Quê tôi ...!

Nguyễn Hoài Bắc Việt kiều Ca-na-đa, Chủ tịch HĐQT Công ty Đại Sơn

Doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc (thứ tư từ trái sang) cùng các đồng chí lãnh đạo huyện và các đại biểu dự Hội nghị tham quan gian trưng bày sản vật của Tứ Kỳ.

Quá nửa đời người làm kinh doanh, ngược xuôi dòng đời từ ta sang tây, nếm trải nhiều khó khăn, vất vả trên thương trường Việt Nam và thế giới. Hôm nay tôi về đây, quê tôi, huyện tôi - nơi cố hương đã neo giữ tâm hồn người viễn xứ.

Đã từng tham dự nhiều hội nghị trong nước và nước ngoài, hội nghị cấp quốc gia, cấp tỉnh, thành phố, mỗi hội nghị, mỗi chủ đề đều mang sắc màu khác nhau, lĩnh vực khác nhau, cảm xúc khác nhau. Lần đầu tiên tham dự Hội nghị “Gặp mặt các doanh nghiệp, hợp tác xã đóng trên địa bàn huyện và doanh nhân là con em quê hương Tứ Kỳ trên cả nước” - một Hội nghị cấp huyện được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, một cảm xúc trào dâng, thấy lòng mình chênh chao, bồi hồi, thấy nhớ trường cấp 3 cách nơi này chừng 500m, mái trường xưa đã nuôi dưỡng những giấc mơ tôi.

Hội nghị có các doanh nghiệp, doanh nhân đóng trên địa bàn huyện và doanh nhân các tỉnh, thành phố trong cả nước là con em quê hương Tứ Kỳ. Tham dự Hội nghị có Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Nguyễn Quang Phúc; Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND Nguyễn Ngọc Sẫm; Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Vũ Thị Hà và đại diện lãnh đạo chủ chốt huyện, xã.

Doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc (thứ tư từ trái sang) cùng các đồng chí lãnh đạo huyện và các đại biểu dự Hội nghị tham quan gian trưng bày sản vật của Tứ Kỳ.

Đặc sắc hơn cả là các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm của quê hương Tứ Kỳ, những sản vật đã trở thành thương hiệu nổi tiếng lan tỏa thị trường trong nước và đủ cơ hội mở rộng thị trường ra nước ngoài.

Khách về tham dự Hội nghị sáng nay, bước ra khỏi xe là hương thơm đặc trưng của món ăn khoái khẩu rươi rán, một sản vật quí hiếm không đâu có được, món ăn dân dã chế biến bằng những gia vị miền quê đồng bằng Bắc Bộ như vỏ quýt, trứng gà, thịt lợn bằm nhỏ, hành khô, vài ngọn rau mùi sẽ đưa thực khách tận hưởng một bữa ăn không thể nào quên.

Thăm gian hàng, bạn và tôi chợt nhận ra gian hàng thêu ren do các nghệ nhân làng Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo sản suất. Từng đường kim, mũi chỉ đã xuyên suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, từng chiếc lá, đoá hoa đã gửi gắm bao tâm sự của người quê tôi muốn nói với khách hàng trong nước và quốc tế về một tình yêu, một khát vọng vươn xa, bay xa.

Và đây nữa, những hạt gạo trắng trong được cấy trồng trên đất nuôi rươi, những hạt "ngọc" khi được nấu lên cho người ăn cảm nhận được vị ngọt của mùa lúa mới, hương thơm trinh nguyên của cô thôn nữ vùng chiêm trũng ngày nào.

Tứ kỳ quê tôi không chỉ có nhiều sản vật nông nghiệp, quê tôi đang chuyển mình vươn lên để đột phá về công nghiệp công nghệ cao, kinh tế xanh, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn. Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ qui hoạch tỉnh Hải Dương tầm nhìn 2030 đến 2050 Tứ kỳ sẽ xây dựng 2 khu công nghiệp với diện tích gần 300 ha. Quy hoạch đường liên tỉnh, liên khu vực đi Hải Phòng, Thái Bình.

Quê tôi không còn câu ca dao "đường Tứ Kỳ xe gì cũng hỏng" mà bây giờ là "đường Tứ Kỳ xe gì cũng sướng" trở thành đường liên tỉnh Hải Dương - Hải Phòng - Thái Bình, con đường huyết mạch cho logistic giao thương hàng hóa.

Những dòng sông nặng phù sa Thái Bình, Bắc Hưng Hải uốn lượn qua Tứ Kỳ đã và đang tưới mát cho những cánh đồng lúa, cánh đồng rươi, nuôi trồng thuỷ sản tôm, cua, cá nước ngọt. Tứ kỳ cũng có cơ hội đầu tư xây dựng cảng đường sông nối liền ra cảng biển Hải Phòng. Mảnh đất nghèo khó Tứ Kỳ xưa không còn nữa, mà một miền quê trù phú, giàu có đang dần hiện hữu. Mảnh đất này sẽ đột phá vươn lên. Khát vọng phồn vinh sẽ thành hiện thực khi cả cộng đồng xã hội và chính quyền địa phương biết chia sẻ, biết bao dung và tương hỗ, khi cả hệ thống chính trị vào cuộc, đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân trong huyện nắm tay nhau tiến về phía trước, đường tương lai tươi sáng đang rộng mở.

Tứ Kỳ, ngày 6 tháng 4 năm 2024  

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất