Trong hệ thống giá trị văn hóa Việt Nam, ăn được xếp vào loại hình văn hóa vật chất, vậy nên bữa cơm trong mỗi gia đình đóng vai trò rất quan trọng. Sau một ngày làm việc vất vả, mỗi người đều chăm chú vào công việc và các mối quan hệ công tác của mình, bữa ăn chính là thời gian dành riêng cho gia đình thân thương, đó chính là lúc vợ chồng, con cái quây quần bên nhau, cùng chăm chút và thể hiện tình yêu thương với tổ ấm của mình. Vì vậy, gia đình là chốn bình yên và hạnh phúc nhất để con người tìm về, bữa cơm - nơi gắn kết yêu thương của gia đình.
Bữa cơm gia đình giúp mọi thành viên hiểu nhau hơn. Bữa cơm gia đình không chỉ là bữa ăn để hưởng thụ vật chất đơn thuần, nuôi sống cơ thể mà đó còn là nơi gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, thể hiện văn hóa truyền thống của một gia đình, của một đất nước. Bữa cơm gia đình còn là khoảnh khắc sum họp, nơi thể hiện sự tôn trọng, yêu thương, chăm sóc nhau của mỗi thành viên trong gia đình. Ngồi ăn cơm cùng nhau là dịp duy nhất trong ngày để mọi người quan tâm thể hiện tình cảm với nhau: Con trẻ thể hiện sự kính trọng với ông bà, cha mẹ qua từng cử chỉ ăn uống; cha mẹ có dịp hỏi han việc học hành của con, chia sẻ những ý tưởng, những tâm tư của con cái; vợ chồng thể hiện tình yêu thương, chăm sóc nhau. Mỗi đứa trẻ lớn lên sẽ được giáo dục bồi đắp nhân cách, học cách quan hệ ứng xử từ những bữa ăn gia đình, thậm chí, trong bữa ăn đầm ấm, thời gian và công sức của người nấu bỏ ra sẽ được đền đáp, tình cảm gia đình thêm phần thăng hoa và ý nghĩa của bữa cơm gia đình càng được tăng lên bội phần. Vì vậy, bữa cơm - thời gian sum vầy của gia đình, nơi kết nối yêu thương.
Bữa ăn không chỉ đơn thuần là sum vầy gia đình mà còn thể hiện tấm lòng hiếu khách. Mỗi khi có dịp tổ chức ăn uống, gia đình nào cũng làm những món thật ngon để mời mọi người. Khách tới nhà ăn cơm, người nấu nướng, đặc biệt là người bà, người mẹ sẽ được dịp trổ tài khéo léo, đảm đang qua cách chế biến thức ăn, trình bày các món ăn. Nhìn vào các móm ăn và tình yêu, sum vầy giữa các thành viên trong bữa ăn, người khách sẽ nhận biết được nền tảng nếp nhà và sự yêu thương của mỗi thành viên trong gia đình.
Bữa cơm giáo dục các thành viên trong gia đình: Qua bữa cơm, tính giáo dục có thể phát triển bền vững và có hiệu quả cao đối với mỗi thành viên trong gia đình, đặc biệt là đối với trẻ em bằng những đức tính: biết nhường nhịn, biết dành miếng ngon cho người khác, biết vì người khác; biết tập những thói quen tốt trong khi ăn.
Ngay từ khi còn nhỏ, những người con trong gia đình đã được cha mẹ rèn thói quen chào người lớn trước khi ăn “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, biết “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”; biết lễ giáo quanh mâm cơm. Riêng với người lớn, bữa cơm là lúc mọi người chia sẻ với nhau những khó khăn, vướng mắc sau một ngày làm việc; biết đóng góp cho nhau để cùng nhau ngày một hoàn thiện hơn; biết chia sẻ với nhau những thông tin mới, thành tựu mới của cộng đồng của đất nước; góp ý lẫn nhau để khắc phục những gì không nên làm và khuyến khích, gợi mở những suy nghĩ và hành động cho ngày mai, cho tương lai của từng thành viên trong gia đình, tạo điều kiện cùng nhau thực hiện những điều nên làm cho gia đình, cho cộng đồng và cho quê hương đất nước. Đây là cách giáo dục cụ thể, thiết thực giữa các thành viên gia đình trong sự sum vầy của mỗi bữa cơm.
Bữa cơm góp phần giữ gìn hạnh phúc gia đình: Bữa cơm gia đình chính là chìa khóa, là ngọn lửa giữ gìn hạnh phúc gia đình. Mất dần bữa cơm gia đình đồng nghĩa với mất dần hạnh phúc gia đình.
Với mỗi chúng ta, hạnh phúc nhất là được sinh ra và lớn lên trong tình yêu thương của những người thân yêu trong gia đình. Trong cuộc sống ai cũng muốn được quây quần bên gia đình, khi xa nhà ai cũng cảm thấy nhớ, mong ước được sống trong cảm giác sum vầy bên gia đình thân yêu. Và, khi ta cảm thấy mệt mỏi với bộn bề lo toan của cuộc sống, gia đình cũng là chốn đầu tiên ta muốn tìm về. Mỗi gia đình được coi là một tế bào của xã hội, mỗi gia đình hạnh phúc góp một phần làm nên một xã hội phồn vinh, phát triển thịnh vượng. Trong từng khoảnh khắc hạnh phúc của gia đình, hạnh phúc nhất là khoảnh khắc trong bữa cơm gia đình tràn ngập tiếng cười, khi mà mọi thành viên góp mặt đông đủ.
Mỗi thành viên của một gia đình đều thấy rằng bữa cơm gia đình tạo sự ấm cúng rất đặc biệt, tạm gác mọi công việc xã hội để sum họp cùng gia đình bên mâm cơm thường nhật, mỗi thành viên trong gia đình sẽ thấy được gia đình là chốn bình yên nhất đón ta trở về sau mỗi ngày vất vả của cuộc sống mưu sinh. Đúng như kinh nghiệm của người xưa truyền lại qua câu ca dao mà câu ca dao đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị: “Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”. Một bữa cơm gia đình đôi khi không cần quá cầu kỳ, cao lương mỹ vị, mà cảm giác bữa cơm ngon miệng chỉ cần những món ăn đơn giản, hợp khẩu vị, dinh dưỡng và quan trọng nhất là cả gia đình quây quần đông đủ. Sau một ngày làm việc, học hành, bữa cơm là dịp cả gia đình đoàn tụ, sum vầy đông đủ các thành viên, chuyện trò hàn huyên. Dù xã hội hiện đại đến đâu chăng nữa nhưng những giá trị truyền thống tốt đẹp bữa cơm gia đình luôn chiếm một vị trí quan trọng trong mọi thời điểm, khi ta nhỏ, khi ta lớn hay khi ta già đi. Sự chăm lo bữa ăn của người bà, người mẹ là nơi gắn kết làm các thành viên trong gia đình vừa thể hiện tình yêu, thiện cảm đối với người biết tạo nên bữa ăn ngon vừa tạo nên nền tảng của hạnh phúc gia đình.
Ngày nay, do tính chất công việc, nhịp sống công nghiệp phát triển nhanh, điều kiện sống trong gia đình có nhiều thay đổi, nhất là gia đình ở thành thị, đô thị lớn. Có được bữa cơm sum họp, đầy đủ mọi thành viên không phải là chuyện dễ. Do vậy, những bữa cơm gia đình đầy đủ các thành viên trong gia đình thường là những bữa cuối tuần, cuối năm. Lý do đơn giản như: con cái bận đi học thêm, sinh viên bận hoạt động ngoại khóa, họp nhóm, bố mẹ bận công việc, tiếp khách... Vì thế, bữa cơm chung, đầm ấm, thân mật trong gia đình Việt Nam một thời còn thiếu thốn giờ đang ít dần vì thiếu thời gian. Nhịp sống gấp gáp thời hiện đại đang làm những bữa cơm gia đình truyền thống sum vầy thiếu vắng dần trong mỗi gia đình, nhất là những gia đình trẻ ở thành thị. Trước xu thế phát triển chung của cuộc sống kỹ thuật số, mỗi gia đình hãy cố gắng gìn giữ và duy trì tốt những bữa cơm truyền thống vốn có của gia đình người Việt, cũng như gìn giữ một gia đình hạnh phúc. Duy trì được bữa cơm gia đình không chỉ giữ vững được soi dây gắn kết yêu thương giữa các thành viên trong gia đình, xây dựng gia đình hành phúc, hình thành và phát triển nền nếp gia phong, tạo nên nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam mà còn góp phần xây dựng nên một xã hội hạnh phúc, phát triển bền vững!
Phạm Thị Nhung
Đại học Trần Quốc Tuấn,
Cổ Đông, Sơn Tây, Hà Nội