Đậm đà VĂN HÓA VIỆT
Hà Giang - cao nguyên chuyển sắc hồng

Cuối năm Quý Tỵ 2013, một nhóm nghiên cứu văn hóa Việt cổ rủ nhau đi Hà Giang. Nhóm có 6 người. Người cao niên nhất tuổi 82, người trẻ nhất kiêm trưởng đoàn đồng thời trực tiếp cầm vô lăng tuổi 43, đa phần còn lại tuổi 70, 80. Đường dài, nhưng vui chuyện, chẳng mấy chốc đã gần tới đất Hà Giang. Bên đường mấy quán đều đề là LỢN TÊN LỬA, các cụ  lấy làm lạ lắm, hò nhau dừng lại ăn trưa. Cô chủ quán nhanh nhẹn, đậm đà, duyên dáng giải thích: Lợn tên lửa mõm dài, thân nhỏ, chân cao, thịt ít mỡ mà thơm... Sau ly rượu vùng cao được chủ quán thửa đặc biệt, mọi người cùng mời nhau thử món lợn tên lửa. Các cụ đều tấm tắc: Được đấy, được đấy!

Nơi đầu tiên đoàn tới là xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì. Mùa đông ở vùng cao, hơn 5 giờ chiều đã nhọ mặt người. Chúng tôi tới một cụm nhà có điện sáng. Hóa ra đó chính là trung tâm xã Hồ Thầu. Mấy người bán hàng chỉ phía trên đồi, đó là trụ sở ủy ban nhân dân xã. May quá, trụ sở còn đèn... Chúng tôi xuống xe, mới đi được mươi bước thì đèn ở khu nhà ủy ban vụt tắt. Một bác trong đoàn nói to: Ta đón lõng ở dốc kia thế nào cũng gặp người ở ủy ban ra. Quả nhiên, đến lưng dốc thì gặp một thanh niên chừng ba chục tuổi. Hỏi thăm, anh nói cháu là Long, Thường trực Đảng ủy. Anh Thiện, Trưởng đoàn nói: Chúng tôi ở Hà Nội, muốn tới xã để tìm hiểu sinh hoạt văn hóa dân tộc. Long thật thà: “Sinh hoạt văn hóa thì ở đây có đấy, nhưng nói thật, đã có mấy đoàn về bảo tổ chức cho xem, cần phải tập hợp bà con và chuẩn bị các thứ để cúng lễ và biểu diễn. Sáng sau các bác ấy ra đi chẳng có bồi dưỡng gì cho bà con nên bây giờ bảo tổ chức cũng khó!” Hai cụ cùng có bộ râu dài lên tiếng: Không đâu, chúng tôi sẽ có bồi dưỡng tử tế. Trưởng đoàn đặt vấn đề về về việc tổ chức sinh hoạt văn hóa truyền thống cho các cụ được dự và chỗ nghỉ, bữa cơm tối. Long rút điện thoại di động nói chuyện với Chủ tịch xã, sau đó chuyển điện thoại cho Trưởng đoàn nói trực tiếp. Chủ tịch xã ủy quyền và giao cho Long đón tiếp “khách phương xa”. Thế là ổn. Long nói: Mời các cụ theo cháu. Đi chưa đầy trăm mét, Long mở cửa một căn nhà mới xây, to rộng nhưng chưa kịp hoàn thiện, kéo bàn ghế mời các cụ ngồi, rồi biến đi đâu mất. Lát sau, một thanh niện khác xuất hiện. Anh mang phích nước tới, pha trà mời các cụ và vui vẻ nói chuyện: “Nhà này của Long, 4 tầng, to nhất xã đấy! Nó đi gọi người yêu tới nấu cơm cho các cụ ăn, 33 tuổi rồi mà còn chưa chịu cưới, hắn còn lo tích lũy”.

Uống xong chén nước, chúng tôi đi dạo. "Phố" ở đây tuy có đường ô tô chạy qua cũng chỉ có mươi nhà buôn bán nhỏ và sửa chữa xe máy. Vào một cửa hàng bán tạp hóa, chúng tôi được chủ nhà mời uống nước. Chủ nhà vui vẻ: Vợ chồng cháu quê ở Yên Bái. Trước đây cháu đi bộ đội, đóng quân ở vùng này, thấy ở đây "đất lành" nên chúng cháu lập nghiệp. Trà xã cháu là trà cổ thụ, vừa sạch vừa thơm ngon. Nghĩ đêm giá lạnh, chúng tôi ngỏ ý muốn mua vài chiếc chăn. Chủ cửa hàng biết chúng tôi về đây tìm hiểu văn hóa dân tộc truyền thống, liền nói: “Các cụ ngủ có một đêm, mua chăn làm gì cho tốn, trên trụ sở ủy ban có nhiều chăn đấy”. Tôi nghĩ bụng: Hay thật, bán hàng mà lại mách người mua đi mượn! Chủ nhà nói thêm: Chúng cháu chỉ bán hàng Việt. Chúng tôi hỏi thăm về tình hình trật tự trị an nơi đây. Chủ nhà thản nhiên trả lời: Chúng cháu không phải đóng cửa qua đêm. Chúng tôi đảo mắt nhìn, cả 2 gian nhà to rộng, bày la liệt hàng tiêu dùng thiết yếu! Câu chuyện đang rôm rả thì Long tới: Mời các cụ về ăn cơm. Chúng tôi xin trả tiền nước thì chủ nhà nhanh nhẩu: Cảm ơn các cụ, vùng chúng cháu không có lệ lấy tiền nước!

Cơm nóng, ngon lành: Có thịt gà, rau luộc, canh và cả rượu nữa. Anh bạn thay mặt Long tiếp nước chúng tôi, vui vẻ nói: “Đây là cô Mỵ, Phó Chủ tịch hội Phụ nữ xã, người yêu của Long đấy. Cô ấy tới giúp nấu cơm và bây giờ thì tiếp các cụ”. Cô Mỵ nhanh nhẹn rót rượu và nâng chén mời: Mời các cụ, dân tộc Dao chúng cháu thì chén đầu phải cạn đấy! Chúng tôi ngỡ ngàng hỏi Long đâu thì Mỵ bảo: “Anh ấy mệt, trưa nay liên hoan, uống hơi nhiều, các cụ cứ tự nhiên!” Cô Mỵ tiếp cơm chúng tôi vừa lễ độ, lịch thiệp vừa sởi lởi, thật thà, đúng là một cán bộ phụ vận. Cô Mỵ vốn học trường phổ thông bán trú Hà Giang, lại tham gia công tác thanh niên ở trường, nên về quê được mời làm cán bộ xã. Cô ấy còn nói là biết sử dụng máy vi tính và biết truy cập  internet...

Cơm sắp xong thì Long xuất hiện và nói: “Báo cáo các cụ, cháu đã sắp xếp xong, anh em đã có mặt đông đủ, chỉ thiếu có ông Triệu Chòi Hín đi vắng, nhưng mọi chuyện vẫn làm được, trừ mục cắm kiếm xuống đất”. Trước đó chúng tôi đã được biết ông Hín vừa là thầy cúng vừa là Chủ tịch hội Cựu chiến binh xã, là người có nhiều khả năng nhất xã trong việc trình diễn các tiết mục văn hóa dân tộc Dao. Trưởng đoàn nói: Mừng quá, vậy là chương trình hôm nay sẽ được thực hiện. Mấy chú thanh niên đi xe máy cũng vừa tới dẫn chúng tôi đến nhà ông Phượng Quày Chòi. Nhà ông  Chòi đúng là một nhà dân tộc Dao tiêu biểu: Rộng, có phòng ngăn cho phụ nữ, trẻ em. Trên bàn thờ bày ảnh một sĩ quan quân đội. Nhà có giường, tủ, tivi... Ông bà chủ vui vẻ đón tiếp chúng tôi. Chưa kịp uống xong chén nước đã thấy mấy thanh niên bắt hai chú gà to ra làm thịt. Trong khi luộc gà, chúng tôi quây quần quanh bếp. Được biết bà chủ năm nay 60 tuổi, là người hiểu biết, có uy tín nên hoạt động phụ nữ và tham gia tổ hòa giải. Anh con trai cả đi bộ đội về, nói năng hoạt bát, kể nhiều chuyện về các cụ có tài đặc biệt ở trong vùng. Chẳng mấy chốc, gà đã chín, ông chủ vớt ra đĩa, một bày lên bàn thờ, một bày ở mâm cỗ cúng gian giữa nhà. Buổi Lễ cúng bắt đầu. Cùng với lời khấn, trong Lễ cúng còn tôn vinh tổ tiên và văn hóa nông nghiệp qua việc sử dụng nhiều dụng cụ trồng tỉa và vật phẩm cấy trồng. Lễ cúng có nhiều mầu nhiệm, như cây gậy được nâng lên khỏi mặt đất mà 4,5 người ráng sức cũng không sao ghìm xuống được. Biểu diễn xong, gia chủ dọn 3 mâm. Khách chủ chừng hai mươi người cùng ăn uống, chuyện trò rôm rả...

Về đến nhà nghỉ, nhìn đồng hồ đã 2 giờ sáng. Long bảo: Mời các cụ lên tầng hai. Lên gác, chúng tôi đã thấy giường, nệm, chăn, màn đầy đủ. Tôi vừa tìm được ổ cắm, sạc điện cho điện thoại và chiếc máy quay thì đã nghe một cụ ngáy khò khò...

7 giờ sáng, các cụ dậy, ra cửa ngắm "phố". Mấy chú thanh niên tối qua đi với các cụ cũng vừa tới. Các cửa hàng vẫn bầy biện như tối qua. Sào phơi tấm vỏ chăn hoa và quần áo vẫn nguyên trước cửa nhà. Cụ Cơ ngạc nhiên hỏi anh bạn thanh niên đứng gần đó: Qua đêm mà quần áo không cất ư? Anh bạn người Dao vui vẻ: Ở đây chẳng cất cái gì cả, xe máy vẫn để trước cửa, có đứa còn không rút cả chìa khóa nữa! Nghe vậy, cụ Hiến - cao niên nhất đoàn, cười lớn: Thiên đường là đây chứ còn ở đâu nữa!

Anh Thiện - Trưởng đoàn - nhờ Long nhắn dùm tới ông Chủ tịch xã lời cám ơn của Đoàn, rồi ra mở cửa xe, giao cho Long và mấy thanh niên các gói giấy vở, quần áo, bánh kẹo... nhờ chuyển tặng bà con nghèo ở Hồ Thầu. Cụ Mai nêu nguyện vọng muốn đi xem vườn chè cổ thụ. Long bảo: Mời các cụ uống nước đã, gần đây thôi mà... Trà nóng, pha vừa ngấm, uống vào cụ nào cũng tấm tắc: Sống thế này khác gì Tiên!

Vừa tới gốc trà thì một tốp học trò đi học sớm xuất hiện. Cụ Mai nhanh miệng: Mời các cháu tới đây ta cùng chụp mấy bức ảnh, các cháu ùa tới leo ngay lên cây to nhất, hỏi lại: Chúng cháu hái nhé? Cụ Duân, cụ Cơ và cả cụ Mai, cụ Câu nữa được dịp tha hồ quay phim, chụp ảnh. Trên đường xuống núi, các cháu đỡ cho các cụ khỏi bị trơn trượt và vui vẻ trả lời các câu hỏi của các cụ. Tới đường, anh Thiện và các cụ lại mang quà ra chia cho từng cháu và dặn đi, dặn lại: Học giỏi nhé, học giỏi nhé...

Chia tay nhóm thanh niên địa phương, chúng tôi nói: Nhờ có Long, Mỵ và mấy anh em mà từ tối qua đến giờ làm được rất nhiều việc, tuy cụ Chòi Hín đi vắng mà yêu cầu của chúng tôi vẫn đạt được. Cảm ơn các anh, chị rất nhiều. Long thật thà: Bình thường thôi mà, hằng ngày chúng cháu vẫn vậy...

Lên xe, chúng tôi quyến luyến vẫy chào mấy bạn trẻ. Xe chạy, các cụ rôm rả: Quý thật, truyền thống văn hóa dân tộc Việt vẫn giữ được, họ thực bụng, có sao nói vậy, đã giúp việc gì thì đều giúp đến nơi. Chiều tối qua, mới gặp nhau, tưởng là căng, thế mà cuối cùng chỗ ăn, chỗ ngủ, sinh hoạt văn hóa cộng đồng đều tổ chức chu đáo, đêm ngủ không cần cửa đóng, then cài... Trong niềm tự hào về truyền thống văn hóa Việt, lái xe như muốn chạy nhanh tới bãi đá Nấm Dẩn, huyện Xín Mần để được tận mắt thấy các hình khắc trên đá của người Việt cổ nhiều nghìn năm trước...

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất