Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại Lễ phát động |
Tham dự buổi lễ có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Lê Quốc Phong và đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành; các tổ chức quốc tế; đại diện lãnh đạo 31 tỉnh, thành phố…
Phát biểu khai mạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề có tính liên vùng, xuyên biên giới. Để giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay của các các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và từng người dân Việt Nam trong nỗ lực chung của khu vực và toàn cầu. Vì vậy, tiếp nối các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2018, góp phần giải quyết ô nhiễm nhựa, nilon trên phạm vi toàn cầu cũng như tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” nhằm kêu gọi những hành động thiết thực, thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, bao gồm cả túi nilon khó phân hủy ngay bây giờ.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các cấp, ngành cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, túi nilon đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người; xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tiêu thụ, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đến cộng đồng và người dân. Đồng thời cần tăng cường hợp tác toàn cầu, khu vực, quốc gia và mỗi địa phương cũng như cần các nhà quản lý, phà phân phối và đặc biệt là người tiêu dung thông minh…
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng lãnh đạo các tổ chức chính trị xã hội trao cam kết chống rác thải nhựa |
Báo cáo của Liên hợp quốc cho biết, mỗi năm lượng rác nhựa thải ra đủ để bao quanh Trái đất 4 lần. Mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ, nhưng chỉ có 27% trong số chúng được xử lý và tái chế. Rác thải nhựa rất nhiều nằm lại dưới đáy đại dương, nơi mà chúng sẽ tồn tại nhiều thế kỷ, và trở thành một phần thức ăn đầu độc các loài sinh vật biển. Theo dự báo của các nhà khoa học, khối lượng rác thải nhựa đến năm 2050 ở các đại dương, sẽ nặng hơn khối lượng của cá. Và Việt Nam được xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới.
Đại diện thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra cho biết: Ô nhiễm nhựa ở châu Á là một vấn đề lớn. Trên thực tế, 60% lượng rác thải nhựa thải ra biển có nguồn gốc từ 6 nước ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, để ứng phó với mối quan ngại ngày càng tăng về rác thải nhựa, LHQ tại Việt Nam cùng với đại diện của 25 đại sứ quán và các tổ chức quốc tế đã thực hiện Chiến lược ô nhiễm nhựa và ký quy tắc ứng xử ngăn chặn ô nhiễm rác thải vào ngày 4.6.2018. Đây là thời điểm kêu gọi các hành động tập thể, tất cả chúng ta để đối phó với một trong các thách thức môi trường lớn trong thời đại hiện nay. “Các hành động từ Chính phủ, khối tư nhân, người dân - người sử dụng cần chịu trách nhiệm. Với các chính sách phù hợp, phát triển kinh doanh theo hướng phù hợp, nâng cao nhận thức cho cộng đồng góp phần đưa Việt Nam trở thành nước tiên phong toàn cầu về giải pháp sáng tạo và tổng thể”, Ông Kamal Malhotra nhấn mạnh.
Các đại biểu tham dự Lễ phát động |
Cũng trong khuôn khổ buổi lễ đã diễn ra Lễ ký kết tham gia “Phong trào chống rác thải nhựa” giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Trung ương Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, hiệp hội, doanh nghiệp.