Ngày 7-1, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Trường Đại học Sài Gòn tổ chức Hội thảo khoa học “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học ở Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI)”.
Tham dự Hội thảo có các đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; GS,TS. Phạm Vũ Luận, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo; GS,TS. Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương. Tại Hội thảo, các đại biểu đã cung cấp thêm nhiều góc nhìn, nhiều thực tiễn phong phú cũng như căn cứ khoa học làm cơ sở đánh giá, đề xuất định hướng, kiến nghị các giải pháp thiết thực nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học ở Việt Nam.
Phải giao thêm quyền cho các trường đại học
GS,TS. Phùng Hữu Phú cho rằng, quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học, cốt lõi là thực hiện 3 bước chuyển có ý nghĩa chiến lược: Bước chuyển từ quá trình giáo dục chủ yếu truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; bước chuyển từ phát triển chủ yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng, hiệu quả với số lượng hợp lý; bước chuyển từ hệ thống giáo dục còn khép kín, cứng nhắc, biệt lập sang hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, liên thông. Theo GS,TS. Phùng Hữu Phú, để thực hiện 3 bước có ý nghĩa chiến lược này, trước hết đòi hỏi các trường đại học, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải quyết tâm, quyết liệt đổi mới cách nghĩ, cách làm, phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chuyển mạnh từ quản lý hành chính sang quản trị khoa học, nhất là quản trị đào tạo, nghiên cứu khoa học, quản trị nhân lực và tài chính.
Đề xuất tăng cường các giải pháp thực hiện tự chủ đại học, PGS,TS. Nguyễn Quý Thanh, Viện trưởng Viện đảm bảo chất lượng giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu: Tự chủ đại học là đặc tính giáo dục vốn có của giáo dục đại học, là xu thế phổ biến trên thế giới, giúp các đại học Việt Nam có năng lực cạnh tranh bình đẳng. Tự chủ thể hiện khả năng của các trường đại học chủ động trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược của mình mà không bị trói buộc bởi những quy định và sự quản lý ở cấp vi mô. PGS,TS. Nguyễn Quý Thanh đưa ra công thức: Tự chủ đại học = Quyền tự quyết + Trách nhiệm giải trình tương ứng. Lý giải về điều này, PGS,TS. Nguyễn Quý Thanh cho rằng, tự chủ đại học thực hiện trên 4 lĩnh vực hoạt động chính, đó là tự chủ về cơ cấu tổ chức, tự chủ về học thuật, tự chủ về nguồn nhân lực và tự chủ về tài chính. Có nhiều giải pháp thực hiện tự chủ đại học, trong đó, theo PGS,TS. Nguyễn Quý Thanh, cần đồng bộ hóa các văn bản pháp quy, xóa bỏ các rào cản, mâu thuẩn của tất cả các quy định liên quan đến các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học. Tái cấu trúc hệ thống đại học, thực hiện phân tầng đại học theo hoạch định để đầu tư và trao quyền tự chủ theo các nhóm trường.
GS,TS. Đặng Ứng Vận, Hiệu trưởng Trường Đại học Hoà Bình, Hà Nội đồng tình: Để cơ cấu lại các trường đại học đáp ứng thể chế giáo dục đại học mới thì nhà nước phải giao thêm quyền cho các trường đại học so với những gì họ có hiện nay, phát huy cao độ dân chủ trong nhà trường. Cũng theo GS,TS. Đặng Ứng Vận, để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học, trước hết cần tiếp tục đổi mới tư duy giáo dục và tư duy quản lý giáo dục đại học; thay đổi nhận thức sai lệch về các giá trị, tư tưởng bằng cấp, tâm lý khoa cử, bệnh thành tích; các quan niệm thiếu toàn diện về chất lượng; chức năng của các trường đại học; về giáo dục và thị trường…
5 nhân vật “đảm bảo vàng” cho sự thành công
Theo PGS,TS. Đặng Quốc Bảo, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý Giáo dục - Đào tạo, để công cuộc đổi mới giáo dục đại học thành công, cần sự hội tụ được 5 nhân vật: Người học, người dạy, cha mẹ học sinh, người quản lý giáo dục và người phụ trách các thiết chế xã hội. Người học biết biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục. Người giảng dạy có ý tưởng và hành động trở thành sư hinh (người thầy cao quý). Các bậc cha mẹ hết lòng chăm lo cho sự tiến bộ về đạo đức và trí tuệ của con cái. Người quản lý giáo dục phải có kỹ năng, phong cách điều hành tạo nên các tương tác tổng thể đem lại hiệu ứng cho phát triển kinh tế - xã hội chung của cộng đồng. Người phụ trách các thiết chế xã hội có kế hoạch hiệu quả xây dựng cộng đồng đi tới xã hội học tập. Đây là 5 nhân vật “đảm bảo vàng” cho sự thành công, họ phải vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong các kế hoạch, chiến lược giáo dục đang và sẽ được triển khai.
GS,TS. Phùng Hữu Phú cho rằng, sự chuyển đổi có ý nghĩa cách mạng của giáo dục đại học đòi hỏi và tạo điều kiện để người thầy tự vượt lên chính mình, tự hoàn thiện tài năng và nhân cách, thực sự là tấm gương sáng và là người dẫn dắt thế hệ trẻ học đường vững vàng bước vào đời, vào con đường học tập, sáng tạo suốt đời. Đồng thời, đòi hỏi nghiêm ngặt sự rèn luyện, phấn đấu cao độ của các thế hệ sinh viên, học viên, đặc biệt là ý thức làm chủ và thái độ trách nhiệm với chính mình, với gia đình, cộng đồng và xã hội.
Phát biểu tại Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải cho biết, TPHCM hiện có 80 trường đại học, cao đẳng với gần 1 triệu sinh viên, trở thành một trung tâm giáo dục đại học lớn của cả nước. Các trường đại học đã góp phần rất quan trọng vào quá trình xây dựng và phát triển TP; đáp ứng nhu cầu đào tạo, học tập của nhân dân TP và cả nước; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ cộng đồng; đóng góp những ý kiến tư vấn, phản biện giá trị, tâm huyết giúp cho việc hình thành và triển khai chủ trương, chính sách chung của TP. Theo đồng chí Lê Thanh Hải: Giáo dục đại học có nhiệm vụ đào tạo ra những công dân Việt Nam có trình độ, chất lượng, năng lực sáng tạo phù hợp với nhu cầu xây dựng và hội nhập quốc tế của đất nước, nhất là thời điểm chúng ta đang đứng trước vận hội và cả thách thức khi hình thành cộng đồng Asean vòa năm 2015. Phải nghĩ đến việc cạnh tranh quốc tế về năng lực nghề nghiệp, những sinh viên tốt nghiệp đại học phải đủ tri thức, bản lĩnh hội nhập quốc tế với một tư duy độc lập, tinh thần tự chủ và bản sắc văn hóa Việt Nam. Đó là những tri thức trẻ yêu nước, có ý thức trách nhiệm cao, sẵn sàng dấn thân vào cuộc sống, xã hội, vượt qua thách thức, thể hiện phẩm chất, năng lực và trình độ trong nền kinh tế tri thức.
Nhật Thụy