Tấm gương tự phê bình và phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) chỉ rõ: “Các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi vừa bị buông lỏng trong thực hiện, vừa chưa được quy định cụ thể để làm cơ sở cho công tác kiểm tra, giám sát”(1). Nghị quyết đã đưa ra nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên và yêu cầu: “Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương tiến hành kiểm điểm, đánh giá liên hệ bản thân về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan đến một số vấn đề cấp bách nêu trong Nghị quyết, đề ra biện pháp khắc phục. Tập trung làm rõ trách nhiệm cá nhân, gương mẫu thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình, nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức, lối sống; Các đồng chí ủy viên ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các ban của Trung ương Đảng, ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy và cấp ủy các cấp nghiêm túc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, nêu gương bằng hành động thực tế”(2); “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 03-CT/TW, ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc làm theo gương Bác một cách thiết thực, hiệu quả”(3).

Bài viết này muốn đề cập đến tấm gương tự phê bình và phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh để chúng ta cùng suy nghĩ, học tập, thực hiện tự phê bình và phê bình đạt kết quả tốt.

Khi nói về ý nghĩa và tầm quan trọng của tự phê bình và phê bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng cách mạng cần tự phê bình và phê bình như ta cần không khí, cũng như người có bệnh, nếu giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mạng”(4). Vì vậy, Người yêu cầu: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh và Đảng sẽ khoẻ mạnh vô cùng”(5).

Sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta rất vĩ đại, nhưng đầy khó khăn, thử thách, mới mẻ, nên sai lầm và khuyết điểm là điều không thể tránh khỏi. Đối với Đảng cầm quyền cũng vậy, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng ta không phải trên trời sa xuống”(6), nên Đảng có những sai lầm, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sai lầm. Theo Hồ Chí Minh đó là: “Vì chúng ta kém về trình độ lý luận và về mặt nắm tình hình thực tế. Vì trong Đảng ta chưa xây dựng hẳn hoi các chế độ công tác thích hợp. Vì dân chủ nội bộ chưa thật mở rộng. Vì phê bình và tự phê bình chưa được phát huy nhất là phê bình từ dưới lên”(7).

Nói sai lầm, khuyết điểm là không tránh khỏi. Vậy thái độ của một chính Đảng cách mạng trước sai lầm của mình nên như thế nào. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó vì đâu mà có những khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm cách sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(8).  Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ kêu gọi, nhắc nhở mọi người, mà bản thân Người luôn luôn gương mẫu làm trước, thể hiện một sự nhất quán giữa nói và làm, giữa giáo dục đạo đức và nêu gương đạo đức. Hồ Chí Minh đã chân thành nhắc nhở đồng chí và các học trò của mình  không được ngần ngại trong việc góp ý cho mình. “Tôi làm điều xấu các đồng chí trông thấy, phải phê bình cho tôi sửa chữa ngay. Nếu tôi có vết nhọ trên trán, các đồng chí trông thấy lại lấy cớ “nể cụ” không nói là tôi mang nhọ mãi. Nhọ ở trên trán thì không quan trọng, nhưng có vết nhọ ở trong óc, ở tinh thần mà không nói cho người ta sửa, tức là hại người”(9). Trên tinh thần đó, Người viết bài “Tự phê bình” đăng trên báo Cứu quốc số ra ngày 28-01-1946. Hồ Chí Minh đã nêu lên nhiều việc lớn chưa làm được như: Các nước chưa công nhận quyền độc lập của ta; kháng chiến ở Nam bộ chưa thắng lợi; tệ tham nhũng chưa quét sạch; chính trị chưa vào nề nếp... Từ đó, Người kết luận: “Những sự thành công là nhờ đồng bào cố gắng, những khuyết điểm kể trên là lỗi tại tôi”(10).

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, ở một vài nơi thuộc Liên khu IV cũ, một số cán bộ địa phương đã làm sai đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ để lại những hậu quả nghiêm trọng, gây ra oan ức cho đồng bào. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giử thư cho đồng bào liên khu IV, trong đó Người tự nhận lỗi về mình: “Tôi phải thật thà xin lỗi những đồng bào vì những cán bộ sai lầm mà bị oan ức. Tôi thực thà phê bình khuyết điểm của tôi - là giáo dục và lựa chọn cán bộ chưa được chu đáo” (11). Đây cũng là tấm gương sáng về tinh thần tự phê bình cho lãnh đạo các địa phương, các ngành, các cấp về trách nhiệm không thể thoái thác đối với những sai phạm của cán bộ dưới quyền mình.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 10 (mở rộng) thảo luận về cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã  tự phê bình và phê bình rất nghiêm túc là: “Đã quan liêu, không sát quần chúng, không sát thực tế, chỉ xem báo cáo, tin vào người báo cáo”. Về phương hướng sửa chữa, Người yêu cầu “Từ Trung ương đến chi bộ xã đều phải làm đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách; đều phải chống các tệ sùng bái cá nhân và quan liêu, mệnh lệnh; đều phải thật thà tự phê bình và phê bình thẳng thắn; đều phải thực sự dân chủ”(12). Sau này Hồ Chủ tịch đã thay mặt Đảng, Chính phủ tự phê bình và nhận lỗi trước Quốc hội và đồng bào. Đó thực sự là tấm gương sáng về tự phê bình và phê bình để cán bộ, đảng viên noi theo. Theo Người: “Uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng, sửa chữa khuyết điểm, để đưa công việc ngày càng tiến bộ chứ không phải ở chỗ giấu giếm và e sợ quần chúng phê bình”(13). Đối với đa số người dân, niềm tin vào Đảng lãnh đạo, vào chế độ thường được xây dựng trên niềm tin vào đạo đức của những người cầm quyền, những cán bộ có chức, có quyền như Bác Hồ đã nói: “Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được, mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được”(14).

Hiện nay, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện... Nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức, do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm.

Thang thuốc đặc trị cho căn bệnh suy thoái đạo đức, lối sống lúc này chính là phải thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 03-CT/TW, ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc làm theo gương Bác một cách thiết thực, hiệu quả, kiên quyết thực hiện theo Di chúc của Người: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất của Đảng”(15). 

Võ Thanh Bình
Trường Chính trị tỉnh Kon Tum

..........................................
(1); (2); (3): NQHNTW4 Khóa XI của Đảng.
(4); (5); (6); (8); (9) HCMTT - NXBCTQG H. 1995 (Tập 5. Tr 233, 239, 262, 261, 224).(7); (12) HCMTT - NXBCTQG H. 1996 (Tập 8. Tr 157; 255). (10) HCMTT - NXBCTQG H. 1995 (Tập 4. Tr 166). (11) HCMTT - NXBCTQG H. 1995 (Tập 6. Tr 65). (13) HCMTT - NXBCTQG H. 1996 (Tập 10. Tr 578). (14) HCMTT - NXBCTQG H. 1996 (Tập 7. Tr 59). (15) HCMTT - NXBCTQG H. 1996 (Tập 12. Tr 511).

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất