Bình Dương: triển khai Kế hoạch khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới




Hoạt động phòng, chống dịch đạt được nhiều kết quả tích cực

Bình Dương với dân số trên 2,5 triệu người; đã xuất hiện ca dương tính ngoài cộng đồng đầu tiên vào ngày 31-1-2021; lũy kế đến nay (tính đến 6 giờ ngày 14-9) Tỉnh đã có 160.715 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 113.565 bệnh nhân khỏi bệnh và 1.420 ca tử vong. Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư đã tác động tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm của tỉnh và dự kiến còn tiếp tục ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển của cả năm 2021.  

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cùng với sự quan tâm sâu sát của Trung ương, sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của cộng đồng để phòng, chống dịch, bước đầu đã đạt được kết quả khả quan. Hiện tại, số ca nhiễm có chiều hướng giảm, công tác thu dung, điều trị từng bước đảm bảo, tỷ lệ tử vong được kiềm giữ, số lượng vùng xanh được mở rộng, có 6 đơn vị cấp huyện công bố vùng xanh trở lại trạng thái bình thường mới. Hoạt động phòng, chống dịch đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là về tiêm chủng vắc-xin (tổ chức tiêm vắc-xin 1.852.847 liều  với 1.801.374 người mũi 1 và 51.473 người mũi 2) và trưng dụng hiệu quả các hệ thống công trình làm bệnh viện dã chiến và cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân. Người dân và doanh nghiệp đã dần thích nghi với trạng thái dịch bệnh, chủ động tự bảo vệ mình, đồng thời nhiều doanh nghiệp đã xây dựng được phương án sản xuất an toàn với các mô hình phù hợp ngay giữa đại dịch.

Dự kiến sau 15-9 tình hình dịch bệnh của tỉnh từng bước sẽ được kiểm soát chặt chẽ và chuyển biến khả quan, mục tiêu mở rộng vùng xanh và khóa chặt, từng bước thu hẹp vùng đỏ sẽ được các cấp tập trung thực hiện hiệu quả, đặc biệt là khi việc tiêm ngừa vắc-xin đạt đến mức miễn dịch cộng đồng. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh Bình Dương sẽ sớm khôi phục nền kinh tế và mở cửa đi vào trạng thái hoạt động bình thường mới.

“An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn

Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sỹ” trong phòng, chống dịch. Sắp xếp, tổ chức lại hệ thống y tế tuyến cơ sở, tổ chức thêm các trạm y tế lưu động để đưa dịch vụ y tế đến gần dân, công nhân nhất ngay tại xã, phường, thị trấn, các khu, cụm công nghiệp và trong từng doanh nghiệp, bảo đảm người dân được tiếp cận y tế nhanh nhất ở mọi lúc, mọi nơi, từng bước đưa công tác phòng, chống dịch COVID -19 như công tác phòng, chống dịch bệnh thông thường khác.

Tuyệt đối không được chủ quan, nóng vội nới lỏng các yêu cầu giãn cách đối với những địa phương chưa thật sự kiểm soát được dịch bệnh. Tránh 2 khuynh hướng: Lơ là, mất cảnh giác khi phòng, chống dịch mới đạt được kết quả ban đầu và chủ quan, nóng vội muốn mở lại ngay các hoạt động sản xuất - kinh doanh khi chưa chuẩn bị tốt, chưa an toàn đã nới lỏng các biện pháp chống dịch. Người đứng đầu các địa phương hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu trong quá trình điều hành khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội để bùng phát dịch bệnh trên địa bàn quản lý.

Từng bước nới lỏng giãn cách xã hội phù hợp với mức độ kiểm soát dịch bệnh của từng địa phương và trong toàn tỉnh, kèm theo các điều kiện phòng, chống dịch cụ thể. Quyết định nới lỏng, thắt chặt hay giữ nguyên giãn cách xã hội được quyết định trên cơ sở tình hình dịch bệnh của từng địa phương (số ca lây nhiễm, chuyển nặng, tử vong, tỷ lệ tiêm vắc-xin, năng lực chữa trị…) tại mỗi địa bàn đi kèm với các mốc thời gian áp dụng biện pháp an toàn phòng, chống dịch phù hợp.

Quán triệt phương châm “An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Tuân thủ các hướng dẫn về an toàn phòng chống dịch của Bộ Y tế trong từng ngành, lĩnh vực gắn với điều kiện cụ thể, đặc thù của từng địa phương trong tỉnh; quyết tâm bảo vệ được thành quả chống dịch; nhanh chóng thu hẹp vùng đỏ, mở rộng, bảo vệ vững chắc vùng xanh.

Từng bước mở cửa, hồi phục kinh tế, giải quyết việc làm và tổ chức thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc. Giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội”.

Đồng chí Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương tại trao quyết định công bố TP. Thủ Dầu Một trở thành “vùng xanh” trên bản đồ COVID-19 của tỉnh, đưa thành phố trở lại trạng thái bình mới
(Ảnh: báo Bình Dương).

Khuyến khích người dân tự xét nghiệm tại gia đình

Đối với “Vùng đỏ” tiếp tục kiên trì xét nghiệm 100% dân số theo công thức 1-3-5 của ngành Y tế với tinh thần tập trung thần tốc, quyết liệt trong sàng lọc, “làm đến đâu, sạch đến đó” để chuyển hóa các địa bàn vùng đỏ trong tháng 9-2021. Đối với “Vùng vàng, vùng cam, vùng xanh” thì tổ chức xét nghiệm nghiêm theo đúng hướng dẫn của ngành y tế để nhanh chóng bóc tách F0, xử lý kịp thời không để lây lan.

Tổ chức xét nghiệm với lộ trình từng bước tiến tới bình thường mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế; xét nghiệm điều tra dịch tễ (nhằm dự báo tình hình, đưa ra các giải pháp phòng chống dịch phù hợp) và xét nghiệm dùng cho điều trị. 

Từng bước khuyến khích người dân tự xét nghiệm tại gia đình. 

Đạt mục tiêu bao phủ mũi một cho 100% người dân trong tháng 9

Đến ngày 15-9 phải đạt mục tiêu bao phủ mũi một cho 100% người dân trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện. Trên cơ sở số lượng vắc-xin được cung cấp, chủ động điều phối, phân bổ thật hợp lý để cố gắng đảm bảo thời gian tối thiểu lịch tiêm chủng của từng loại vắc-xin (đảm bảo thời gian tiêm giữa mũi 1 và mũi 2). Ưu tiên tiêm mũi 2 cho lực lượng shipper, lao động trong các doanh nghiệp vận tải, logistics, các ngành dịch vụ – thương mại quan trọng, các khu, cụm công nghiệp... 

Chuẩn bị các bước để tăng cường tốc độ tiêm vắc-xin phòng COVID-19 mũi 2 cho toàn bộ người dân trên địa bàn tỉnh: Xây dựng kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển, phân phối vắc-xin từ Trung ương về tỉnh, huyện, xã một cách chi tiết, cụ thể; đào tạo, huấn luyện các đội hỗ trợ, các đội tình nguyện về kỹ thuật khám sàng lọc, tiêm chủng; củng cố, kiện toàn đội ngũ nhập liệu tiêm chủng để nhập liệu kịp tiến độ tiêm chủng lên hệ thống tiêm chủng quốc gia. 

Có cơ chế giám sát, chế tài đối với bệnh nhân F0 thực hiện cách ly, điều trị tại nhà

Phải tổ chức tốt công tác điều chuyển F0 để sử dụng hết công năng các bệnh viện dã chiến của tỉnh; kịp thời cho F0 đủ điều kiện và thời gian được xuất viện theo hướng dẫn của ngành Y tế để sắp xếp, từng bước thu gọn các cơ sở cách ly điều trị ở tuyến huyện; đồng thời, tổ chức lại lực lượng và đảm bảo đầy đủ thuốc, oxy… cho các tầng điều trị bệnh nhân, giảm thiểu tối đa tử vong do COVID-19.

- Nghiên cứu, ban hành biện pháp xử lý đối với các F0/F1 đã tiêm vắc-xin theo hướng cách ly tại nhà và được cung cấp “túi thuốc an sinh”. Huy động hệ thống y tế tư nhân, các bác sĩ đã nghỉ hưu và nhân lực từ các ngành nghề khác tham gia hướng dẫn, tư vấn cho F0 cách ly tại nhà, kết nối với cơ sở y tế để kịp thời cấp cứu khi có dấu hiệu trở nặng. Có cơ chế giám sát, chế tài để bệnh nhân F0 thực hiện cách ly, điều trị tại nhà. Không để xảy ra trường hợp bệnh nhân F0 tử vong tại nhà.

Tổ chức lại hệ thống y tế 

Đối với tuyến xã: 
Tổ chức tốt hệ thống giám sát và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Lấy trạm y tế xã, phường làm trung tâm, thành lập các trạm y tế lưu động trực thuộc trạm y tế xã, phường, thị trấn với số lượng phù hợp với dân số của từng khu vực để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trong giai đoạn mới và đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. 

Huy động lực lượng y tế và các cộng tác viên tại khu, ấp; tuyên truyền, vận động cán bộ y tế về hưu và tuyển chọn người mắc COVID đã khỏi bệnh để tham gia thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân và phòng, chống dịch tại cơ sở. 

Đến ngày 15-9-2021 phải đảm bảo 100% các xã, phường, thị trấn đều có trạm y tế lưu động được thành lập và chính thức đi vào hoạt động. 

Đối với tuyến huyện: 
Phấn đấu đến đầu tháng 11-2021, các địa phương cấp huyện phải chủ động bố trí riêng một bệnh viện/trung tâm hoặc từ 2 hoặc 3 huyện có dân số thấp, giáp ranh nhau có thể bố trí một bệnh viện/ trung tâm để dùng chung để chuyên thu dung điều trị F0 tầng 1 và tầng 2 trong tháp điều trị COVID 3 tầng của Bộ Y tế.

Từng bước hoàn trả lại các trường học, nhà xưởng… đã trưng dụng để làm nơi cách ly, thu dung điều trị để phục vụ giảng dạy, sản xuất. 

Đối với tuyến tỉnh 
Tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động của các bệnh viện, trung tâm y tế tuyển tỉnh, trong đó phải duy trì tốt các bệnh viện chuyên thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ở tầng 3 để vừa thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân vừa điều trị bệnh nhân COVID. 

Đối với hệ thống y tế tư nhân trên địa bàn
Phải được tổ chức theo hướng vừa thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh thông thường theo quy định, vừa điều trị bệnh nhân COVID-19, đồng thời tham gia công tác phòng, chống dịch trên địa bàn

Đối với các khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp
Đến ngày 15-10 phải thành lập và tổ chức hoạt động các trạm y tế lưu động trong các khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn theo hướng: Các doanh nghiệp phải tổ chức bộ phận y tế đúng theo Nghị định số 36/2016/NĐ-CP, ngày 15-5-2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động; đồng thời mỗi khu, cụm công nghiệp tùy theo số lượng công nhân phải thành lập số lượng trạm y tế lưu động phù hợp để đảm bảo vừa làm tốt các nhiệm vụ y tế theo quy định, vừa thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong doanh nghiệp. Khuyến khích xã hội hóa tham gia vào nhiệm vụ này

Đồng chí Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương (thứ 4 bên trái), trao Quyết định công nhận “vùng xanh” trên địa bàn TX. Bến Cát trở lại trạng thái bình thường mới
(Ảnh: Ban Tuyên giáo Bình Dương).

3 giai đoạn phục hồi kinh tế

Giai đoạn 1: từ 15-9-2021 đến 31-10-2021:

Ưu tiên triển khai việc phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn các vùng xanh gồm các huyện phía Bắc: Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, thị xã Bến Cát và TP. Thủ Dầu Một.

Tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp khóa chặt vùng đỏ, điểm đỏ; mở rộng vùng xanh. Thần tốc xét nghiệm để nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.

Về tổ chức sản xuất - kinh doanh và lưu thông: thực hiện theo quy định tại Công văn số 4547/UBND-VX ngày 9-9-2021 của UBND tỉnh về việc khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới và công văn số 4593/UBND-VX ngày 10-9-2021 của UBND tỉnh về phương án lưu thông liên huyện vùng xanh trên địa bàn huyện phía Bắc.

Giai đoạn 2: từ sau 31-10-2021

Nếu vắc-xin được cung cấp liên tục, đầy đủ, khoảng đầu tháng 10-2021, Bình Dương sẽ hoàn thành tiêm đủ 2 mũi vắc-xin cho toàn bộ người dân trong tỉnh. Sau 15 ngày để vắc-xin phát huy tác dụng là khoảng ngày 31-10-2021 sẽ cơ bản đạt miễn nhiễm cộng đồng.

Trường hợp kiểm soát dịch bệnh thành công và không còn vùng đỏ, vùng vàng: mở cửa lại các hoạt động kinh tế - xã hội một cách có chọn lọc, ưu tiên các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại, loại trừ một số ngành nghề nhạy cảm, dễ gây bùng phát dịch như: karaoke, vũ trường, quán bar, massage... (giao ngành Y tế và các ngành có liên quan tham mưu danh mục cụ thể).

Trường hợp diễn biến dịch xấu hơn: Tùy theo mức độ và khuyến nghị của ngành Y tế, sẽ điều chỉnh quay về giai đoạn trước đó hoặc quản lý chặt hơn.

Giai đoạn 3: từ sau 31-12-2021

Trường hợp kiểm soát dịch bệnh thành công và không còn vùng đỏ, vùng vàng: mở cửa lại toàn bộ hoạt động kinh tế xã hội. Một số ngành nghề nhạy cảm, dễ gây bùng phát dịch sẽ phải có tiêu chí điều kiện hoạt động (giao ngành Y tế và các ngành có liên quan tham mưu các điều kiện, thời gian và tiêu chí áp dụng khi cho phép hoạt động trở lại).

Trường hợp diễn biến dịch xấu hơn: Tùy theo mức độ và khuyến nghị của ngành Y tế, sẽ điều chỉnh quay về giai đoạn trước đó hoặc quản lý chặt hơn.



Nhiều biện pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất

Về hỗ trợ tín dụng:
Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bình Dương: tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 2-4-2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. 

Về hỗ trợ thực hiện các chính sách thuế - bảo hiểm xã hội
Giao Cục Thuế tỉnh chủ động triển khai đến doanh nghiệp với thủ tục rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu và hỗ trợ doanh nghiệp tối đa để được hưởng các chính sách hỗ trợ tại Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19-4-2021 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021.

Theo dõi và chủ động nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh đối với các nội dung kiến nghị Chính phủ về chính sách miễn, giảm, gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 là sự kiện bất khả kháng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Bảo hiểm xã hội tỉnh: nghiên cứu, kiến nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam chính sách hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp. Hoãn nộp và giữ nguyên quyền lợi của người lao động bảo hiểm xã hội đến tháng 6-2022.

Song song với đó, các chính sách, giải pháp như: về hỗ trợ các chính sách về lao động; hỗ trợ tiếp cận thị trường; hỗ trợ tổ chức lại hoạt động sản xuất - kinh doanh theo lộ trình; thúc đẩy đầu tư; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ; đảm bảo các hoạt động an sinh xã hội; về công tác giáo dục - đào tạo; về công tác thông tin và truyền thông; đảm bảo các hoạt động an sinh xã hội; về đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội … được tỉnh quan tâm, lập kế hoạch và có nhiều giải pháp cụ thể để thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả sau ngày 15-9.

H.Hào

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất