|
Chủ tịch Hồ Chí Minh.
|
Năm Ất Mão (1915) 25 tuổi. Bác Hồ của chúng ta vẫn mang tên Nguyễn Tất Thành mà người cha đã khai sinh cho Bác. Năm này anh Thành vừa lao động cực nhọc để kiếm sống ở nước Anh sương mù, giá lạnh, vừa mải miết học tiếng Anh với quyết tâm có thêm được chìa khóa ngôn ngữ để mở cánh cửa tri thức, bước vào chiếm lĩnh kho tàng kiến thức của nhân loại, tìm đường dẫn tới độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc mình đang bị đọa đầy dưới ách thống trị của ngoại bang.
Năm Đinh Mão (1927) 37 tuổi. Nguyễn Tất Thành mang tên Nguyễn Ái Quốc, đã trở thành một chiến sĩ quốc tế đấu tranh kiên cường giải phóng những người cần lao. Từ khẩu hiệu của C.Mác, Ph.Ăng-ghen: “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!” và của VI.Lê-nin “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại!”, Nguyễn Ái Quốc đã nêu khẩu hiệu “Lao động tất cả các nước, đoàn kết lại!”(1). Ba khẩu hiệu cách mạng mang tầm trí tuệ của các vĩ nhân nối tiếp nhau như một dòng chảy liên tục của văn hóa, như tiếng kèn thức tỉnh những người cần lao trên trái đất vùng lên đấu tranh cho độc lập, tự do, cơm áo, hòa bình và thịnh vượng chung. Trong năm Đinh Mão này, Người dành nhiều công sức cho việc huấn luyện, đào tạo cán bộ. Trang đầu tiên của cuốn Đường cách mệnh (tập hợp những bài giảng của Bác những năm ấy) là bài “Tư cách một người cách mệnh”, rất ngắn nhưng mỗi chữ tựa như một tiếng chuông đánh thức tâm hồn ta:
“Tự mình phải: Cần kiệm/ Hòa mà không tư/ Cả quyết sửa lỗi mình/ Cẩn thận mà không nhút nhát/ Hay hỏi/ Nhẫn nại (chịu khó)/ Hay nghiên cứu, xem xét/ Vị công vong tư/ Không hiếu danh, không kiêu ngạo/ Nói thì phải làm/ Giữ chủ nghĩa cho vững/ Hy sinh/ Ít lòng ham muốn về vật chất/ Bí mật”(2). Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) làm cho chúng ta hôm nay hiểu thấu và thực hiện tốt những đức tính “tự mình phải” trong bài học cách mạng vỡ lòng ấy!
Năm Kỷ Mão (1939) 49 tuổi. Thông qua một người bạn là chủ nhiệm Báo Notre Voix, Người gửi cho BCH Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương địa chỉ của mình và “8 điểm định hướng cho đường lối, chủ trương cách mạng Việt Nam”. Trong đó, Người lưu ý: Phải tổ chức Mặt trận dân tộc dân chủ rộng rãi; phải có thái độ khéo léo, mềm dẻo, lôi kéo tư sản dân tộc về phía Mặt trận; kiên quyết chống tư tưởng bè phái, phải tổ chức học tập có hệ thống Chủ nghĩa Mác-Lênin. Người nhấn mạnh: “Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hàng ngày, khi quần chúng thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”(3). Đây là một quan điểm cơ bản đã trở thành cơ sở lý luận cho việc xây dựng mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân và xác định thái độ của Đảng đối với Mặt trận. Nó không chỉ đúng trong giai đoạn Đảng lãnh đạo giành chính quyền mà còn đúng ngay khi đã có chính quyền. Đảng Cộng sản khi trở thành đảng cầm quyền dễ mắc sai lầm, thiếu tôn trọng vai trò của Mặt trận, nhầm lẫn, coi việc Đảng lãnh đạo Mặt trận như là vị thế đứng trên, coi Mặt trận như là cấp dưới của Đảng. Những chỉ dẫn kịp thời của Người có tác dụng lớn, giúp cho Trung ương Đảng đề ra chủ trương chuyển hướng sách lược đấu tranh trong thời kỳ này.
Năm Tân Mão (1951) 61 tuổi. Năm này cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang trên đà thắng lợi, tình hình chính trị - xã hội và ngoại giao đã có nhiều thuận lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng quyết định triệu tập Đại hội II của Đảng, đưa Đảng ra hoạt động công khai và đổi tên thành Đảng Lao động Việt Nam. Đây là một kỳ Đại hội mang đậm dấu ấn thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, Đảng Cộng sản mỗi nước là sản phẩm của sự kết hợp Chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân. Xuất phát từ thực tế lịch sử xã hội Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và xác định Đảng là sản phẩm của sự kết hợp giữa Chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Do đó, Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là Đảng của giai cấp công nhân mà còn là của nhân dân lao động. Do vậy, đổi tên Đảng thành Đảng Lao động Việt Nam là một quyết định chính trị sáng suốt, làm cho Đảng có sức hấp dẫn, lôi kéo các giai tầng khác trong xã hội đoàn kết xung quanh Đảng làm cách mạng. Báo cáo chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày tại Đại hội II của Đảng (năm 1951) chỉ rõ: “Trong giai đoạn này, quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của cả dân tộc là một. Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”(4).
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đảng vượt khỏi quan điểm Mác-xít truyền thống. Đây là tư tưởng nhất quán có ý nghĩa lâu dài, là sự phát triển sáng tạo lý luận về Đảng mang tầm cỡ như học thuyết về Đảng kiểu mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại hội này đã bầu đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng, đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư. Ngày 3-3-1951 trong Lời kết thúc buổi ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ:
“Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam có thể gồm trong 8 chữ là ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN, PHỤNG SỰ TỔ QUỐC/ Nhiệm vụ của Đảng Lao động Việt Nam là kiên quyết lãnh đạo toàn dân đi đến: KHÁNG CHIẾN THẮNG LỢI, KIẾN QUỐC THÀNH CÔNG.
Chính sách quân sự, chính trị, kinh tế, vǎn hoá, v.v. của Đảng Lao động Việt Nam đã nói rõ trong bản Tuyên ngôn và Chính cương. Chính sách ấy có thể đúc lại trong mấy chữ là làm cho nước Việt Nam ta: ĐỘC LẬP - THỐNG NHẤT - DÂN CHỦ - PHÚ CƯỜNG”(5).
Ngày 25-3-1951 Hồ Chủ tịch viết bài “Người đảng viên Đảng Lao động Việt Nam phải như thế nào?” đăng trên Báo Nhân Dân. Người viết: “Tuyên ngôn của Đảng đã trả lời rõ…: Đảng Lao động Việt Nam sẽ gồm những công nhân, nông dân và lao động trí óc yêu nước nhất, hǎng hái nhất, cách mệnh nhất. Nó sẽ gồm những người kiên quyết phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân, phụng sự lao động, những người chí công vô tư, làm gương mẫu trong công cuộc kháng chiến kiến quốc… Ai mà không như thế, thì không xứng đáng là người đảng viên Đảng Lao động Việt Nam. Làm gương mẫu thế nào? Nói chung, thì người đảng viên ở bất kỳ đâu, bất kỳ làm việc gì, bất kỳ địa vị nào và hoàn cảnh nào, cũng phải luôn luôn: Đặt lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân lên trên hết, trước hết/ Phải ra sức tham gia công việc kháng chiến/ Phải gần gũi dân chúng, thương yêu giúp đỡ dân chúng, tổ chức và lãnh đạo dân chúng/ Phải giữ vững đạo đức cách mệnh là chí công vô tư… Vì vậy, mỗi đảng viên phải luôn luôn cố gắng”(6).
Ngày 1-5-1951 Hồ Chủ tịch viết bài “Đảng Lao động Việt Nam với lao động trí óc” đăng trên Báo Nhân Dân, khẳng định: “Đảng Lao động Việt Nam sẽ gồm những công nhân, nông dân và lao động trí óc yêu nước nhất, hǎng hái nhất, cách mệnh nhất... Lao động trí óc cần được khuyến khích giúp đỡ, phát triển tài nǎng… Lao động trí óc là ai? Là thầy giáo, thầy thuốc, kỹ sư, những nhà khoa học, vǎn nghệ, những người làm bàn giấy, v.v..
Nhiệm vụ của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam hiện nay là kháng chiến và kiến quốc. Để hoàn thành nhiệm vụ ấy, ngoài việc quân sự ắt phải phát triển kinh tế. Cho nên cần có những người chuyên môn thông thạo về công nghệ và nông nghiệp… Do đó, lao động trí óc có nhiệm vụ rất quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, trong công cuộc hoàn thành dân chủ mới để tiến đến chủ nghĩa xã hội… Đó là nhiệm vụ chung và cần kíp, mà chúng ta phải cùng nhau cố gắng làm cho kỳ được”(7).
Ngày 20-5-1951, bài báo “Tự phê bình” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh C.B đăng trên Báo Nhân Dân chỉ rõ: “Dao có mài, mới sắc/ Vàng có thui, mới trong/ Nước có lọc, mới sạch/ Người có tự phê bình, mới tiến bộ. Đảng cũng thế/ Tự phê bình là gì? Là thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa/ Điều đó nói thì dễ, nhưng làm thì khó. Khó là vì người ta hay có lòng tự ái. Thừa nhận cái sai, cái dốt, cái kém của mình, thì sợ mất thể diện, mất uy tín… Ai cũng cần tắm rửa cho mình mẩy sạch sẽ. Thì ai cũng cần tự phê bình cho tư tưởng và hành động được đúng đắn.
Những người cách mạng càng phải kiên quyết thực hành tự phê bình. Không thực hành tự phê bình, thì không xứng đáng là người cách mạng… Mác, Ǎng-ghen, Lê-nin… dạy chúng ta rằng: “Tự phê bình là một thứ vũ khí sắc bén nhất của cách mạng”.
… Ngày nào cũng phải ǎn cho khỏi đói, rửa mặt cho khỏi bẩn, thì ngày nào cũng phải tự phê bình cho khỏi sai lầm. Nghĩa là tự phê bình phải thường xuyên, chứ không phải chờ có khai hội mới tự phê bình, không phải khi làm khi không.
Tự phê bình phải thật thà. Khi tự mình kiểm điểm cũng như khi tự phê bình trước mọi người, có khuyết điểm gì nói hết, không giấu giếm chút gì. Phải tìm cho ra vì sao mà sai lầm. Sai lầm ấy sẽ thế nào? Dùng cách gì mà sửa chữa? Và phải kiên quyết sửa chữa. Tự phê bình và sửa khuyết điểm có khi dễ, nhưng cũng có khi khó khǎn, đau đớn, vì tự ái, vì thói quen, hoặc vì nguyên nhân khác. Đó là một cuộc đấu tranh. Tự mình không đánh thắng được khuyết điểm của mình, mà muốn đánh thắng kẻ địch, tự mình không cải tạo được mình, mà muốn cải tạo xã hội, thì thật là vô lý. Vì vậy người cách mạng nhất định phải thật thà tự phê bình và kiên quyết chữa khuyết điểm… Mỗi người lại phải tùy theo công việc của mình mà tự phê bình những điểm riêng”(8).
Ngày 12-7-1951 bài báo “Phê bình” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh C.B đăng trên Báo Nhân Dân chỉ rõ: “Khuyết điểm cũng như một chứng bệnh. Phê bình là thuốc để chữa các bệnh khuyết điểm. Thí dụ: Tôi có vết nhọ ở trán, tự tôi không trông thấy. Đồng chí bảo cho tôi biết. Thế là đồng chí phê bình tôi. Mục đích của đồng chí là muốn cho mặt tôi sạch sẽ, chứ không phải để mỉa mai tôi. Vì vậy đồng chí phải nói cho rõ ràng, thiết thực: Vết nhọ to hay nhỏ? Nó ở phía nào? v.v.. Và khi nói, nên có thái độ đúng mực. “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa tai nhau”. Về phần tôi, khi đã biết có vết nhọ thì phải lo rửa sạch.
Nếu đồng chí đã bảo, mà tôi không vui lòng rửa sạch, (thậm chí còn oán trách đồng chí), tức là tôi cố ý mang vết nhọ suốt đời. Hai điều ấy đều vô lý. Ý nghĩa phê bình, giản đơn là như vậy.
Phê bình là cốt giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, cho nên thái độ của người phê bình phải thành khẩn, nghiêm trang, đúng mực. Phải vạch rõ vì sao có khuyết điểm ấy, nó sẽ có kết quả xấu thế nào, dùng phương pháp gì để sửa chữa. Thuốc phải nhằm đúng bệnh. Tuyệt đối không nên có ý mỉa mai, bới móc, báo thù. Không nên phê bình lấy lệ. Càng không nên “trước mặt không nói, xoi mói sau lưng”.
Phê bình là quyền lợi và nhiệm vụ của mọi người, là thực hành dân chủ. Cấp dưới có quyền phê bình cấp trên. Nhân dân có quyền phê bình cán bộ, phê bình chính quyền, Đảng và các đoàn thể. Mọi người có quyền phê bình nhau để cùng nhau tiến bộ. Không phê bình tức là bỏ mất một quyền dân chủ của mình. Song phê bình phải đường hoàng, chính đáng, quyết không nên “thầm thì thầm thụt”, viết thư giấu tên, như một vài cán bộ ở T.N. đã làm.
Đảng viên và cán bộ, Đảng, các đoàn thể nhân dân và chính quyền cần phải hoan nghênh và khuyến khích nhân dân phê bình. Nếu phê bình sai, thì phải giải thích. Phê bình đúng, thì phải công khai thừa nhận và sửa chữa.
Dìm phê bình hoặc phớt phê bình là khinh rẻ ý kiến nhân dân, là trái với dân chủ, và rất có hại, cũng như có bệnh mà từ chối uống thuốc.
Phê bình và tự phê bình là công việc thường xuyên. Ngừng phê bình và tự phê bình tức là ngừng tiến bộ, tức là thoái bộ… Cách mạng sở dĩ phát triển mãi, tiến bộ mãi, càng gặp nhiều gian khổ càng mạnh mẽ thêm, là nhờ có phê bình và tự phê bình. Cho nên toàn thể đảng viên và cán bộ cần làm gương mẫu thật thà phê bình và tự phê bình để tự giáo dục mình và giáo dục nhân dân, để làm tròn sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc”(9). Những chỉ dẫn đó của Người đến nay vẫn giữ nguyên tính thời sự cấp bách.
Ngày 19-7-1951 Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh C.B đăng trên Báo Nhân Dân bài “Thực hành sinh ra hiểu biết. Hiểu biết tiến lên lý luận. Lý luận lãnh đạo thực hành”. Trong đó có đoạn viết: “… Lý luận rất quan trọng. Lê-nin nói: “Không có lý luận cách mạng thì không thể có vận động cách mạng”. Lý luận sở dĩ quan trọng là vì nó dạy ta hành động. Nếu đưa một lý luận rất đúng ra nói, rồi xếp nó lại một xó, không đưa ra thực hành, thì lý luận ấy thành lý luận suông.
Ngày 2-9-1951 Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh C.B đăng trên Báo Nhân Dân bài “Cần tẩy sạch bệnh quan liêu mệnh lệnh”. Trong bài Người nhấn mạnh: “… Nguyên nhân bệnh ấy là: Xa nhân dân/ Khinh nhân dân…/ Sợ nhân dân: Khi có sai lầm, khuyết điểm thì sợ nhân dân phê bình, sợ mất thể diện, sợ phải sửa chữa/ Không tin cậy nhân dân: Họ quên rằng không có lực lượng nhân dân, thì việc nhỏ mấy, dễ mấy, làm cũng không xong, có lực lượng nhân dân, thì việc khó mấy, to mấy, làm cũng được.
Không hiểu biết nhân dân/ Không yêu thương nhân dân. Do đó họ chỉ biết đòi hỏi nhân dân, không thiết thực giúp đỡ nhân dân. Bệnh quan liêu mệnh lệnh chỉ đưa đến một kết quả là: Hỏng việc. Vì vậy, chúng ta phải mau mau chữa bệnh nguy hiểm ấy.
Cách chữa bệnh ấy gồm có một nguyên tắc là: Theo đúng đường lối nhân dân và 6 điều là: Đặt lợi ích nhân dân lên trên hết/ Liên hệ chặt chẽ với nhân dân/ Việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ/ Có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân, và hoan nghênh nhân dân phê bình mình/ Sẵn sàng học hỏi nhân dân/ Tự mình phải làm gương mẫu cần, kiệm, liêm, chính, để nhân dân noi theo...”.
Ngày 13-12-1951, Bác Hồ viết bài “Tinh thần trách nhiệm của Bác”, ký tên C.B. đăng trên Báo Nhân Dân có những chỉ dẫn quan trọng: “Hiện nay, phong trào tự phê bình và phê bình đang mở rộng ở nhiều nơi. Đó là một bước tiến đáng mừng. Nhưng trong những cuộc kiểm thảo, có một thiếu sót chung và quan trọng là chưa nêu thật rõ tinh thần trách nhiệm”.
Năm Quý Mão (1963) 73 tuổi. Bác Hồ viết Thư mừng năm mới gửi đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Trong thư khẳng định: “Nước Việt Nam là một/ Dân tộc Việt Nam là một/ Dù cho sông cạn đá mòn/ Nhân dân Nam Bắc, là con một nhà/... Chúng ta cùng nhau:/ Mừng năm mới, Cố gắng mới/ Tiến bộ mới/ Chúc Quý Mão là năm nhiều thắng lợi”(10).
Đây là năm Mão cuối cùng trong chu kỳ 12 con giáp của cuộc đời Bác Hồ.
-----
(1) Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, NXB Thông tin lý luận, H.1962, tập 1, tr.165. (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.1995, tập 2, tr.260; tập 3, tr.139; tập 6, tr.175; tr.183-185; tr.188-190; tr.202-204; tr.209-212; tr.241-243; tập 11, tr.110.
Trần Xuân Đỉnh