Giai điệu hào hùng của ca khúc "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”
Trong những ngày này, cả nước lại âm vang những lời ca giản dị, hân hoan mà quen thuộc của bài hát Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng của nhạc sỹ Phạm Tuyên. Bài hát bất hủ ấy như trẻ lại cùng những lời ca của mùa xuân 39 năm trước 30-4-1975 Sài Gòn giải phóng. Trong những ngày hân hoan tột độ ấy đã có hàng trăm ca khúc đã ra đời để chào mừng ngày vui của dân tộc, đất nước độc lập, non song thu về một mối. Đối với nhạc sỹ Phạm Tuyên dù ông đã có gia tài đồ sộ hơn 700 ca khúc, nhưng bài hát này vẫn mang âm hưởng và tình cảm nồng nàn. Cả ca từ và đầu đề chưa đầy 70 chữ ấy gói ghém trong nó tình cảm lớn lao vĩ đại: Là lòng thành kính tưởng nhớ tới vị cha già dân tộc, Người đã dâng trọn cả cuộc đời mình vì tự do của đất nước, vì sự thống nhất của non sông; là niềm đợi mong khắc khoải ấp ủ từ những năm tháng sống và chiến đấu gian khổ của cả dân tộc, nay vỡ oà thành niềm vui chiến thắng.

Khi bài hát mới ra đời, nhạc sĩ từng bị “phê”: Ông Phạm Tuyên sáng tác như bài hát thiếu nhi, không phù hợp với tầm vóc của ngày đại thắng. Cả Hội đồng thẩm định bài hát, cả nhạc sĩ và có lẽ cả công chúng đương thời đều không thể ngờ, bài hát nhỏ, với tiết tấu ngắn gọn và lời ca trong sáng như bầu trời ngày mùa xuân chiến thắng ấy rồi đây sẽ vang dài theo năm tháng, thành tiếng reo của cả dân tộc.

"Đúng 17 giờ ngày 30-4-1975, sau bản tin thông báo miền Nam hoàn toàn giải phóng, lần đầu tiên trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi khắp mọi miền Tổ quốc bài ca Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Không chỉ tôi mà mọi người có mặt trong phòng phát âm Đài Tiếng nói Việt Nam hôm đó đều sững sờ và òa lên khóc" - theo nhạc sĩ Cao Việt Bách, chưa từng có bài hát nào mà khi trình bày cả dàn nhạc hoà tấu và ca sĩ đều bật khóc vì xúc động sâu xa và hạnh phúc lớn lao như vậy.

Đến tận bây giờ, nhớ lại, nhạc sỹ Phạm Tuyên còn thấy bồi hồi: "Khi nghe bài hát thu thanh lại trên đài, tôi tưởng như nghe bài hát của ai chứ không phải của mình nữa. Mình chẳng qua chỉ là người chắp bút thôi. Lời ca, giai điệu đến rất tự nhiên. Chợt nghĩ, trong giờ phút lịch sử, nếu mình không viết thì nhất định người khác cũng sẽ viết những lời ca, giai điệu ấy".

Sau này, nhạc sĩ Nguyễn Cường cũng chia sẻ với Phạm Tuyên tâm sự đó: "Bài hát này như có chút gì tâm linh vậy. Bình thường chẳng ai nghĩ sẽ viết những ca từ như thế. Nhưng ở thời điểm ấy, hẳn đã có điều gì thôi thúc, buộc anh phải viết nên ca khúc như vậy".

Phạm Tuyên luôn cho rằng, với người làm nghệ thuật, hai vị giám khảo công minh nhất là: công chúng và thời gian. Và với bài hát này, cả hai vị giám khảo đều tỏ ra ưu ái. Càng về sau, bài hát của ông càng phổ biến, mọi tầng lớp trẻ, già, gái, trai đều thuộc, ngay bạn bè quốc tế, những người không hề biết tiếng Việt cũng hoà nhịp được cùng điệp khúc: "Việt Nam Hồ Chí Minh".  Lý giải cho sức sống, sự dài rộng theo năm tháng của đứa con tinh thần ấy, nhạc sĩ Phạm Tuyên nói: "Viết bài hát cho cộng đồng thì bài hát ấy phải vừa khái quát vừa cụ thể. Khái quát là điệp khúc "Việt Nam Hồ Chí Minh", cụ thể là: "Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông, ba mươi năm dân chủ cộng hoà, kháng chiến đã thành công". Bài hát là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tầm cao của thời đại và tính chất biên niên sử của những sự kiện hào hùng. Dường như một nhạc sĩ phóng khoáng như ông sẵn sàng bằng lòng với việc bài hát đi vào đời sống nhân dân, được mọi người biến tấu cho phù hợp với từng hoàn cảnh. Nhưng trong chỉnh thể của nó, bài hát vẫn vẹn nguyên qua năm tháng, là dấu son bằng âm nhạc ghi lại ngày toàn thắng của dân tộc. Bài hát ấy không chỉ được nhân dân Việt Nam ca hát. Nó đã vượt qua biên giới, để tất cả những người bạn quốc tế yêu mến Việt Nam, ủng hộ cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam đều biết đến và hát như hát lên thành lời hai tiếng "Việt Nam".

Năm 1979, Đoàn ca múa Trung ương sang Nhật trong chương trình giao lưu âm nhạc đã xúc động khi biết Hội Âm nhạc Lao động Nhật Bản đã cho xuất bản và phát hành bài hát Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng bằng tiếng Nhật trên 49 tỉnh thành của nước bạn. Có người trong đoàn hỏi: "Đã qua 4 năm rồi, sao các bạn còn hát bài hát của đại thắng mùa xuân năm 1975", bạn đã trả lời: "Chúng tôi hát ca ngợi chiến thắng của Việt Nam, ca ngợi đất nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, một quốc gia bé nhỏ mà đánh bại được hai cường quốc lớn". Lúc trở về, anh em mang tặng nhạc sĩ Phạm Tuyên bản in song ngữ Việt - Nhật của bài hát. Đến giờ, ông vẫn trân trọng cất giữ như một kỉ niệm không thể nào quên.

Nhân dịp nhạc sỹ Phạm Tuyên vào Huế dự năm kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn. Trong buổi lễ kỉ niệm tại rạp Hưng Đạo bên bờ sông Hương, đoàn du khách Nhật đi qua đã xin tham gia cùng. Một phụ nữ trong đoàn xin hát hai bài góp vui cùng buổi lễ hai bài hát: Hoa anh đàoNhư có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng.

Ban tổ chức đã sắp xếp để người bạn Nhật biểu diễn bài hát, cùng với nhạc sĩ Phạm Tuyên để mọi người trong rạp đều cùng hoà theo điệp khúc Việt Nam Hồ Chí Minh đầy hào sảng. Khi buổi lễ kết thúc, hỏi ban tổ chức, nhạc sĩ mới biết người phụ nữ Nhật đó là một người bạn yêu mến Việt Nam. Bà từng sang Việt Nam trước ngày giải phóng, từng gặp cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và từng đấu tranh cho cuộc chiến chính nghĩa của nhân dân ta.

Một đời người nhạc sĩ viết được một bài hát như thế cũng đủ để lưu danh với đời. Sau khi bài hát được phát trên đài, có nhà báo miền Nam ra gặp Phạm Tuyên từng bảo: "Anh Tuyên giỏi thật. Trong 2 tiếng mà viết nên một bài hát lịch sử như vậy". Nhạc sĩ chỉ giản dị đáp: "Vâng. 2 tiếng. Và cả cuộc đời".   
                                                                 


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất