Đà Nẵng những ngày này, phố vắng vẻ không một bóng người, những hàng cây đứng lặng im giữa đất trời. Dọc theo từng con phố, có những đóa hoa lặng lẽ tỏa hương sắc, những đóa hoa của tình người, của những tấm lòng vì cộng đồng, của tinh thần kỷ luật trong những ngày tháng hoạn nạn.
Lực lượng Công an Đà Nẵng làm nhiệm vụ trong thời gian Thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Những đóa hoa trên phố là hình ảnh bó rau, củ, quả sắp ngay ngắn trên vỉa hè, trước hiên nhà ở từng khu phố. Đó còn là hình ảnh người dân xếp hàng, lần lượt đợi đến lượt mình để xét nghiệm ở các khu dân cư.
Hình ảnh đó gắn liền với sự tận tụy, đầy nhiệt huyết của tổ trưởng tổ dân phố, ban điều hành khu dân cư. Họ chính là đóa hoa lặng lẽ nhất, âm thầm lan tỏa những tình cảm ấm áp trong những ngày tháng dịch giã, lo những nỗi lo dẫu rằng không phải của mình.
Những hình ảnh này còn gợi cho chúng ta nhớ đến tính nền nếp, kỷ luật, văn hóa xếp hàng và ứng xử ở nơi công cộng của một thời gian khó đất nước đã đi qua mà có lẽ trong nhịp điệu phát triển hôm nay dường như đã vắng bóng từ rất lâu trong đời sống thị dân tại các đô thị ở nước ta.
Người dân Đà Nẵng được lấy mẫu để xét nghiệm theo đúng quy định trong việc phòng, chống dịch COVID-19.
Trên toàn địa bàn Thành phố hiện có gần 3 ngàn tổ dân phố. Một tổ dân phố, ít nhất cũng 60 nóc nhà, nhiều thì cũng hơn cả 100 nóc nhà. Hoạt động của tổ dân phố ở nhiều địa phương phần lớn đã phát huy được những mặt tích cực, góp phần quản lý cư trú, giữ gìn an ninh trật tự và phòng, chống tội phạm, giúp nhau giảm nghèo và xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.
Để gắn kết, sẻ chia, lo lắng cho cả một cộng đồng dân cư, cũng như làm “cầu nối” triển khai các chủ trương, chính sách của Thành phố, địa phương đến từng hộ dân trong tổ dân phố không phải là điều dễ dàng đối với tổ trưởng tổ dân phố - những con người nhận trách nhiệm trên tinh thần tự nguyện. Đặc biệt, trong thời khắc cả Thành phố đang trải qua những gian nan, khó khăn, “oằn mình” chống chọi với dịch bệnh, công việc của những tổ trưởng tổ dân phố và ban điều hành khu dân cư càng vất vả bội phần hơn.
Để bảo đảm nhu cầu về lương thực, thực phẩm của người dân, hiện nhiều quận đã triển khai các điểm bán hàng lưu động đến tận khu dân cư.
Đã gần 10 ngày qua, Thành phố thực hiện các biện pháp phòng dịch cấp bách, “ai ở yên đó” nên người dân bây giờ từ việc đi chợ, mua thuốc cho đến nhà hết gạo, thiếu sữa cho con… đều gọi tên ông/bà tổ trưởng. Họ trở thành những người shipper, đi chợ giúp cho cả trăm hộ dân. Một ngày của các tổ trưởng dân phố, ban điều hành khu dân cư trong những ngày này bận rộn từ sáng đến khuya, như một vòng quay đều không ngừng nghỉ. Từ đọc tin nhắn, trả lời tin nhắn, nghe điện thoại, tiếp nhận rau củ quả phân chia đến từng nhà, lấy danh sách xét nghiệm, đăng ký tiêm chủng, đi chợ giúp người dân cho đến “đi từng ngõ gõ từng nhà” nhắc đi xét nghiệm,... và cả những việc không tên khác, đều ập lên vai tổ trưởng tổ dân phố và ban điều hành khu dân cư.
Những khu phố vắng vẻ, người người nhà nhà cửa đóng then cài, còn ở ngoài phố, những tổ trưởng dân phố, ban điều hành khu dân cư vẫn không ngại hiểm nguy, lăn xả trên từng góc phố, không cần biết những rủi ro tiềm ẩn dịch bệnh có thể đem lại; hay như mới vừa hôm qua thôi, chúng ta ai ai cũng thắt lòng khi hay tin một bác Tổ trưởng gặp tai nạn giao thông trên đường chở rau về cung ứng cho các hộ dân. Khó có thể nói hết sự tận tụy, vất vả của họ - những cánh tay nối dài của chính quyền ở cơ sở. Đó là những công việc mà chỉ có sức trẻ của tuổi hai mươi mới đảm đương nổi, dẫu phần nhiều trong số họ là hưu trí, tuổi tác đã cao, sức khỏe không còn được tốt.
Điểm bán hàng lưu động được các đơn vị cung ứng mở tại khu dân cư để cung cấp những mặt hàng thiết yếu cho người dân.
Dịch giã khó khăn muôn vàn nhưng ít nhất cũng đã đem đến cho chúng ta những phút giây lắng đọng, để nhìn lại, để quan sát, nghĩ nhiều hơn, cảm nhận nhiều hơn về những gì đang diễn ra xung quanh.
Trong xa lộ thông tin rộng lớn của thế giới mà chúng ta đang hằng ngày tương tác, có lối nhỏ thông tin mà chẳng mấy ai lưu tâm. Đó là lối nhỏ thông tin từ phường, từ người dân trong tổ hằng ngày “ùa về” tổ trưởng tổ dân phố - những người mà có lẽ trong dòng chảy mưu sinh hằng ngày, có nhiều người trong chúng ta chưa bao giờ biết tổ dân phố mình tổ mấy, tổ trưởng là ai?
Thế nhưng với những tổ trưởng tổ dân phố và những thành viên của ban điều hành khu dân cư, có nề hà gì đâu, bất kỳ một việc gì sẻ chia được với người dân họ đều xắn tay vào làm... Với họ, không hề tồn tại khái niệm nhiệm kỳ, chỉ có sự tín nhiệm của bà con nhân dân khu phố và sự nhiệt thành, tấm lòng không quản ngại khó khăn vì cộng đồng khu dân cư đã đi theo cùng họ trên mỗi bước chân đến từng góc phố, ngõ hẻm ở khu phố.
Lực lượng dân quân hỗ trợ ban điều hành khu dân cư mua sắm lương thực thực phẩm cho người dân.
Những khó khăn, vất vả của tổ trưởng tổ dân phố, ban điều hành dân cư trong bối cảnh này cũng cho chúng ta nhìn nhận một cách sâu sắc hơn nữa về vai trò của những cánh tay nối dài của chính quyền ở cơ sở. Đồng thời cũng gợi mở thêm cho chính quyền thành phố để tiếp tục chăm lo, nâng cao hoạt động và năng lực hoạt động của tổ trưởng tổ dân phố, ban điều hành khu dân cư nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một đô thị sống tốt.
Còn chúng ta rồi đây, một mai đi qua cơn hoạn nạn, tất tả trở về với những tất bật, lo toan của đời thường, liệu rằng có mấy ai trong chúng ta còn nhớ về những đóa hoa trên phố, những nền nếp, kỷ luật, nếp sống văn hóa đô thị đã từng có trong những ngày dịch giã và những con người nhiệt huyết vì cộng đồng.
Kỳ Hà