Để nâng cao chất lượng giảng dạy nghiệp vụ công tác đảng cho cán bộ cơ sở
Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh Phú Thọ tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác xây dựng đảng năm 2016 cho 11 chi, đảng bộ cơ sở.
Chương trình trung cấp lý luận chính trị-hành chính (LLCT-HC) do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành tại Quyết định số 1479/QĐ-HVCTQG ngày 21-4-2014 gồm 6 phần học. Trong đó phần nghiệp vụ công tác đảng ở cơ sở có vị trí rất quan trọng đối với học viên tốt nghiệp trình độ trung cấp LLCT-HC, đặc biệt là những học viên sau khi tốt nghiệp được phân công đảm nhận công tác đảng ở cơ sở.

Nội dung này thuộc phần học “Kỹ năng lãnh đạo, quản lý và nghiệp vụ công tác đảng, MTTQ và đoàn thể nhân dân”. Phần nghiệp vụ công tác đảng ở cơ sở được thiết kế rất chặt chẽ vừa có các nội dung về quan điểm, đường lối của Đảng, vừa có nội dung hướng dẫn các hoạt động mang tính tác nghiệp của tổ chức đảng ở cơ sở. Trên thực tế, nếu học viên là người đã và đang đảm nhận nhiệm vụ công tác đảng ở cơ sở, họ đã từng tham gia xử lý, giải quyết những tình huống phát sinh trong thực tiễn tại địa phương, đơn vị công tác nên đã tự tích lũy nhiều kinh nghiệm. Chính vì vậy, để nâng cao chất lượng giảng dạy nghiệp vụ công tác đảng ở cơ sở trong chương trình trung cấp LLCT-HC là vấn đề không dễ, thậm chí là rất khó đối với một số giảng viên, nhất là đối với giảng viên mới vào nghề.

Để truyền đạt phần kiến thức này có tính thuyết phục, giảng viên trước hết phải nắm chắc kiến thức lý luận về nguyên lý xây dựng đảng, đảng cầm quyền, chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm của các loại hình tổ chức đảng; cơ cấu tổ chức, nguyên tắc hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Bên cạnh đó, vốn kiến thức thực tiễn về hoạt động công tác đảng ở cơ sở là một trong những yếu tố quan trọng quyết định thành công của bài giảng. Đối với nội dung này, khi trình bày giảng giảng viên dùng thực tiễn để chứng minh, làm rõ những vấn đề thuộc quan điểm, đường lối của Đảng; hướng dẫn cụ thể những nội dung tác nghiệp cho học viên; đồng thời giải đáp được những nội dung thắc mắc của học viên về những tình huống phát sinh trong quá trình công tác ở cơ sở. Nếu giảng viên giải quyết thỏa đáng những yêu cầu đặt ra thì bài giảng sẽ trở nên hấp dẫn, học viên không cảm thấy khô khan, nhàm chán mà ngược lại tạo động lực để họ tích cực, chủ động hơn trong việc nắm bắt thông tin, tham gia trao đổi ý kiến, so sánh hoạt động thực tiễn ở cơ sở và thống nhất nhận thức vấn đề giảng viên đưa ra.

Từ việc thực hiện nghiên cứu và giảng dạy một số bài giảng của phần học này trong năm học 2015-2016, tác giả xin có đôi điều trao đổi nhằm góp phần nâng cao chất lượng các bài giảng phần nghiệp vụ công tác đảng ở cơ sở trong chương trình trung cấp LLCT-HC.

Trước hết, giảng viên cần nghiên cứu sâu kiến thức lý luận về đảng chính trị nói chung, trong đó có đảng cầm quyền và đảng cộng sản cầm quyền; nắm chắc quá trình về sự ra đời, tôn chỉ mục đích, quá trình hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là phần kiến thức không thể thiếu, đóng vai trò quan trọng để luận giải, trả lời các câu hỏi  về các hoạt động của Đảng ở cơ sở và làm thế nào để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ.

Thứ hai, giảng viên phải nắm chắc các quy định về chức năng, nhiệm vụ của các loại hình TCCSĐ, từ đó trong bài giảng người giảng viên mới có thể phân tích, so sánh và lý giải giúp cho học viên hiểu rõ hơn về loại hình tổ chức đảng mà mình đang phụ trách hoặc đang trực tiếp tham gia sinh hoạt đảng. Đồng thời để có khả năng phân tích, so sánh, một yêu cầu bắt buộc là người giảng viên phải tăng cường về cơ sở tìm hiểu, tiếp xúc, học tập, tích lũy kinh nghiệm trong thực tiễn về xử lý các tình huống ở cơ sở. Đây là một hoạt động đặc biệt quan trọng, nhất là đối với những giảng viên mới vào nghề và giảng viên chưa trực tiếp đảm nhận nhiệm vụ công tác đảng ở cơ sở. Nội dung tăng phần thuyết phục đối với học viên. Đây cũng là yêu cầu bắt buộc về hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế đối với mỗi giảng viên, để bảo đảm gắn lý luận với thực tiễn trong bài giảng.

Thứ ba, giảng viên cần nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn về nghiệp vụ công tác đảng ở cơ sở nói chung và trong từng lĩnh vực nói riêng để trao đổi giúp học viên năm chắc các quy định, hướng dẫn vận dụng trong công việc, đồng thời giải quyết được những tình huống xảy ra trong thực tiễn; giảng viên ngoài việc phải nắm rất chắc các văn bản hướng dẫn của các cấp bộ đảng, kinh nghiệm hoạt động trong thực tiễn cơ sở là yếu tố không thể thiếu.

Để thực hiện được ba yêu cầu trên, điều quan trọng nhất và mang tính chất quyết định hơn cả  là bản thân người giảng viên phải thật sự yêu nghề, luôn nêu cao phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, phong cách người đảng viên, đồng thời phải có trình độ chuyên môn sâu, có kinh nghiệm thực tiễn, phải tự rèn luyện bản thân trong môi trường sư phạm mẫu mực, thực hiện nghiêm túc chế độ tự học tập. Đây là những yếu tố cơ bản để tích lũy vốn kiến thức vừa có bề rộng vừa có chiều sâu. Để đạt được sự thành công đối với từng bài giảng đòi hỏi người giảng viên phải rất nghiêm túc trong lao động, từ nghiên cứu thực tế, nghiên cứu khoa học, tích lũy kiến thức, thiết kế bài giảng, truyền đạt kiến thức bài giảng trên lớp… có như vậy mới không ngừng nâng cao chất lượng bài giảng lý luận chính trị nói chung, phần nghiệp vụ công tác đảng nói riêng trong chương trình trung cấp LLCT-HC.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất