Danh nhân Việt Nam tuổi Dậu

Thái Thuận (1441-?): Sinh năm Tân Dậu, quê Bắc Ninh, nhà thơ, danh sĩ thời Lê sơ. Lớn lên từ một gia đình quân sự, đỗ tiến sĩ năm 1475, làm quan ở Hàn lâm viện và Tham Chánh sứ Hải Dương. Nhiệt tình, đạo cao đức trọng, lại nổi tiếng văn chương, ông trở thành 1 trong 28 thành viên của Hội thơ Tao Đàn trứ danh do vua Lê Thánh Tông sáng lập. Ông là thi sĩ xuất chúng, tác giả tập Lã Đường di thảo đặc sắc với 264 bài thơ về nhiều chủ đề, ngôn ngữ khoáng đạt mà độc đáo, được người đời ghi nhớ, truyền tụng.

Đoàn Thị Điểm (1705-1746): Sinh năm Ất Dậu, quê Hải Dương, nữ sĩ thời Lê mạt. Xinh đẹp, tài hoa, ham học hỏi, thuộc dòng dõi quý tộc, được đón vào triều làm Giáo thụ, dạy dỗ cung tần. Năm 1739 đất nước loạn lạc, Đoàn Thị Điểm trở về quê, kết hôn với tiến sĩ Nguyễn Kiều, cùng chồng dạy học, sôi nổi hoạt động văn hóa - nghệ thuật. Bà để lại nhiều bài thơ tràn trề tình cảm, da diết, u hoài trong đó có tập Truyền kỳ tân phả. Bà còn là tác giả của bản dịch song thất lục bát Chinh phụ ngâm, được đánh giá là công trình dịch thuật từ thơ chữ Hán ra thơ Nôm hoàn hảo nhất trong nền thi ca Việt Nam.

Nguyễn Gia Thiều (1741-1789): Sinh năm Tân Dậu, quê Bắc Ninh, nhà thơ, nhà văn hóa, danh thần thời Lê mạt. Văn võ song toàn, là cháu ngoại Chúa Trịnh Cương, được triều đình rất trọng dụng. Ông tiến nhanh trên đường binh nghiệp: 18 tuổi đã làm Hiệu úy, 30 tuổi thăng tới Tổng binh, thống quản toàn bộ Quân đội, đắc lực giúp việc dẹp loạn, an dân. Ông am hiểu và nổi tiếng cả về văn, triết, sử lẫn âm nhạc, hội họa, kiến trúc. Về nhạc, Nguyễn Gia Thiều đã soạn các bản Sơn trung âm, Sở từ điệu trầm hùng mà réo rắt. Về họa, ông đã vẽ nên bức tranh hoành tráng Tống Sơn đồ. Về kiến trúc, được chúa Trịnh tin giao cho việc trang hoàng phủ chúa và điều khiển xây tháp chùa Thiên Tích. Về thơ ca, ông là tác giả của nhiều bài nổi tiếng, được truyền tụng, nhiều nhất là bản Cung oán ngâm khúc và 3 tập thơ: Tân Trai thi tập, Tiền hậu thi tập, Tây Hồ thi tập.

Ngô Thì Chí (1753-1788): Sinh năm Quý Dậu, quê Hà Tây, nhà lịch sử văn hóa, danh sĩ thời Lê mạt. Nhiều nghị lực, trọng truyền thống, giỏi văn chương, đỗ hương tiến, làm quan đến chức Thiêm Thư Bình chương tỉnh sự, tận tụy phục vụ triều Lê. Ông dành nhiều thời gian dạy học, sáng tác thơ ca và nghiên cứu văn hóa, để lại các tác phẩm giá trị: Quốc sử tiệp lục, Học thi thi tập, Học văn thi tập, Hoàng Lê nhất thống chí.

Nguyễn Du (1765-1820): Sinh năm Ất Dậu, quê Hà Tĩnh, nhà thơ, danh sĩ thời Nguyễn sơ. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ nhưng nghị lực, thông minh, giữ nhiều cương vị quan trọng, làm tới Hữu Tham tri Bộ Lễ và từng dẫn đầu đoàn đi sứ Trung Quốc năm 1813. Say mê thơ phú, ông là tác giả của nhiều bài thơ đa chiều mà nhuần nhị, dạt dào tình cảm trong các tác phẩm: Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục… Trong đó, tác phẩm “Truyện Kiều” của ông được xem là một kiệt tác văn học, một trong những thành tựu tiêu biểu nhất trong văn học Việt Nam.

Trịnh Hoài Đức (1765-1825): Sinh năm Ất Dậu, quê Đồng Nai, nhà thơ, nhà sử học, danh thần thời Nguyễn. Văn võ song toàn, năm 1788 thi đỗ rồi ra làm quan, được triều đình trọng dụng, phong tới Thượng thư Bộ Lễ kiêm Bộ Hình, Phó Tổng tài Quốc sử quán. Ông là nhân vật chủ chốt của Hội thơ Bình Dương thi xã nổi tiếng với nhiều thi phẩm bình dị, dân dã, phóng khoáng, được nhiều người ngưỡng mộ, truyền tụng. Ông còn để lại các công trình địa lý, lịch sử, văn thơ giá trị như Gia Định thành thông chí, Cấn Trai thi tập, Bắc sứ thi tập.

Đặng Huy Trứ (1825-1874): Sinh năm Ất Dậu, quê Thừa Thiên Huế, nhiếp ảnh gia, danh sĩ đời Thiệu Trị, Tự Đức. Từ bé đã nổi tiếng thần đồng, lại khảng khái, giàu khí tiết, đỗ hương nguyên, trở thành vị quan thanh liêm, chính trực, được thăng tới chức Ngự sử. Từng đi sứ Trung Quốc, Thái Lan, Triều Tiên và có công đầu trong việc du nhập, truyền bá nghệ thuật nhiếp ảnh vào Việt Nam. Không chỉ là thủy tổ của Ngành Nhiếp ảnh nước ta, ông còn là tác giả của nhiều công trình văn thơ, lịch sử, triết luận quy mô như khắc các bộ Tùng chinh di quy, Nhị vị tập; soạn các sách: Hoàng Trung thi văn sao, Khang Hy canh chức đồ, Tứ thập bát hiếu kỷ sự tân biên, Việt sử thanh huấn diễn nghĩa, Nữ giới diễn ca...

Tống Duy Tân (1837-1892): Sinh năm Đinh Dậu, tại làng Bồng Trung, nay thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ông đỗ tiến sĩ năm 1875, được bổ làm Tri phủ Vĩnh Tường, rồi Đốc học Thanh Hóa, sau làm Thương biện Tỉnh vụ. Năm 1885, ông được vua Hàm Nghi phong làm Chánh sứ Sơn phòng tỉnh Thanh Hóa, tham gia xây dựng các căn cứ Ba Đình, Hùng Lĩnh chống Pháp. Năm 1887, các căn cứ Ba Đình, Mã Cao... lần lượt thất thủ, các thủ lĩnh như Đinh Công Tráng, Hà Văn Mao, Hoàng Bật Đạt, Phạm Bành... hy sinh. Tống Duy Tân đã rút lên căn cứ Hùng Lĩnh, tiếp tục chống Pháp. Cuộc khởi nghĩa diễn ra từ năm 1889-1891, sau đó gia nhập lực lượng của Cầm Bá Thước ở vùng núi phía tây Thanh Hóa. Năm 1892, ông bị Pháp bắt và bị kết án tử hình.

Phạm Ngọc Thạch (1909-1968): Sinh năm Kỷ Dậu, là giáo sư, tiến sĩ khoa học. Thời kỳ Mặt trận Bình dân (1936-1939), một thời ông là Tổng Thư ký của Việt Nam Quốc gia Độc lập Đảng. Tháng 3-1945, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Nhờ có công cứu được I-đa, một trùm mật vụ của Nhật nên được Nhật cử I-đa đưa lời mời ông đứng ra thành lập tổ chức Thanh niên Tiền phong vào tháng 4-1945, cũng chính tổ chức này đã tham gia cướp chính quyền vào tháng 8-1945. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông được phân công là Bộ trưởng Y tế đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Ủy viên UBND Nam Bộ, rồi Thứ trưởng Phủ Chủ tịch, Trưởng phái đoàn Chính phủ tại Nam Bộ (1948-1950), Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, Trưởng ban Y tế của Đảng Lao động Việt Nam, Thứ trưởng Y tế (1954-1958), từ 1958 là Bộ trưởng Y tế. Năm 1968, ông vào chiến trường miền Nam. Do sức khỏe kém, ngày 7-11-1968, bác sỹ Phạm Ngọc Thạch qua đời do viêm phúc mạc mật và bị sốt rét ác tính. Lễ tang của ông được tổ chức trọng thể tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đọc điếu văn tại lễ truy điệu.

Thích Quảng Đức (1897-1963): Sinh năm Đinh Dậu, là một hòa thượng phái Đại thừa, người đã tẩm xăng tự thiêu ở Sài Gòn vào ngày 11-6-1963 phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Tấm ảnh hòa thượng tự thiêu đã được truyền đi khắp thế giới và gây nên sự chú ý đặc biệt tới chính sách của chế độ Ngô Đình Diệm. Phóng viên Malcolm Browne đã giành Giải thưởng Ảnh Báo chí Thế giới năm 1963 nhờ tấm ảnh này và nhà báo David Halberstam, người sau này được trao giải Pulitzer, cũng đã có bản tường thuật sự kiện. Sau khi chết, thi hài của hòa thượng đã được hỏa táng lại, nhưng trái tim của ông thì vẫn còn nguyên. Đây được coi là biểu tượng của lòng trắc ẩn, giới Phật tử suy tôn ông thành một vị Bồ tát.



Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất