Câp ủy đảng ở Quảng Trị lãnh đạo công tác tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước
Các tập thể nhận Cờ thi đua của Chính phủ tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Quảng Trị.
Xác định công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước nên thời gian qua các cấp ủy đảng tỉnh Quảng Trị chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đa dạng, phong phú. Nhiều phong trào thi đua yêu nước được triển khai thực hiện một cách đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, mang lại hiệu quả thiết thực. Các phong trào thi đua yêu nước đã góp phần quan trọng và làm phong phú, cụ thể việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ tác động tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xoá đói - giảm nghèo, mà còn góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy nhà nước, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đẩy lùi tệ nạn quan liêu, tham nhũng; giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc.

Công tác tuyên truyền “đi trước một bước” góp phần nâng cao nhận thức, tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Nhiều phong trào thi đua yêu nước gắn với các lĩnh vực của đời sống xã hội như: phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Thi đua dạy tốt, học tốt”, “Lương y như từ mẫu”, thầy thuốc như mẹ hiền”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xóa đói, giảm nghèo”, “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, "Giành 3 đỉnh cao quyết thắng", "Xứng danh anh Bộ đội cụ Hồ", "Vì an ninh Tổ quốc", "Bảo vệ đường biên, cột mốc"…

Các phong trào thi đua gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thiết thực, hiệu quả, trở thành động lực động viên cán bộ, hội viên, đoàn viên và nhân dân có trách nhiệm với cuộc sống cộng đồng góp sức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Một trong những phong trào thi đua hiệu quả, rộng khắp nhất là “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mớivới sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, ban, ngành, các địa phương và nhân dân. Từ thực hiện phong trào này, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn được đổi mới, đời sống người dân được cải thiện; cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường đầu tư; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố và phát triển, nhân dân tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quản lý của chính quyền các cấp. Đến nay toàn tỉnh đã có 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn còn hạn chế. Đó là, công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, liên tục; nhiều địa phương còn mang tính hình thức; việc tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác khen thưởng thực hiện chưa thật chặt chẽ, thậm chí thiếu nghiêm túc...

Để các phong trào thi đua yêu nước thực sự trở thành động lực, phong trào hành động của nhân dân yêu cầu đặt ra là phải nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc vận động, tổ chức, động viên nhân dân tham gia mạnh mẽ vào các phong trào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên tinh thần phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và tinh thần quyết tâm cao độ, vượt khó vươn lên, bảo đảm thiết thực, hiệu quả theo tinh thần Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các phong trào thi đua, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong toàn bộ hệ thống chính trị; tuyên truyền sâu rộng những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước và những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, để các phong trào thi đua thực sự trở thành động lực to lớn, động viên được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc vào việc thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2016-2021.

Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền và công tác phối hợp của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tác dụng của phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập, qua đó làm chuyển biến sâu rộng trong mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi cá nhân, tạo thành ý thức tự giác, chủ động, sáng tạo và trách nhiệm tham gia hưởng ứng phong trào thi đua.

Tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung của các phong trào thi đua yêu nước. Trên cơ sở đó động viên và nâng cao tinh thần thi đua yêu nước trong cán bộ, đảng viên, và nhân dân trong toàn tỉnh nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, hăng hái thi đua lao động, sản xuất, học tập và công tác, huy động nội lực trong nhân dân, tranh thủ các nguồn lực đầu tư, khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng địa phương phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, chung tay xây dựng nông thôn mới.

Tích cực phối hợp giữa mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, đoàn thể xã hội để tuyên truyền, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, các điển hình, nhân tố mới; quan tâm xây dựng phong trào từ cơ sở, phục vụ trực tiếp và trước hết gắn với lợi ích thiết thực của người tham gia thi đua. Đặc biệt vai trò của cơ quan truyền thông, báo chí để tạo sức lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng. Đa dạng hóa các nội dung tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động; phải bám sát nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu thi đua với phương châm "chân thực, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện", hướng tinh thần thi đua vào những điều cụ thể, thiết thực, những công việc thường xuyên hàng ngày, từ đó  động viên khích lệ các tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ chính trị của từng cấp, từng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. 

Gắn các phong trào thi đua yêu nước với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đẩy mạnh công tác biểu dương, tôn vinh, nhân rộng các điển hình tiên tiến, lấy các gương “người tốt, việc tốt” để hạn chế, đẩy lùi các tiêu cực trong xã hội; tuyên truyền mạnh mẽ, phổ biến rộng rãi các sáng kiến, kinh nghiệm, mô hình tốt, làm cho phong trào thi đua thực sự trở thành động lực, tạo nên sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất