Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu
Văn nghệ chào mừng Lễ ra mắt Câu lạc bộ "Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu".

Có một câu lạc bộ ra đời từ lòng yêu nước, từ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, và chỉ mới hơn 18 tháng hoạt động đã mang lại hiệu quả rất lớn, có sức lan tỏa trong cộng đồng xã hội, tập hợp, kết nối những trái tim tin yêu và hướng về biển, đảo, đó chính là Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu”…

Tập hợp, kết nối những trái tim

Sức mạnh của lòng dân, của tình đoàn kết là điều mà bao đời nay cha ông ta đã đúc kết, được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần căn dặn. Chẳng thế mà Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu” (thuộc Trung ương Đoàn) xuất phát điểm chỉ là một nhóm nhỏ, đến nay đã có hàng nghìn thành viên kết nối trên mạng xã hội.

Ra đời vào tháng 8-2014, đến nay sau hơn 18 tháng hoạt động, câu lạc bộ đã có 556 thành viên nòng cốt; 24 hội viên tập thể và hơn 1.500 thành viên kết nối trên mạng xã hội. Chia sẻ về điều này, bà Dương Vân Thủy, Ủy viên Câu lạc bộ cho biết: Xuất phát ra đời của câu lạc bộ là từ lòng yêu nước, từ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ chủ quyền biển đảo, từ sự mong muốn được góp phần đào tạo nguồn nhân lực trẻ cho vùng biển đảo. Đặc biệt là từ sự thành công của cuộc vận động nguồn lực để xây dựng hai trường tiểu học tại đảo Trường Sa Lớn và đảo Sinh Tồn. Chính những yếu tố này đã kết nối những tấm lòng, những tình cảm, những ý chí hướng về biển đảo của mọi người - những người con đất Việt trong và ngoài nước.

Ngay khi vừa ra đời và đi vào hoạt động, Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu” đã tổ chức rất nhiều các hoạt động ý nghĩa, thiết thực: Tổ chức thăm gia đình các liệt sĩ hy sinh ở đảo Gạc Ma; chăm lo cho gia đình quân nhân thuộc lực lượng Hải quân; trao gần 2.000 suất học bổng cho con em của những người đang làm nhiệm vụ bảo vệ Trường Sa, con ngư dân các vùng biển, con em các dân tộc miền núi; tổ chức chương trình “Xuân nơi đảo xa” để chăm lo cho cán bộ chiến sĩ đang đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa có một cái tết Nguyên đán Bính Thần đủ đầy cả về vật chất và tinh thần; tổ chức in lịch, tờ tin định kỳ để tuyên truyền, biểu dương những cá nhân, tập thể đã có những việc làm hết sức thiết thực vì Trường Sa thân yêu; tổ chức sinh hoạt, tuyên truyền và nói chuyện chuyên đề, thời sự Biển Đông…

Đặc biệt, Câu lạc bộ đã vận động nguồn lực xây dựng và khánh thành hai trường tiểu học tại Trường Sa Lớn và đảo Sinh Tồn, mang con chữ đến với các em học sinh nơi đây. Không chỉ thế, câu lạc bộ còn tuyển chọn gần 40 em học sinh là con của cán bộ chiến sĩ Hải quân, con của ngư dân về TP. Hồ Chí Minh học tập tại các trường có chất lượng cao, đầy đủ tiện nghi, cơ sở vật chất hiện đại, giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn.

“Những việc làm hết sức cụ thể của câu lạc bộ không chỉ là sự thể hiện lòng biết ơn, chia sẻ của những người con đất liền đối với biển đảo quê hương, đối với các chiến sĩ hải quân và ngư dân bám biển, mà còn là việc làm hết sức ý nghĩa và quan trọng như đang xây những tấm lá chắn vững chắc để cùng chung sức bảo vệ chủ quyền đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta” - bà Dương Vân Thủy chia sẻ.

Thôi thúc mỗi người hướng về nơi đầu sóng ngọn gió

Có một điều đặc biệt đến thiêng liêng là khi hỏi những thành viên và những tình nguyện viên của câu lạc bộ về những việc làm của họ, về cảm xúc của họ qua những hành trình hoạt động, ai trong bất kỳ họ đều có chung một suy nghĩ: những chuyến đi đã giúp mỗi người có cái nhìn thấu đáo hơn về Tổ quốc Việt Nam trên vùng biển, thấy được sự kiên định bảo vệ chủ quyền của quân và dân ta. Càng thấm thía sâu sắc hơn lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không?”. Lời dạy hết sức sâu sắc ấy cộng với thực tế mà các thành viên câu lạc bộ được chứng kiến, được nhìn thấy đã thôi thúc mỗi người về trách nhiệm của mình, thấy mình phải có trách nhiệm chia sẻ với những người đang ngày đêm ở nơi đầu sóng ngọn gió để làm nhiệm vụ.

“Nhưng chia sẻ không có nghĩa là tất cả cùng ra biển để bảo vệ chủ quyền, mà phải bằng sức của mình chăm lo cho hậu phương vững chắc. Bởi chỉ có sự bình yên của gia đình mới giúp các chiến sĩ, ngư dân yên tâm khi làm nhiệm vụ ngoài biển khơi” - bà Dương Vân Thủy nói. Là những người con đất Việt, nhất là những người đã từng có vinh dự được ra Trường Sa, thăm các nhà giàn DK… thì những lời bộc bạch đó như nói đúng tâm tư của mình…

Tình yêu quê hương đất nước, tự hào và quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước sẽ càng mạnh mẽ, thôi thúc hơn khi biết được rằng, chính con em cán bộ chiến sĩ, con em ngư dân bám biển – những chủ thể thụ hưởng các chương trình ý nghĩa từ câu lạc bộ, đó chính là nhận thức, là sự lớn lên trong suy nghĩ và hành động, là sự phấn đấu vươn lên trong học tập. Các em nhận thức được rằng, chỉ có học tập là con đường đi đến tương lai gần nhất và tốt nhất. Do vậy các em đã luôn nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để học tập tốt, rèn luyện tốt. Trong số đó, có rất nhiều em đã trở thành những điển hình tiên tiến, và bày tỏ mong muốn sau này lớn lên sẽ trở thành bác sĩ, thành giáo viên xung phong ra Trường Sa phục vụ cán bộ chiến sĩ, phục vụ người dân nơi đây. Quả ngọt từ sự gieo trồng, chăm sóc bằng cả khối óc, trái tim là đây!

Trường Sa, Hoàng Sa - mỗi khi nói đến nơi đây thì cảm xúc và sự khát khao luôn đầy ắp trong mỗi người Việt Nam. Và đặc biệt đối với những ai đã được bước chân đến các điểm đảo, các nhà giàn DK ở Trường Sa thì khát khao, cảm xúc lại càng được nhân lên bội phần. Hướng về Trường Sa không chỉ là trách nhiệm mà là tình cảm đã, luôn và sẽ thôi thúc mỗi chúng ta, nhất là thế hệ trẻ. Từ đó mỗi người sẽ có những việc làm thiết thực, góp phần vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, cũng chính là đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển, giàu lên từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo”.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất