Trong lúc cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ đang ác liệt, nhưng được tin Thái Bình sản xuất giỏi, ngày 31-12-1966, Bác đã về thăm. 48 năm đã trôi qua nhưng “như Bác còn đây giữa cháu con” giữa khu lưu niệm Tân Hòa.
Một ngày thu nắng vàng rực rỡ, chúng tôi về thăm Khu lưu niệm Bác Hồ ở xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ngay cổng vào, ao sen hương man mác. Vào nhà lưu niệm – một ngôi nhà cao rộng, tôi thấy nhiều cụ già đang ngồi đọc kinh trước bàn thờ Bác.
Người trông coi khu lưu niệm cho biết, hôm nay là ngày 20-7 và ngày mai là 21-7 âm lịch chính là ngày Bác mất. Nên nhiều năm nay, cứ trước ngày Bác mất, nhân dân địa phương và trong vùng tới dâng hương hoa và tụng kinh cho Bác. Còn ngày mai 21, sẽ tổ chức sắp cơm cúng Bác. Nghi lễ tổ chức như cúng giỗ ông bà cha mẹ mình. Nhân dân còn tổ chức hát múa những bài hát ca ngợi Bác Hồ. Khi trò chuyện với bà Lê Thị Út 75 tuổi, bà Đỗ thị Hợi 80 tuổi, tôi đều nhận được những tình cảm kính trọng, tưởng nhớ đến Bác “như một vị Thánh” trong lòng nhân dân. Thắp nén hương kính Bác, người trông coi khu lưu niệm tâm sự: Bàn thờ Bác đây, là tấm lòng của Công ty CP Nhân Bình dâng lên Bác khi được vinh dự đảm nhiệm việc trùng tu tôn tạo Khu lưu niệm.
Và tình cờ, trong những người dân ra thắp hương dâng Bác, có ông Hoàng Xuân Thủy - cán bộ Công ty than Quảng Ninh nghỉ hưu có vinh dự được trong đội thiếu niên cầm cờ đón Bác năm đó. Câu chuyện đi đón Bác được ông tạc dạ, kể lại trong cuộc thi kể chuyện Bác Hồ và đã giành giải Nhất thành phố Cẩm Phả. Hình ảnh tuổi thơ ông lưu giữ là hình ảnh Bác từ chiếc xe thứ ba đội mũ lá, mặc áo ka ki bước xuống.
Vào thăm ngôi nhà lá mà 47 năm trước Bác đã làm việc và nghỉ lại, mới hay 5 lần Bác về Thái Bình thì duy nhất lần về Tân Hòa, Bác nghỉ lại một đêm. Ngắm nhìn chiếc bàn gỗ, giường gỗ đơn sơ, chiếc hầm bê tông tránh bom lặng im trong căn phòng nhỏ, như phảng phất bóng hình của Bác, như đã nói lên tất cả về vẻ đẹp giản dị của con người Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Và trong không gian yên ả của ngôi nhà lá, những câu chuyện kể về Bác của bà Lê Thị Định nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình càng như thể Bác đang ở đâu đây.
Về đến xã Tân Hoà, trong bữa cơm, Bác ăn cơm nắm mang theo từ Hà Nội. Lãnh đạo tỉnh mời Bác ăn bát cơm nóng. Bác nhẹ nhàng nói: "Bác ăn cơm nắm quen rồi". Bác thấy tôi thích món dưa chua, Bác hỏi: "Cô Định ăn dưa chua có ngon không?". Tôi đáp: "Thưa Bác ngon ạ!". Bác cười trìu mến và nói: "Dưa Bác đưa từ Hà Nội về đấy!" Chúng tôi xin Bác cơm nắm. Biết tình cảm của chúng tôi, Bác cho một miếng. Tôi bẻ đôi đưa cho đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ một nửa. Một bữa cơm được ăn với lãnh tụ mà “nhớ lâu”, nhớ đến suốt đời.
Sau bữa cơm, Bác hỏi chuyện từng người. Bác hỏi tôi: "Cô Định làm việc gì?". Tôi báo cáo Bác nhiệm vụ phụ trách tài chính, thương nghiệp. Bác lại hỏi: "Cô có sợ thiếu hàng không?". "Thưa Bác cháu thấy khó khăn lắm!". Bác nhắc ngay: "Hàng ít nhưng cốt sao phân phối cho công bằng hợp lý".
Bác còn hỏi Thái Bình có bao nhiêu phụ nữ tham gia chính quyền. Nghe tôi trình bày, Bác gợi ý: "Cô còn báo cáo gì với Bác không?". Tôi suy nghĩ và mạnh dạn thưa: "Chị em phụ nữ còn vất vả lắm mà vẫn bị chồng đánh ạ!". Nét mặt Bác buồn hẳn, nghiêm lại, Bác nói: "Bác giao cho các đồng chí là phải giáo dục toàn Đảng, toàn dân tuân theo pháp luật, đánh vợ là phạm pháp, là dã man. Thế giới tôn trọng phụ nữ lắm. Đồng chí Lê-nin cũng nói: "Phụ nữ là nửa dân số của xã hội, nếu phụ nữ không được giải phóng thì nửa dân số chưa được giải phóng...".
Đêm đó Bác làm việc tới tận 1 giờ sáng, các lãnh đạo tỉnh phải mời Bác đi ngủ. Thế mà sáng hôm sau, Bác đã dậy rất sớm, xách đèn bão chúc tết mọi người: "Năm mới Bác chúc Tết các đồng chí". Chúng tôi lúng túng và cảm động, lẽ ra phải đến chúc Tết Bác trước. Đúng là sự bao dung của một lãnh tụ, của một người cha. Chiếc đèn dầu ấy đang được lưu giữ cùng đôi dép cao su Bác đi và con đò đưa Bác cập bến Triều Dương.
Sáng hôm sau, trên đường đến đình Phương Cáp nói chuyện với nhân dân, qua chiếc cầu tre, Bác nhắc nhở phải lưu ý cầu cống, đường sá cho dân đi lại an toàn.
Vào hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ giới thiệu Bác với nhân dân, Bác nói ngay: "Bác mà chú còn phải giới thiệu cơ à?". Mở đầu buổi nói chuyện Bác nói : “Hôm nay, Bác cùng với các đồng chí Tố Hữu và Hoàng Anh, thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ về thăm Thái Bình là tỉnh trong năm 1966 đã sản xuất giỏi. Bây giờ có mấy câu chuyện nói với các cụ, các cô, các chú”.
Bác khen nhân dân Thái Bình sản xuất giỏi, chiến đấu cũng giỏi. Bác khen Hợp tác xã Hiệp Hòa trồng cây khá, HTX Tân Phong đạt hơn 7 tấn thóc/ha. Bác khen phong trào báo công, bình công của Thái Bình. Nói đến việc sản xuất thời chiến, Bác bảo phải chú ý đến đội quân lao động rất đông là nữ. Bác cũng nhắc nhở phải nắm vững kỹ thuật canh tác cùng những biện pháp thủy lợi, làm phân bón... để thâm canh, tăng năng suất cây trồng. Bác nhấn mạnh về tầm quan trọng của công tác xây dựng đảng, sự đoàn kết trong Đảng giữa đảng viên cũ, mới, già, trẻ. Cuối cùng, Bác nhắc nhở về nhiệm vụ phòng không nhân dân, phải ra sức bảo vệ tài sản của Nhà nước, của HTX, của nhân dân.
Cùng với những lời động viên khen ngợi, Bác đã nhắc nhở và phê bình với một hình thức nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, làm cho mỗi người không thể nào quên. Bác hỏi Chủ tịch tỉnh: "Thái Bình đã trồng được bao nhiêu cây?". Chủ tịch tỉnh báo cáo mỗi người trồng đựơc 12 cây, Bác lại hỏi: "Cây thì chú tính thế nào, vì có nơi tính cả cây muồng muồng cho nhiều!". Cả hội trường cười vang. Bác lại hỏi “Thái Bình nuôi cá thế nào?” Bí thư Tỉnh ủy trả lời: "Chúng cháu đã làm..." Bác nhắc nhở ngay: "Chú nói cụ thể chứ nói đã và đang thì dễ thôi".
Bác của chúng ta là thế đấy!
Lã Quý Hưng