Giải báo chí về phòng chống tham nhũng, lãng phí: Tác phẩm đoạt giải phải đi đến cùng của vụ việc
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại cuộc họp.
“Với những bài báo phản ánh về tham nhũng, lãng phí khi được công bố và Ban Tổ chức nhận thấy đây là những đột phá trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Mặt trận sẽ vào cuộc cùng báo chí sẽ để những điều báo chí nêu sẽ thực sự có kết quả”. Đó là khẳng định của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” tại cuộc họp Ban Chỉ đạo giải diễn ra ngày 1-3.                  

Đừng để “đá ném ao bèo”                       

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Vũ Văn Tiến, Tổng Biên tập Tạp chí Mặt trận cho rằng, đây là lần đầu tiên Việt Nam có một giải báo chí phòng, chống tham nhũng vì thế chúng ta phải xác định phòng chống tham nhũng nghĩa là viết một chữ đã động chạm đến rất nhiều vấn đề, vì vậy, cơ quan chủ quản của các tờ báo cần phải xác định, đã tham gia giải thì phải có quyết tâm và nhiệt huyết với giải, không để tình trạng, bài vừa đăng đã có điện thoại từ cơ quan chủ quản gọi xuống gỡ bài. “Trong đấu tranh tham nhũng mà chùn tay thì không còn hiệu quả. Không làm thì thôi, đã làm phải quyết liệt”, đồng chí Vũ Văn Tiến nhấn mạnh.

Đồng thuận với quan điểm này, đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tổ chức giải cho rằng, giải báo chí diễn ra đúng lúc Đảng vừa ban hành Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), giữa lúc công tác đấu tranh chống tiêu cực đang nóng - đây sẽ là hoạt động trọng tâm, trọng điểm để thực hiện triển khai Nghị quyết. Tuy nhiên, đồng chí Hồ Quang Lợi cũng chỉ ra những khó khăn, người làm báo sẽ dùng ngòi bút đấu tranh với tham nhũng, người bị nêu tên, đưa ra ánh sáng sẽ tìm mọi cách để chống lại các nhà báo và thực tế nhiều nhà báo đã bị ảnh hưởng. Vì vậy, vấn đề là anh em báo chí phải có chỗ dựa, người cầm bút lên tuyến đầu nhưng đằng sau phải có sự hậu thuẫn của lãnh đạo cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản.

“Ở cấp Trung ương, Ban Chỉ đạo giải cần phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương kịp thời phản ánh về hoạt động của giải, từ đó những tác phẩm báo chí đăng tải phải được quan tâm xử lý kịp thời”, đồng chí Hồ Quang Lợi đề xuất.

Từ thực tế hoạt động nghiệp vụ, nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng Biên tập Báo Tiền phong đề nghị: Đừng để các tác phẩm báo chí đoạt giải rơi vào tình trạng “đá ném ao bèo”. Dẫn ra tác phẩm báo chí của mình đã từng đoạt giải báo chí nhưng đến 10 năm sau mới xử lý triệt để vấn đề báo nêu, nhà báo Phùng Công Sưởng cho rằng: Những vấn đề, vụ báo chí nêu việc phải được giải quyết dứt điểm, các tác phẩm được giải phải là những tác phẩm đi đến cùng của vụ việc, có như thế mới tạo được hứng khởi cho người cầm bút và niềm tin của nhân dân vào báo chí.

Cần sự khích lệ, động viên kịp thời

Để động viên báo chí tham dự giải, Phó Tổng Biên tập Báo Tiền phong cho rằng, cần phải có quy chế khen thưởng, không cần chờ đợi đến cuối đợt tổng kết giải mà trước những vấn đề báo nêu có hiệu ứng tốt, Chủ tịch Mặt trận MTTQ Việt Nam hay Chủ tịch Hội Nhà báo nên đến thăm toà soạn. “Người làm báo chống tiêu cực rất cô đơn vì nhiều khi lãnh đạo không hiểu, anh em không hiểu, nhiều nhà báo phải trả giá bằng chính mạng sống cho sự dấn thân của mình. Cho nên đôi khi chúng tôi chỉ cần một bó hoa, một lời nói cũng là nguồn động viên to lớn để tiếp tục dấn thân”, đồng chí Phùng Công Sưởng nêu ý kiến.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Mặt trận đã hai lần báo cáo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII), trong đó có việc tổ chức giải báo chí đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tổng Bí thư cũng khẳng định, chống tham nhũng lãng phí nếu chỉ có chính quyền mà Mặt trận và báo chí không vào cuộc thì Nghị quyết Trung ương 4 cũng không thể thành công.

Vì vậy, thời gian tới, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, Mặt trận sẽ không để báo chí kiến nghị một mình, Mặt trận và các tổ chức thành viên sẽ chọn những bài báo có vấn đề để cùng lên tiếng, kiến nghị. Trường hợp, nếu người dân có gửi đơn, nhưng vì nhiều ký do không dám ký tên, Mặt trận và các tổ chức thành viên sẽ thu thập thêm dữ liệu chuyển sang Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét. “Với những bài báo phản ánh về tham nhũng, lãng phí khi được công bố và Ban Tổ chức nhận thấy đây là những đột phá trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Mặt trận và báo chí sẽ cùng vào cuộc để những điều báo chí nêu sẽ thực sự có kết quả. Những vấn đề báo chí dự giải nêu phải được giải quyết trong năm nay, đi đến kết quả cụ thể, chứ không để nhận giải năm nay mà năm sau mới giải quyết”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định, bên cạnh các nguồn tin báo chí chủ động khai thác, Mặt trận cũng sẽ là một kênh để giới thiệu thông tin cho các cơ quan báo chí thông qua việc tiếp nhận và chọn lựa những vụ việc nào mà nhân dân bức xúc nhất thông qua việc nắm bắt dư luận nhân dân hàng tháng.

Đồng thuận với quan điểm những bài báo có tác dụng xã hội tốt cần có khen thưởng, biểu dương kịp thời không cần chờ đến trao giải, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Công tác khen thưởng, không phải chỉ dừng khen ở 1 báo vào cuộc mà khen nhiều báo tham gia. Đặc biệt, Mặt trận và Hội Nhà báo sẽ có trao đổi thường xuyên, những bài báo nào cần được hỗ trợ và động viên kịp thời. Bên cạnh đó, vấn đề phải biểu dương, khen thưởng phải chú trọng đến cả những “người tốt, việc tốt” - chính là những người đã dũng cảm đứng lên đấu tranh, thông tin về vụ việc cho báo chí và Mặt trận.
-----

* Ban Tổ chức sẽ nhận tác phẩm báo chí dự giải từ nay đến 30-11-2017 tại Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam: 59 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Lễ công bố và trao giải sẽ diễn ra vào 30-12-2017.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất