Sáng 1-9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị thông tin công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Hiện tỉnh có 26 khu điều trị bệnh nhân COVID-19, đáp ứng nhu cầu điều trị cho 16.942 bệnh nhân. Số bệnh nhân đang được điều trị là 53.505 người (trong đó có 231 phụ nữ mang thai, 472 người già trên 65 tuổi, 792 trẻ em dưới 15 tuổi, 780 người có bệnh nền); đã có 61.278 người được điều trị khỏi bệnh, xuất viện, có 897 bệnh nhân tử vong do COVID-19. Toàn tỉnh hiện còn 1.354 khu vực phong tỏa với 126.002 người; 43.970 người đang cách ly tập trung; 7.726 trường hợp F1 cách ly tại nhà và 11.105 bệnh nhân F0 cách ly, điều trị tại nhà.
Với phương châm bóc tách càng nhanh, càng tốt F0 ra khỏi cộng đồng, tỉnh đã tập trung triển khai lấy mẫu xét nghiệm sàn lọc diện rộng bằng test nhanh và PCR trên phạm vi toàn tỉnh: Trong đợt 1 (từ ngày 17-7-2021) đã lấy mẫu xét nghiệm cho 1.292.846 người, phát hiện 12.667 người nghi mắc COVID-19 (tỷ lệ 0,98%) và trong đợt 2, đợt 3 (từ ngày 2-8-2021) lấy mẫu test nhanh và PCR cho 2.615.597 người, có 65.504 trường hợp dương tính. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh triển khai lấy mẫu PCR cho 117.715 công nhân tại 134 công ty trong các KCN, kết quả có 327 trường hợp dương tính.
Các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương phát biểu tại Hội nghị thông tin công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Triển khai các biện pháp và huy động nguồn lực phòng, chống dịch
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1108/CĐ-TTg ngày 31-8-2021, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện “xanh hóa” địa bàn, theo đó, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi các địa phương: Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên kể từ 0 giờ ngày 1-9-2021 đến hết ngày 15-9-2021 và thực hiện áp dụng hạn chế tối đa việc lưu thông, hoạt động trong khung thời gian từ 18 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau. Tiếp tục thực hiện tăng cường giãn cách xã hội trên địa bàn 15 phường thuộc các TP. Thuận An, Dĩ An và thị xã Tân Uyên trong thời gian nêu trên. Tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi các huyện: Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Dầu Tiếng theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ kể từ 0 giờ ngày 1-9-2021 đến hết ngày 5-9-2021 và không thực hiện áp dụng hạn chế tối đa việc lưu thông, hoạt động trong khung thời gian từ 18 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau. Tỉnh khẩn trương thực hiện quyết liệt đồng bộ các biện pháp để giảm mạnh “vùng đỏ”, “xanh hóa” địa bàn; sớm đưa Bình Dương trở về trạng thái “bình thường mới” và triển khai thực hiện mô hình 3 xanh “Nhà máy, Nhà trọ và Công nhân” tại khu vực “vùng xanh” để phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Năng lực cách ly y tế tập trung
Tỉnh hiện có 171 cơ sở, đáp ứng 49.649 người (hiện có 43.970 người đang thực hiện cách ly, trong đó có 1.309 trường hợp F1). Trước tình hình ca bệnh và số F1 đang tiếp tục tăng, nhất là tại các công ty, doanh nghiệp, tỉnh đã thực hiện cách ly đối tượng F1, cách ly và điều trị đối tượng F0 ít nguy cơ tại nhà theo các hướng dẫn của Bộ Y tế đối với các trường hợp đủ điều kiện.
Công tác thu dung điều trị
Tỉnh hiện có 24 khu điều trị bệnh nhân COVID-19 (trong đó có 2 cơ sở điều trị theo phương án 2 tầng). Công tác điều trị được xây dựng theo mô hình điều trị 3 cấp để giảm tải cho các cơ sở điều trị tuyến tỉnh:
Đối với F0 không có triệu chứng (chiếm khoảng 80% số F0): Bố trí các khu cách ly tập trung có điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo, có đủ lực lượng bác sĩ, điều dưỡng và các xét nghiệm cơ bản tối thiểu, có máy chụp XQ di động. Nhóm F0 này sẽ được theo dõi sát sao, nếu có triệu chứng sẽ chuyển tuyến.
Đối với F0 có triệu chứng nhẹ: điều trị tại các trung tâm y tế tuyến huyện.
Đối với F0 có triệu chứng nặng: chuyển tuyến tỉnh để điều trị. Cụ thể:
- Tầng 1: có 14 cơ sở điều trị với 8.658 giường.
- Tầng 2: có 10 cơ sở điều trị với 4.024 giường.
- Tầng 3: gồm 2 cơ sở điều trị với 837 giường.
Bên cạnh Tổ công tác của Bộ Y tế để giúp tỉnh trong việc đề ra các giải pháp phòng, chống dịch và trực tiếp điều hành hoạt động điều trị ở tuyến trên, còn có các đoàn cán bộ y tế của Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước và lực lượng vũ trang chi viện để hỗ trợ cho tỉnh trong công tác phòng, chống dịch.
Công tác tiêm vắc-xinChủ trương của tỉnh là vắc-xin, thuốc điều trị là chiến lược. Tổ chức tiêm chủng miễn phí, an toàn, kịp thời, hiệu quả, không phân biệt các loại vắc-xin; không tổ chức tiêm dịch vụ có thu tiền. Tổ chức các hình thức tiêm vắc-xin phù hợp với các khu cách ly, phong tỏa với thời gian linh hoạt, đảm bảo kịp thời, an toàn, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế và bảo đảm các quy định về an toàn phòng, chống dịch. Trên cơ sở phân bổ vắc-xin của Bộ Y tế, tỉnh Bình Dương đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm vắc-xin với năng lực thực hiện trên 100.000 liều/ngày. Tính đến ngày 31-8-2021, Bình Dương đã tiêm 976.473 liều vắc-xin (trong đó có 933.223 người tiêm mũi 1 và 43.250 người tiêm mũi 2).
Tiêm vắc-xin phòng, chống COVID-19 cho công nhân tại các KCN ở Bình Dương.
Công tác phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp
Chủ trương của tỉnh là duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện theo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”.
Ban quản lý phối hợp cùng với chủ đầu tư 27 KCN đang hoạt động tổ chức tiêm vắc-xin cho công nhân đang tham gia sản xuất tại các doanh nghiệp. Từ ngày 7-8 đến 15-8, có 131.000 công nhân được tiêm mũi 1, số lượng công nhân được tiêm vắc-xin đạt 93% (thời điểm tiêm).
Mô hình “3 tại chỗ”: Hiện có 1.319 doanh nghiệp đang thực hiện 3 tại chỗ, 2 địa điểm 1 cung đường với 146.682 lao động. Sau khi được tiêm vắc-xin ở tại doanh nghiệp và trong khu dân cư ở địa phương, các doanh nghiệp bắt đầu đăng ký thực hiện mô hình sản xuất mới chủ yếu theo hình thức 3 tại chỗ, 2 địa điểm 1 cung đường “mở rộng” 141 doanh nghiệp đăng ký 21.678 lao động (trung bình 153 lao động/doanh nghiệp) đạt 37% so với mức lao động ngày thường.
Mô hình “3 xanh”
Bình Dương đang khoanh vùng nguy cơ cao để kiểm soát dịch bệnh, đồng thời thu hẹp “vùng đỏ”, mở rộng “vùng xanh" với quyết tâm đến ngày 15-9 trở lại trạng thái bình thường mới. Tỉnh xây dựng kế hoạch cho phép doanh nghiệp ở “vùng xanh” hoạt động trở lại, bố trí nơi ở cho công nhân đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất.
Thực hiện mô hình 3 xanh “Nhà máy, nhà trọ và công nhân” tại khu vực “vùng xanh” gồm: thị xã Bến Cát, huyện Bàu Bàng, huyện Bắc Tân Uyên. Trong đó, đề nghị chủ đầu tư, doanh nghiệp phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào doanh nghiệp. Nơi nào không đáp ứng, không đảm bảo an toàn thì buộc ngừng hoạt động. Đồng thời thực hiện việc quản lý chặt chẽ thông tin liên quan đến người lao động (người ở chung, địa chỉ nơi đang ở, lộ trình di chuyển hằng ngày từ nơi ở đến công ty, doanh nghiệp), đo thân nhiệt và yêu cầu người lao động phải khai báo y tế bắt buộc hằng ngày khi đến làm việc. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự, an toàn trong sản xuất.
Doanh nghiệp chỉ được tổ chức sản xuất - kinh doanh khi đã xét nghiệm sàng lọc cho toàn bộ công nhân, người lao động và đáp ứng các điều kiện. Trước khi cho vào nhà máy sản xuất phải khử khuẩn toàn bộ khu vực nhà máy theo quy định, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc 2 lần (lần 1: trước khi hoạt động 3 ngày bằng xét nghiệm PCR gộp mẫu 10, lần 2: vào ngày hoạt động bằng test kháng nguyên nhanh gộp mẫu từ 3 đến 5). Trong quá trình hoạt động, sản xuất, tổ chức xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 bằng test kháng nguyên nhanh hoặc xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp, thực hiện 5 ngày/lần. Xét nghiệm hằng ngày đối với người tiếp nhận, vận chuyển hàng hóa, thực phẩm,... di chuyển ra, vào doanh nghiệp. Phát huy vai trò hoạt động của các Tổ An toàn COVID-19 trong doanh nghiệp.
Để đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm chéo từ cộng đồng (các khu nhà trọ, chỗ ở của công nhân) vào trong doanh nghiệp và ngược lại, chính quyền địa phương chủ động phối hợp doanh nghiệp liên hệ, vận động các chủ nhà trọ và người thuê trọ tổ chức thí điểm sắp xếp lại từng phòng trọ, khu nhà trọ theo hướng bố trí cho những công nhân cùng làm chung một doanh nghiệp được ở chung một phòng hoặc một dãy, nếu đảm bảo đủ điều kiện thì bố trí cho tất cả các công nhân của cùng một nhà máy, một doanh nghiệp ở chung nhà trọ hoặc các khu nhà trọ liền kề.
Thực hiện các chính sách an sinh xã hội
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện và đạt kết quả như sau:
Tổng số trường hợp đã chi (lũy kế): 2.598.996 lượt trường hợp, với số tiền là 1.340,644 tỷ đồng, trong đó:
Hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NĐ-CP của Chính phủ: 287.543 trường hợp, với số tiền là 413,06 tỷ đồng.
Hỗ trợ tiền thuê nhà theo Nghị quyết 04/2021/NQ-HĐNĐ của HĐND tỉnh Bình Dương (mức 300.000 đồng/người): 1.140.714 trường hợp, với số tiền là 342,214 tỷ đồng.
Hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang ở trọ theo Quyết định số 12/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Dương (mức 500.000 đồng/người): 1.170.739 trường hợp, với số tiền là 585,369 tỷ đồng.
Đối với: Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất: Số đơn vị được giảm mức đóng là 14.371 đơn vị có 1.015.544 lượt lao động với số tiền là 433,58 tỷ đồng (tăng 3 đơn vị có 268 lao động với 2,793 tỷ đồng). Chính sách vay trả lương ngừng việc: đã giải ngân cho 2 đơn vị sử dụng lao động (243 lao động) vay với số tiền là 1.74 tỷ đồng.
Chi tiền các gói hỗ trợ cho người lao động tự do, nhà trọ tại khu phố Tân Hoà - phường Đông Hoà - TP. Dĩ An - Bình Dương.
Hoạt động tình nguyện, cứu trợ
Tính đến ngày 31-8-2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tiếp nhận ủng hộ và đăng ký ủng hộ với tổng số tiền trên 510 tỷ đồng, gồm: trên 218,5 tỷ đồng tiền mặt; hiện vật gồm vật tư y tế, trang thiết bị y tế, hàng hóa thực phẩm trị giá trên 291,6 tỷ đồng.
Liên đoàn Lao động tỉnh: đã hỗ trợ cho gần 114.000 trường hợp (người thuộc trường hợp F0, F1, F2 và công nhân lao động khó khăn, cán bộ công đoàn chuyên trách) với tổng số tiền khoảng 92 tỷ đồng; 31 trường hợp tử vong với số tiền là 310 triệu đồng; 3 doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ với số tiền gần 1,7 tỷ đồng; 98 đơn vị tuyến đầu chống dịch với tổng số tiền là 2,88 tỷ đồng.
Cung ứng lượng thực cho 15 phường thực hiện đông “cứng, khoá chặt” trên địa bàn Thuận An, Tân Uyên, Dĩ An
Để đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân ở địa bàn có nguy cơ rất cao đang thực hiện giãn cách xã hội theo phương châm “khóa chặt, đông cứng” phục vụ yêu cầu phòng, chống dịch. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4134/KH-UBND ngày 22-8-2021 về việc cung ứng lương thực, thực phẩm ứng phó khẩn cấp cho người dân trong thời gian thực hiện “khoá chặt, đông cứng” trên địa bàn 11 phường của TP. Thuận An và thị xã Tân Uyên. Ngày 30-8-2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 4319/KH-UBND về việc điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch số 4134/KH-UBND ngày 22-8-2021; theo đó, bổ sung thêm gói hỗ trợ lương thực, thực phẩm tương ứng với dân số thực tế tăng thêm 115.768 người hiện đang sinh sống tại 11 phường trên địa bàn Thuận An và Tân Uyên (trong đó, cấp phát thêm: gạo 868 tấn; lương thực, thực phẩm: 115.768 người x 50.000 đồng/người/ngày x 15 ngày = 86.826.000.000 đồng). Riêng đối với 4 phường của TP. Dĩ An, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND thành phố xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch số 1903/KH-UBND ngày 23-8-2021 về việc cung cấp, phân phối lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn TP. Dĩ An trong thời gian phòng, chống dịch.
Đội hỗ trợ khẩn cấp về lương thực của phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Về mặt hàng gạo Thực hiện Quyết định số 1415/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 519/QĐ-TCTD ngày 20-8-2021 của Tổng cục Dự trữ Nhà nước về việc cấp xuất gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2050/QĐ-UBND ngày 22-8-2021 về việc phân bổ từ nguồn gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tiếp nhận 8.361,095 tấn gạo (đợt 1), phân bổ 7,5kg gạo/người cho người dân sống tại 11 phường thực hiện “khoá chặt, đông cứng”.
Cung ứng thực phẩm thiết yếu
UBND tỉnh đã giao Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp Sở Công thương, Sở Nông nghiệp PTNT và Sở Giao thông vận tải, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và UBND TP. Thuận An, thị xã Tân Uyên thực hiện cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu cho 719.048 người dân tại 11 phường trên địa bàn TP. Thuận An và thị xã Tân Uyên. Tổng số tiền thực hiện là 719.048 người x 50.000 đồng x 15 ngày = 539.286.000.000 đồng. Giao Sở Công thương phối hợp với đơn vị chủ trì, phối hợp cung ứng thực phẩm thực hiện kế hoạch này (Vimmart thuộc Tập đoàn Masan là đơn vị cung ứng).
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương kết nối 4 nhà cung ứng lương thực, thực phẩm bổ sung cho người dân, trong đó:
*Thuận An (4 nhà cung ứng): Do Siêu thị Go Dĩ An cung ứng 2.000 phần; Siêu thị AEON cung ứng 5.000 phần; Siêu thị Lotte cung ứng 500 phần; Công ty TNHH Một thành viên Sản xuất thương mại MQK cung ứng 130.000 phần/ngày.
*Tân Uyên (2 nhà cung ứng): Công ty TNHH Một thành viên Sản xuất thương mại MQK cung ứng 62.268 phần; 100.000 phần; Tân Uyên tự liên hệ với nhà cung ứng: 100.000 phần.
Công tác phân phối hàng hoá đến tay người dân: Giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự TP. Thuận An và thị xã Tân Uyên bố trí lực lượng, phân chia địa bàn để tiếp nhận, điều phối, cung ứng hàng hóa cho người dân theo đúng Kế hoạch và tiến độ; Chỉ đạo lực lượng quân sự phường, lực lượng dân quân khu phố phối hợp lực lượng của khu phố do UBND các phường phân công để tiếp nhận lương thực, thực phẩm tại các phường, cấp phát đến tay người dân các khu phố.
Hơn 5 tấn rau, củ được Ủy ban MTTQ tỉnh chuyển xuống hỗ trợ cho người dân tại phường Bình Hòa, TP. Thuận An, Bình Dương.
Triển khai thực hiện Kế hoạch số 1903/KH-UBND tại 4 phường trên địa bàn Dĩ An
UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND TP. Dĩ An phối hợp với Sở Công thương thực hiện cung ứng hàng hoá cho người dân qua 3 hình thức:
Vận động đơn vị Bưu điện tỉnh, Viettel Post tăng cường, mở rộng các điểm bán hàng cố định cho người dân tại 4 phường nêu trên; tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân tăng cường tổ chức bán hàng lưu động đến các chốt phong toả;
Thông qua các siêu thị, cửa hàng tiện lợi cung cấp hàng cho người dân qua hình thức online, địa điểm giao hàng là các chốt phong toả trong khu vực.
Cả 3 phương thức nêu trên do ban quản lý khu phố, các tổ COVID-19 cộng đồng, lực lượng tình nguyện chịu trách nhiệm nhận hàng tại các chốt và đưa hàng đến tay người dân bằng hình thức: đi chợ thay; giao hàng thay để phục vụ nhu cầu lương thực, thực phẩm cho người dân.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Phòng, chống Covid tỉnh giao Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương chỉ đạo Liên đoàn Lao động và Hôi Chữ thập đỏ tỉnh tiếp nhận nguồn hàng viện trợ của các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân thông qua các đơn vị trực thuộc tuyến huyện để tiếp nhận hàng hoá nêu trên và phân phối đến các đối tượng người dân nghèo, người yếu thế, người lao động tự do và công nhân mất việc do ảnh hưởng bởi COVID-19. Thông qua kênh 1022 của tỉnh và các giao thức công nghệ khác để tiếp nhận thông tin về nhu cầu cần cứu trợ của người dân nhằm đảm bảo không ai bị thiếu lương thực, thực phẩm theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Tại 4 phường của TP. Thuận An
Luỹ kế đến hết ngày 29/8/2021, Phòng Kinh tế đang phối hợp UBND 4 phường và các đơn vị cung cấp lương thực, thực phẩm triển khai giao đến kho của các phường như sau: gạo: 1.725,95 tấn (đạt 59,4%), mì gói: 1.139.926 gói (36,8%), nước chấm: 363.710 chai (42,3%), dầu ăn: 266.807 chai (68,9%), bột canh 452.939 gói (86,8%), cá hộp 162.000 hộp (83,8%), cá 144,66 tấn (48%), thịt các loại 30,04 tấn (41,6%), xúc xích 232.255 thùng (40%), rau củ quả 1.176,24 tấn (57%), khô cá cơm: 12,41 tấn (97,8%). Tất cả số hàng hoá trên đã và đang được phân chia, cấp phát đồng đều người dân trên địa bàn 4 phường.
Ngoài ra, thành phố đã phối hợp Siêu thị AEON chuyển bổ sung thêm cho UBND 4 phường vùng đỏ hàng hóa thiết yếu để hỗ trợ nhân dân: luỹ kế: 4.300 compo hàng thiết yếu (tổng giá trị 1.574.838.960 đồng).
Tại 7 phường của thị xã Tân Uyên
Luỹ kế đến ngày 29-8-2021, Phòng Kinh tế đang phối hợp UBND 7 phường và các đơn vị cung cấp lương thực, thực phẩm triển khai giao đến kho của các phường như sau: gạo: 1.628,1 tấn (đạt 65%), mì gói: 963.236 gói (36,3%); nước chấm 340.373 chai (51,3%), dầu ăn 216.879 chai (67,1%), bột canh 159.118 gói (31,9%), combo (cá hộp + xúc xích + trứng) 310.828 phần (40,9%), cá 30,6 tấn (44%), thịt các loại 113,7 tấn (47,6%); rau củ quả 1442,1 tấn (52%), khô cá cơm: 6,9 tấn (94,4%). Tất cả số hàng hoá trên đã và đang được cấp phát cho nhân dân trên địa bàn 7 phường.
Như vậy, tính đến ngày 29-8-2021, nhà cung ứng Công ty CP DV TM TH Vincommerce - Chi nhánh Bình Dương đã chuyển giao xong hàng hoá đợt 1 và một phần hàng hoá của đợt 2 cho UBND 11 phường theo kế hoạch. Hàng hoá sau khi tiếp nhận đã được các phường phân chia và cấp phát theo hướng hàng đến đâu, phân phát đồng đều đến đấy và đến tất cả các hộ dân đảm bảo ai cũng nhận được lương thực, thực phẩm; đến nay lực lượng tại các khu phố đã thực hiện cấp phát hầu hết lượng hàng hóa đã tiếp nhận cho người dân.
Bên cạnh đó, UBND TP. Thuận An và thị xã Tân Uyên đã chủ động phối hợp với các đơn vị cung ứng khác (các siêu thị; hàng hoá từ vùng xanh; hàng viện trợ của các tổ chức, cá nhân; bán hàng lưu động,...) để cung ứng thêm hàng hoá cho người dân.
Tại 4 phường của thị xã Dĩ An: UBND thành phố đã chỉ đạo Phòng Kinh tế phối hợp UBND các phường, các công ty, các siêu thị và cửa hàng tiện ích tổ chức cung ứng hàng hoá cho người dân:
- Siêu thị Big C cung ứng hàng thiết yếu cho phường Đông Hòa, Bình Thắng.
- Các cửa hàng tiện ích (Vinmart+, Bách hóa xanh, COOP FOOD) cung ứng theo địa bàn hoạt động của từng cửa hàng trên 7 phường.
- Bưu điện Dĩ An cung ứng hàng thiết yếu cho phường Dĩ An thông qua các điểm bán hàng bình ổn cố định.
- Công TNHH XTTM Tuấn Khanh cung ứng hàng thiết yếu cho phường Tân Bình, Bình An, Bình Thắng.
- Công ty TNHH Quan Ri cung ứng hàng thiết yếu cho phường An Bình.
Hiện nay Dĩ An đã áp dụng “Chương trình đi chợ thay cho người dân Dĩ An” thông qua việc đăng ký trực tuyến trên website dian.binhduong.gov.vn. Giao ban quản lý khu phố, các tổ COVID-19 cộng đồng, lực lượng tình nguyện chịu trách nhiệm nhận hàng tại các chốt và đưa hàng đến tay người dân bằng hình thức: đi chợ thay; giao hàng thay để phục vụ nhu cầu lương thực, thực phẩm cho người dân trên địa bàn Thành phố.”
Một nhóm combo trên website landingpage “Đi chợ thay cho người dân Dĩ An”.
H.Hào