Dưới góc nhìn của một người Việt Nam ở nước ngoài, anh có thể chia sẻ cảm nhận về những thay đổi của Việt Nam hiện nay?Trong hơn 40 năm kể từ khi thống nhất đất nước và 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, sức mạnh kinh tế của đất nước tăng lên nhiều. Hiện có khoảng 220 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới có quan hệ ngoại giao và kinh tế với Việt Nam, trong đó có quan hệ giao thương với hầu hết những nền kinh tế phát triển. GDP bình quân đầu người hiện nay đạt hơn 2.000USD. Đây là những chuyển đổi vị thế quan trọng. Việt Nam chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực, đặt ra yêu cầu cao về tranh thủ thời cơ cho phát triển đất nước cũng như giữ vững độc lập, tự chủ và môi trường ổn định khi hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện với khu vực và thế giới.
Mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào, nhưng hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập, hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao khiến những yếu tố tiêu cực của cơ chế thị trường và từ quá trình hội nhập tác động càng mạnh đến các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, đạo đức và phát sinh nhiều tệ nạn. Tuy có những khuyết điểm, yếu kém, nhưng với những thành tựu đạt được không thể phủ nhận bộ mặt kinh tế - xã hội, sự hội nhập quốc tế của Việt Nam có nhiều điểm sáng đáng tự hào. Công cuộc đổi mới đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta cần quan tâm khắc phục một số hạn chế yếu kém, khuyết điểm trong quản lý xã hội để xóa bỏ những lực cản trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước.
Theo anh, làm thế nào để xóa bỏ những lực cản và phát huy được vai trò của người Việt Nam ở nước ngoài?
Trong các kỳ đại hội, Đảng ta luôn khẳng định: Đồng bào định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời, là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam và cần có những chính sách tạo điều kiện thuận lợi để kiều bào về thăm quê hương, mở mang các hoạt động văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, sản xuất - kinh doanh, góp phần thiết thực xây dựng đất nước… Đặc biệt, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26-3-2004 của Bộ Chính trị đã đề ra chủ trương, phương hướng và các nhiệm vụ chủ yếu về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Đảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương và địa phương đã có những chương trình hoạt động cụ thể tập hợp và thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng đất nước. Hằng năm, nhiều hoạt động dành cho người Việt Nam ở nước ngoài, như chương trình gặp gỡ đầu xuân mới; mời các đoàn người Việt Nam tiêu biểu ở nước ngoài về thăm đất nước trong các dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ngày Quốc khánh; tổ chức trại hè cho thanh, thiếu niên người Việt Nam ở nước ngoài, mời tham gia góp ý về Hiến pháp, xây dựng các văn kiện đại hội đảng, mời tham gia các diễn đàn chính sách... Tuy nhiên một số chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài chưa được thực hiện tốt, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, chậm xử lý thông tin trong thời gian dài, dẫn đến những ảnh hưởng tâm lý không tốt.
Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn là đầu mối thực thi chính sách ở cấp cơ sở, cấp địa phương. Những cán bộ từ cấp cơ sở, địa phương không nắm vững chính sách sẽ rất khó thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài. Thí dụ về vấn đề xuất nhập cảnh hay lưu trú, những người thực thi pháp luật ở cơ sở không nắm vững, hiểu chưa thấu đáo, hoặc gây trở ngại về mặt hành chính sẽ làm bà con không hài lòng. Mặt khác, để huy động được tiềm lực của kiều bào thì cần nhanh chóng tạo cầu nối thông tin giữa địa phương và người Việt Nam ở nước ngoài, theo từng thế mạnh của cơ sở. Thu hút người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư về nước rõ ràng liên quan đến những người thực thi pháp luật, chính sách ở địa phương, ở cơ sở. Điều này đòi hỏi lãnh đạo các cấp cần chú ý, nếu cần phải có những diễn đàn riêng để bà con trực tiếp làm việc và trao đổi với lãnh đạo chính quyền cơ sở hoặc cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm nhanh chóng tháo gỡ khúc mắc, từ đó huy động được tối đa nguồn lực cho đất nước.
Được biết, anh từng chia sẻ: “Giáo dục đại học là mảng cần có nhiều sự đổi mới ở Việt Nam và con đường tiến bộ cho giáo dục đại học đó chính là cần trao quyền tự chủ cho các trường đại học...”. Xin anh cho biết rõ hơn về điều này?
Đảng ta coi giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu, nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài là một trong những cơ sở phát huy yếu tố con người cho sự phát triển nhanh và bền vững ở nước ta. Đổi mới giáo dục đại học là một khâu quan trọng. Quyền tự chủ của trường đại học thể hiện ở tự chủ về tuyển sinh, về đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, về công tác giảng dạy và nghiên cứu, về tài chính, chương trình học cho sinh viên... Một vấn đề nữa trong tự chủ là cần xác định ai là người chủ? Đó là người đứng đầu và chịu trách nhiệm cao nhất trong trường đại học - hiệu trưởng. Hiệu trưởng một trường đại học thường được tuyển lựa rất gắt gao và dựa trên rất nhiều yếu tố đánh giá khác nhau. Cần giao quyền phong giáo sư và phó giáo sư cho các trường theo mô hình giống như các nước phát triển. Giáo sư và phó giáo sư dựa trên những công bố trên tập san khoa học quốc tế, bằng phát minh sáng chế (patent), hoặc các thành tích nghiên cứu khoa học khác đã đạt được. “Thầy giỏi ắt có trò hay”, phải coi nguồn nhân lực chất lượng cao là điều kiện tiên quyết cần phải thúc đẩy và phát triển mạnh mẽ. Chính quyền - nhà trường - nguồn nhân lực chất lượng cao - doanh nghiệp phải là cầu nối và có mối quan hệ mật thiết lẫn nhau, để làm được điều này, việc tự chủ trong giáo dục đại học ở Việt Nam là hết sức cần thiết.
Với vai trò là Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc, anh có thể cho biết một số hoạt động tiêu biểu của người Việt Nam tại Hàn Quốc hướng về quê hương, đất nước.
Kể từ khi thành lập (22-12-2010) đến nay, Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc đã và đang cố gắng trở thành cầu nối giữa cộng đồng với quê hương, với các tổ chức nước sở tại, kịp thời phản ánh nguyện vọng chính đáng của cộng đồng với các tổ chức ở Việt Nam, cũng như của Hàn Quốc. Hội đã phát động phong trào “Tương thân, tương ái” để động viên và giúp đỡ các gia đình văn hóa Việt - Hàn, các trường hợp lao động và du học sinh đặc biệt khó khăn. Hội đã có một số hoạt động hướng về cội nguồn như phát động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt. Năm 2016 các khối trong cộng đồng hướng về đồng bào bị lũ lụt, đến tận nơi các địa phương ở miền Trung để động viên, chia sẻ khó khăn và trao quà khoảng 40.000USD. Thực hiện hoạt động “Chia sẻ áo ấm” với trẻ em khó khăn vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Cộng đồng tham gia ủng hộ chương trình “Góp đá xây Trường Sa”, đóng góp các ý kiến với các tổ chức ở Việt Nam trong xây dựng và phát triển đất nước... Đặc biệt, lượng kiều hối do cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc chuyển về hằng năm đạt khoảng 1 tỷ USD, chiếm khoảng 10% tổng lượng kiều hối về nước, đã góp phần vào việc thúc đẩy sự phát triển chung của Việt Nam. Để hiện thực hóa lòng yêu nước của cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc nói riêng và cộng đồng người Việt sống xa Tổ quốc nói chung, Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc chính thức sáng lập Quỹ “Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam”, ra mắt trang web chính thức: http://chuquyenbiendaovietnam.org. Quỹ hoạt động để tuyên truyền và huy động trí tuệ, sức lực, vật chất vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Anh có thể nói rõ hơn về Quỹ “Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam”?
Qua chuyến thăm quân dân trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK năm 2015, chúng tôi nhận thấy có thể áp dụng những kiến thức chuyên môn của mình và những ứng dụng khoa học - công nghệ của Hàn Quốc để góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, chiến sỹ ở Trường Sa. Trong đó có 3 vấn đề chính chúng tôi quan tâm nhất là “nước ngọt”, “rau xanh” và “điện sinh hoạt”, đặc biệt tại các điểm có nhiều khó khăn như đảo chìm và nhà giàn. Trở về, chúng tôi đã phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn của Hàn Quốc nghiên cứu thành công máy “chuyển độ ẩm không khí thành nước ngọt”, đây là thành tựu khoa học, công nghệ mới và chưa từng được ứng dụng tại Việt Nam. Chúng tôi cũng nghiên cứu các giống rau xanh chịu mặn, chịu nhiệt từ Hàn Quốc, có những đặc tính ưu việt và phương pháp trồng phù hợp với điều kiện địa lý ở các đảo và nhà giàn. Chuyến đi của đoàn công tác số 6, tháng 4-2016 thăm Trường Sa và nhà giàn do Bộ Tư lệnh Hải quân và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao tổ chức đã giúp chúng tôi có cơ hội thực hiện “Lời hứa Trường Sa”. Chúng tôi đã trao 3 máy chuyển đổi độ ẩm không khí thành nước ngọt ở những nơi có độ ẩm cao trên 70% như đảo chìm Colin, Len Đao và nhà giàn DK1/17, 3 máy phát điện quang năng có hiệu suất cao, các giàn trồng rau thử nghiệm trên các mô hình khác nhau, các giống rau Hàn Quốc có đặc tính ưu việt. Tổng giá trị các món quà trao tặng năm 2016 là 28.000USD. Các thiết bị đều đang hoạt động và rau phát triển nhanh, góp phần đáp ứng nhu cầu cần thiết cho đời sống sinh hoạt của cán bộ, chiến sỹ ngày đêm canh giữ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Cộng đồng cũng đã tổ chức các cuộc biểu tình ôn hòa nhằm phản đối những hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông. Các buổi triển lãm tranh về chủ quyền biển đảo với những bằng chứng xác thực không thể chối cãi, những thông tin chính xác nhất đến với bạn bè quốc tế tại Hàn Quốc. Các chương trình, sự kiện này đã gây tiếng vang mạnh mẽ đến truyền thông, người dân Hàn Quốc và bạn bè quốc tế.
Có thể nói, tôi là người may mắn được 2 lần đi thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK hai năm liên tiếp. Mỗi lần đi đều cho tôi những trải nghiệm đặc biệt và những cảm xúc khó quên. Ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi là tình cảm của cán bộ, chiến sỹ hải quân nói chung và cán bộ, chiến sỹ ở Trường Sa, nhà giàn nói riêng dành cho kiều bào và tinh thần không ngại gian khó, luôn nắm chắc tay súng, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Chúng tôi, những người Việt Nam ở nước ngoài trên khắp thế giới đã và đang là những đầu mối tiếp tục kết nối và xây dựng nên những kế hoạch hướng về quê hương, biển đảo “khi Tổ quốc gọi - chúng tôi trả lời”!
Năm 2016 chứng kiến nhiều biến động chính trị trong và ngoài nước. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng dần đi vào cuộc sống đưa đất nước tiếp tục phát triển. Các đảng viên tại Hàn Quốc luôn tin tưởng, cảm nhận rõ sự quyết liệt của Đảng trong đấu tranh phòng chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng, kỳ vọng nhiều vào việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đưa đất nước Việt Nam tiếp tục phát triển và đạt được tầm cao mới.
Cảm ơn anh đã trả lời phỏng vấn của Tạp chí Xây dựng Đảng.
Minh Phong (thực hiện)