|
Đồng chí Nguyễn Đức Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận (giữa) chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận lần thứ 56.
|
Kết quả đạt được
Tỉnh ủy sớm ban hành các nghị quyết chuyên đề, chỉ thị... để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (đã ban hành 22 nghị quyết chuyên đề, 10 chương trình hành động, 6 đề án, 48 chỉ thị, 223 kế hoạch).
Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả chủ trương phát triển nhanh các nhóm ngành đột phá, trụ cột về kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao và các dự án động lực thay thế... và đã đạt kết nhiều quả tích cực trên các lĩnh vực. Cụ thể:
Kinh tế - xã hội duy trì ổn định và tăng trưởng khá; GRDP bình quân ước tăng 9,28%/năm, cao hơn mức tăng trưởng bình quân cả nước và khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ; quy mô nền kinh tế tăng nhanh, gấp 1,5 lần so năm 2020, bằng 78,9% mục tiêu đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng nâng cao tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ theo Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy; cơ cấu lại từng ngành, lĩnh vực đạt một số kết quả tích cực bước đầu; ngành nông nghiệp phát triển khá toàn diện; công nghiệp khai khoáng, chế biến, chế tạo, thương mại, dịch vụ phục hồi và tăng trưởng cao; khách du lịch đến tỉnh tăng mạnh, chất lượng dịch vụ nâng lên.
Các tiềm năng, lợi thế, khâu đột phá về năng lượng, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kinh tế biển, du lịch... được tập trung thực hiện và phát huy hiệu quả. Kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư; thu hút đầu tư, cải cách hành chính, cải thiện môi trường được đẩy mạnh; các dự án trọng điểm, động lực được đẩy nhanh tiến độ. Các cơ chế chính sách phục hồi và phát triển kinh tế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh phát huy hiệu quả.
Chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với ứng dụng khoa học-công nghệ, thích ứng với biến đổi khí hậu được tập trung triển khai đạt kết quả tích cực. Ngành nông nghiệp đã có bước phát triển ổn định và khá toàn diện, là bệ đỡ của nền kinh tế, nhất là giai đoạn đại dịch COVID-19. Giá trị sản xuất toàn ngành đến cuối 2023 dự kiến đạt 13.576,5 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,12%/năm, giá trị tăng thêm đạt 5,3%/năm, vượt mục tiêu đề ra (3-4%/năm).
Chủ trương phát triển kinh tế biển trở thành động lực phát triển và xây dựng Ninh Thuận trở thành một trong những địa phương mạnh về biển theo Nghị quyết 17-NQ/TU được tập trung chỉ đạo. Tiềm năng, lợi thế các nhóm ngành kinh tế biển được nhận diện sâu kỹ hơn và khai thác, phát huy hiệu quả; phát triển năng lượng tái tạo ven biển, khai thác và nuôi trồng hải sản đạt kết quả toàn diện; du lịch biển ngày càng phát triển; công nghiệp chế biến tiếp tục phục hồi và tăng trưởng khá; hạ tầng các khu đô thị, khu công nghiệp ven biển đang được đẩy nhanh tiến độ và nâng tỷ lệ lấp đầy. Kết cấu hạ tầng vùng biển và ven biển được quan tâm đầu tư cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển. Tốc độ tăng trưởng bình quân kinh tế biển đạt 12,45%/năm, đóng góp 41,56% vào GRDP của tỉnh (mục tiêu 41-42%).
Chủ trương phát triển công nghiệp trở thành đòn bẩy để phát triển các ngành sản xuất và dịch vụ khác được tập trung triển khai, đạt kết quả tích cực; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt 15,07%/năm (mục tiêu 17-18%); quy mô ngành công nghiệp tăng nhanh, tạo động lực để chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế của tỉnh; giá trị sản xuất năm 2023 ước đạt 13.880,3 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2020, chiếm tỷ trọng 28,18% GRDP và đóng góp 3,01% cho tăng trưởng chung của tỉnh; giải quyết việc làm cho trên 27.300 lao động, tăng 32,6% so với năm 2020, năng suất lao động bình quân tăng 8,45%/năm.
Chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước theo Nghị quyết 20-NQ/TU của Tỉnh ủy đạt kết quả tích cực; tiếp tục khẳng định là động lực cho tăng trưởng kinh tế tỉnh, chiếm tỷ trọng 22,2% GRDP của tỉnh, đóng góp 23,5% tổng thu ngân sách; giải quyết việc làm khoảng 4.150 lao động. Đến cuối năm 2023, có 58 dự án năng lượng hoàn thành đưa vào vận hành với tổng công suất 3.870,2 MW, đạt 59,5% mục tiêu đến năm 2025, tạo ra sản lượng điện trên 7,6 tỷ KWh, tăng 65,2% so với năm 2020, chiếm trên 16,5% tổng công suất các nguồn năng lượng tái tạo cả nước. Hệ thống hạ tầng truyền tải được đầu tư đồng bộ nhằm giảm tải công suất cho các dự án năng lượng tái tạo.
|
Điện gió tại Ninh Thuận. Chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước theo Nghị quyết 20-NQ/TU của Tỉnh ủy đạt kết quả tích cực.
|
Công tác quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn được chú trọng triển khai kịp thời; tỷ lệ phủ kín quy hoạch trên địa bàn các huyện, thành phố được tăng lên, nhất là quy hoạch chung TP. Phan Rang - Tháp Chàm; Khu du lịch trọng điểm quốc gia Ninh Chữ; phân khu phía Nam..
Quan tâm chỉ đạo phát triển thương mại, các loại hình kinh doanh theo hướng văn minh, hiện đại ngày càng phát triển, nhất là thương mại điện tử. Chương trình đưa hàng về nông thôn, miền núi và cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được quan tâm chỉ đạo, đạt kết quả tích cực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bình ổn và quản lý thị trường, bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng khá, năm 2023 ước đạt 37.207 tỷ đồng, tăng 55,7% so năm 2020, tăng trưởng bình quân 15,91%/năm (mục tiêu 15-16%).
Chủ trương phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo hướng toàn diện theo Nghị quyết 04-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các dự án du lịch trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ, nhiều dự án du lịch quy mô lớn, đẳng cấp cao hoàn thành đi vào hoạt động hiệu quả; hình thành một số sản phẩm du lịch có chất lượng cao, độc đáo; cơ sở vật chất ngày càng được nâng cấp và hoàn thiện, chất lượng phục vụ nâng lên. Hoạt động du lịch có bước phát triển vượt bậc, phục hồi nhanh, thu hẹp dần khoảng cách với các tỉnh lân cận. Lượng du khách đến tỉnh tăng nhanh, gấp 2,3 lần so với năm 2020, đạt 77,1% chỉ tiêu; doanh thu du lịch đạt 1.900 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với năm 2020, đạt 65,5% mục tiêu, chiếm tỷ trọng 10% GRDP tỉnh. Đẩy mạnh quy hoạch phát triển du lịch theo hướng xác định rõ khu vực phát triển loại hình du lịch chất lượng cao và du lịch phổ thông.
Kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được quan tâm chỉ đạo và tiếp tục phát triển theo Nghị quyết 19-NQ/TU của Tỉnh ủy; kết cấu hạ tầng được tiếp tục quan tâm đầu tư đồng bộ; giáo dục miền núi không ngừng phát triển, hệ thống trường học các cấp phủ khắp các thôn, xã; đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa; hệ thống y tế cơ bản đáp ứng, các huyện miền núi có bệnh viện đa khoa khu vực, 100% thôn, xã có trạm y tế, bác sỹ, nhân viên y tế. Các chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm y tế được quan tâm triển khai thực hiện; nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hình thành và phát huy. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện, thu nhập tăng lên. Tình hình an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số được giữ vững, ổn định.
Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được quan tâm chỉ đạo theo Nghị quyết 15-NQ/TU của Tỉnh ủy đạt kết quả bước đầu. Đã thu hút nhiều dự án đầu tư động lực quan trọng trên các lĩnh vực năng lượng tái tạo, du lịch, kinh tế biển. Tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Phước Nam, Khu công nghiệp Cà Ná, dự án điện khí LNG Cà Ná giai đoạn 1, khu đô thị Đầm Cà Ná và các dự án du lịch trọng điểm, dự án hạ tầng giao thông kết nối; hoàn thành và đưa vào khai thác chính thức Bến 1A Cảng tổng hợp Cà Ná và đang đẩy nhanh tiến độ Bến 1B; một số dự án công nghiệp đang hoàn tất các thủ tục để kêu gọi, thu hút đầu tư.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội, môi trường có nhiều tiến bộ; chất lượng giáo dục tiếp tục nâng lên. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, nhất là phòng, chống dịch COVID-19. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ kịp thời, đúng đối tượng; giải quyết việc làm và giảm nghèo đạt kết quả tích cực. Kinh tế - xã hội miền núi, vùng dân tộc thiểu số và xây dựng nông thôn mới được cải thiện. Văn hóa, thông tin, truyền thông, thể dục - thể thao chuyển biến tích cực; các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc được bảo tồn và phát huy. Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ gắn với thực tiễn bước đầu ứng dụng vào sản xuất.
Quốc phòng - an ninh được triển khai đạt kết quả; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác nội chính, cải cách tư pháp thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm chỉ đạo, đạt kết quả tích cực. Quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế được mở rộng, vị thế của tỉnh được nâng lên.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tập trung chỉ đạo với tinh thần chủ động, sâu sát, quyết liệt, toàn diện, nhất là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Quyết liệt, kịp thời chỉ đạo cụ thể hóa và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp. Tiếp tục sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên không ngừng nâng lên; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên cơ bản đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ. Hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp không ngừng được nâng lên. Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng được đổi mới, nâng cao hiệu quả. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thực hiện nghiêm túc. Hoạt động của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ngày càng rõ nét; sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Các tầng lớp nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.