Thiết thực chào mừng kỷ niệm 1085 năm Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa (939 - 2024), sáng 19-4, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã khai mạc triển lãm, chuyên đề “Ngô Quyền - Anh hùng dân tộc kiệt xuất”.
|
Các đại biểu dự khai mạc triển lãm.
|
Đức vương Ngô Quyền với chiến công hiển hách đánh bại quân Nam Hán trong trận Bạch Đằng nổi tiếng năm 938 đã kết thúc hơn 1000 năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, mở ra một thời kỳ độc lập lâu dài của dân tộc Việt Nam. Vào mùa Xuân năm 939, Ông tiến lên xây dựng một chính quyền hoàn toàn độc lập, xóa bỏ chức Tiết độ sứ mà họ Khúc, họ Dương trước đây còn phải tạm giữ để hòa hoãn với phương Bắc, tự xưng Vương hiệu, định đô ở Cổ Loa, tiếp nối quốc thống.
Công lao và sự nghiệp vĩ đại của Đức vua Ngô Quyền đã đi vào lịch sử nước ta là một trong những anh hùng vĩ đại nhất lịch sử Việt Nam. Lê Văn Hưu, nhà sử học khai sáng nền sử học Đại Việt thời Trần, trong Đại Việt sử ký toàn thư đã viết: “Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của nước Việt ta mà đánh tan được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng Vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một lần nổi giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng Vương, chưa lên ngôi đế, đổi niên hiệu, nhưng chính thống của nước Việt ta ngõ hầu đã nối lại được”.
|
Toàn cảnh lễ khai mạc triển lãm.
|
Ngô Sĩ Liên, nhà sử học nổi tiếng thời Lê khẳng định: “Tiền Ngô (vương) nổi lên không chỉ có công chiến thắng mà thôi, việc đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục, có thể thấy được quy mô của bậc đế vương”. Nhà sử học thế kỷ XVIII Ngô Thì Sĩ có lý khi gắn chặt sự nghiệp trung hưng đất nước của Ngô Quyền với kỳ tích anh hùng của Ông ngoài cửa biển Bạch Đằng. Nhà yêu nước kiệt xuất đầu thế kỷ XX Phan Bội Châu đã tôn vinh Ngô Quyền là vị “Tổ trung hưng nước ta”, chỉ đứng sau “Thủy tổ dựng nước là Hùng Vương”.
Năm 1941 trở về Cao Bằng viết sách Lịch sử nước ta để chuẩn bị lực lượng cho Cách mạng Tháng Tám, Bác Hồ ca ngợi người anh hùng đất Đường Lâm Ngô Quyền đã “Cứu dân ra khỏi cát lầm ngàn năm”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên tầm cao lịch sử thời đại Hồ Chí Minh nhìn lại, nhiều lần khẳng định chiến thắng Bạch Đằng năm 938 đánh dấu bước ngoặt lịch sử vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
|
Các đại biểu nghe giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của Đức vua Ngô Quyền và di tích Cổ Loa.
|
Trong khuôn khổ triển lãm, Ban tổ chức đã lựa chọn, chắt lọc từ công trình nghiên cứu của các nhà khoa học; các tư liệu, hình ảnh sưu tầm của các tổ chức, cá nhân để giới thiệu, quảng bá đến công chúng, du khách trong nước và quốc tế, cộng đồng địa phương về công lao của Đức vua Ngô Quyền như một lời tri ân tiền nhân. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc cho nhân dân.
Triển lãm gồm 3 chủ đề: (1) Hào trưởng đất Đường Lâm, giới thiệu khái quát về mảnh đất Đường Lâm lịch sử, thân thế và dòng tộc của Đức vua Ngô Quyền. (2) Nổi sóng Bạch Đằng, giới thiệu về trận thủy chiến vĩ đại trên cửa biển Bạch Đằng do Đức vua Ngô Quyền chỉ huy thắng lợi, đánh tan quân Nam Hán kết thúc 1000 năm Bắc thuộc. (3) Thành Cổ Loa mở nền độc lập, giới thiệu công cuộc định đô, xây dựng nền độc lập và dấu tích, truyền thuyết của Đức vua Ngô Quyền tại Cổ Loa; công lao của Đức vua Ngô Quyền được các triều đại lịch sử Việt Nam và nhân dân ghi nhận bằng việc lập đền, đình, miếu, tạc bia đá, sắc phong, ban mỹ tự, phụng thờ và tổ chức lễ hội ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Triển lãm là việc làm có ý nghĩa chính trị văn hóa sâu sắc, nêu cao đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ôn cố nhi tri tân”, lấy truyền thống lịch sử và giá trị văn hóa làm nguồn lực phát triển quê hương, đất nước, hướng đến việc xây dựng khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa, kinh đô của nước Âu Lạc thời đại dựng nước đầu tiên trở thành Di sản văn hóa thế giới; phát huy cao độ các giá trị di sản văn hóa nổi bật toàn cầu và di sản văn hóa hàng đầu đất nước, xây dựng huyện Đông Anh thành đô thị di sản, nâng tầm Thủ đô Hà Nội thành thành phố văn hiến - văn minh - hiện đại.
PV