những người lao động, giữa các vùng, miền và các tầng lớp dân cư có chiều hướng gia tăng đã làm giảm sự đoàn kết thống nhất toàn dân, ảnh hưởng xấu đến đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. Trước tình hình đó, Đảng tiếp tục khẳng định vai trò của đồng thuận xã hội, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết vì lợi ích chung của dân tộc, vì tương lai của đất nước. Do đó, đồng thuận xã hội không chỉ là một chủ trương mà còn là một giải pháp để thực hiện đại đoàn kết dân tộc.
Để không ngừng củng cố và phát triển sự đồng thuận xã hội, cần chú trọng thực hiện đồng bộ một số biện pháp cơ bản sau:
1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lí của Nhà nước về xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phương thức tiến hành cần chú trọng tất cả các khâu, các bước , từ khâu ra nghị quyết, hoạch định chính sách, đến kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nghị quyết và chính sách đó. Nhất là cơ quan, tổ chức giữ vai trò trọng yếu, tạo cơ sở cho xây dựng, phát triển sự đồng thuận xã hội đạt kết quả cao nhất.
2. Coi trọng nhân tố con người -trung tâm của sự phát triển đất nước. Mọi chính sách phải lấy con người là mục tiêu, tạo mọi điều kiện để con người phát huy tốt nhất những năng lực,phẩm chất của mình. Đảng và Nhà nước cần có những chủ trương, giải pháp thích hợp nhằm khích lệ, phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết toàn dân tộc, cũng như tinh thần tự chủ, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân.
3. Phát huy dân chủ trong Đảng và xã hội, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước xã hội chủ nghĩa, các cuộc vận động lớn vì sự phát triển toàn xã hội. Các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Thanh niên tình nguyện”, các cuộc vận động “Xóa đói, giảm nghèo”, “Sống tốt đời, đẹp đạo”, nhằm khơi dạy tình yêu thương, gắn bó, sự hòa hợp tương đồng giữa các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh vật chất và tinh thần của toàn xã hội.
4. Thiết thực tuyên truyền, giáo dục đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong nhân dân, nhất là những chủ trương có liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo, tự do tín ngưỡng. Lịch sử dân tộc ta đã chứng tỏ khi nào sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy thì đất nước được phát triển, biên cương Tổ quốc được bảo vệ vững chắc, lòng dân an bình, xã hội phát triển về mọi mặt. Do vậy, sự nghiệp cách mạng hiện nay đòi hỏi phải đặc biệt quan tâm vấn đề xây dựng sự đồng thuận xã hội - nền tảng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đại tá, TS. Nguyễn Dân Quốc
Đại học Nguyễn Huệ
--------------
1. ĐCSVN, Văn kiện Đại hội lần thứ X, Nxb CTQG, H, 2006, tr. 116.
2, 3. Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H, 2002, tr. 391.
4. Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H, 2002, tr.521.
5. ĐCSVN, Văn kiện Hội nghị lần thứ 7, BCHTW Khóa IX, Nxb CTQG, H, 2003, tr. 30.
6,7. ĐCSVN, Văn kiện Đại hội lần thứ XI, Nxb CTQG, H, 2011, tr 239-241.