Gian nan gieo chữ trên đỉnh Pokadong
Một em học sinh của Trường THCS Phước Thành đang vượt dốc cao đến trường.
Mảnh đất quanh năm "sương mù bao phủ"                

Trà Va nằm ở độ cao hơn 1700m so với mực nước biển. Vượt qua chặng đường dài hơn 200km, chúng tôi tìm về điểm Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Phước Thành ở làng Trà Va b (xã Phước Thành, huyện miền núi vùng cao Phước Sơn, Quảng Nam). Từ trục đường chính đi vào điểm trường chỉ chừng 2km nhưng rất vất vả mới vượt qua được con đường bằng đất nhỏ hẹp, trơn trượt với những con dốc núi đá dựng đứng, một bên là vực thẳm. Dù đang trong giai đoạn mùa hè xứ Quảng, nhưng Trà Va b vẫn chìm trong màn sương mù dày đặc. Xa xa là ngôi trường cheo leo bên vách núi hiện ra mờ ảo. "Ở đây các chú đi vào mùa mưa, dịp tháng 11 hoặc 12 hằng năm thì chỉ có nhìn thấy sương mù bao phủ thôi. Đứng cách nhau khoảng từ 7m cũng rất khó để nhìn thấy nhau. Nhưng mùa hè lên đây thì đỡ hơn đó, khí hậu thì mát mẻ lắm", một người dân chia sẻ với chúng tôi. Qua tìm hiểu, điểm trường Trà Va b có 2 lớp học với tổng số 15 học sinh. Cuộc sống dạy và học của các thầy cô, học sinh gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn trăm bề.                      

Thấy chúng tôi, thầy Lê Văn Tài, người có 15 năm “cắm” tại điểm trường ngỡ ngàng nói: “Tối qua trời mưa, đường vào trơn trượt, tôi sợ các anh không vào nổi, trong này sóng điện thoại chập chờn lắm nên cũng không thể nào liên lạc được với các anh. Đường vào trường mới thông được cách đây vài năm, trước đây chỉ có cách lội bộ thôi”. Ngôi trường với 1 căn nhà 3 phòng học (2 phòng học, 1 phòng ở của giáo viên) được làm bằng ván gỗ tạp cách đây hàng chục năm nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Mặc dù mỗi năm chính quyền địa phương, phụ huynh học sinh đều góp công để sửa chữa nhưng không đuổi kịp cái tuổi già của ngôi trường, nó dần già nua theo thời gian của năm tháng và dường như không còn đủ sức để che chở cho thầy trò nơi đây mỗi khi mưa gió. “Ngày trước khi tuyến đường chính chưa được hoàn thiện, đường đất vào trường cũng chưa được mở thì chỉ có những giáo viên nam mới được phân công công tác tại điểm trường này thôi. Bây giờ đường vào dù đã thông nhưng đi lại cũng rất khó khăn. Cứ hễ trời mưa, thì con đường vào điểm trường này luôn phải đi bộ. Đặc biệt cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn nên ảnh hưởng không nhỏ để công tác dạy và học của thầy và trò”, nhìn những căn phòng học liêu xiêu, thầy Tài chỉ biết nhìn cười trừ. Trong mỗi lớp học, các em học sinh chăm chú vào từng trang vở say sưa với từng con chữ và bài học của mình. Tuy nhiên, ở nơi đây chuyện các em bỏ học là điều bình thường, đặc biệt khi vào vụ mùa tuốt lúa hay mùa rẫy. Các em phải theo gia đình vào rẫy để giúp đỡ bố đi làm rẫy, hay lên rừng hái măng để phụ giúp gia đình. Cuộc sống của người dân ở đây còn nhiều khốn khó khiến cho con chữ ở mảnh đất Trà Va b như bị đứt đoạn.                        

Trải lòng về cuộc đời và sự nhọc nhằn “cõng chữ lên non” của thầy cô giáo nơi đây, chúng tôi như thấy bao nhiêu con chữ mà các thầy cô đã mang đến với học trò là bấy nhiêu sự hy sinh. Viết về các thầy cô, chúng tôi vẫn cảm thấy như ngôn từ không thể đủ. Nếu không có một trái tim yêu thương và tấm lòng tràn đầy nhiệt huyết có lẽ các thầy cô hay những giáo viên miền xuôi đang cắm bản ngày đêm mang con chữ đến học trò vùng cao có lẽ không làm được. Chúng tôi vẫn cứ thắc mắc vì sao sau hơn 15 năm với bao nhiêu gian nan nhưng thầy Tài, cô Hương vẫn ở lại núi rừng, gắn bó, miệt mài gieo chữ cho học trò vùng cao đến tận bây giờ. Thầy Tài cười bảo “khổ mãi rồi cũng quen”, bây giờ tôi coi những gian nan ấy là chuyện bình thường, không còn cái cảm giác hoang mang, sợ hãi, bất lực hay muốn bỏ cuộc nữa. Chính cái khổ ấy lại mới chính là động lực níu bước chân tôi ở lại. Không những thế, thầy còn xung phong chuyển đến những bản khó khăn nhất. Rồi thầy kể, đã từng rơi nước mắt khi nhìn những đứa trẻ co ro trong giá lạnh, những đứa trẻ chân trần đến lớp. Từng khóc khi chúng bỏ học, từng nhớ đến quay quắt ruột gan khi những ngày hè thầy cô rời núi rừng về quê…            

Thầy cô lặn lội lên rẫy tìm học sinh                

Ngoài chuyên môn giảng dạy cho các em học sinh ở đây, các thầy cô còn phải phân công nhau ngoài giờ lên lớp để đi đến từng hộ gia đình vận động các em học sinh đi học lại. Có những thời điểm lán trại của gia đình các em ở sâu trong rừng thầy cô phải lội bộ cả ngày đường để đi tìm học sinh. Việc lội bộ đi tìm học sinh là câu chuyện thường ngày ở bản, nhưng đó chưa phải là khó khăn lớn nhất mà các giáo viên đang công tác tại đây gặp phải. Khó khăn lớn nhất là những lúc trời ở đây đổ mưa thì sương mù dày đặc, những lúc như thế trong phòng học không nơi nào khỏi ướt. Các em học sinh cũng không thể mở sách vở ra để học bài, vì sợ sách vở bị ướt. Những căn phòng, lớp học đã quá cũ kỹ, không cửa chắn, mái che thì bị dột nát, xuống cấp nghiêm trọng không còn đủ sức để che cho thầy và trò trong những ngày mưa như thế. “Trong mấy phòng học chỉ có phòng của giáo viên là may mắn được căng thêm tấm bạt trên mái nhà cho đỡ ướt thôi. Lúc đó thì tất cả thầy trò đều tập trung vào cái phòng này đốt một đống lửa rồi để các em ngồi xung quanh học bài. Còn những lúc mưa to quá thì phải cho các em phải nghỉ học thôi chứ phòng này cũng không thể che cho các em khỏi ướt được”, thầy giáo Lê Văn Tài chia sẻ thêm.
                     
Căn phòng ở của các thầy giáo cắm bản, được làm liền kề với một dãy phòng học, mới đây nó được mặc thêm một “tấm áo mới” để che chắn khi trời mưa. Nhưng tấm áo lại không đủ để che cả căn phòng nên nó được ưu tiên mặc lên trên nơi các thầy cô để sách vở và tài liệu phục vụ công tác dạy học, vì đó là tài sản quý giá nhất nơi đây. Đều đặn mỗi tuần các thầy cô lại phải trở ra phía trung tâm xã, trường xã để mua đủ các thực phẩm dự trữ trong một tuần rồi lại trở vào điểm trường để tiếp tục công việc hằng ngày của mình. Một điểm khó khăn nữa là việc thiếu nước sinh hoạt cũng ảnh hưởng không ít đến chất lượng cuộc sống của thầy và trò nơi đây. “Năm nay mới được phân công vào công tác tại điểm trường Trà Va b, việc thiếu nước sinh hoạt cũng ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của các giáo viên đặc biệt là những giáo viên nữ của chúng tôi. Rồi phòng học xuống cấp mưa thì không thể dạy học được. Chúng tôi rất mong sẽ có được những căn phòng học khang trang hơn để các giáo viên, học sinh không còn phải “trốn” khỏi lớp mỗi khi trời mưa nữa”, cô giáo Nguyễn Thị Hương (sinh năm 1983), giáo viên nữ tăng cường lên điểm trường Trà Va b chia sẻ.                      

Đồng chí  Hồ Văn Phiên, Chủ tịch UBND xã Phước Thành cho biết: “Hằng năm chính quyền địa phương cùng với phụ huynh học sinh cùng góp công để tu sửa cơ sở vật chất của trường nhưng do kinh phí còn quá hạn hẹp nên việc tu sửa chỉ là phương pháp tạm thời và không thể khắc phục được tình trạng xuống cấp của ngôi trường. Chúng tôi cũng mong có được sự quan tâm của các cấp, các ngành để các em học sinh có được một ngôi trường khang trang hơn, yên tâm học tập”. Việc cơ sở vật chất, những phòng học đã quá xuống cấp không những ảnh hưởng đến quá trình dạy và học mà còn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của giáo viên và học sinh nơi đây. Đặc biệt trong thời gian qua các huyện miền núi vùng cao xứ Quảng, nơi giáp với Trường Sơn - Tây Nguyên thường xảy ra những hiện tượng thời tiết bất thường như giông lốc, mưa đá.                    

Những ngày đến với Trà Va b, chúng tôi mới thấu hiểu được các thầy cô giáo, các em học sinh ở đây hằng ngày đang cố gắng bám trường, bám lớp để gieo những con chữ là biết bao gian truân. Chia tay Trà Va b, một điểm của trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Phước Thành mà lòng chúng tôi ai nấy cũng nao nao với bao nỗi niềm cùng mong ước những khó khăn của thầy và trò trên đỉnh Pokadong sẽ nhận được nhiều sẻ chia từ xã hội và cộng đồng…

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất