TP.HCM: tiếp tục giãn cách xã hội trên toàn Thành phố theo Chỉ thị 16 dự kiến đến cuối tháng 9

Toàn cảnh Họp báo.
Cần Giờ, Củ Chi, Quận 7 cơ bản đã kiểm soát được dịch

Phát biểu tại Họp báo, đồng chí Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND thành phố cho biết, trong thời gian dài thực hiện phòng, chống dịch COVID-19, cao điểm là từ 23-8 đến nay, Thành phố đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ Trung ương; sự chia sẻ, hỗ trợ của các tỉnh, thành phố trên cả nước; sự đồng thuận cao của người dân trong và ngoài nước, sự chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn.

Quan trọng nhất là những chỉ đạo, biện pháp quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả của cả hệ thống chính trị cơ sở giúp cho các pháo đài của các xã, phường, thị trấn, các nhà máy, xí nghiệp làm tốt hơn công tác phòng, chống dịch; công tác giãn cách xã hội được thực hiện nghiêm túc; tỉ lệ vùng đỏ, vùng cam được thu hẹp khá rõ, vùng xanh được mở rộng hơn.

Nhờ đó, các địa phương như Cần Giờ, Củ Chi, Quận 7 đã đạt được những kết quả tích cực. Đối chiếu theo bộ tiêu chí của Bộ Y tế, đây là những nơi cơ bản kiểm soát được dịch. Ngoài ra, các quận, huyện như: Phú Nhuận, Nhà Bè, Quận 5, Quận 11 cũng đạt kết quả tốt và sẽ công bố những kết quả tích cực sau ngày 15-9.

Công tác quản lý, thu dung, điều trị F0 có những cải thiện đáng kể. F0 được phân loại, tư vấn thường xuyên, tiếp cận với thuốc sớm, hỗ trợ y tế kịp thời khi có yêu cầu. Sự tăng cường trạm y tế lưu động, hoạt động có hiệu quả của các tổ quân y đã góp phần giúp công tác thu dung, hỗ trợ F0 tại nhà, tại cộng đồng đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác điều trị tại tầng 2, 3 có nhiều tiến triển, kết quả dùng thuốc, sự liên thông, điều phối giữa các tầng cũng góp phần không nhỏ đến việc giảm số ca tử vong, cấp cứu.

Thời gian tới, tuỳ vào chuyển biến của từng địa bàn, Thành phố sẽ cho mở một số hoạt động dịch vụ như: hệ thống siêu thị gắn với shipper, các dịch vụ thương mại điện tử, dịch vụ ăn uống mang về,…

Đồng chí Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại Họp báo.
Tiếp tục giãn cách xã hội trên toàn Thành phố theo Chỉ thị 16 dự kiến đến cuối tháng 9.

Theo đồng chí Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND thành phố, bên cạnh những kết quả tích cực, TP.HCM vẫn có một số tiêu chí chưa hoàn thành. Do đó, để đảm bảo kết quả phòng, chống dịch được bền vững hơn, có sự chuẩn bị thêm cho giai đoạn phục hồi, mở cửa; Thành phố quyết định tiếp tục giãn cách xã hội trên toàn Thành phố theo Chỉ thị 16 dự kiến đến cuối tháng 9. Trong đó, một số địa bàn có kết quả kiểm soát dịch bệnh tốt như Cần Giờ, Củ Chi, Quận 7, Phú Nhuận, Nhà Bè, Quận 5, Quận 11 có thể áp dụng theo tinh thần Chỉ thị 16- hoặc 15+.

Từ nay đến cuối tháng 9, Thành phố sẽ tập trung củng cố các kết quả, tập trung cho hoạt động tiêm vắc-xin. Thành phố phấn đấu đạt tỉ lệ người dân được tiêm ngừa COVID-19 mũi 1 cao nhất; tăng tốc tiêm mũi 2 để đẩy nhanh tốc độ bao phủ vắc-xin. Đây cũng là điều kiện để Thành phố nhanh chóng mở cửa lại các hoạt động kinh tế, xã hội. 

Kế hoạch phục hồi kinh tế sau tháng 9 

Thành phố cũng tiếp tục củng cố năng lực của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, củng cố trạm y tế cố định, phát triển thêm trạm y tế lưu động, quan tâm đầu tư phát triển y tế dự phòng, y tế công cộng. Qua đó, mở rộng năng lực điều trị, nâng khả năng tiếp nhận, điều trị của hệ thống y tế.

Song song với đó, Thành phố còn chuẩn bị kỹ kế hoạch phục hồi kinh tế cho giai đoạn sau tháng 9 trở đi. Thành phố sẽ sớm hoàn thiện kế hoạch phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế để tổ chức lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, người dân. Từ đó, giúp kế hoạch đáp ứng mục tiêu vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa mở cửa, phục hồi nền kinh tế.

Thành phố tiếp tục mở rộng các thí điểm; cụ thể, mở rộng thêm một số dịch vụ an toàn để phục vụ nhu cầu người dân, doanh nghiệp như sản xuất thực phẩm, thiết bị y tế, dược phẩm, giao hàng, phân phối, vận tải, logistic, viễn thông, báo chí, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, dịch vụ công ích…

Thành phố sẽ có gói hỗ trợ theo tháng trong thời gian tới

Ngày 13-9-2021, Trung tâm An sinh thành phố đã tiếp nhận các mặt hàng nhu yếu phẩm gồm gạo, lạc... của đơn vị Viettel tỉnh Thái Nguyên trị giá hơn 109.200.000 đồng. Hàng nhập kho để thực hiện các phần quà an sinh. Ngoài ra các kho đã hoàn thành và bàn giao các phần quà an sinh đến người dân trị giá 239.000.000 đồng.

Từ ngày 15-8-2021 đến 13-9-2021, tổng số túi an sinh đã chuyển quận, huyện, TP. Thủ Đức là 1.778.660 túi (trong ngày 13-9-2021 không phát sinh túi an sinh).

“Khi thực hiện giãn cách thời gian kéo dài, an sinh cho người dân là vấn đề hết sức quan trọng. Thời gian vừa qua, Thành phố đã có nhiều gói hỗ trợ (gói thứ nhất, gói thứ 2 gồm đợt 1, đợt 2). Ngoài hỗ trợ về tiền, Thành phố cũng tiến hành cấp nguồn gạo hỗ trợ từ Chính phủ đến các xã, phường, thị trấn, các túi an sinh cho người dân. Hiện tại, Thành phố đã cấp gần 6.500 tỷ, trong đó khoảng 1.400 tỷ vận động từ nguồn xã hội hoá, còn lại là từ ngân sách của thành phố.

Do thời gian giãn cách kéo dài, số lượng người dân gặp khó khăn ngày càng tăng, dẫn tới việc rà soát, thống kê danh sách tại các địa bàn chưa đầy đủ. Để khắc phục vấn đề này, bên cạnh việc cập nhật ngay danh sách, Thành phố cũng tính toán thêm gói hỗ trợ mới”.

- Đồng chí Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin -

Tình hình dịch bệnh đang diễn ra theo chiều khả quan

Tính đến 18 giờ 00 ngày 12-9-2021, có 298.561 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 298.088 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 473 trường hợp nhập cảnh. Hiện đang điều trị 39.290 bệnh nhân, trong đó: có 2.942 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.616 bệnh nhân nặng đang thở máy và 23 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Theo PGS, TS. Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế, số ca mắc COVID - 19 trong toàn Thành phố không giảm liên tục so 2 tuần liền kề trước đó và thấp hơn 50% so với tuần lễ mắc cao nhất.

Hiện nay, số ca mắc tại TP.HCM đang ở đường ngang và chưa có dấu hiệu đi xuống (dao động 5.000 - 6.000 ca). Vì vậy, tính đến thời điểm này, TP.HCM vẫn chưa đạt được tiêu chí kiểm soát dịch do Bộ Y tế đề ra. Tuy nhiên, Giám đốc Sở Y tế nhận định, theo số liệu đã có, tình hình dịch bệnh đang diễn ra theo chiều khả quan.

Về công tác xét nghiệm, từ 18 giờ ngày 11-9-2021 đến 18 giờ 12-9-2021 đã lấy 476.119 mẫu, trong đó có 6.564 mẫu đơn và 7.895 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 402.640 mẫu.

Hơn 90% dân số trên 18 tuổi tại TP.HCM đã được tiêm vắc-xin mũi 1

"Liên quan đến chiến dịch tiêm chủng, tổng số mũi vắc-xin đã triển khai tiêm đến ngày 12-9-2021 là 7.960.229 (tăng 185.448 mũi vắc xin so với ngày 11-9-2021). Trong đó tổng số mũi 1 là 6.529.066, mũi 2 là 1.431.163, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 906.244.

“Bộ Y tế cho triển khai chăm sóc F0 tại nhà, Sở Y tế đã có các gói thuốc điều trị F0 tại nhà. Trong đó, gói A là thuốc không cần kê toa, người dân có thể mua ở nhà thuốc khi cần, có thể sử dụng cho các bệnh lý khác không chỉ cho COVID-19. Gói B gồm thuốc kháng đông, kháng viêm, người dân không tự mua được. Gói C nằm trong chương trình can thiệp cộng đồng có kiểm soát do Bộ Y tế thực hiện, chứa loại thuốc không thể mua ở bất cứ đâu. Ngoài thuốc hạ sốt, vitamin bắt gặp ở gói A, không thuốc nào người dân có thể tự mua để điều trị COVID-19”.

- PGS, TS. Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - 

PGS, TS. Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM phát biểu tại buổi Họp báo.

Tự cách ly và điều trị tại nhà, sau khi khỏi bệnh nên tiêm vắc-xin

Về việc người dân tự làm xét nghiệm tại nhà, tự cách ly điều trị không được cấp thẻ xanh COVID, Giám đốc Sở Y tế cho biết, sắp tới, Sở Y tế sẽ tham mưu để UBND thành phố có hướng giải quyết phù hợp nhất cho những trường hợp này. Theo Giám đốc Sở Y tế, các trường hợp này nên tiêm vắc-xin, bởi không chống chỉ định tiêm vắc-xin đối với những người từng nhiễm COVID-19.

Theo đồng chí Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, thẻ xanh COVID là một trong các biện pháp đảm bảo an toàn trong việc lưu thông giữa người dân. Đây là thẻ nằm trong một ứng dụng, được phát sinh tự động dựa trên cơ sở dữ liệu. Tiêu chí của thẻ xanh được quy định bởi Sở Y tế và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố.

Sẽ gom chung thành 1 ứng dụng

Người dân phản ánh hiện nay có quá nhiều ứng dụng, gây khó khăn trong công tác quản lý của Nhà nước và khó khăn cho người dân khi sử dụng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, lãnh đạo TP.HCM và Trung ương đã nhận ra vấn đề này và sẽ gom chung tất cả thành 1 ứng dụng. Ứng dụng này sẽ tích hợp dữ liệu tiêm vắc-xin, kết quả xét nghiệm, mã QR của các phương tiện vận tải,… “TP.HCM đã chủ động giải pháp của mình và báo cáo xin Trung ương được chủ động triển khai. Sắp tới, khi có quyết định của Trung ương, Thành phố dự kiến sẽ thí điểm tại 3 địa phương là Cần Giờ, Củ Chi, Quận 7” – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chia sẻ.

Còn theo đồng chí Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế, thẻ xanh COVID không thể thay thế cho 2 giải pháp quan trọng là 5K và xét nghiệm vì người đã tiêm vắc-xin, có kháng thể vẫn có thể mang vi rút trong người và lây bệnh cho người khác. Do đó, thẻ xanh phải cộng 5K, xét nghiệm theo quy định của Bộ Y tế.

H.Hào

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất