Danh nhân Việt Nam tuổi Thân

Nguyễn Trãi (1380-1442)

Nguyễn Trãi, anh hùng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, tài đức vẹn toàn, hiệu Ức Trai, quê ở làng Chi Ngại (Chí Linh, Hải Dương) sau dời về làng Nhị Khê (Thường Tín, Hà Nội). Ông sinh năm Canh Thân. Năm 1400, Nguyễn Trãi đỗ Thái học sinh và làm quan cho nhà Hồ. Năm 1407, giặc Minh xâm lược nước ta, nhà Hồ mất, Nguyễn Trãi bị giặc bắt và giam lỏng ở Đông Quan (Hà Nội). Đầu năm 1416, ông trốn vào Thanh Hóa tham dự hội thề Lũng Nhai, cùng Lê Lợi tổ chức cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Dưới trướng Lê Lợi, ông đã dốc tâm sức tìm ra kế sách đánh giặc cứu nước. Năm 1442, bị quy tội cùng vợ mưu giết vua, bị kết án tru di ba họ. Hơn hai mươi năm sau vua Lê Thánh Tông mới xuống chiếu giải oan cho ông.

Nguyễn Trãi là một con người tài hoa, khí phách, một thiên tài trong lĩnh vực quân sự, chính trị và ngoại giao. Ông còn là nhà văn, nhà thơ lớn.

Nguyễn Tri Phương (1800-1873)

Nguyễn Tri Phương sinh năm Canh Thân, xuất thân trong một gia đình làm ruộng và nghề thợ mộc ở làng Chi Long, xã Chánh Lộc, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông thi không đỗ nên chỉ được bổ làm Thư lại thời nhà Nguyễn. Song nhờ có tài năng và đạo đức, ông được thăng đến chức vụ đầu triều, nhiều lần giữ chức Thống đốc quân vụ ở Nam kỳ và Bắc kỳ. Ông vốn có tên là Nguyễn Văn Chương, sau được vua Tự Đức cải tên là Nguyễn Tri Phương, lấy ý câu “Dõng thả tri phương” nghĩa là dũng mãnh và lắm mưu trí để khen tặng. Ông là vị Tổng chỉ huy quân đội triều đình Nguyễn chống lại quân Pháp xâm lược lần lượt ở các mặt trận Đà Nẵng (1858), Gia Định (1861) và Hà Nội (1873).

Trong trận Pháp đánh Hà Nội năm 1873, Nguyễn Tri Phương bị thương nặng và bị địch bắt. Quân Pháp tìm cách chạy chữa cho ông hòng mua chuộc nhưng ông khẳng khái từ chối. Lời đáp trả đanh thép của ông trước quân giặc: “Bây giờ nếu ta chỉ gắng lay lắt mà sống, sao bằng thung dung chết về việc nghĩa” đã thổi bùng lên tinh thần “vì việc nghĩa” ở khắp nước Nam.

Phan Chu Trinh (1872-1926)

Phan Chu Trinh sinh năm Nhâm Thân, hiệu là Tây Hồ, quê ở làng Tây Lộc, xã Tam Phước nay là xã Tam Lộc, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Năm 28 tuổi ông thi Hương đỗ Cử nhân, 29 tuổi thi Hội đỗ Phó bảng, được bổ dụng làm Thừa biện Bộ Lễ trong triều đình Huế. Nhưng chỉ ít lâu sau, do tiếp thu ảnh hưởng của tư tưởng cách mạng dân chủ tư sản, ông từ quan, về liên lạc với các nhà yêu nước như Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp đề xướng phong trào Duy tân với khẩu hiệu: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.

Năm 1908, ông bị thực dân Pháp bắt giam và đày ra Côn Đảo. Năm 1911 ông được thả tự do và sang Pháp hoạt động. Tại Pháp, ông cùng Phan Văn Trường và Nguyễn Tất Thành lập Hội người Việt Nam yêu nước tại Pháp; soạn bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi cho Hội nghị Véc - xây, ký tên chung là Nguyễn Ái Quốc. Bản yêu sách được ví như “quả bom chính trị” làm chấn động dư luận Pháp. Năm 1925, Phan Chu Trinh trở về nước và tiếp tục hoạt động cách mạng. Ông bị ốm nặng và từ trần ngày 14-3-1926. Sau khi mất, tinh thần yêu nước của ông vẫn cổ vũ phong trào trong nước, đặc biệt là trong thanh niên, học sinh đã dấy lên phong trào đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu và để tang Phan Chu Trinh.

Phan Chu Trinh là một nhà nho yêu nước có nhiều suy nghĩ tiến bộ. Có thể xem ông là người có tư tưởng dân chủ sớm nhất trong số các nhà nho yêu nước tiến bộ đầu thế kỷ 20. Trong cuộc đời hoạt động của mình, Phan Chu Trinh sáng tác nhiều văn thơ yêu nước, góp phần làm phong phú kho tàng văn học Việt Nam.

Hồ Tùng Mậu (1896-1951)

Hồ Tùng Mậu sinh năm Bính Thân, xuất thân từ một gia đình nho học ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, có truyền thống yêu nước, chống Pháp. Tên khai sinh của ông là Hồ Bá Cự, khi xuất dương sang Thái Lan hoạt động mới mang tên Hồ Tùng Mậu và trở thành tên gọi chính thức đến khi qua đời. Năm 1923, Hồ Tùng Mậu cùng với Lê Hồng Sơn thành lập một tổ chức yêu nước có tên là Tâm tâm xã, tập hợp số thanh niên hăng hái, kiên quyết, cùng chí hướng, hy sinh quyền lợi cá nhân, cùng nhau mưu đồ giải phóng dân tộc. Cuối năm 1924, Hồ Tùng Mậu gặp Nguyễn Ái Quốc, được sự giáo dục và huấn luyện của Nguyễn Ái Quốc, ông sớm trở thành một cán bộ xuất sắc của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông được cử làm Chủ tịch Uỷ ban hành chính Kháng chiến Liên khu IV. Năm 1947, ông được cử làm Trưởng Ban Thanh tra của Chính phủ. Tại Đại hội Đảng Lao động Việt Nam lần thứ II (1951), Hồ Tùng Mậu được bầu làm Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng. Ngày 23-7-1951, ông hy sinh trên đường đi công tác do bị máy bay Pháp ném bom.

Hồ Tùng Mậu thuộc thế hệ những người cộng sản đầu tiên đã đóng góp tích cực cho sự ra đời của Đảng và sự phát triển của phong trào cách mạng Thừa Thiên - Huế.

Nguyễn Đức Cảnh (1908-1932)

Nguyễn Đức Cảnh sinh năm Mậu Thân, trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước tại làng Diêm Điền, huyện Thụy Anh, nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Khi còn đang học ở trường Thành chung Nam Định, trong cao trào yêu nước và dân chủ những năm 1925-1926, Nguyễn Đức Cảnh tham gia phong trào đấu tranh đòi ân xá Phan Bội Châu và phong trào để tang Phan Chu Trinh. Thời kỳ này, Nguyễn Đức Cảnh có liên lạc với nhóm Nam Đồng thư xã và trở thành đảng viên Việt Nam quốc dân đảng. Tháng 9-1927, Nguyễn Đức Cảnh sang Trung Quốc dự lớp huấn luyện chính trị theo chương trình của Nguyễn Ái Quốc. Ngay sau đó, đã li khai Việt Nam quốc dân đảng và gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

Đầu tháng 3-1929, Nguyễn Đức Cảnh cùng một số đồng chí khác tổ chức chi bộ cộng sản đầu tiên tại số nhà 5D phố Hàm Long, Hà Nội. Tiếp đó, tham gia thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, được bầu là Ủy viên BCH Trung ương lâm thời, phụ trách công tác vận động quần chúng công nhân trong cả nước. Cuối năm 1930, được Trung ương cử vào công tác ở Trung kỳ để tăng cường lãnh đạo Xô-viết Nghệ Tĩnh. Tháng 4-1931 Nguyễn Đức Cảnh bị địch bắt trên đường đi công tác ở làng Yên Dũng Hạ, gần TP. Vinh, bị giải về Hoả Lò - Hà Nội và bị tra tấn hết sức dã man nhưng vẫn một lòng kiên cường bất khuất, không cung khai nửa lời.

Nguyễn Đức Cảnh là một trong những lãnh tụ xuất sắc của Đảng ta, tấm gương sáng về tinh thần yêu nước nồng nàn, về chủ nghĩa anh hùng cách mạng và phẩm chất đạo đức trong sáng của người cộng sản chân chính.

Lương Định Của (1920-1975)

Lương Định Của sinh năm Canh Thân, quê ở xã Đại Ngãi, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, ông được người bác ruột đưa sang Trung Quốc, nuôi cho ăn học. Năm 17 tuổi Lương Định Của đỗ tú tài toàn phần và sau này bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ nông học tại Nhật Bản. Ít lâu sau Lương Định Của được phong phó giáo sư. Năm 1952, với tình yêu đất nước, ông cùng gia đình từ Nhật Bản trở về phục vụ Tổ quốc. Năm 1954, cùng gia đình tập kết ra Bắc và làm việc tại Viện Khảo cứu nông lâm, Trường Đại học Nông nghiệp, rồi làm Viện trưởng Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, Bộ Nông nghiệp.

Lương Định Của là một nhà nông học xuất sắc, người đi đầu trong lĩnh vực cải tạo giống cây trồng của Việt Nam. Ông đã lai tạo thành công nhiều giống lúa mới cho năng suất cao, ngắn ngày, chịu sâu bệnh, chịu ngập nước và nhiều giống cây ăn quả. Bà con nông dân lấy tên ông đặt cho các giống cây mới: “lúa ông Của”, “táo ông Của”, “cà chua ông Của”…

Nguyễn Thị Định (1920-1992)

Nguyễn Thị Định sinh năm Canh Thân tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre trong một gia đình nông dân giàu lòng yêu nước. Năm 16 tuổi Nguyễn Thị Định tham gia cách mạng, 18 tuổi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Bà là người khởi xướng và lãnh đạo phong trào Ðồng khởi ở Mỏ Cày (Bến Tre), sau đó lan rộng ra khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền Ðông Nam Bộ, hình thành Ðội quân tóc dài nổi tiếng. Năm 1960, Nguyễn Thị Định là Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, Phó Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam (1965-1975). Nguyễn Thị Định được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1974, là Ủy viên Trung ương Đảng từ năm 1976.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Phó Tổng Tư lệnh Quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta”.

Tố Hữu (1920- 2002)

Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, sinh năm Canh Thân trong một gia đình nhà nho nghèo ở làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Lớn lên giữa lúc phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo đang phát triển mạnh mẽ, Tố Hữu sớm được giác ngộ. Năm 1938, Tố Hữu gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 4-1939, bị thực dân Pháp bắt và giam ở nhiều nhà lao các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Suốt những năm tháng bị giam giữ, Tố Hữu vừa rèn luyện ý chí vừa làm nhiều thơ ca cách mạng. Tố Hữu được coi là chim đầu đàn của thơ ca cách mạng và kháng chiến.

Tố Hữu từng đảm nhiệm nhiều cương vị trọng yếu trên mặt trận văn hóa - văn nghệ, trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Tại Đại hội III của Đảng (1960), Tố Hữu được bầu là Ủy viên Ban Bí thư Trung ương và đảm nhiệm cương vị này từ năm 1960 đến năm 1980. Tại Đại hội IV của Đảng (1976), được bầu là Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng. Năm 1981, ông được cử giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng rồi Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng đến tháng 6-1986. Tại Đại hội lần thứ V của Đảng (1982), Tố Hữu được bầu là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng và giữ các chức vụ này cho tới năm 1986.

      

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất