Thực trạng học sinh THCS bị xâm hại tinh thần qua việc sử dụng mạng xã hội
Qua khảo sát thực trạng học sinh THCS bị xâm hại tinh thần qua sử dụng mạng xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Giang bằng phương pháp điều tra bảng hỏi (thời gian khảo sát từ tháng 9-2023 đến tháng 2-2024), với 2.216 phiếu hỏi (tương đương 2216 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 tại các huyện Đồng Văn, Bắc Quang, Vị Xuyên và thành phố Hà Giang). Các nội dung khảo sát: Phương thức mà đối tượng tội phạm sử dụng mạng xã hội để xâm hại tinh thần học sinh; nội dung các đối tượng xâm hại tinh thần học sinh; hậu quả của xâm hại tinh thần qua sử dụng mạng xã hội; thái độ của học sinh về các nội dung xâm phạm trên mạng xã hội; cách thức triển khai các biện pháp phòng ngừa hoạt động lợi dụng mạng xã hội xâm hại tinh thần học sinh trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Kết quả khảo sát cho thấy, 67.7% học sinh đã nhận được ít nhất một tin nhắn với mục đích xâm hại tinh thần; 56.9% học sinh đã nhận ít nhất một cuộc gọi với mục đích xâm hại tinh thần. Như vậy, số lượng học sinh bị xâm hại tinh thần qua mạng xã hội rất cao, đặc biệt là qua tin nhắn. Đây là tình trạng đáng báo động cho các cơ quan chức năng, nhà trường và gia đình.
Với câu hỏi “Nội dung các đối tượng xâm hại tinh thần học sinh là gì?”, kết quả khảo sát cho thấy nội dung mang tính chất thù địch, khiêu khích, hạ thấp danh dự, nhân phẩm học sinh, đặc biệt là những em yếu thế, dễ bị tổn thương chiếm tỷ lệ cao nhất với 41,7%. Điều đó sẽ làm cho học sinh dễ rơi vào tình trạng sợ hãi, hoang mang, lo lắng trong tâm lý, tinh thần, khó kiểm soát cảm xúc và hành động của bản thân.
Với câu hỏi “Em hãy cho biết hệ lụy của những hành vi xâm hại tinh thần mạng xã hội có ảnh hưởng như thế nào đến học sinh THCS?”, kết quả cho thấy có nhiều hệ lụy nguy hiểm đến đời sống tinh thần của học sinh, trong đó, hệ lụy “căng thẳng tinh thần, hoang mang” chiếm tỉ lệ cao, với 64,9%.
Với câu hỏi “Hãy cho biết thái độ của em về các nội dung xâm hại tinh thần trên mạng xã hội”, kết quả khảo sát cho thấy, học sinh THCS trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã cơ bản nhận thức được mức độ nguy hiểm và bày tỏ thái độ phẫn nộ trước những nội dung có thể xâm phạm tinh thần học sinh. Tuy nhiên, vẫn số lượng lớn học sinh không quan tâm đến vấn đề này.
Với câu hỏi “Em đánh giá thế nào về cách thức triển khai các biện pháp phòng ngừa hoạt động lợi dụng mạng xã hội xâm hại tinh thần học sinh?”, kết quả cho thấy: “cách tuyên truyền còn nhàm chán, chưa thu hút, hấp dẫn” và “cách làm hình thức, máy móc; quản lý chưa chặt chẽ, sát sao” còn chiếm tỷ lệ cao. Do đó, cần phải có biện pháp tuyên truyền mới, phù hợp với học sinh THCS.
Qua việc thu thập các câu trả lời và phân tích số liệu từ bảng hỏi có thể thấy, học sinh THCS tại tỉnh Hà Giang đã cơ bản nhận thức được mức độ nguy hiểm từ các đối tượng lợi dụng mạng xã hội xâm phạm đến tinh thần học sinh. Tuy nhiên, vẫn còn đáng kể lượng học sinh chưa quan tâm. Mặt khác, phương pháp tuyên truyền giúp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng xâm phạm tinh thần học sinh qua mạng xã hội vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, cần phải có các giải pháp để nâng cao hiệu quả phòng ngừa hoạt động lợi dụng mạng xã hội xâm hại tinh thần học sinh THCS trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Giải pháp nâng cao hiệu quả phòng ngừa hoạt động lợi dụng mạng xã hội xâm hại tinh thần học sinh THCS
Để bảo đảm cho các em học sinh THCS trên địa bàn tỉnh Hà Giang có một môi trường mạng xã hội an toàn và lành mạnh, cần thiết phải có những giải pháp cụ thể, phù hợp.
Một là, cần có sự quan tâm, phối hợp của lực lượng Công an, gia đình, nhà trường và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ đấu tranh, phòng ngừa các hoạt động lợi dụng mạng xã hội xâm hại tinh thần học sinh THCS.
Hai là, tăng cường quản lý nhà nước về an ninh trật tự đối với mạng xã hội, nhất là các diễn đàn, hội nhóm, tài khoản có nguy cơ cao xâm hại tinh thần học sinh THCS. Xây dựng hệ thống lọc, xử lý các thông tin xấu, độc, tăng cường rà soát, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi lợi dụng mạng xã hội xâm hại tinh thần học sinh trên không gian mạng.
Ba là, làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục, hướng dẫn học sinh tránh xa các phương thức, âm mưu thủ đoạn của tội phạm xâm hại tinh thần học sinh. Đồng thời, khuyến khích cách thức tuyên truyền mới, phù hợp với học sinh THCS trong thời đại cách mạng 4.0.
Bốn là, triển khai có hiệu quả công tác nắm tình hình các hoạt động phức tạp trên không gian mạng có nguy cơ xâm hại tinh thần học sinh. Chủ động nắm tình hình các địa bàn vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, tăng cường công tác quản lý cư trú, quản lý xuất nhập cảnh, quản lý các nghề kinh doanh có điều kiện,… Qua đó, tuyên truyền, vận động, ngăn ngừa kịp thời các hành vi lợi dụng môi trường mạng xâm hại tinh thần học sinh. Nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng chuyên trách làm công tác bảo vệ an ninh mạng. Đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em cần thường xuyên theo dõi, nghiên cứu, phân tích những xu hướng mới trên không gian mạng, phát hiện kịp thời những nguy cơ tiềm ẩn gây hại tới học sinh THCS.
---------------------------------------
1. Kế hoạch số 154/KH-CAT-PC02 ngày 18-2-2021 của Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Hà Giang về “Phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi giai đoạn 2021-2025”.
Tài liệu tham khảo:
- Báo cáo Sơ kết 2 năm tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 830/QĐ-TTg ngày 1-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025” trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
- Kế hoạch số 1315/KH-CAT-PA03 ngày 8-10-2021 của Phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an tỉnh Hà Giang về triển khai nhiệm vụ “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025”.
- Kế hoạch số 154/KH-CAT-PC02 ngày 18-2-2021 của Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Hà Giang về “Phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi giai đoạn 2021-2025”.
- Quyết định số 1057/QĐ-UBND ngày 7-6-2021 của UBND tỉnh Hà Giang về “Chương trình hành động vì trẻ em trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021-2030”.
- Quy chế số 251/QC-CAT-SLĐTBXH-STTTT của Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Giang về “Phối hợp trong tiếp nhận thông tin, điều tra, xử lý đối với các hành vi xâm hại trẻ em và theo dõi dữ liệu liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng”.
Nguyễn Hoàng Anh - Nguyễn Thảo Minh
Học viện An ninh Nhân dân