Với vị trí địa lý và vai trò đặc biệt của mình, Thủ đô Hà Nội có vinh dự, tự hào vì là một trong những nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc lâu nhất. Thủ đô Hà Nội cũng là nơi chứng kiến Bác Hồ kính yêu viết và tuyên bố những tác phẩm bất hủ, đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam và thế giới. Thủ đô Hà Nội cũng là nơi có nhiều địa danh in dấu chân Bác và đã từng được Người dành sự quan tâm, đến thăm và căn dặn. Hầu hết các tầng lớp nhân dân, từ công nhân, nông dân, trí thức đến các chiến sĩ bộ đội, anh chị em dân quân, tự vệ, các nhân sĩ, trí thức, đồng bào tôn giáo, dân tộc, các cụ phụ lão, các cháu thanh, thiếu niên, nhi đồng, các chị lao công... đều được Bác gặp gỡ, thăm hỏi, động viên, khuyên nhủ ân cần. Hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ những vấn đề rất lớn như công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền Thành phố về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, an ninh - quốc phòng đến nhiều vấn đề tưởng nhỏ như tương cà, mắm muối, vệ sinh đường phố, đặt tên phố, quản lý nhân, hộ khẩu... đều được Bác Hồ quan tâm chi tiết, cụ thể. Nhưng qua các bài nói, bài viết, bức điện của Người, toát lên một trong những vấn đề quan trọng và được căn dặn nhiều lần là: phấn đấu làm cho Thủ đô Hà Nội trở thành một thành phố gương mẫu.
Trước ngày giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều bài viết, bài nói, bức điện gửi cho các tầng lớp, đối tượng, cá nhân cán bộ lãnh đạo, nhân sĩ, trí thức Thủ đô, nhưng chỉ đến “Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng” Người mới thể hiện sự mong mỏi đối với đồng bào Hà Nội: “Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt qua mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”(1). Ngày 16-10-1954, trong buổi tiếp đại biểu nhân dân Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc đi, nhắc lại câu “chúng ta phải đoàn kết” và yêu cầu “Nhân dân Thủ đô có truyền thống cách mạng vẻ vang và nồng nàn yêu nước, tôi chắc rằng đồng bào Thủ đô sẽ hăng hái phấn đấu làm cho mọi ngành hoạt động của Thủ đô ngày thêm phát triển, để làm gương mẫu, để dẫn đầu cho nhân dân cả nước ta trong công cuộc củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong khắp nước ta; để xây dựng một đời sống sung sướng, tươi đẹp, thái bình mãi mãi cho con cháu chúng ta”(2). Đây là lần đầu tiên Bác Hồ mong muốn và yêu cầu Thủ đô phấn đấu để trở thành phố gương mẫu, làm đầu tàu cho cả nước. Tiếp đó, vào ngày 21-1-1958, trong thư gửi Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội, sau khi biểu dương những thành tích và nhắc nhở một số nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân Thành phố, lần đầu tiên Bác Hồ nhắc nhở: “Giữ vững và phát triển thuần phong mỹ tục, làm cho Thủ đô ta ngày thêm tươi đẹp, phồn thịnh và trở nên một thành phố gương mẫu cho cả nước”(3). Không chỉ gương mẫu trong tổ chức chính quyền, Hội đồng nhân dân mà hơn ai hết, tổ chức đảng, đảng viên cần gương mẫu trước. Chính vì vậy, vào ngày 25-4-1959 trong bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ toàn Đảng bộ Thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa nhắc nhở “Đảng viên, đoàn viên bất cứ ở đâu, bất cứ làm công việc gì, phải thật gương mẫu. Đảng bộ Hà Nội phải gương mẫu cho các đảng bộ khác. Đảng bộ Hà Nội gương mẫu, sẽ góp phần đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững chắc đấu tranh giành thống nhất nước nhà”(4). Từ ngày 25-1 đến ngày 2-2-1961, tại Nhà hát Lớn đã diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ II. Chiều ngày 1 tháng 2, Đại hội được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu ý kiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở Đảng bộ Hà Nội cần chú ý làm tốt vai trò lãnh đạo trên tất cả các lĩnh vực công tác như công nghiệp, nông nghiệp, văn hóa, giáo dục. Người chỉ rõ “Đảng bộ Thủ đô và đồng bào, trước hết là công nhân Thủ đô, phải gương mẫu, làm đầu tàu để đưa toàn miền Bắc giành lấy thắng lợi”(5). Hơn một năm sau, vào ngày 14-1-1962, trong bài nói chuyện tại Đại hội liên hoan chiến sĩ TP. Hà Nội, Bác Hồ đã “giao nhiệm vụ vẻ vang cho các chiến sĩ thi đua và nhân dân Thủ đô cố gắng phấn đấu làm cho Hà Nội trở thành một thành phố gương mẫu, làm đầu tàu trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình, thống nhất nước nhà.
Muốn xây dựng Thủ đô Hà Nội trở nên thành phố gương mẫu, chẳng những toàn thể Đảng bộ, chính quyền, đồng bào, các tầng lớp nhân dân phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao mà mỗi tổ chức, mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi chi bộ đảng phải thật sự gương mẫu. Đó là điều Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nhắc nhở mỗi khi có điều kiện. Trong bài nói chuyện với cán bộ, công nhân, viên chức Nhà máy điện Hà Nội, ngày 8-11-1958, Người yêu cầu cán bộ và công nhân “rèn luyện, nâng cao tư tưởng, xứng đáng với sự tín nhiệm của Đảng, Chính phủ và nhân dân, quyết tâm làm cho xí nghiệp trở thành gương mẫu”(6). Hơn một tháng sau đó, ngày 25-12-1958, khi đến thăm cán bộ, công nhân Nhà máy cơ khí Hà Nội, Bác Hồ lại “giao trách nhiệm cho cán bộ và công nhân Nhà máy này trở thành một nhà máy kiểu mẫu”. Để Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố gương mẫu, Bác Hồ chỉ ra rất nhiều nhân tố, trong đó, một trong những nhân tố có tính quyết định là Đảng bộ Hà Nội phải lãnh đạo nhân dân hoàn thành nhiệm vụ, Đảng bộ phải mạnh và muốn “Đảng bộ mạnh là do các chi bộ mạnh. Chi bộ mạnh là do các đảng viên hăng hái và gương mẫu”; “Tất cả các chi bộ nên thật sự là hạt nhân lãnh đạo của Đảng bộ ở mọi bộ, mọi ngành, mọi nghề, mọi nơi”(7).
Chẳng những đề ra nhiệm vụ, phương hướng phấn đấu của toàn Đảng bộ, của từng chi bộ, của từng đảng viên, của mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, Bác Hồ còn chỉ ra cách làm thế nào để Hà Nội trở thành thành phố gương mẫu. Một trong những phương thức rất quan trọng mà Bác Hồ luôn luôn nhắc nhở là vấn đề đoàn kết. Người khẳng định, đoàn kết là lực lượng mạnh nhất của chúng ta và để Hà Nội phát triển những thuận lợi và khắc phục những khó khăn, điều cần thiết nhất là đoàn kết. Đồng thời một nhân tố quan trọng có tính quyết định thắng lợi mọi việc là phải dựa vào lực lượng nhân dân. Để trở thành thành phố gương mẫu thì không chỉ có mạnh về kinh tế vật chất mà phải trong sạch về xã hội, phong phú, đẹp về đời sống tinh thần. Là đô thị lớn và có nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp, nhiều tệ nạn xã hội, Bác Hồ đã căn dặn: “Đối với Hà Nội, phải làm cho Thủ đô trong sạch về tinh thần và vật chất”; “về việc quét bọn cao bồi, buôn lậu, công an không làm được một mình mà phải dựa vào dân, không có dân không hiểu biết bọn buôn lậu, dân biết hàng hóa ở đâu ra, mà gái điếm hoạt động người ta cũng biết. Phải dựa vào dân mà giải quyết vấn đề này” bởi vì “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”(8).
Thực hiện những lời căn dặn và mong muốn của Bác Hồ, 60 năm qua, kể từ ngày Thủ đô Hà Nội hoàn toàn được giải phóng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã không ngừng phấn đấu, cố gắng vươn lên, vượt qua rất nhiều gian lao, thử thách, từng bước trở thành thành phố gương mẫu về nhiều mặt. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân dân Hà Nội đã đi đầu, làm gương sáng về sự anh dũng, gan dạ, kiên cường, không chịu khuất phục trước kẻ thù tàn bạo, thực hiện đúng lời kêu gọi của Bác Hồ “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Chỉ hơn một tháng sau “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, đội quân cảm tử bảo vệ Thủ đô đã nêu tấm gương về sự ngoan cường, anh dũng với tinh thần “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đội thanh niên xung phong Thủ đô đã anh dũng đánh giặc, bảo vệ Thủ đô trong suốt hai tháng liên tục. Sau đó, đại bộ phận thanh niên này đã tham gia Trung đoàn Thủ đô, lập công trên nhiều mặt trận, góp phần cho Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, rất hiếm có địa phương nào như Thủ đô Hà Nội, trong vòng chưa đầy một năm, từ ngày 15-12-1966 đến 7-11-1967 đã 4 lần được Bác Hồ gửi thư khen về thành tích bắn rơi máy bay Mỹ, bảo vệ Thủ đô và miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Sự quan tâm, khen ngợi, cổ vũ của Bác Hồ cùng với sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự mưu trí, dũng cảm của quân và dân Thủ đô đã làm nên một “Điện Biên Phủ trên không”, đòn quyết định buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pa-ri, tạo ra thế và lực để quân, dân cả nước “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối.
Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, Thủ đô Hà Nội tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, mẫu mực trên nhiều lĩnh vực, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Sau gần 6 năm Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính (diện tích gấp hơn 3 lần trước 3.328km2), đến nay, dân số đã đạt 7,3 triệu người, nằm trong số 17 Thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới, tương đương với Thủ đô Pa-ri của Pháp, Luân Đôn (Anh), Tô-ky-ô (Nhật Bản). Kinh tế Thủ đô những năm qua liên tục tăng trưởng bình quân cao hơn 1,5 lần so với mức bình quân chung của cả nước. Từ chỗ chỉ có một cây cầu Long Biên, đến nay, Hà Nội đã có thêm nhiều cầu qua sông Hồng. Trong hành trình phát triển, Thủ đô Hà Nội cũng đang xây dựng hình ảnh đẹp trong con mắt bạn bè quốc tế với tinh thần hợp tác bình đẳng, cùng có lợi.
Đến nay, Hà Nội đã có mối quan hệ hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố trên thế giới, trong đó đã ký văn bản hợp tác song phương với hơn 50 thành phố. Bên cạnh đó, Hà Nội còn là thành viên chính thức có trách nhiệm tích cực của nhiều tổ chức quốc tế lớn, như: Mạng lưới các thành phố lớn châu Á thế kỷ XXI (ANMC21); Hiệp hội các thành phố lớn trên thế giới (Metropolis); Hiệp hội các thị trưởng của các thành phố có sử dụng tiếng Pháp trên thế giới (AIMF); mạng lưới các chính quyền địa phương về quản lý dân cư (Citynet), Hiệp hội các thành phố có lịch sử lâu đời (The League of Historical Cities)… Hằng năm, Hà Nội thu hút hơn 30% lượng khách quốc tế đến Việt Nam; năm 2013, Hà Nội được quốc tế bình chọn là một trong 10 điểm đến hấp dẫn hàng đầu châu Á, đón 2,6 triệu lượt khách quốc tế và khoảng 14 triệu khách trong nước.
Ngày 16-7-1999, tại La Paz, Thủ đô Bô-li-vi-a, UNESCO đã tổ chức trọng thể Lễ trao "Giải thưởng UNESCO - Thành phố vì Hòa bình" cho 5 thành phố thuộc 5 châu lục trên thế giới. Thủ đô Hà Nội là Thành phố duy nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương vinh dự nhận phần thưởng cao quý này, góp phần nâng cao vị thế cho Hà Nội, trung tâm văn hóa lớn của cả nước, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa ngàn năm văn hiến, hiện đại và tiêu biểu của nước Việt Nam. Năm 2010, Thủ đô Hà Nội đã tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và có thêm các công trình, di tích văn hóa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, như: Hoàng thành Thăng Long, Bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Tuy nhiên, so với yêu cầu của sự phát triển, nguyện vọng chính đáng của người dân Thủ đô và bạn bè quốc tế, nhất là mong muốn của Bác Hồ trước lúc “đi xa”, trên địa bàn Hà Nội vẫn còn những hạn chế, yếu kém, bất cập, thậm chí khuyết điểm kéo dài, gây bức xúc đối với người dân. Nhiều vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, trật tự, xây dựng và quản lý đô thị... chưa mẫu mực, thậm chí có mặt còn thua kém một số địa phương khác. Cán bộ, đảng viên, nhân dân vẫn còn băn khoăn, thắc mắc: với vị thế, vai trò rất quan trọng, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các ngành, các cấp ở Trung ương và các địa phương, của đồng bào cả nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài, tại sao nhiều lĩnh vực của Thủ đô vẫn chưa trở thành gương mẫu? Chắc chắn đây cũng là một trong những câu hỏi đặt ra với các cấp lãnh đạo Thủ đô trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội (10-10-1954 - 10-10-2014). Và mỗi một người trong chúng ta, dù có cư trú ở Thủ đô Hà Nội hay không cũng đều phải có trách nhiệm thực hiện tốt hơn lời căn dặn của Bác Hồ: “Phải làm cho Hà Nội trở thành một thành phố gương mẫu”.
Chú thích:
(1).(2).(8). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 7, trang 361; 368-369; 363.
(3).(4).(6). Hồ Chí Minh, Sđd, tập 9, trang 27-28; 421; 261.
(5).(7). Hồ Chí Minh, Sđd, tập 10, trang 272; 270-271.
Vũ Ngọc Lân