Tư tưởng Hồ Chí Minh về kỷ luật quân sự

Kỷ luật quân sự được hiểu là một hình thức đặc biệt của kỷ luật mà đặc trưng của nó được quyết định bởi tính chất của hoạt động quân sự. Kỷ luật quân sự đòi hỏi những người thực hiện nghĩa vụ quân sự tính tập trung, chính xác, tinh thần chấp hành triệt để vô điều kiện, tự chủ, kịp thời, nhanh chóng thực hiện tốt nhất mệnh lệnh, chỉ thị của người chỉ huy. Khi nói về ý nghĩa của kỷ luật với tư cách là một phương tiện quan trọng nhằm nâng cao năng lực chiến đấu của quân đội, V.I.Lênin viết: “Nếu suy nghĩ đến cùng, do nguyên nhân sâu xa mà có được cái kỳ tích lịch sử là một nước suy yếu, bị kiệt quệ và lạc hậu lại chiến thắng được những nước hùng cường nhất thế giới, thì chúng ta thấy nguyên nhân đó là chế độ tập trung, kỷ luật và tinh thần hy sinh chưa từng có”[i].

Là người khai sinh Quân đội nhân dân Việt Nam, Bác luôn dày công chăm lo, rèn luyện và giáo dục quân nhân trong mọi lĩnh vực, nhất là tính kỷ luật. Kế thừa một cách khoa học, sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin, trong quá trình giáo dục, rèn luyện Quân đội ta, Bác chỉ rõ: “Bộ đội không có kỷ luật, đánh giặc nhất định thua”[ii] hay “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm. Vì vậy, kỷ luật phải nghiêm minh”[iii]. Trong nội dung xây dựng kỷ luật quân đội, Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ phải chăm lo xây dựng kỷ luật tự giác, nghiêm minh. Kỷ luật ấy phải xuất phát từ tính tự giác, tự nguyện của từng cá nhân và của cả tập thể.

Đối với Bác, để có kỷ luật tốt, trước tiên phải nâng cao trình độ tri thức về mọi phương diện cho cán bộ, chiến sĩ. Trong một lá thư gửi bộ đội, Bác dạy: “Quân nhân phải biết võ, phải biết văn. Võ như tay phải, văn như tay trái của quân nhân. Muốn biết thì phải thi đua học…”[iv].  

Trong công tác giáo dục kỷ luật quân sự, Bác đặc biệt quan tâm đến giáo dục ý thức tổ chức kỷ luật cho sĩ quan, đặc biệt là cán bộ chủ trì đơn vị. Nói chuyện với đại biểu quân đội nhân dịp Tết Đinh Dậu, Bác nhắc nhở: “Trong quân đội cách mạng, cán bộ gương mẫu, phải chăm nom đến đời sống tinh thần, vật chất của chiến sĩ, phải gương mẫu học tập và giữ kỷ luật”.

Về phương pháp thực hành kỷ luật, Bác nhấn mạnh việc dùng vũ khí phê bình và tự phê bình trong việc quản lý và duy trì chấp hành kỷ luật. Bác dạy: “Người cán bộ muốn tốt thì phải có đạo đức cách mạng, phải biết phê bình và tự phê bình, phải biết kỷ luật”. Phương pháp nêu gương được Bác coi là biện pháp hữu hiệu để hướng dẫn các hành vi về đạo đức và ý thức tổ chức kỷ luật cao. Trước hết là sự gương mẫu về hành vi kỷ luật của cán bộ sĩ quan. Theo Bác: “Giữ gìn kỷ luật, học tập kỹ thuật, luyện tập lập công, xung phong hãm trận, thân ái đoàn kết, nói tóm lại mỗi việc trong bộ đội, cán bộ đều phải làm  gương”.

Để duy trì kỷ luật, thưởng và phạt là quan trọng và cần thiết nhằm động viên trong mọi người giữ nghiêm kỷ luật. Trong quốc lệnh tháng 1-1946, Bác yêu cầu: “Phải nâng cao kỷ luật, giữ vững kỷ luật. Những cán bộ có ưu điểm thì phải khen thưởng; người làm trái kỷ luật thì phải phạt. Nếu không thưởng thì không có khuyến khích; nếu không có phạt thì  không giữ vững kỷ luật. Thưởng phạt nghiêm minh là cần thiết.

Một phương pháp quản lý và thực hành kỷ luật có hiệu quả nhất theo lời dạy của Bác,  là từng người phải tự giác chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật nghiêm của quân đội, mệnh lệnh chỉ thị của người chỉ huy. Bác nhắc nhở cán bộ: “…Phải khiêm tốn, nghiêm chỉnh. Phải giữ gìn tính chất trong sạch, chất phác của người chiến sĩ cách mạng… Giấu khuyết điểm thì khuyết điểm ngày càng nhiều… Mình phải tự đấu tranh với mình”.

Những tư tưởng của Người về xây dựng quân đội nói chung và tư tưởng về kỷ luật quân sự nói riêng luôn là kim chỉ nam cho quá trình nhận thức và thực hiện các nhiệm vụ của quân đội ta trong suốt chặng đường gần 70 năm qua.

Ths. Nguyễn Văn Công
Đồng Nai


[i] V.I. Lênin, Toàn tập, tập 40, Nxb Tiến bộ, 1978, tr.279. [ii] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb CTQG, H, 1996, tr.341. [iii] Sđd, tập6, tr.560. [iv] Sđd, tập 5, tr.588. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất