Tại tỉnh Hòa Bình, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình vừa tổ chức Lễ phát động Tháng Hành động Vì trẻ em năm 2014 với chủ đề “Hành động vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em” từ ngày 1 đến ngày 30-6 và chiến dịch truyền thông “Chấm dứt bạo lực đối với trẻ em” từ ngày 1-6 đến 30-8-2014.
Tham dự buổi lễ có đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam; đồng chí Trương Thị Mai, Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội; đồng chí Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; đồng chí Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình; Ngài Jesper Moller, Quyền Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam cùng 500 trẻ em tỉnh Hòa Bình đại diện cho trẻ em trên toàn quốc và các nhà tài trợ: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, tổ chức OS, Trường dân lập Đoàn Thị Điểm...
Hai mươi năm qua, kể từ năm 1994, Tháng Hành động Vì trẻ em được phát động và thực hiện trong cả nước, tạo hiệu ứng xã hội ngày càng rộng khắp. Các cấp ủy đảng, chính quyền, gia đình, xã hội ngày càng quan tâm và hỗ trợ nhiều hơn trong việc thực hiện các Quyền trẻ em, tạo môi trường ngày càng tốt hơn để mọi trẻ em được sống khỏe mạnh, được phát triển, được bảo vệ an toàn và được tham gia vào những vấn đề có liên quan đến trẻ em và của đất nước, xã hội.
Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 đã quy định bao quát các quyền cơ bản về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội của con người, trong đó có trẻ em. Do đó, hệ thống pháp luật về trẻ em đang tiếp tục được hoàn thiện và cụ thể hóa theo quy định của Hiến pháp. Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đang được sửa đổi để phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và hài hòa hơn với Công ước Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em.
Nguồn lực của Nhà nước dành cho trẻ em cũng không ngừng tăng lên theo quan điểm trẻ em được ưu tiên hưởng các thành quả phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều giải pháp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng được thực hiện nhằm hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực, rủi ro của khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đến trẻ em. Các chính sách dành cho trẻ em vẫn được duy trì thực hiện, cập nhật cho phù hợp với tình hình mới...
Các tổ chức xã hội, gia đình, cộng đồng đang thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò, trách nhiệm đối với trẻ em. Các vấn đề liên quan đến trẻ em luôn được dư luận xã hội quan tâm. Các cuộc vận động xã hội, hoạt động tình nguyện, các quỹ hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em vùng khó khăn không ngừng được mở rộng và phát triển.
Mặc dù đã đạt được những thành tựu to lớn trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, song vẫn còn nhiều vấn đề về trẻ em cần phải tiếp tục được giải quyết một cách đồng bộ, đặc biệt tình trạng trẻ em bị xâm hại, bạo lực và bóc lột vẫn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Theo Bộ Công an, trung bình mỗi năm có gần 2.000 vụ bạo lực trẻ em và 100 trẻ bị giết. Có những trẻ bị chính cha mẹ, người thân, thầy cô giáo và những người có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ xâm hại, bạo lực. Tình trạng bạo lực học đường cũng gia tăng ở mức báo động với gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau mỗi năm ở trong và ngoài trường học. Bởi vậy, các cấp, các ngành và toàn xã hội cần chung tay hành động hướng đến một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em. Điều này cũng có nghĩa Việt Nam đã tham gia Phong trào CHẤM DỨT bạo lực đối với trẻ em trên toàn thế giới.
Với những ý nghĩa trên, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đã tuyên bố phát động Tháng Hành động Vì trẻ em năm 2014 với chủ đề “Hành động vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em” từ ngày 1 - 30-6 và chiến dịch truyền thông “Chấm dứt bạo lực đối với trẻ em” từ ngày 1-6 đến 30-8-2014. Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề nghị một số việc ưu tiên cần làm cụ thể như sau:
1. Mỗi người dần cần nhận thức rõ trách nhiệm đối với trẻ em để lên tiếng, phát hiện, thông báo cho các cơ quan chức năng mọi nguy cơ, hành vi xâm hại, bạo lực, bóc lột trẻ em.
2. Các cá nhân, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ trẻ em khi tiếp nhận được thông tin phải có biện pháp can thiệp, hỗ trợ các trường hợp trẻ em bị tổn thương, xử lý nghiêm khắc các hành vi xâm hại, bạo lực, bóc lột trẻ em.
3. Tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức trong công tác bảo vệ trẻ em và cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em trong trường hợp khẩn cấp.
Bộ trưởng cảm ơn Lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình và các tỉnh, thành phố khác trên cả nước đã phối hợp tổ chức lễ phát động Tháng Hành động Vì trẻ em tại tỉnh Hòa Bình và các tỉnh, thành phố còn lại; cảm ơn các cơ quan, ban ngành, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF, các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội, kinh tế, các tập thể và cá nhân... đã tích cực ủng hộ sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong nhiều năm qua.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền và đồng chí Hoàng Văn Tiến, Giám đốc Quỹ BTTEVN tiếp nhận tài trợ tại Lễ phát động.
Tại buổi lễ, đồng chí Hoàng Văn Tiến, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã tiếp nhận tài trợ từ các đơn vị, tổ chức với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam dùng để hỗ trợ thực hiện các quyền của trẻ em.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thay mặt Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đi thăm, tặng quà và hỗ trợ khẩu phần ăn cho học sinh Trường Dân tộc bán trú Thái Thịnh, tỉnh Hòa Bình với số tiền 30 triệu đồng.
Vũ Huyền