Từ Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tại lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng (3-2-1930 - 3-2-1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự hào khẳng định: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” và “Đảng ta thật là vĩ đại”. Khẳng định Đảng ta là đạo đức, là văn minh bởi Đảng là một tổ chức chính trị chân chính, trung thực, trung thành, quang minh, chính đại, chung thủy, tôn trọng công lí và chính nghĩa, phấn đấu, hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Đảng bao gồm những người ưu tú của xã hội kết thành một tổ chức có năng lực, trí tuệ cao, có trình độ văn hóa , lí luận đủ sức tiên phong dẫn đường cho nhân dân trong các giai đoạn phát triển của lịch sử.
Trong công tác xây dựng đảng, Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng về xây dựng đạo đức cách mạng. Bởi đạo đức là biểu hiện trực tiếp của tư tưởng, chỉ đạo tư duy và hành động của con người. Giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng tình cảm, xây dựng nhân cách người đảng viên, cũng như chăm lo củng cố xây dựng tổ chức đảng phải đặt trên nền tảng đạo đức cách mạng, bảo đảm hiệu quả vững chắc và lâu bền.
Trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ một trong những tư cách của người cách mạng là “ít lòng ham muốn về vật chất”, cái hữu hạn của giá trị vật chất so với cái vô hạn của giá trị tinh thần: Ai chẳng muốn no cơm, áo ấm. Nhưng sinh hoạt vật chất hết đời người ta hết, còn tiếng tăm xấu hay tốt vẫn lan truyền đến ngàn đời về sau. Vì vậy, người cách mạng chớ để cho ham muốn vật chất tầm thường làm cho mình sa ngã.
Hồ Chí Minh không chỉ đề ra một hệ thống chuẩn mực đạo đức cách mạng cho các thế hệ học tập mà bản thân Người đã suốt đời gương mẫu thực hiện. Trước khi từ biệt chúng ta, Người căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Thực tế cho thấy, sự suy thoái về đạo đức là biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng. Sự kém cỏi về đạo đức sớm muộn cũng sẽ dẫn đến sự tha hóa về chính trị. Trong lãnh đạo, Đảng cũng có lúc phạm sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng do giáo điều, chủ quan duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan, Đảng đã nghiêm túc trong phê bình, sửa chữa khuyết điểm, tự đổi mới, chỉnh đốn để tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên. Điển hình như trong Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản năm 1930, Đảng đã tiến hành tự phê bình rất nghiêm khắc bằng sự “tự chỉ trích”, “chuyển hướng phong trào dân chủ 1936-1939”. Đại hội VI của Đảng năm 1986 khởi xướng công cuộc đổi mới trên toàn quốc và đã thu được những thành tựu có ý nghĩa bước ngoặt. và gần đây nhất là Hội nghị Trung ương 4, khóa XI đã đề ra nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiên nay”. Nghị quyết chỉ rõ: “Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng đảng còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kì chậm khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”(1) và khẳng định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, phai nhạt lí tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỉ, cơ hội, tham nhũng lãng phí, tùy tiện vô nguyên tắc"(2). Vì vậy, sau khi kiểm điểm, phê bình, tại Hội nghị Trung ương 6, khóa XI, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thành thật nhận lỗi trước Ban Chấp hành Trung ương, trước toàn Đảng, toàn dân về những yếu kém trong công tác xây dựng đảng và những suy thoái, hư hỏng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên như Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu. Đồng thời, Ban Chấp hành Trung ương cũng nghiêm túc tự phê bình và hứa trước nhân dân sẽ có gắng hết sức mình để từng bước khắc phục sữa chữa.
Dù luôn luôn tin tưởng vào sức mạnh của dân tộc, vào bản lĩnh của Đảng ta nhưng nhân dân vẫn chưa thật yên tâm trước những diễn biến đáng lo ngại hiện nay. Tình trạng sa sút nghiêm trọng về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức, có quyền đang làm suy yếu Đảng, làm cho nhân dân xa rời Đảng như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) xác định.
Tham nhũng thường gắn liền với chức quyền nhưng không phải bất cứ ai có chức quyền cũng đều tham nhũng. Hoàn cảnh khách quan chỉ có thể phát huy tác dụng thông qua chủ quan của con người, tức là tham nhũng hay không vẫn phụ thuộc phần lớn vào công tác giáo dục và sự tu dưỡng, rèn luyện của mỗi người. Điều đó cho thấy, chúng ta đã thiếu chủ động trong việc đề ra chiến lược về giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên khi bước vào đổi mới cơ chế, thực hiện mở cửa, hội nhập. Chúng ta chưa kế thừa tốt tấm gương đạo đức và phong cách làm việc của Bác Hồ trước mỗi bước chuyển của cách mạng. Vì vậy, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, toàn xã hội chúng ta đang chứng tỏ tính tất yếu khách quan của vấn đề giáo dục đạo đức và việc tu dưỡng, rèn luyện nhân cách người cán bộ, nhất là phẩm chất đạo đức, lối sống của người đảng viên.
Đã có không ít cán bộ, đảng viên cách mạng, thời trẻ chấp nhận gian khổ, hi sinh, hiến dâng tuổi thanh xuân và cả tính mệnh quý giá của mình cho sự nghiệp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Một thời, họ đã là những anh hùng, là biểu tượng về lí tưởng và đạo đức cách mạng nhưng tiếc thay khi đã ngồi vào ghế quyền lực, họ cũng bị quyền lực làm cho tha hóa, trở thành những con người tầm thường, lợi dụng chức quyền để vơ vét, vì đồng tiền mà bước qua pháp luật, tiếp tay cho những kẻ phi pháp, đánh mất phẩm giá và sự nghiệp chính trị đã theo đuổi cả đời. Tình trạng đó có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, xin đừng đổ lỗi riêng cho mặt trái cơ chế thị trường tác động, hoặc do tàn dư của xã hội thực dân phong kiến. Công bằng mà nói, thời nào bên cạnh bọn “quan tham, ô lại” cũng có những “minh quan lương lại”. Những người này đọc sách thánh hiền cũng biết đề cao thanh liêm, công minh, chính trực, cũng tự xem mình là công bộc của dân. Nhưng đáng tiếc, số này không nhiều.
Đến vấn đề cần suy ngẫm, thực hiện
Bệnh trọng thì phải dùng thuốc đắng. Muốn giữ được nhân cách, đạo đức, muốn giữ nghiêm kỉ luật của Đảng, tránh hủ hóa, sai lầm, khuyết điểm thì phải dùng “bốn thứ thuốc” đặc trị: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Bởi có siêng năng mới hiểu được giá trị về một nắng hai sương của hạt gạo làm ra, mới biết tiết kiệm. Có giản dị, tiết kiệm, không xa hoa, lãng phí thì mới giữ được thanh liêm. Đã có liêm thì sẽ giữ được ngay thẳng, chính trực, thấy đúng dám bảo vệ, thấy sai dám đấu tranh, vì không phụ thuộc vào thế lực nào, không sợ “há miệng mắc quai”, “rút dây động rừng”. Đồng thời phải giữ nghiêm kỷ cương, phép nước như Hồ Chí Minh khẳng định: Trăm điều phải có thần linh pháp quyền.
Sự lành mạnh của đời sống đạo đức xã hội phụ thuộc rất lớn vào sự nêu gương của người lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Xưa nay, niềm tin của người dân Việt Nam luôn gắn liền với niềm tin vào tấm gương đạo đức của người cầm quyền. Đối với các dân tộc phương Đông thì “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(3). Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Đó là trách nhiệm về nêu gương của cán bộ, đảng viên: “Đi đầu trong đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; nêu gương về đức khiêm tốn giản dị; tác phong sâu sát thực tế, gần gũi để thấu hiểu tâm tư nguyện vọng chính đáng của quần chúng”(4).
Chúng ta đã tích cực đấu tranh chống những những căn bệnh tham nhũng, tiêu cực đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực song tình hình đó chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, trái lại, có nơi còn gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp. Như thế có nghĩa là một số phần tử cố tình lún sâu vào con đường suy thoái, biến chất về chính trị, đạo đức, lối sống. Tại sao như vậy? Phải chăng có hiện tượng “nhờn” pháp luật, coi thường kỉ cương, phép nước? Nếu chúng ta không kiên quyết với bọn giặc “nội xâm” này, liệu chúng ta có còn kiểm soát được tình hình đất nước? Đó là vấn đề mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cần suy ngẫm và thực hiện cho được những biện pháp đã đề ra.
Đại tá TS. Nguyễn Dân Quốc - Trung tá ThS. Nguyễn Ngọc Sáng
Trường Sĩ quan Lục quân 2
----------------------------------------
(1), (2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương khoá XI, NXBCTQG, H. 2012, tr.21,22.
(3) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H. 2012, tr.552.
(4) Quy định số 101 QĐ/TW ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.