Những năm Thân dâng hiến và toả sáng của Bác Hồ
Chủ tịch Hồ Chí Minh ân cần thăm hỏi bà con xã Tam Sơn, Tiên Sơn (tỉnh Hà Bắc cũ) trong dịp về thăm và chúc Tết đồng bào ngày 9-2-1967.

Bính Thân (1896). Người mới 6 tuổi, mang tên Nguyễn Sinh Cung, ở cùng cha mẹ tại kinh đô Huế.

Mậu Thân (1908). Nguyễn Sinh Cung, 18 tuổi, mang tên Nguyễn Tất Thành học tại Trường Quốc học Huế. Người tham gia cuộc biểu tình chống thuế của nông dân tỉnh Thừa Thiên. Đây là hành động yêu nước đầu tiên của người học sinh mà sau này trở thành một lãnh tụ kiên cường chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam ở thế kỷ XX.

Canh Thân (1920). Nguyễn Tất Thành 30 tuổi, ở nước Pháp, mang tên Nguyễn Ái Quốc. Sau nhiều tháng miệt mài, Người hoàn thành bản thảo cuốn Những người bị áp bức. Nghiên cứu tác phẩm“Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lê-nin. Sau này, khi kể lại sự kiện quan trọng đó, Người nói: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta! Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lê-nin, tin theo Quốc tế III”.

Nguyễn Ái Quốc tham gia Đại hội 18 (ngày 25 và 26-12) của Đảng Xã hội Pháp với tư cách là đại biểu Đông Dương. Đây là lần đầu tiên một người Việt Nam tham gia đại hội đại biểu của một chính đảng Pháp. Người cũng là đại biểu duy nhất là người từ các thuộc địa của Pháp có mặt tại Đại hội. Người đã có bài phát biểu quan trọng, là tiếng nói nổi bật nhất của người thanh niên Việt Nam mới 30 tuổi trước một diễn đàn quan trọng ở hải ngoại. Người tố cáo gay gắt tội ác của thực dân Pháp ở Đông Dương và kêu gọi: “Đảng phải tuyên truyền CNXH trong tất cả các nước thuộc địa. Nhân danh toàn thể loài người, nhân danh tất cả các đảng viên xã hội, cả phái hữu lẫn phái tả, chúng tôi kêu gọi. Các đồng chí, hãy cứu chúng tôi!”.

Nhâm Thân (1932). Sau những tháng ngày gian truân, bị nhà cầm quyền Hồng Kông cấu kết với mật thám Pháp bắt giam, bỏ tù, nhờ sự nỗ lực của luật sư N.Prít, ông, bà luật sư F.H.Lô-dơ-bai, Nguyễn Ái Quốc được trả tự do và được T.Xa-tôn, Phó Thống đốc Hồng Kông dùng ca-nô riêng rời bến cảng ra khơi đánh tín hiệu cho một chiếc tầu đang chạy về hướng Đông dừng lại cho Người về Hạ Môn (Trung Quốc).

Giáp Thân (1944). Người 44 tuổi, ở Trung Quốc và hoạt động trong tổ chức của Việt Nam cách mạng đồng minh hội, một tổ chức của người Việt Nam ở Trung Quốc. Đầu xuân, đến dự lễ bế giảng lớp huấn luyện đặc biệt Đại Kiều, Người nêu những dự báo chính trị quan trọng về tình hình thế giới và Việt Nam: “Một nước Việt Nam mới độc lập và dân chủ sẽ xuất hiện ở phương Đông. Dù thực dân Pháp có xảo quyệt, phát-xít Nhật có hung tàn đến mấy cũng không ngăn được bước tiến của chúng ta”. Tháng 2, Người tham dự hội nghị trù bị Đại hội đại biểu toàn quốc của Việt Nam cách mạng đồng minh hội.

Tại Đại hội quốc tế chống xâm lược (16-3) họp ở Liễu Châu (Trung Quốc), thay mặt Việt Nam độc lập đồng minh, Người trình bày bản báo cáo Về tình hình các đảng phái trong nước. Người chỉ rõ: Ở Việt Nam có nhiều đảng phái và đoàn thể chính trị không đảng phái. Nhưng đảng có ảnh hưởng nhất, nổi tiếng nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhiệm vụ của các đảng là phải mở rộng khối đoàn kết toàn dân để làm cho bên trong có lực lượng vững mạnh, làm cho bên ngoài tranh thủ được các nước đồng minh giúp đỡ tận tình, trước hết là sự giúp đỡ của Trung Quốc. Có thế mới hoàn thành được mục đích giải phóng dân tộc.

Cuối tháng 9, Người về Pác Bó (Cao Bằng). Sau khi nghe báo cáo về việc Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng quyết định khởi nghĩa giành chính quyền, Người chỉ thị hoãn cuộc khởi nghĩa để tránh tổn thất lớn khi việc chuẩn bị chưa thật đầy đủ. Người viết Thư gửi đồng bào toàn quốc, kêu gọi các đảng phái, các tổ chức trong nước cùng nhau thảo luận để tiến tới đại hội đại biểu quốc dân “chúng ta phải có một cơ cấu đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể quốc dân ta. Mà cơ cấu ấy thì phải do một cuộc toàn quốc đại biểu đại hội gồm tất cả các đảng phái cách mệnh và các đoàn thể ái quốc trong nước bầu cử ra. Một cơ cấu như thế mới đủ lực lượng và oai tín, trong thì lãnh đạo công việc cứu quốc, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các hữu bang”. Kiểm tra đại đội tự vệ vũ trang chiến đấu Hồng Phong, tên bí mật của châu Hà Quảng, Người nói: “Hiện nay đế quốc Pháp và phát-xít Nhật ở Đông Dương khác gì hai con gà trống nhốt trong chuồng. Trước sau chúng cũng chọi nhau. Tất cả hai con bị thương nặng, có con què. Lúc đó ta bắt mới dễ. Làm cách mạng phải biết dựa vào thời cơ, và phải nhìn chung phong trào mọi nơi, mọi chốn mới chắc thắng…”. Tháng 12, Người giao nhiệm vụ, chỉ thị cho Võ Nguyên Giáp thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Thực hiện lời dặn của Người “trận đầu phải thắng”, Đội đã liên tiếp lập hai chiến công oanh liệt: hạ đồn Phai Khắt (25-12) và đồn Nà Ngần (26-12).

Bính Thân (1956). Đầu năm Người có thư chúc Tết đăng trên báo Nhân Dân và như thường lệ, đêm giao thừa Người đọc trên sóng phát thanh chúc Tết đồng bào, chiến sĩ cả nước: “Thân ái mấy lời chúc Tết: Toàn dân đoàn kết một lòng/ Miền Bắc thi đua xây dựng/ Miền Nam giữ vững thành đồng/ Quyết chí, bền gan phấn đấu/ Hòa bình, thống nhất thành công”.

Người nói, viết nhiều bài có ý nghĩa giáo dục và chỉ đạo nhiều lĩnh vực. Người khẳng định Đảng và Nhà nước, chính quyền các cấp phải quý trọng những nhà khoa học tiến bộ. Người viết bài Hoa sen đăng trên báo Nhân Dân (30-3) khẳng định thái độ của Đảng là trân trọng, không định kiến đối với những chiến sĩ cách mạng xuất thân trong các giai cấp phi vô sản. Người coi họ là những bông sen cao quý “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Nói chuyện tại Hội nghị Công an toàn quốc (tháng 1), Người chỉ thị: Đánh địch và truy bắt những tên tội phạm thì phải khôn khéo, kiên quyết, có đủ chứng cứ buộc chúng phải nhận tội. Công an tuyệt đối không được mắc sai lầm, đánh đau ép cung để người ta không chịu được thì nhận bừa. Phải kiên quyết bỏ nhục hình, chống bắt bớ oan sai… Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 9 (khóa II) Người chỉ rõ Đảng ta còn nhiều thiếu sót: Kém về lý luận và nắm tình hình thực tế, chưa xây dựng chế độ công tác thích hợp, dân chủ nội bộ chưa thật mở rộng, phê bình và tự phê bình chưa được phát huy, nhất là phê bình từ dưới lên. Báo Nhân Dân (26-7) đăng bài Tự phê bình và phê bình của Người (ký tên C.B) chỉ rõ thái độ của người cách mạng của Đảng và Chính phủ là phải rất sẵn sàng nhận những lời phê bình của nhân dân và phải có quyết tâm sửa chữa.

Ngày 26-4 trên báo Nhân Dân đăng ý kiến của Bác trả lời phóng viên báo Tin nhanh hàng ngày về quan hệ ngoại giao của Việt Nam: “Trên nguyên tắc bình đẳng và hai bên cùng có lợi, chúng tôi sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao và thương mại với tất cả các nước”. Khi nói chuyện với lớp đào tạo hướng dẫn viên các trại hè cấp I (12-6), Người căn dặn: “Trong giáo dục không những phải có tri thức phổ thông mà còn phải có đạo đức cách mạng... Có tài không có đức, tham ô, hủ hóa có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”. Trong bài nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa I Trường Đại học Nhân dân (21-7), Người đã có những chỉ dẫn rất quan trọng về vai trò của trí thức: “Trong sự nghiệp cách mạng, trong sự nghiệp xây dựng CNXH lao động có một vai trò quan trọng và vẻ vang, công nông trí cần phải đoàn kết chặt chẽ thành một khối”. Về phương pháp nghiên cứu: Học hỏi là việc suốt đời, gắn lý luận với thực tế. Những điều học được trong một khóa học chỉ như một hạt nhân bé nhỏ. Theo Người, hạt nhân ấy gồm 11 chữ: “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân”. Nói tóm tắt: minh đức là chính tâm. Thân dân tức là phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ. Nói chuyện với Hội nghị sư phạm (tháng 7), trả lời câu hỏi của một giáo viên về xây dựng CNXH ở nước ta, Người nói: “CNXH không thể làm mau được mà phải làm dần dần… CNXH là làm cho dân giàu, nước mạnh”. Khi nói về con đường đi lên CNXH, Người nói: “Ta không thể giống Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục, tập quán khác, có lịch sử, địa lý khác… ta có thể đi con đường khác để tiến lên CNXH”.

Tại lớp nghiên cứu chính trị của Trường Đại học Nhân dân Việt Nam (tháng 12), Người nhấn mạnh: (1) Vai trò của nhân dân: “Nhân nghĩa là nhân dân. Trên bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. (2) Thiện và ác: “Thiện nghĩa là tốt đẹp, vẻ vang. Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”. Người chỉ rõ trong mỗi người, trong xã hội và cả trong thế giới đều có THIỆN và cũng có ÁC: “Nói về mỗi người chúng ta, nếu hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thế là THIỆN. Nếu chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không lo đến lợi ích chung của nước nhà, của dân tộc, thế là ÁC. Thực hành chí công vô tư, cần kiệm liêm chính, thế là THIỆN. Nếu phạm phải quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, lười biếng, thế là ÁC”. (3) Về Đảng: Trong nội bộ Đảng có dân chủ rộng rãi, đồng thời có kỷ luật nghiêm khắc. Người đảng viên phải khiêm tốn, thành khẩn. Không có đảng viên nào có thể đứng trên Đảng, tự cho mình là hơn Đảng.

Mậu Thân (1968). Đây là năm Thân cuối cùng của Người. Năm này sức khỏe giảm sút, bác sĩ khuyên Người “hai chớ” (chớ hút thuốc lá, chớ uống rượu). Người chấp hành và tự đề thơ để làm chứng. Bài thơ chữ Hán, GS. Phan Văn Các dịch như sau: “Hai chớ. Thuốc kiêng rượu chẳng có mừng Xuân/ Dễ khiến thi nhân hóa tục nhân/ Trong mộng thuốc thơm và rượu ngọt/ Tỉnh ra thêm phấn chấn tinh thần”. Xuân đến, Người làm thơ thể hiện tinh thần lạc quan và truyền cảm hứng đến đồng bào, chiến sĩ cả nước: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng lợi tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên toàn thắng ắt về ta”. Thương nhớ miền Nam, Bác gửi thư cho đồng chí Lê Duẩn (10-3), yêu cầu bố trí cho Người đi thăm đồng bào, chiến sĩ miền Nam không đợi đến ngày thắng lợi. Nắm cụ thể, chính xác tình hình trong nước, Người không chỉ nghe báo cáo, đọc báo, nghe đài, Người trực tiếp đi thăm từ các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong, công, nông trường, hợp tác xã, trường học đến các cụ phụ lão và các cháu thiếu nhi, các chức sắc tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số, các văn nghệ sĩ và trí thức…; vào tận Quảng Bình - giới tuyến đêm ngày địch bắn phá. Người có buổi làm việc với Ban Tuyên huấn TƯ về xuất bản loại sách “Người tốt, việc tốt”. Những lời Người dặn từ buổi ấy tới nay vẫn nóng hổi tính thời sự về xây dựng đảng, xây dựng con người Việt Nam trong tình hình hiện nay: Quan niệm về vai trò của Nhân dân trong tầm vóc vĩ đại của Đảng. Người khẳng định nhân dân ta là một tập thể vĩ đại: Có tập thể vĩ đại ấy mới có Đảng ta vĩ đại, mới có Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, mới có kháng chiến chống Pháp thành công, mới có sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước được cả thế giới khen ngợi. Người khuyên: Đừng vì chỉ thấy biển cả mà quên đi những giọt nước nhỏ bé vì nhiều giọt nước nhỏ hợp lại chảy về một hướng mới thành suối, thành sông, thành biển cả. Một pho tượng hay một lâu đài cũng phải có cái nền rất vững chắc mới đứng vững được. Nhưng người ta dễ nhìn thấy pho tượng và lâu đài mà không chú ý đến cái nền. Như thế là chỉ thấy cái ngọn mà quên mất cái gốc. Tức là đừng chỉ thấy thành tích, thắng lợi vinh quang mà quên mất công lao vĩ đại của Nhân dân. Về xây dựng con người, Bác nói: Ta xây dựng con người cũng phải có ý định rõ ràng như nhà kiến trúc. Định xây ngôi nhà như thế nào rồi mới dùng gạch, vữa, vôi, cát, tre, gỗ… mà xây nên. Những gương người tốt, làm việc tốt muôn hình, muôn vẻ là vật liệu quý để xây dựng con người. Đó cũng là cách thực hành đường lối quần chúng trong công tác giáo dục. Đối với giáo dục thanh thiếu niên thì trước hết người lớn phải gương mẫu, phải uốn cây từ lúc cây non, đừng để cho tâm hồn các cháu vẩn đục vì chủ nghĩa cá nhân. Về hiểu và giảng dạy lý luận, theo Người, hiểu Chủ nghĩa Mác-Lênin tức là cách mạng phân công việc gì, làm Chủ tịch nước hay nấu ăn, đều phải làm tròn nhiệm vụ. Không nên đào tạo những con người thuộc sách làu làu, cụ C.Mác nói thế này, cụ V.I.Lê-nin nói thế kia, nhưng nhiệm vụ được giao quét nhà lại để cho nhà đầy rác… Hiểu Chủ nghĩa Mác-Lênin là phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình, có nghĩa thì sao gọi là hiểu Chủ nghĩa Mác-Lênin. Về giáo dục môn lịch sử, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Người từng nói: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Năm này, Người cảnh báo: “Coi chừng có nhiều người Việt Nam lại không hiểu rõ lịch sử, đất nước, con người và những vốn rất quý báu của mình bằng những người nước ngoài. Nếu có tình hình như thế, thì các chú làm công tác tuyên truyền giáo dục phải phụ trách. Về tầm quan trọng của việc giáo dục cán bộ, đảng viên, Người căn dặn: Muốn giáo dục nhân dân thì cán bộ, đảng viên phải tự giáo dục và rèn luyện hằng ngày. Người phê phán một số người: “Đã có xe rồi lại “phấn đấu” để có chiếc xe đẹp hơn, chiếm mất phần của người khác. Đã có nhà ở rồi, lại “phấn đấu” theo kiểu như thế để có nhà đẹp hơn. Làm như vậy là trái đạo đức cách mạng… Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân… Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt trong mỗi con người nẩy nở như hoa mùa xuân và phần xấu mất dần đi…”.

Mùa xuân đã về, chúng ta mong mỗi đảng viên sẽ là một người luôn biết hướng thiện, cố gắng làm theo lời Bác, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân để Đảng xứng đáng là một đảng chân chính, cách mạng, đạo đức, văn minh.



Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất